Tiểu thuyết của NGUYỄN TRÍ HUÂN
Ghi chú trước khi vào truyện: “Tôi là một nhà văn chuyên viết Truyện hư cấu. Nhưng những gì tôi ghi lại dưới đây theo lời kể của ông Cáp, một người đồng đội của anh tôi là sự thật.
Sự thật về một cuộc chiến tàn khốc đã lùi xa hơn 50 năm và cũng đã đến lúc nó cần được khép lại. Khép lại để những con người tham gia cuộc chiến ấy ở cả hai phía có thể sống trong sự tĩnh lặng của đời thường, và cũng bởi cuộc đời như một tấm áo họ đang may dở, hãy để cho họ đơm nốt những chiếc khuy áo cuối cùng”…
Trích NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG – SỐ 15-2023 ✦ 39
Hình như một thoáng chốc, cái gốc đào năm ngoái dựng ở góc
vườn chưa kịp khô thành củi thì tháng Chạp đã xồng xộc ập đến khi dịch Covid từ chỗ dăm, bảy chục FO thời giãn cách đã tăng lên ngùn ngụt với dăm bảy ngàn ca nhiễm mỗi ngày. Năm ngoái còn nơm nớp coi FO như bệnh nan y, bệnh hủi, giờ đã chấp nhận nó, sống chung với nó, thậm chí coi thường nó. Người dân mình kể cũng lạ, có thể quen với mọi thứ, thích nghi với mọi thứ, kể cả sự dậm dọa của cái chết. Có người nói: Đó là đặc tính của một dân tộc vừa bước ra khỏi một cuộc chiến.
Nhưng câu chuyện của gia đình tôi, của chị dâu tôi, anh tôi lại được bắt đầu dăm, ba năm về trước.
Năm ấy, cũng vào một chiều cuối tháng Chạp, tôi về quê ăn giỗ họ và làm lễ nhập họ cho thằng cháu út vừa đầy tháng tuổi. Xong việc, tôi về nhà chị dâu tôi. Hai chị em ngồi trên bậc tam cấp của ngôi nhà thờ. Chị tôi ăn trầu nhặt rau còn tôi hút thuốc lào vặt.
– Hôm nào chú cho thằng bé về. Tôi chân đau không ra với nó được. Bảo mẹ nó đẻ ít ít thôi. Nuôi con cực lắm. Chị tôi vừa bó rau thành từng bó phân ra từng loại, bảo tôi.
– Tết em sẽ cho cháu về với bà. Mà chị ăn trầu từ bao giờ thế? – Tôi học u. Ngày trước, tôi sợ nhất những miếng bã trầu của u. Nó y hệt con gián. Mà chú có thấy không, u 99 tuổi, vẫn không rụng chiếc răng nào là nhờ ăn trầu đấy.
Chợt có tiếng lao xao ngoài đầu ngõ rồi có tiếng gọi vọng vào: “Có phải nhà bà Luyến, vợ ông Kháng liệt sĩ không?”. Tôi vụt đứng dậy chạy ra cổng. Một cậu xe ôm chở một chậu mai vàng chi chít nụ đỗ xịch trước cổng. “Có người gửi gốc mai biếu bà, nói là cùng đơn vị với ông Kháng!”
– Người gửi là đàn ông hay đàn bà? Chị tôi hấp tấp hỏi. Miếng bã trầu đỏ nhòe trên đầu những ngón tay của chị.
– Đàn ông, mắt kèm nhèm. Ông cụ bảo sẽ đến thăm bà sau. Tôi loay hoay giúp cậu xe ôm hạ chậu mai khỏi yên xe. Một cây mai thế rất đẹp nhưng hình như nó không làm chị tôi cảm động. Trên khuôn mặt có phần dửng dưng của chị lờ mờ một điều gì đó. Năm trước ở làng tôi có một ông đại úy đi chiến đấu mười năm ở chiến trường về phục viên. Ông lấy vợ đẻ sòn sòn ba năm đôi, toàn con gái. Đẻ đến đứa thứ ba, thứ tư chịu phạt mấy tạ thóc vẫn ra toàn con gái. Đúng lúc ông đang thất vọng đến rồ dại thì bỗng đâu, một buổi sáng nọ, có một cậu thanh niên chừng 30 đeo ba lô tìm đến nhà. Hai người đàn ông nhìn nhau giây lát rồi lao vào ôm chầm lấy nhau. Họ nhận ra nhau bằng linh cảm trực hệ. Chuyện cứ như chuyện cổ tích. Cậu thanh niên được sinh ra trên đường giao liên Trường Sơn, nơi ông đại úy gặp mẹ cậu chỉ thoáng qua như một cơn gió.
