Thủy Hương
(Theo chuyên đề Công an Tp. HCM)
Trong lần thứ tư xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) và Nghệ nhân Nhân dân (NNND) trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể trên toàn quốc, Hà Nội lại một lần nữa là địa phương không tránh khỏi tình trạng khiếu kiện, đặt ra nghi vấn về sự minh bạch trong quá trình xét duyệt.
Theo đơn khiếu nại của NNƯT Trần Thị Liễu (tức Trần Ngọc Ánh), sau ba lần gửi đơn khiếu nại và kiến nghị nhưng không được giải quyết theo quy định pháp luật, ngày 04/4/2025, bà đã nhận được Công văn số 1217/SVHTT-QLDSVH (ký ngày 03/4/2025) do Chánh văn phòng Đào Vương Long đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội ký. Công văn này được cho là “trả lời đơn khiếu nại và đề nghị về công tác xét tặng danh hiệu NNƯT – NNND trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể” đối với bà.

Tuy nhiên, xét về hình thức, Công văn 1217 không phải là văn bản giải quyết khiếu nại theo quy định tại Khoản 3, Điều 6 của Luật Khiếu nại năm 2011 (cấm giải quyết khiếu nại dưới hình thức không phải quyết định). Thực chất, văn bản này chỉ là văn bản trả lời mang tính chất sao chép lại ý kiến từ Hội đồng xét duyệt (HĐXD) thành phố chứ không tiến hành giải quyết theo đúng trình tự và thủ tục luật định.
Ngoài ra, nội dung Công văn 1217 cũng bị cho là sai sự thật. Cụ thể, văn bản ghi nhận buổi làm việc ngày 17/3/2025 với nội dung “trả lời đơn thư khiếu nại” của bà Liễu có sự tham gia của đại diện Thanh tra Sở. Tuy nhiên, trên thực tế, không hề có đại diện Thanh tra trong buổi tiếp dân này. Hơn nữa, theo lịch tiếp công dân, mỗi người chỉ có 15 phút để trình bày, với tổng cộng 26 người có đơn. Với thời lượng đó, việc giải quyết khiếu nại là không khả thi.
Luật sư Bùi Thị Kim Liên (Văn phòng Luật sư Sinh Hùng, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) khẳng định: “Văn bản 1217 không chỉ sai về hình thức mà còn trái với nhiều nội dung được quy định trong Nghị định 93/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ.”
Một điểm đáng lưu ý là Công văn 1217 cho rằng: “Bà Trần Thị Liễu không phải là hội viên Câu lạc bộ (CLB) Tín ngưỡng thờ Mẫu, thuộc Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội, nên không tham gia các hoạt động chung về thực hành di sản trên địa bàn TP. Hà Nội”. Tuy nhiên, không có bất kỳ văn bản pháp lý nào quy định rằng chỉ hội viên của CLB này mới đủ điều kiện xét tặng danh hiệu. Trên thực tế, Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội cũng không có CLB nào mang tên “CLB Tín ngưỡng thờ Mẫu” như đã nêu trong công văn.
Thêm vào đó, bà Liễu hiện là Phó trưởng ban kiêm Chủ nhiệm CLB Diễn xướng Chầu văn Thiên Phú, thuộc Ban Bảo tồn và Phát huy giá trị Di sản Văn hóa Việt Nam – một đơn vị hoạt động tích cực và có nhiều đóng góp thực chất trong lĩnh vực này.
Một điểm khác khiến dư luận hoài nghi là nhận định của Công văn 1217 cho rằng hồ sơ của bà Liễu “tập trung vào thành tích tìm mộ và các yếu tố tâm linh khác, không thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng”. Trong khi đó, hồ sơ của bà Liễu, như nhiều nghệ nhân khác, được lập theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu”. Phần kê khai về hoạt động tìm mộ chỉ chiếm 33 dòng (tương đương 1 trang + 5 dòng) trong tổng số 20 trang hồ sơ, và đó là kết quả của hai đề tài khoa học được nghiệm thu và công nhận.
Cụ thể, bà Liễu từng tham gia thành công hai đề tài khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đề tài thứ nhất là “Tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập” – đã được Trung ương Đảng tiếp nhận và tổ chức lễ an táng trọng thể theo nghi thức Nhà nước vào ngày 1/12/2009 tại Dinh Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh. Đề tài thứ hai nằm trong chương trình nghiên cứu về khả năng đặc biệt của Thanh đồng Đạo Mẫu, với tiêu điểm là việc tìm mộ tướng quân Hà Mại – một danh nhân của triều Trần. Kết quả dẫn đến việc công nhận khu mộ là di tích lịch sử văn hóa.
Theo Khoản 3, Điều 7 của Nghị định 93/2003, các sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử – văn hóa như vậy hoàn toàn đủ điều kiện để xét duyệt. Vậy tại sao cơ quan quản lý văn hóa lại không nắm rõ điều này?
Ngoài ra, theo bà Liễu, việc TS. Lê Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam – tham gia HĐXD cấp thành phố là trái với điểm c, Điều 10 của Nghị định 93/2003 (quy định thành viên HĐXD cấp tỉnh, thành phố chỉ được chọn từ các tổ chức địa phương). Bà Liễu nghi ngờ việc hồ sơ của mình bị loại từ đầu là do mâu thuẫn cá nhân với TS. Lý từ cuối năm 2022, khi bà này tìm cách “giành giật” quyền quản lý Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam – nơi bà Liễu từng giữ vai trò Phó chủ nhiệm CLB trực thuộc.
Điều khiến dư luận thêm phần hoài nghi là trong hai năm liên tiếp (2024 và 2025), bà Trần Thị Liễu vẫn được mời tham dự các buổi gặp mặt trí thức – văn nghệ sĩ – chức sắc tôn giáo Thủ đô do Thành ủy, HĐND và UBND TP. Hà Nội tổ chức, và được trao tặng hai Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Di sản Văn hóa Việt Nam – trong đó Kỷ niệm chương thứ hai mang số quyết định 44/QĐ-HDSVHVN ngày 15/11/2024.

Tấm bằng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam do Hội di sản văn hóa Việt Nam trao tặng bà Trần Thị Liễu (tức Trần Ngọc Ánh), năm 2024
Phải chăng việc loại hồ sơ của một người có đủ điều kiện, thành tích, đóng góp và được vinh danh nhiều lần lại để chỗ cho những hồ sơ “không xứng đáng” như dư luận mạng xã hội đang lên tiếng, chính là biểu hiện rõ rệt của sự khuất tất?
Do đó, kiến nghị của bà Trần Thị Liễu hoàn toàn có cơ sở để thanh tra, kiểm tra lại. Bà đề xuất:
- Thu hồi và hủy Công văn 1217 vì ban hành trái với Nghị định 93/2003 của Chính phủ;
- Trích xuất camera buổi họp xét tặng danh hiệu NNND của HĐXD TP. Hà Nội;
- Công bố bản gốc Biên bản kiểm phiếu và Biên bản xét duyệt danh hiệu;
- Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa bà và HĐXD Thành phố, đối chiếu với các hồ sơ được duyệt.
Bà Liễu chia sẻ: “Tôi làm việc này không phải vì danh hiệu cho riêng mình, mà vì sự công bằng xã hội, và để bảo vệ sự trong sáng của di sản văn hóa phi vật thể – Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt – vốn đã được UNESCO vinh danh năm 2016.”
Hy vọng rằng, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo xử lý sự việc một cách minh bạch, đúng pháp luật, để chấm dứt tình trạng khiếu nại kéo dài và giữ gìn uy tín của ngành di sản văn hóa.