Vài nét về tác giả:
Tác giả Triệu Hoàng Giang, dân tộc Dao, sinh năm 1989, quê tại thôn Phiêng Lằm, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Anh là hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn và Hội VHNT các DTTS Việt Nam.
Sách đã xuất bản: tập truyện thiếu nhi Chim đón dâu (NXB Kim Đồng, 2009); Nghiệp rừng (NXB Văn học, 2020)
Giải thưởng: Giải B – Giải Truyện ngắn, thơ, ca khúc Bắc Kạn lần II
Bếp lửa
Truyện ngắn của TRIỆU HOÀNG GIANG
Mấy hôm nay, So Luồng đâu đâu cũng vang tiếng kêu éc éc của những con lợn Tết, tiếng nhạc phát ra những chiếc loa kêu to hơn cả tiếng súng săn ngày trước. So Luồng năm nay trời thật lạ, phải mất ba lần những cơn gió lạnh nhất từ Phja Đén về thăm bản, thì mới cho những tia nắng mới chịu về cùng mọi người chuẩn bị Tết. Kim Sân đang cắt giấy đỏ dán trước cửa nhà, mấy lần giật mình làm đường kéo không thẳng như ý, chốc chốc ông nhìn về phía xa như đang ngóng ai về. Đã ba mươi tết, trong nhà cũng đã đủ người? Kim Sân đang chờ cái gì không ai biết nhưng đã mấy hôm nay, ông vẫn hướng về phía những ngọn đồi chờ điều gì ở đó.
Khi ánh nắng dần đi đến cửa từng nhà trong bản và những đám sương đã lấy đủ nước vội vã bay lên trời nhường lại cho So Luồng sắc xanh mới của những khu rừng. Xa xa, màu trắng của hoa mận trên khắp các triền đồi, điểm thêm sắc hồng của hoa đào. Bất chợt, Kim Sân nghiêng tai lắng nghe, có tiếng rất nhỏ phát ra từ trên đồi mận, rõ dần, rõ dần… Tay vẫn cầm chiếc kéo, Kim Sân chạy nhanh lên hướng đó, chẳng bận tâm đến đôi giày vẫn chưa kịp xỏ, thằng cháu nội mới năm tuổi thấy lạ cũng chạy theo. Người ở xa nhìn thấy tưởng Kim Sân chơi trò đuổi bắt với cháu, mấy thăng bé đang chơi khăng dưới ruộng cũng tò mò đi theo sau nhưng cách một quãng xa.
Đến khu đồi, ông ra hiệu cho cháu dừng lại, đôi tay vén cành cây đang điểm mấy chồi xanh rồi bước nhẹ qua những gốc mơ rụng trắng hoa. Kia rồi! Đàn chim đón dâu nhỏ xíu như nắm tay trẻ con đủ sắc đỏ, xanh, vàng… đang bay lượn khắp triền đồi đồi. Tiếng líu lo vui tươi báo hiệu mùa Xuân đã thực sự đến, khuôn mặt Kim Sân giãn ra hết cỡ, đôi mắt long lanh như những lần đầu đi chơi hội. Ông đứng lặng nhìn đàn chim nô đùa, hoa mận nở trắng bung như làm nền cho những con chim nhỏ bằng quả chanh đủ màu xanh đỏ, vàng. Đám trẻ nhìn thấy đàn chim đầy màu sắc không nhịn được những tiếng oa oa ngạc nhiên. Đã mấy ngày nay, những tiếng nhạc xập xình, tiếng giã bánh hay những sắc màu của hoa lá chưa đủ, với Kim Sân những chú chim đón dâu mới là điều ông đợi mỗi khi mùa Xuân đến. Thấy ông im lặng, thằng cháu cũng nhẹ nhàng ngồi xuống bãi cỏ nhìn theo những chú chim chuyền cành mãi đến khi đàn chim bay về phía cuối bản, phía đó cũng có tiếng người reo vui: chim đón dâu kìa, chim đón dâu về rồi kìa.
