Bài, ảnh: Bàn Minh Đoàn
Tháng 5 năm 1972, Đoàn Đức Chính cùng hàng trăm thanh niên hăng hái lên đường tòng quân đi đánh Mỹ cứu nước. Thay bộ quần áo trắng học trò, mặc trên mình bộ quân phục màu xanh lá, thấy chững trạc, tự hào hơn. Anh được đơn vị chọn vào binh chủng bộ đội Đặc công, đứng trong hàng quân đeo chiếc bao lô con cóc, đầu đội mũ gắn ngôi sao vàng lấp lánh, trên ve áo cài quân hàm đỏ tươi, áo quần chỉnh tề; ngoái lại chào mẹ cha, bạn bè, quê hương và lên xe cùng đoàn quân thẳng tiến hướng Đồng Sương (Miếu Môn), Lương Sơn, Hòa Bình.
Sau năm tháng huấn luyện, tháng 12/1972, anh cùng đồng đội đi B vào Nam nhận nhiệm vụ mới, 4 tháng hành quân bộ vào thẳng H5 EA Sup (Tây Nguyên), biên chế vào đơn vị 401 Đặc công và di chuyển đến H4 Buôn zun làm cứ điểm. Những tháng năm đó anh cùng đơn vị liên tục lập công tiêu diệt các cứ điểm của địch, gây hoang mang suy sụp tinh thần địch, trong 08 năm từ 1967 đến năm 1975. Do nhu cầu nhiệm vụ mới, Tiểu đoàn Đặc công 401 giải thể, nhưng Tiểu đoàn đã chiến đấu lập nên 128 trận chiến thắng lớn nhỏ (trong đó có 28 trận được tổ chức đánh quy mô lớn), tiêu diệt và làm bị thương trên 2140 tên địch (trong đó có 85 lính Mỹ), diệt gọn 9 trung đội, 01 đại đội, đánh thiệt hại 04 Tiểu đoàn, 05 Sở chỉ huy Tiểu đoàn, 01 Sở chỉ huy Trung đoàn, thiệt hại 04 Chi khu quận lỵ, 01 tỉnh lỵ phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh quan trọng của kẻ địch… Với những chiến công đó, Tiểu đoàn Đặc công 401 vinh dự được quân khu 05, Bộ chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên, Ủy ban Mặt trận giải phóng miền Trung trung bộ và tỉnh Đắk Lắk tặng nhiều cờ thi đua, huân, huy chương các loại; 135 chiến sỹ của Tiểu đoàn được tặng huân chương chiến công giải phóng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Tự hào hơn, Tiểu đoàn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Cuối năm 1975, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, anh mới được trở ra Bắc
Trở về đời thường sau chiến tranh, đối mặt không ít khó khăn, nhưng thương binh Đoàn Đức Chính tổ 14, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang, luôn phát huy lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn, nhưng không phế”.
