Chúng ta đều biết, mỗi mạch đường giao thông từ Bắc vào Nam đều được ví như hình ảnh của mạch máu trong cơ thể đất nước ta. Nếu mạch máu thông suốt thì đất nước được trường tồn…
Đường phố ở Hà Nội lại còn thể hiện cả diện mạo của vị thế Thủ đô. Ở đâu và khi nào chúng ta cũng đều nhân xưng là một “Thành phố xanh, sạch, đẹp”. Tuy vậy, những năm gần đây, Hà Nội tập trung phát triển kinh tế, để mất cân đối về bộ mặt quy hoạch và môi trường, ảnh hưởng khá nặng đến đời sống lao động và sinh hoạt của nhân dân.
Tiêu chí nổi bật và cơ bản nhất từ các Nghị quyết hay Chương trình về văn hóa của Đảng bộ Thành phố – gần đây nhất là Nghị quyết Đại hội (XVII) Đảng bộ TP Hà Nội, cụ thể hóa bằng Chương trình số 06-CTr/TU tháng 3/2021 của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025. Văn bản có vai trò to lớn trong chiến lược phát triển Thủ đô Hà Nội. Xác định văn hóa là cốt lõi, là trung tâm để tiếp tục phát triển, xây dựng người Hà Nội thời kỳ mới. Như vậy đòi hỏi các tầng lớp nhân dân Thủ đô cần có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động hay nói cách khác là cần sự đồng bộ từ việc quản lý chỉ đạo đến việc làm hàng ngày.
Từ xưa, cha ông ta thường có câu: cái răng, cái tóc là góc con người, hay trông mặt mà bắt hình dong. Vậy nay, xây dựng, phát huy bản sắc người Hà Nội thanh lịch, văn minh không thể tách rời với việc xây dựng bộ mặt đô thị, tạo môi trường xã hội lành mạnh. Đạo đức, lối sống văn minh phải đi liền với sạch đẹp và tiện ích chứ không để nó sang một bên riêng rẽ mà phấn đấu!
Thực tế thì hàng ngày người lao động đang luôn phải đối mặt với những bất cập, hệ lụy trước hết là từ các tuyến phố, tuyến đường. Không kể những con phố cũ, những đường phố mới được mở vượt ra ngoài vành đai 2, vành đai 3 đang thể hiện sự mất cân đối giữa quy hoạch và kiến trúc, xây dựng. Chỉ trong khoảng 10-15 năm, nó đã chứng minh một tầm nhìn ngắn đến bức bối. Thật tiếc cho những con phố mới mở. Hàng ngày, dù có hướng dẫn, điều tiết rất tích cực của cơ quan chức năng, người và xe cứ “chật như nêm cối” kéo dài hàng vài trăm mét ở mọi cửa ngõ thành phố. Chưa kể nó đã dẫn đến va chạm, xô sát, ẩu đả mà mặc nhiên nó đã tiêu tốn bao nhiêu xăng dầu, thời gian và có thể tổn hại đến tâm trí mọi người. Chúng ta có thể nói ngay được là ở các tuyến đường cửa ngõ chính, dù đã là đường 2 chiều, khá lớn, nhưng nó không thể cáng đáng nổi sự nhồi nhét người vào các chung cư cao tầng ốp chặt 2 bên vỉa hè. Người từ nhiều địa phương về ở và cùng xuống con phố nhỏ hẹp. Điển hình như vừa đây, dư luận lên án sự “phá nát” quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương, nhưng Sở Xây dựng cho biết là các chủ đầu tư đã xây dựng đúng thiết kế cho phép. Và rồi để khắc phục,Thành phố đã và đang mở rộng thêm nhiều tuyến phố bằng cách xén dần vào dải phân cách cây xanh, ngay cả vào dưới chân các trụ cột của đường vành đai 3 trên cao. Đây là phương án bất đắc dĩ, vừa làm xấu lại cũng không khắc phục vấn nạn. Việc ai người ấy làm, người ta lại cho phép điều chỉnh nâng tầng một số tòa nhà, chẳng hạn ở dự án Goden Palace ở Mễ Trì, rồi cho điều chỉnh đất công cộng sang đất ở, có nơi như ở Mỹ Đình 2, khoảng diện tích đất 7.780 m2, cho phép mật độ xây dựng tới 3610 m2…Nhiều chuyên gia kiến trúc cho rằng, việc “nhồi” nhà cao tầng vào các tuyến đường là đi ngược các nguyên lý về quy hoạch và thiết kế đô thị chuẩn mực. Đô thị chúng ta không phải là đô thị Singapore – xét về mọi mặt. Nếu chúng ta không kịp thời thay đổi có bài bản quy hoạch và thiết kế xây dựng ở khu vực vành đai 3 và 3,5 và 4 thì sẽ lập lại tình trạng bức bối giao thông hiện nay.