So Luồng, mùa Xuân đã thực sự về.
Chiều ba mươi Tết, khắp các nhà đều đang chuẩn bị những món ăn cho bữa tất niên, Kim Sân vẫn đang cùng cháu cắt giấy dán khắp các đồ vật trong nhà.
– Ông ơi! Sao phải dán giấy xanh đỏ vào tất cả đồ vật trong nhà thế ạ?
– Để mọi vật đều được đón Tết cùng con người cháu ạ.
– Lát nữa ông cắt giấy cho cháu dán vào chiếc xe đạp của cháu nữa nhé.
– Ừ!
Thằng cháu thi thoảng lại chạy đi khoe với mẹ tờ giấy mới cắt xong. Bên kia, tiếng nhạc vẫn vọng đều vào vách núi, mấy năm nay có điện, nhà nào ở So Luồng cũng sắm đầy đủ những tivi, loa… các thể loại nhạc vàng, nhạc đỏ mở hết công suất. Trong nhà Kim Sân những bước chân càng vội hơn, tiếng cười nói đã át những âm thanh ở đằng xa. Trời đã gần tối, lũ gà vẫn lên chuồng như chẳng có tết vậy, mấy lần bà giục đi tắm nhưng ông vẫn cố đi lại xung quanh nhà để xem đã dán giấy đỏ hết chưa. Khắp chuồng gà, chuồng lợn, cái cối, cái chum… đều phải có giấy đỏ để cùng chủ nhà đón tết chứ.
– Ông ơi con Vài Đông (tên con trâu) vẫn chưa có giấy xanh đỏ ông ạ, lúc sáng cháu với bà mang cỏ lên cho thấy nó vui lắm. Chắc nó cũng biết Tết đến ông ạ.
– Ừ nhỉ, cháu cầm giấy để ông cõng lên chuồng trâu dán giấy nhé.
– Vâng.
Nồi nước đun từ lá thơm đã được bà chuẩn bị từ trước, năm nào ba mươi tết ông cũng giữ nếp này. Người thơm từ nhiên mọi sự may mắn, an lành cũng sẽ đền. Bữa cơm hôm nay đầy đủ các con cháu trong nhà khiến Kim Sân như ăn được nhiều hơn thường lệ. Bếp lửa bập bùng lan hơi ấm đến từng ngách nhỏ trong căn nhà, ánh lửa chiếu đến chiếc trống nêm để ngay ngắn dưới chân bàn thờ. Nhìn về hướng ấy, bất giác Kim Sân thở dài:
– Có nên lên hay không nhỉ?
– Sao hả ông?
Thằng cháu hỏi lại nhưng không nhân được câu trả lời, những lời vui lại át hết tiếng thở dài nhè nhẹ của Kim Sân, ông nhìn về phía xa xa, nơi ánh điện đã chiếu sáng khắp bản, Ước gì nó chiêu sáng hơn nữa để ông nhìn rõ khuôn mặt ấy xem đôi mắt có hướng về phía này hay không?
…
– Kim Sân à! Đã rèn lại con dao xong chưa?
– Chết! Chết! Sao lại quên được nhỉ? Để mai nhé, hôm nay muộn quá rồi.
– Thôi! Để tao mang về mài dùng tạm vậy. Vẫn còn dùng được.
– Ở lại chơi đã Tiến Quan ơi.
– Thôi, ở lại không được đâu.
Chẳng biết tại sao từ hôm ấy chẳng thấy Tiến Quan đến nhà chơi nữa. Đã nhiều lần Kim Sân muốn lên nói với Tiến Quan, tôi không quên con dao của ông đâu, bây giờ già rồi, ngày sửa được mấy con dao, đập mấy nhát búa là mỏi tay rồi, không còn nhanh như trước nữa. Mấy lần định bước chân đến nói mấy lời nhưng cái đầu lại nghĩ không thông, lại quay về…
Tối ba mươi Tết rồi, như mọi năm là Kim Sân đã chuẩn bị cái trống nêm sẵn sàng đợi có tiếng thử Kèn vang vang là lên. Nhưng năm nay đợi mãi chẳng nghe thấy.