Ở tuổi ngoài 70, thương binh ¼ loại A mất 85% thương tật, Đoàn Đức Chính hàng ngày vẫn cưỡi chiếc xe máy Dream cũ vèo vèo với một tay giả, một tay cụt ba ngón giữa, để đi làm thêm. Với anh, còn sức khỏe, còn được làm việc là hạnh phúc lắm, vừa khỏe người, lại nhanh nhẹn tháo vát, tinh thần sảng khoái, vừa có thu nhập thêm thắt cho gia đình, làm gương cho con cháu học tập noi theo. Những tháng năm trên chiến trường hoa lửa tại các mặt trận ở sông Nước Đục, Cầu Ea, Buôn Hang 2… là các trận đánh để đời, phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Trận ấy, đơn vị đã hy sinh 3 đồng chí, một đồng chí ở Tuyên Quang, một đồng chí ở Thanh Hóa, một đồng chí ở Hà Tây. Nhấp một ngụm nước, đôi mắt đỏ hoe, anh tiếp lời: nhưng cũng rất tự hào với người chiến sĩ Đặc công của tuổi đôi mươi, đơn vị đã tiêu diệt nhiều cứ điểm Sở chỉ huy Tiểu đoàn địch. Bị tiêu hao binh lực, địch càng điên cuồng, nã pháo bừa bãi suốt ngày đêm. Để làm cho địch rối loạn tinh thần, đơn vị liên tiếp tổ chức đánh mạnh vào các cứ điểm ở Hồ Lắc, Đồi Đá (Buôn Ma Thuột). Trận Hồ Lắc là trận ác liệt gấp bội lần, quân địch tập trung hỏa lực pháo 105 mm trút đạn xối xả như mưa dội xuống trận địa, cày xới tung từng thớ đất, khói lửa mù mịt cả khoảng trời. Chúng điên loạn vì những trận trước bị đơn vị đánh nhiều cứ điểm quan trọng, loại khỏi vòng chiến đấu nên điên cuồng nã pháo bừa bãi hòng phá hủy, tiêu diệt đơn vị Đặc công. Bỗng một quả đạn pháo thình lình bay tới nổ tung, mảnh pháo chặt phăng cánh tay phải của anh, phá nát lòng bàn tay trái, cơ thể anh găm đầy mảnh pháo, ngất đi, tưởng đã hy sinh, máu thẫm sũng trang phục của binh chủng Đặc công. Lúc tỉnh dậy, anh thấy toàn thân băng bó kín, dây chuyền chằng chịt. Về sau, nghe đồng chí quân y kể lại, anh được du kích địa phương và tổ Đặc công tìm thấy nằm vùi trong đống đổ nát, rồi chuyển anh về điều trị ở bệnh viện dã chiến.
Tháng 10 năm 1975, anh được chuyển ra Bắc, về Trạm điều dưỡng 222 do Bộ Thương Binh tiếp nhận quản lý. Năm 1976, anh được chuyển sang Trạm điều dưỡng 231 tại Lập Thạch, Vĩnh Phú. Tại đây, anh gặp được chị Nguyễn Thị Hòa, một quân nhân chuyên nghiệp phục vụ thương bệnh binh ở Trạm điều dưỡng, và bén duyên với chị. Chị Hòa chia sẻ, “được đơn vị phân công chăm sóc những thương binh nặng trong đó có anh Đoàn Đức Chính, ngày đầu nhìn thấy những vết thương của anh rất ái ngại, tay cụt, cơ thể đầy thương tích. Thế mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người chiến sỹ may mắn sống sót từ mặt trận trở về, họ đã phải hy sinh cả tuổi thanh xuân, cả máu xương và bỏ lại một phần cơ thể ngoài mặt trận…”. Mỗi khi chăm sóc anh, nhìn cơ thể anh chằng chịt vết sẹo, tay phải cụt, bàn tay trái chỉ còn hai ngón nhìn mà chị đau xé lòng, nước mắt chỉ trực trào ra. Chị muốn bù đắp một phần cơ thể cho anh, muốn trao trọn mọi tình cảm cho anh. Nhờ những người như anh xông pha ngoài trận mạc mới có được cuộc sống yên bình như hôm nay, nên anh xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Là người hậu phương như chị, chị phải làm gì đó để bù đắp, đóng góp chút công sức và tinh thần cho anh. Nghĩ sao làm vậy, chị đã mang lòng thương yêu anh, nguyện chăm sóc phục vụ bù đắp cho anh suốt cuộc đời còn lại. Một lần bón cháo cho anh ăn, thấy sắc mặt anh buồn rười rượi, chị chủ động chia sẻ những tình cảm thật lòng với anh (“anh ơi, em thương anh và… yêu anh lắm…”). Lúc đó, sắc mặt anh thay đổi, giương đôi mắt lên ngạc nhiên đau đáu nhìn chị, xúc động chớp chớp đôi mắt chẳng nói lên lời… Rồi anh dang rộng cánh tay ôm chầm lấy chị, khóc nấc lên thành tiếng như một đứa trẻ. Chị cũng xúc động. Hai người ôm ghì chặt nhau, nước mắt cứ vậy chan đầy hai má ửng hồng chín mọng càng làm cho khuôn mặt trái xoan của chị xinh đẹp hơn.