Chuyện ông đại úy có con rơi làm ầm làng ầm xóm một thời gian dài. Khiến các bà các thím có chồng đi bộ đội thời chống Mỹ không khỏi nơm nớp lo lắng. Hình như chị dâu tôi cũng đang ở trong cái tâm trạng ngờ vực ấy. – Chú này, hay là của bà Hương ở Đà Nẵng gửi cho nhỉ?
Bà Hương, O Hương của mấy mươi năm trước người cùng đơn vị với anh tôi. Chị tôi mới gặp bà vào năm chị theo đoàn cựu chiến binh Lữ đoàn Tên lửa vác vai ĐKB vào khánh thành đài tưởng niệm ở Đà Nẵng. – Cậu xe ôm chả bảo là của một ông cụ đấy thôi.
– Là của ai thế không biết. Thôi kệ. Cá người nhảy ao ta. Mà chú còn đứa cháu nào nữa thì cứ đưa về đây, tôi nhận, tôi chia đất cho mà ở. Chị dâu tôi cười, môi và kẽ răng hồng lên màu nước trầu. Anh chú ngày xưa đào hoa lắm.
Tôi biết, sau đó, chị tôi còn gặp ông Cáp, người cùng nhập ngũ, cùng đại đội với anh tôi để hỏi cho ra nhẽ nhưng ông Cáp cũng không thể đoán ra ai là chủ nhân của chậu mai vàng đó.
Tết năm ấy, nhà chị dâu tôi là nhà duy nhất trong xóm có mai vàng. Nhưng thật oái oăm, hàng trăm cái nụ hoa to bằng đốt ngón tay chi chít từ gốc tới ngọn cứ câm nín, dứt khoát không chịu nở. Sau rằm những nụ hoa ấy thâm đen lại rụng lả tả dưới gốc.
Năm sau, tôi chở chậu mai ra gửi ở vườn đào Nhật Tân, thuê người chăm hộ nhưng cũng chỉ được lác đác dăm bông hoa vàng nhợt bé như cúc áo. Đành rằng, mai vàng là loại hoa của đất phương Nam, thuận với nắng và gió, không chịu rét như mai trắng, mai tứ quý trên đất Bắc. Người Bắc thích mai vàng là thích cái màu vàng ám ảnh của nó. Nhưng cũng chỉ sau Tết, hoa tàn, người ta dặm nó ở góc vườn rồi quên đi bởi rất hiếm khi nó chịu nở hoa trở lại. Có thể vì thế, cây mai của chị dâu tôi cứ câm nín trong nhiều năm, trở thành cây cảnh trước cửa nhà tôi. Còn cái người gửi chậu mai cho chị dâu tôi thì vẫn không thấy quay lại như đã hứa. Có lần chị dâu tôi bảo: “Chú là nhà báo đi nhiều, quen nhiều, thử cố tìm xem người ấy là ai, ở đâu. Còn sống hay đã chết. Mình cũng phải có lời cảm ơn họ. Chết thì phải có nén nhang.” Thì ra, trong tâm thức chị, người gửi chậu mai cho chị, cho đến ngày chị mất, vẫn là một câu hỏi lớn.
*
Trước Tết một tuần, thằng cháu, con thứ ba của chị dâu tôi bất chợt gọi điện cho tôi, giọng méo mó, ngàn ngạt. “Mẹ cháu sắp mất rồi.” Tôi giật mình hỏi các cháu đã test nhanh cho mẹ chưa? Mẹ có bị nhiễm Covid không? Không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng khóc của con chị cả. Vội, nhưng cũng phải một giờ sau, cả nhà tôi mới nhồi nhét lên chiếc xe bẩy chỗ chạy hấp hoảng về quê. Lần đầu tiên trong nhiều năm, tôi thấy thời gian trôi đi quá ư chậm chạp. Dọc đường, gió cứ thổi hun hút dọc triền đê cùng với đào quất loi thoi tỏa về các ngõ xóm. Xem ra, Tết năm nay cũng sẽ chẳng kém cạnh gì những cái Tết chưa có con covid. Riêng với gia đình tôi, tôi xác định, năm nay nhà mình sẽ không có Tết. Cháu tôi nói “sắp” có nghĩa là chị tôi đang ở vào giai đoạn còn nước, còn tát.
Cách đây mấy tháng, chị tôi đột ngột trở bệnh sau một cú bước hụt từ thềm nhà xuống sân. Bắt đầu những tháng ngày nằm liệt giữa mùa dịch đang ở vào giai đoạn đỉnh điểm.