– Chắc tiếng nhạc to quá không nghe rõ, hoặc là dạo này mình nặng tai rồi…
Ăn cơm xong, cả nhà đều ngồi lại bên bếp lửa, cái lạnh từ bên ngoài len qua những kẽ ván cuốn vào chân người lạnh buốt. Kim Sân nhìn cái trống, bất chợt ngay bên cạnh có người chen vào.
– Nào nào cho tôi ngồi xin cái ghế nào.
Tiến Quan vừa từ ngoài vào đã tìm ghế ngồi bên cạnh ông, thấy người bạn già, Kim Sân hơi giật mình nhưng cũng cẩn thận rót nước chè nóng hổi đưa cho.
– Đang định lên bây giờ, nhưng…
– Tôi đã thổi vài “Dạt” ngắn nhưng chẳng thấy ai lên cả.
– Dạo này không thấy ông xuống chơi nên tôi cứ tưởng…
– Không không, đừng nghĩ xấu thế, dạo này có việc thật.
– Thằng Minh vào đây, mang cái Chũm Chọe vào đây luôn, tao dạy mày gần tháng nay là để cho ngày hôm nay đấy…
– Đấy, cả tháng nay tôi cố gắng vừa tập Kèn, vừa dạy thằng cháu gõ Chũm chọe, nó thích lắm, năm nay sẽ không còn thiếu người nữa…
– Nào nhấp chén rượu lấy hơi nào…
– Tò… Tò… tò tò te…
Tiếng Kèn vang lên sau tiếng trống, rồi tiếng chũm chọe chưa kịp bắt nhịp. Kim Sân liếc nhìn người bạn già đang đẩy từng hơi vào chiếc Kèn đồng rồi nhìn đôi tay chắc khỏe của người trẻ đang nhìn sang tay gõ trống của ông. Hai người già trẻ chỉ gật đầu nhẹ để cùng lấy lại nhịp…
Bên bếp lửa, chẳng ai bảo ai, tất cả đều nhìn về hướng ba người một cách chăm chú và im lặng. Chưa hết một hồi Kèn, âm thanh từ những chiếc loa đã bắt đầu tắt dần từ nhà gần rồi đến nhà xa. Người So Luồng im lặng, gió trên đỉnh Đin Ba len qua gốc cây tiến về phía bản nhỏ, nó chỉ ghé qua nhà Kim Sân rồi mang tiếng Kèn, Chũm chọe và tiếng trống nêm đi khắp So Luồng.
– Có tiềng thổi kèn đấy.
– Cả tiếng đánh trống chắc ở nhà Kim Sân rồi.
– Hình như có tiếng chũm chọe nữa nên nghe vui hơn năm ngoái.
Khắp các nhà ở So Luồng đều nghe tiếng kèn, tiếng trống, những tiếng loa, ti vi đều đã tự ngắt từ lúc nào. Nhiều bó đuốc, đèn pin hướng về căn nhà nhỏ trên triền đồi. Đêm nay, khuôn mặt Kim Sân vui lắm, ánh lửa rất sáng nhưng chẳng nhìn thấy nếp nhăn nào, ông nhảy xung quanh bếp lửa như đứa trẻ. Dần dà, đã nhiều người hơn kéo về nhà ông, người đứng dựa cột nhà nghe, người ngồi lên những bao thóc trầm tư nhìn về phía bếp lửa, bên ngoài sân nhà cũng đã trật, có người đứng ở đằng sau nhà nghe mặc những cơn gió lạnh áp vào mặt. Sau một “Dát” Tiến Quan lại nhấp ngụm rượu để lấy lại sức, tranh thủ lúc ấy, đám thanh niên xin thử thổi một hồi kèn, xin đánh thử trống, chốc chốc lại có tiếng cười vang. Đêm ấy Tiến Quan thổi nhiều bài lắm: mùa xuân về, mừng tết mới,..