Năm 1978, đơn vị đã tổ chức lễ thành hôn cho anh chị, lễ cưới lúc bấy giờ chỉ có bánh, kẹo, thuốc lá Nhị Thanh, thuốc lá cuộn Lạng Sơn và toàn thể các đồng chí cán bộ, thương binh trong trạm điều dưỡng; đơn giản nhưng chan chứa nhiều tình yêu thương. Sau lễ cưới, chị di chuyển về Gò Gai – Phú Thọ để tiếp tục Điều dưỡng, bây giờ là Trung tâm điều dưỡng Người có công tỉnh Phú Thọ. Có chị Hòa bên cạnh là nguồn động viên vô cùng to lớn. Năm 1979, chị đã sinh cho anh một bé trai kháu khỉnh. Cháu tên là Đoàn Quang Trung. Anh chia sẻ, “đời tôi lúc đó vui lắm, tôi đã khóc, khóc vì sung sướng, khóc vì hạnh phúc, không nghĩ mình cụt hết tay thế này, cơ thể đầy thương tích, lại nhiễm chất độc dioxin (da cam) vậy mà vẫn có người yêu thương mình và được làm cha. Giờ thì sao? Giờ thì lại càng hạnh phúc, các cháu đã lớn, đã lập gia đình, có công ăn việc làm ổn định cuộc sống…”. Anh ngưng giây lát, đôi mắt đỏ hoe chớp chớp, rơm rớm giọt lệ lăn trên hai má…
Năm 1981, anh chị lại đón thêm cháu Đoàn Mạnh Cường, niềm vui như được nhân đôi. Hai con là tài sản vô giá, là nguồn động viên vô cùng to lớn, là sợi dây gắn kết tình yêu thương của gia đình, là tinh thần lạc quan yêu đời để anh vượt qua mọi khó khăn. Ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ “Thương binh, tàn nhưng không phế”, anh bắt đầu tìm kiếm việc làm để có ích cho quãng đời còn lại, say sưa tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu và đam mê sửa chữa đồ điện. Lúc bấy giờ, nghề điện bắt đầu phổ biến nhưng khoa học công nghệ chưa phát triển, anh đã tận dụng những củ điện hỏng bị ném trong đống sắt vụn của đơn vị. Với bản lĩnh vững vàng cùng với tính cần cù chịu khó, thông minh, kiên trì, đam mê học hỏi từ thầy, từ bạn bè và những người có kinh nghiệm đi trước, dần dà anh học được nghề sửa chữa điện tử, điện lạnh. Ban đầu chỉ khắc phục được những củ mô tơ điện hỏng vứt lăn lóc sửa thành quạt, rồi phục chế điện thắp sáng và trở thành người thợ sửa chữa giỏi đồ điện, điện lạnh từ lúc nào không hay.
Thời gian trong quân ngũ, ở nơi đầu sóng ngọn gió, đã tôi luyện cho anh ý chí, nghị lực kiên cường, vươn lên vượt qua khó khăn, gian khổ. Năm 1990, anh được gia đình đón về địa phương tại thị xã Tuyên Quang nuôi dưỡng.
