BÙI HOÀNG TÁM
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 đã khẳng định “công tác phòng , chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao”.
Đây là những nhận xét khách quan, chính xác về công cuộc phòng chống tham nhũng 10 năm qua, đặc biệt là thời gian gần đây, hàng loạt cán bộ cấp cao, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị cùng nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và tướng lĩnh bị thi hành kỉ luật. Việc này cho thấy công cuộc phòng chống tham nhũng là kiên trì, bền bỉ, không có điểm dừng, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai, giữ chức vụ gì. Tuy nhiên, công cuộc phòng chống tham nhũng càng quyết liệt bao nhiêu thì thủ đoạn tham nhũng càng tinh vi bấy nhiêu. Do đó đã gây nên không ít khó khăn trong công tác điều tra, nhất là những vụ tham nhũng với số đông, trong đó có lãnh đạo nắm vị trí chủ chốt.
Thứ hai, cán bộ điều tra và đối tượng điều tra ngày ngày giáp mặt nhau nhiều khi dẫn đến tâm lý rất khó xử, nhất là với người Việt chúng ta vốn giàu cảm tính và thứ ba, dù kết quả điều tra có trung thực đến đâu cũng khó tránh khỏi những dị nghị, nghi ngờ không đáng có.
Do đó, việc tách các cán bộ có nghi vấn ra khỏi chức vụ đang giữ để điều tra, làm rõ là cần thiết và quan trọng. Song, câu hỏi đặt ra là bố trí họ vào vị trí nào khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan điều tra nhất là đối với những người giữ vị trí nằm trong hệ thống dân bầu hoặc Quốc hội phê chuẩn?
Thực tế vừa qua, chúng ta đã đưa một số vị là Ủy viên Trung ương Đảng về làm phó trưởng một số ban như Kinh tế, Tuyên giáo rồi sau đó, các vị này bị kỉ luật, nhiều người bị khởi tố đã tạo nên một số bất cập không đáng có.
Thứ nhất, các ban này là cơ quan tham mưu cho những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước “bỗng dưng” phải nhận một cán bộ lãnh đạo từ đâu đó, mắc khuyết điểm ở đâu đó vào thời điểm nào đó tức là không có bất cứ liên quan gì tới cơ quan mới. Rồi khi ngồi chưa yên ghế lại bị kỉ luật, bị khởi tố sẽ rất mang tiếng cho tập thể cán bộ, công chức nơi đây trong
khi họ không có bất cứ sự dính líu, liên quan gì tới vụ việc cũng như các đối tượng bị kỉ luật. Mà các cơ quan này lại rất quan trọng, có uy tín lớn trong xã hội và trong con mắt của mỗi người dân.
Sau này, khi làm lịch sử cơ quan, nếu không đưa các vị này vào thì không đầy đủ, đưa họ vào cùng với hình thức kỉ luật thì quả là “hơn oan Thị Kính”. Buồn nhất là nhiều cơ quan thông tin đại chúng còn giật tít “ông (bà) ABC, Phó ban XYZ bị khởi tố” quả là rất “ái ngại” cho tập thể các nơi này. Nhất đó lại là những cơ quan vốn có truyền thống tốt đẹp.
Thứ hai, vô tình tạo nên hai “chủng loại” lãnh đạo: Phó ban điều động từ nơi khác về (thực chất là chờ điều tra, kỉ luật) và các phó ban “chuẩn chỉ” khác nhờ nỗ lực phấn đáu mà nên.
Thứ ba, như đã nói ở trên, nhiệm vụ của các ban là cơ quan tham mưu những chủ trương, chính sách lớn cho Đảng và Nhà nước bỗng dưng như thành nơi chứa “hàng kém chất lượng” là điều rất không nên, ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín tập thể cũng như uy tín đối với những cơ quan có truyền thống tốt đẹp.
Vậy giải pháp nào cho việc này?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, nên thành lập một bộ phận “Điều chuyển (hoặc điều động) cán bộ”. Đây là nơi tập hợp những cán bộ trong diện sắp được điều chuyển vào các vị trí công tác mới. Một ông bí thư tỉnh ủy chuẩn bị về làm bộ trưởng. Một ông thứ trưởng bộ này sang làm bộ trưởng bộ kia. Một vị ở cơ quan của Đảng chuẩn bị chuyển sang làm việc ở vị trí mới bên Chính phủ… Trong đó, có cả các vị cần phải tách ra khỏi vị trí công tác hiện tại để phục vụ công tác điều tra. Sau này, khi có kết luận chính thức sẽ điều chuyển sang nhiệm vụ mới hay đưa trở về nơi cũ (nếu không vi phạm) hoặc kỉ luật nếu có vi phạm.
Đây cũng là thời gian để các vị đó bằng kinh nghiệm của mình tiếp tục đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước hoặc chuẩn bị cho công tác mới hay là nghỉ ngơi dưỡng sức, kiểm tra sức khỏe… Tất cả mọi tiêu chuẩn, chế độ sẽ được hưởng như thời gian tại chức.
Do đây chỉ là bộ phận, nhân lực biến động liên tục nên không có các chức vụ lãnh đạo. Bộ phận này do Ban Tổ chức Trung ương trực tiếp quản lý và tất nhiên, họ không thuộc nhân sự chính thức của Ban Tổ chức Trung ương. Về lý, Ban Tổ chức Trung ương là nơi có trách nhiệm tham mưu về công tác tổ chức đồng thời thường cũng là cơ quan đọc và trao các quyết định điều động cán bộ.
Điều chuyển công tác vốn là chuyện bình thường trong công tác cán bộ của ta. Do đó, việc trao, nhận quyết định mới cũng không nên tổ chức ầm ĩ, cũng không cần phải có những lời chào đón xã giao không thật sự cần thiết.
Đây là ý kiến của một nhà văn với mong muốn làm sao có được những phương cách hợp lý, hợp tình, phù hợp với luật pháp cũng như các qui định hiện hành.
Xin đừng để hôm trước đón chào, hôm sau lại lặng lẽ “tiễn đưa”!
B.H.T