Thực ra, trước đó, chị tôi đã nhớ nhớ quên quên, nhầm lẫn ngay cả với con, với cháu. Lần nào về tôi cũng thấy chị gói ghém đồ đạc, buộc vào hai đầu chiếc đòn gánh. Tôi hỏi, chị cười, một nụ cười thật hồn hậu: ‘Thì đi đón anh chú về chứ đi đâu”. Cháu tôi bảo, nhiều hôm không tìm thấy mẹ trong làng, cháu tôi phóng xe lên nghĩa trang. Chị tôi đang ở đó, trước ngôi mộ của anh tôi. Cũng thật lạ, bởi ngày xưa, chị không mấy mặn mòi với anh tôi, lúc nào cũng tỏ ra có cũng được mà không có cũng được. Chị chỉ thực sự thay đổi khi ông đại úy bất ngờ có con riêng, nhất là sau cuộc gặp với bà Hương ở Đà Nẵng. Hình như tâm trạng của chị là tâm trạng của một người luôn lo lắng chồng mình, bố của các con mình sắp bị một người đàn bà nào đó, ở đâu đó cướp mất.
Khi tôi về đến nhà thì sân trên, sân dưới nhà chị tôi đã tấp nập người. Đám thợ của nhà cho thuê đồ hiếu đang hối hả dựng rạp. Những dãy bàn inox sáng choang được kê cách xa nhau, thỉnh thoảng lại bật lên những âm thanh của kim loại va trên nền gạch. Trong nhà, trên chiếc sập gụ kê ở gian giữa, dưới ban thờ, chị tôi nằm thoi thóp, khuôn mặt nhợt nhạt. Tôi xót xa
nhìn chị. Mới hôm nào, môi chị, răng chị còn hồng lên bởi nước trầu khi chị nhận cây mai vàng, quà Tết của một ai đó cùng đơn vị với anh tôi. Bây giờ đôi môi chị thâm đen, co lại để lộ những chiếc răng ố vàng. Chị tôi thuộc diện đẹp lão. Một vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu của tuổi già nhưng chưa mất đi hoàn toàn dấu vết của vẻ đẹp thời son trẻ.
Vào thời điểm này, làng tôi có đến sáu, bảy trăm người nhiễm Covid. Những tấm biển đỏ cách ly y tế được treo xôi đỗ ở nhiều ngôi nhà trong các ngõ xóm. Mặc kệ con Covid, người thân, bạn bè của chị tôi, các cháu tôi cứ từng tốp, từng tốp đến hỏi thăm, nói là để gặp mặt chị tôi lần cuối. Nghĩa tử là nghĩa tận. Nhiều cuộc điện thoại của các FO, bạn bè các cháu tôi cũng liên tục gọi, hỏi han, chia sẻ và đều tỏ ra lấy làm tiếc vì không thể đến được.
Tháng trước, tôi đến dự một đám tang hết sức hy hữu. Anh con trai cả của người quá cố đang mắc kẹt ở Anh không về chịu tang mẹ được. Ở xứ người, anh ta cũng lập bàn thờ, quay video trực tiếp, phát trực tiếp qua một màn hình lớn. Ở bên này, người đến viếng cúi đầu tưởng niệm, ở bên kia anh ta cũng đáp lễ và nói lời cảm tạ. Một đám tang đặc trưng của thời công nghệ, thời Covid.
Tôi ở nhà một ngày, hai ngày. Chị dâu tôi vẫn nằm đó, bất động và dạn dĩ. Những cây đào trồng ở vườn nhà đã chập chờn những bông nở đầu tiên, đỏ bầm, đỏ như được chắt ra từ nhựa cây, từ giá rét. Chỉ còn vài ba ngày nữa, qua mồng một Tết, theo cách tính của ông bà ta, chị dâu tôi sẽ tròn 90 tuổi.
Chị dâu tôi là vợ liệt sĩ. Chị ở góa từ năm mới ngoài 30 tuổi. Một nách bốn con. Lớn lên chúng tỏa đi khắp nơi để trong một thời gian dài, chị sống có một mình. Thằng con thứ ba của chị, vì là con liệt sĩ nên được Bộ Quốc phòng phân một căn hộ ở quận Cầu Giấy. Nó tính bỏ quê, bỏ làng đưa mẹ và vợ ra thành phố nhưng chị tôi không chịu. “Thế còn mộ bố mày thì bỏ cho ai”. Chị tôi bảo. “Có quản trang mẹ lo gì. Vả lại, mẹ muốn về lúc nào chả được”. Rốt cuộc, gia đình cháu tôi phải chia hai. Vợ và hai đứa con ở Hà Nội, còn cháu tôi ở nhà với mẹ, thay bốn anh chị em chăm mẹ.
