Tiểu Mai
Chỉ trong quý I năm 2025, Phạm Thị Hồng Thu đã cho ra mắt hai tập thơ mang tên “Thị à thị ơi” và “Vịn câu thơ”, mở ra không gian nội tâm đa sắc màu – uất ức, giận dữ, tuyệt vọng nhưng cũng đầy sự vị tha, ấm áp, bình yên và thanh thản.
Yêu thơ bằng cả trái tim, Phạm Thị Hồng Thu đã biến đam mê của mình thành công cụ sang trọng để bày tỏ nỗi lòng, đồng thời khích lệ phụ nữ vượt qua mọi rào cản để chạm tới cuộc sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
Ấn tượng mạnh mẽ ban đầu về thơ Phạm Thị Hồng Thu là sự độc đáo trong cách chị chọn lọc ngôn từ:
“…Giọt giọt lòng bào xát tiếc nuối, chua chát/ Giọt trăng cứ thánh thót/ Thánh thót” – Trăng thánh thót thánh thót – (Thị à thị ơi).
Không ví von, cũng chẳng ẩn ý, thế mà hai chữ “giọt trăng” cứ xoáy sâu vào tâm can người đọc, và ai cũng ngầm hiểu giọt trăng ấy chính là giọt buồn của người đàn bà khi đối mặt với những chìm nổi, đắng cay, thăng trầm của số phận.
Bài thơ vỏn vẹn 5 dòng và rất kiệm chữ lại mang đến cảm giác mênh mang vô tận. Vừa vô tình, vừa cố ý, trăng bỗng nhiên trở thành không gian để tác giả cũng như độc giả thể hiện cảm xúc trước những biến đổi của nhân gian, nơi truyền tải nỗi nhớ, sự tiếc nuối và khát vọng trong cuộc sống.
“Thị giản đơn, khờ khạo, cũ rích/ Thời đại phây búc lên ngôi/ Cái đẹp thịnh hành/ Cái nết ngậm ngùi, cay đắng, xót xa/ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.” – Xưa như trái đất – (Thị à thị ơi).
“…Chấm dứt chuỗi ngày cố gắng vô vọng/ Ngậm đắng nuốt cay/ Chân trời có hừng đông?” – Áp lực người nối dõi quất vào đời thị – (Thị à thị ơi).
“…Đến một ngày không thể, đành phải chấp nhận đớn đau/ Chợt hiểu ra phía trước là bình minh/ Chất lượng cuộc sống mới là điều đáng sống.” – Rất sợ ly hôn – (Thị à thị ơi).
“Gió thổn thức hay cây thổn thức/ Hay tim ta thổn thức/ mà dập dờn, nhói buốt…” – Tiếng gió – (Vịn câu thơ).
Những nỗi niềm rất đàn bà và những áp lực khi phải chịu ảnh hưởng của phong tục xã hội, những hạn chế không thể tránh khỏi của thời đại đều được Phạm Thị Hồng Thu khéo léo đan cài trong thơ. Cũng là than thở, cũng là băn khoăn, nhưng kỳ lạ! Thơ chị không tạo ra năng lượng mỏi mệt; nó nhẹ nhõm, bình thản và dường như gợi mở niềm hy vọng bé xíu nhưng mạnh mẽ. Ngay cả một tiếng gió cũng tượng trưng cho sự trôi chảy của thời gian và sự thay đổi của các mùa, thể hiện sự vô thường của cuộc sống và tính phù du của cảm xúc.
Thơ Phạm Thị Hồng Thu vừa hoài niệm quá khứ vừa khao khát về viễn cảnh tươi sáng hơn cho tương lai. Nó khuyến khích mọi người trân trọng số phận trước mắt, dũng cảm theo đuổi những cảm xúc chân thành, duy trì niềm tin và khát khao về một tương lai tốt đẹp hơn ngay cả khi phải đối mặt với những thử thách trong cuộc sống.
“Bao mảnh đời khó khăn/ Thị luôn giúp đỡ/ Thương lắm, tiếc mình không đủ lực.” – Tằn tiện với bản thân – (Thị à thị ơi).
“Bốn mùa vịn vào nhau giao hòa/ Vạn vật vịn vào đất trời tồn tại/ Con người vịn vào nhau sinh sôi…” – Vịn – (Vịn câu thơ).
Tình người, nghĩa đời cũng được phản ánh rõ nét trong thơ Phạm Thị Hồng Thu. Thương thân bao nhiêu, chị càng thương người bấy nhiêu. Bởi vậy mà mỗi cuộc gặp gỡ và sự sẻ chia đều trở nên kỳ diệu. Hồn thơ của chị vừa có ý nghĩa khai sáng quan trọng vừa mang giá trị đương đại.
Điều quan trọng nhất mà một người phụ nữ nên học trong cuộc đời mình không phải là kiếm tiền hay ăn mặc đẹp, mà là có khả năng làm cho bản thân mình hạnh phúc bất kể khó khăn có lớn đến đâu.
Nói cách khác, hạnh phúc không phụ thuộc vào sự giàu có vật chất bên ngoài hay vẻ đẹp bên ngoài; nó xuất phát từ sự giàu có trong trái tim chúng ta và thái độ lạc quan, tích cực đối với cuộc sống.

Chỉ những ai hiểu được sự phức tạp và tầm thường của cuộc sống, đã nếm trải những thăng trầm của cuộc sống và có thể tìm thấy niềm vui trong những đau khổ của cuộc sống thì mới xứng đáng có được hạnh phúc thực sự. Phạm Thị Hồng Thu mang hơi thở cuộc sống vào thơ và chắt lọc ra những bài học quý giá gửi đến bạn đọc.
Chị từng tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn và là một giáo viên dạy Văn THCS ở Hà Nội. Sau khi nghỉ hưu chị mới làm thơ và gần đây chị sáng tác nhiều hơn. Nhà Lý luận – Phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên băn khoăn rằng “Liệu có phải vì sự tác động từ những biến cố chủ quan và khách quan khác nhau, nên đã khiến chị viết nhiều hơn chăng?”.
Dường như băn khoăn ấy cũng là câu trả lời chung cho nhiều người cầm bút. Hiện thực cuộc sống luôn là kho báu chất liệu để họ mang vào văn chương, thi ca. Nghệ thuật nói chung, thi ca nói riêng luôn mang đến sự truyền tải mạnh mẽ về niềm tin và khát khao vẻ đẹp cuộc sống. Thơ Phạm Thị Hồng Thu cũng vậy. Từng câu, từng chữ của chị đều truyền đi thông điệp, rằng: chỉ khi chúng ta học cách trân trọng từng vụn vặt đẹp đẽ trong cuộc sống, từng ngọn cỏ hay từng khoảng thời gian bình thường với một tâm hồn sáng trong và thuần khiết, thì chúng ta mới có được hạnh phúc trọn vẹn.