Vấn đề thứ hai của bộ mặt đô thị thành phố Hà Nội là vệ sinh môi trường. Trước hết là từ những hè đường vốn đã bị thường xuyên đào bới, gẫy vỡ làm xuống cấp nghiêm trọng, lại còn lấy làm chỗ để xe, có nơi để nửa trên hè, nửa dưới đường, rồi còn là nơi buộc phải để chỗ tập kết rác thải. Nhiều đoạn ở phố mới, khi đông đúc, người ta còn lũ lượt leo xe máy ào lên, biến vỉa hè lởm khởm kia thành lòng đường, xả thải khét lẹt. Trong bảng xếp hạng chất lượng không khí tại Việt Nam theo thời gian thực của ứng dụng IQAir, Hà Nội là thành phố có tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất cả nước và đứng thứ 2, thứ 3 thế giới với chỉ số AQI khoảng 202. (Chỉ số trung bình là dưới 100). Còn về hệ thống nước, hiện ở các quận huyện xung quanh nội đô là những khu vực nguồn nước đang ở mức báo động đỏ. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày thành phố Hà Nội thải ra khoảng 300.000 tấn nước thải. Bao gồm nhiều nguồn thải sinh hoạt, thải công nghiệp và nước thải đô thị. Đặc biệt phần lớn lượng nước thải này chưa qua xử lý. Bởi vậy, hàm lượng chất độc hại, vi khuẩn cực kỳ cao. Tiêu biểu nhất là tình trạng ô nhiễm tại sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Lừ. Đây là nơi từng tự hào là con sông trong sạch của Thủ đô. Nhưng giờ đây nước sông bị ô nhiễm nặng nề, những ngày mưa nhẹ, nắng lên là bốc mùi hôi thối cực kỳ. Đó cũng từ sự gia tăng dân số trên địa bàn thành phố trong khi cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp thời. Hệ thống cấp thoát nước của thành phố bị quá sức do chung cư đồng loạt mọc lên, lượng cát, rác thải quá nhiều. Vào mùa mưa lũ, tình trạng ngập lụt xảy ra trên nhiều tuyến phố làm gia tăng các nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt.
Vấn đề giao thông đô thị với hiện trạng những con phố quá tải và bị ô nhiễm nặng nề đã và đang trực tiếp tác động đến tâm trạng và ý thức xã hội của người dân Hà Nội. Chúng ta rất dễ nhận ra từ sự mất cân đối ngay từ trong quan niệm hối thúc phát triển đô thị, đẩy giá bất động sản gia tăng, mà xem nhẹ các yếu tố có thể trực tiếp gây bức xúc, đề cao cá nhân hơn là ý thức coi trọng lối sống đạo đức, thanh lịch, hòa nhập cộng đồng. Đó cũng là một yếu tố hay điều kiện phát sinh nạn tham nhũng, tạo chênh lệch thu nhập quá lớn, đây đó làm giảm đi lòng tin của dân với Đảng. Phải chăng, đã đến lúc
chúng ta cần nhận thức rõ, kiên quyết cải tiến quy hoạch đô thị trên cơ sở Hà Nội có đủ quỹ đất để xây dựng những con phố thông thoáng, đẹp đẽ. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Đ/c Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém…Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ…chưa đi vào chiều sâu, thực chất”. Và Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cũng xuyên suốt mạch tư tưởng ấy. Song, một lần nữa chúng tôi đề nghị Thành phố coi trọng sự cân đối, gắn kết giữa phát triển kiến trúc đô thị với các điều kiện bảo đảm văn hóa các tuyến phố, giảm nhẹ sức chịu đựng của người dân khi tham gia giao thông. Tạo lập bản sắc thanh lịch, văn minh ở từng con người lệ thuộc rất nhiều về điều kiện xã hội mà trước mắt là ảnh hưởng từ văn hóa các con phố, tuyến đường.
B.V.M