Rời Trạm điều dưỡng, hành trang mang theo là chiếc bao lô bạc màu, thân thể đầy thương tích, đôi tay cụt, trong đó có một tay giả, một tay mất ba ngón giữa và ký ức tự hào về hình ảnh người chiến sĩ Đặc công 401, những trận đánh ác liệt ở chiến trường Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột. Trở về quê hương, mặc dù mang trong mình nỗi đau do thương tích của chiến tranh để lại, sức khỏe hạn chế nhưng anh vẫn hăng say lao động, sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Không chịu khuất phục trước khó khăn, mặc dù mất cả 2 tay, anh vẫn thao tác sửa chữa những cỗ máy hoen dỉ ném lăn lóc trong xó rất nhanh và chuyên nghiệp. Thoáng chốc, cỗ máy đã cựa mình chạy rào rào. Anh bảo, hàng tháng được nhà nước chi trả phụ cấp thương tật, chất độc hóa học dioxin (da cam), ngoài ra còn đi sửa chữa các đồ điện dân dụng tháng kiếm thêm 7 đến 8 triệu đồng. Mỗi khi vệ sinh xong một cái điều hòa, anh thu của khách 150.000 nghìn đồng, trong khi các thợ khác chặt đẹp 250.000 đến 300.000 nghìn đồng. Cái nào hỏng nhẹ, anh sửa giúp chứ không lấy tiền, gia đình khó khăn thì làm giúp người ta.
Từng đương đầu với sóng gió trên vùng Tây Nguyên, từng đứng giữa trận mạc của sự sống và cái chết, thương binh Đoàn Đức Chính luôn trân quý cuộc sống. Để tri ân những người đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc, hàng năm, cứ vào dịp 27 – 7 và lễ tết, anh tích cực hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, đến thăm hỏi các mẹ, vợ đồng đội hy sinh ngoài trận mạc, tặng quà, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa… Anh chia sẻ: “Tôi lúc nào cũng đau đáu một tâm niệm là mình còn may mắn hơn, được về quê hương là quá hạnh phúc, nên năng đến thăm hỏi các mẹ, vợ của đồng đội, động viên tinh thần là điều nên làm. Bên cạnh đó, tôi ước muốn được đi tìm lại những người đồng đội năm xưa còn nằm lại chiến trường nơi đất khách, rừng sâu núi thẳm lạnh lẽo. Rồi mong muốn được cùng đồng đội trở lại thăm nơi đã từng sống và chiến đấu”.
Anh Nguyễn Kim Sơn, sinh hoạt cùng Chi hội Cựu chiến binh tổ 14 chia sẻ; “Anh Đoàn Đức Chính là người anh của chúng tôi. Anh luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động xã hội. Mỗi khi tổ dân phố có việc là anh có mặt, trong những buổi lao động công ích anh rất nhiệt tình, giúp đỡ đồng đội Cựu chiến binh và bà con tổ dân phố. Ai có việc cần nhờ trong khả năng của anh thì anh làm đến nơi đến chốn, như quạt điện, nồi cơm điện, điều hòa, máy lọc nước, tủ lạnh… Sống có tình làng nghĩa xóm, hòa mình với mọi người và trong gia đình, anh luôn là một người chồng người cha kiểu mẫu”.
Đồng chí Mai Văn Sự, Chi hội trưởng, Hội Cựu chiến binh tổ 14, Phan Thiết nhận xét: “Đồng chí Đoàn Đức Chính là một người chiến sỹ, một Cựu chiến binh, thương binh hạng nặng, nhưng luôn hết lòng giúp đỡ đồng đội, mỗi khi tổ dân phố có công việc lao động, đồng chí rất tích cực tham gia đóng góp đều đặn, những buổi lao động làm vệ sinh sạch đẹp đường phố, cùng Cựu chiến binh tuyên truyền những việc tốt, truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ cho con cháu. Sống giản dị chan hòa với hàng xóm láng giềng, được mọi người thương yêu quý trọng. Là một thương binh nặng nhưng đồng chí không chịu khuất phục trước nghịch cảnh mà đã vững vàng vượt qua khó khăn để trở thành một tấm gương tiêu biểu xứng đáng để người khác học tập.”
Trở về sau cuộc chiến, dù những cơn đau vẫn đeo đẳng nhưng thương binh Đoàn Đức Chính luôn rèn luyện, phấn đấu để xứng đáng với phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Anh khoe, năm vừa qua được mời đến Văn phòng Chủ tịch nước tham quan và được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà (một bộ ấm chén khắc chữ “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng”) và biểu dương. “Thương binh, tàn nhưng không phế”, thương binh Đoàn Đức Chính thật sự là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập và noi theo.