Tết So Luồng năm nay có lẽ sẽ to hơn cả những năm trước.
… Đêm khuya lạnh.
Đám đông đã vãn đi, chỉ còn hai người già ngồi bên bếp lửa, những câu chuyện ngày xưa lại ùa về trong những lời nói của hai người bạn già. Bên ngoài những con gió lạnh thổi từ rừng Phja Đén về lạnh hơn, buốt hơn. Trong không khí giao thừa ấy những câu chuyện về ngày trước lại về. Ngày ấy, So Luồng có thầy cúng giỏi nhất vùng, người thổi kèn nổi khắp nơi. Đám cưới, đám ma, lễ cấp sắc… So Luồng đều có đùi lợn mang về, tuy không phải ai cũng được ăn đùi lợn nhưng người trong bản vẫn tự hào vì không thua kém ai, đi chợ phiên cũng có chuyện để nói. Thầy Văn Sênh mất cũng là lúc người So Luồng giật mình không còn Thầy nào nữa, lễ mời tổ tiên về ăn tết cũng phải sang bản khác tìm, lễ giải hạn đầu năm cũng phải nói khó với người ta từ tháng trước. Những cuốn sách của thầy Văn Sênh giờ cũng để yên trong thùng gỗ. Kim Sân cũng đã già,tay trống đã không còn khỏe, Tiến Quan cũng vậy hơi thổi kèn không còn được dài như trước, đám cưới trong bản cũng không thấy ai gọi nữa. Bây giờ chỉ còn tiếng loa xập xình, tiếng hát nhức tai. Người già nặng tai vẫn thấy khó chịu, người trẻ chắc tai nặng hơn, cứ thấy nhạc to lại từ đâu xa cũng thấy chạy về hò hét. So Luồng giờ đi chợ phiên cũng chỉ nói chuyện làm ăn, chuyện uống rượu, chén rượu mời nhau chẳng vui được bao lâu lại có tiếng chửi nhau, đánh nhau. Con người nghe nhiều âm thanh mạnh, làm gì cũng mạnh, cũng ồn ào….
– Ò ó o o!
Tiếng gà gáy khắp bản cắt đi dòng hồi tưởng của hai người già.
– Không biết năm nay gà nhào nào gáy sớm nhất đây nhỉ? Hình như ở hướng nhà ông đấy, Tiến Quan ạ.
– Chưa qua ba mươi đã gáy rồi nhỉ?
– Ừ! Bây giờ điện sáng trưng thế này đến gà cũng không phân biệt được trời sáng hay không?
– Năm nay gà gáy nhà ông trước nhất là tốt lắm.
– Không biết có phải không, nhưng mong ai cũng có năm mới tốt cả, Kim Sân nhỉ?
– Ừ! Mong chúng ta cùng nhau khỏe mạnh.
– Tao về nhé, mai lên nhà sớm nhé, không được lên muộn như năm ngoái đâu.
– Ừ! Phải lên chứ.
Tiễn người bạn ra về, Kim Sân thắp thêm nén hương rồi lấy miếng gỗ nghiến cho vào bếp lửa để lấy than. Chỉ một chốc nữa đến giao thừa, tiếng hát trên tivi đã dừng lại, Kim Sân gọi mọi người thức dậy.
Mười… chín… tám… bảy…
Kim Sân đội mũ, gắp lấy than nghiến đỏ rực đưa lên bàn thờ rồi bẻ ít vỏ cây thơm cho vào. Đôi mắt hướng về gian bàn thờ được dán giấy xanh đỏ lầm rầm khấn vái… tay ông nắm chặt lại,
Bên ngoài, gió lạnh vẫn đang thồi đều đều… hương thơm từ vỏ cây rừng quyện lại rồi tỏa khắp ngôi nhà. Các con, cháu đã đứng đằng sau ông từ lúc nào…