Sau hai ngày chị tôi chuyển bệnh, các cháu tôi lần lượt trở về, đứa nào cũng thất thần, mếu máo khi vừa vào đến cổng. Đây là lần đầu tiên sau 50
năm, chúng cùng trở về tụ họp đầy đủ bên mẹ. Âu đó cũng là niềm hạnh phúc của chị tôi, của các cháu. Có lẽ đó cũng là lý do để chị tôi dùng dằng không nỡ, không chịu dứt bỏ cõi sống của mình.
Nhưng dẫu sao, cả nhà tôi vẫn cứ hồi hộp, nơm nớp lo chị tôi sẽ ra đi bất chợt vào đúng dịp Tết. Giữa lúc đó, cháu dâu tôi một cô giáo tiểu học, từ Chèm Vẽ trở về vui vẻ thông báo: “Cô chú và cả nhà yên tâm. Cháu vừa đi xem về. Thầy gọi vía mẹ cháu lên. Vía bà bảo còn muốn ở thêm một xuân nữa cho đầy 90 tuổi.” Tôi bán tín bán nghi nhưng cũng tạm yên lòng để trở về thành phố. Về nhưng vẫn cứ ngong ngóng chờ nghe một cuộc gọi điện thoại bất chợt.
Chiều hăm bảy Tết, lúc tôi đang xăm soi nhìn cái đen đúa của chậu mai trước nhà thì cháu tôi đột ngột gọi điện bảo:” Cô chú đừng lo, mẹ cháu có phần tỉnh táo hơn trước”. Tôi thở phào, dặn phải test nhanh cho mẹ để biết mà phòng tránh. Dặn, nhưng tôi vẫn không khỏi lo lắng bởi ở làng tôi những người chết vì dịch covid đã phải ra đi côi cút và chỉ được trở về trong một bình tro cốt nhận lại từ nhà hỏa táng trong thành phố.
*
Chị Luyến, tên của chị dâu tôi về làm dâu mẹ tôi từ hồi còn rất trẻ. Chị hơn anh tôi ba tuổi. Ngày đó trai gái nên chồng nên vợ chủ yếu từ mối lái. Thấy bảo đêm đầu tiên, chị cuộn chăn nằm trên giường, còn anh tôi đắp chiếu nằm dưới đất. Đêm sau chị trốn về nhà mẹ đẻ. Từ hôm đó, sáng nào tôi cũng phải lên nhà chị ở xóm trại, đứng ở ngoài đường, gọi vọng qua cái ao nhỏ đầy bèo tấm. “Chị Luyến ơi, u bảo về đi cấy.”
Hồi còn trẻ, chị tôi nổi tiếng là một phụ nữ đẹp. Không hiểu vì lý do nào mà chị lại thuận lấy anh tôi, một anh chàng tóc bạc sớm, lưng cong. Anh tôi chỉ được cái tính tốt bụng. Cả làng cả xóm ai nhờ cậy việc gì cũng làm, cũng nhận. Có thể chị bằng lòng lấy anh sau ngày anh tôi liều nhảy xuống cứu ông chánh Hàm, bố đẻ chị bị chuột rút tưởng chết đuối giữa ngòi nước. Gả chị cho anh tôi, một phần ông chánh muốn trả ơn anh tôi. Thêm nữa, ông còn bảo Tướng mạo anh tôi sau này sẽ làm nên chuyện. “Cứ nhìn cái dái tai to, dày cong lên của nó thì biết”.
Nhà tôi nghèo nhưng trong cải cách lại bị quy là địa chủ. Có lẽ bởi bố tôi đi lính đánh thuê cho Pháp. Sau, bố tôi lại bị chính lính Pháp bắn chết trong một trận càn khi đã giải ngũ về làng. Nhưng cái chết tức tưởi của ông chẳng minh chứng được điều gì. Mẹ tôi vẫn bị đưa ra đấu tố ở sân đình. Chị tôi, một nách bốn con cùng với anh tôi đã phải cầm cự từng ngày để vượt qua thời gian bị cách ly, bị tịch thu toàn bộ gia sản.
Sau sửa sai, nhà tôi xuống thành phần trung nông nhưng cái án bố tôi đi lính Pháp thì vẫn cứ dai dẳng, bám chặt lấy lý lịch của gia đình tôi. Thời kỳ này là thời kỳ hết sức nhạy cảm ở làng quê tôi, cũng như ở mọi làng quê khác. Những người được chia ruộng, được cứu sống thì câu nói cửa miệng của họ khi được hỏi là câu trả lời: “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Còn những kẻ bị mất nhà, mất đất thì mỉa mai: “Không dám, Ông dạ Đảng”… Tình trạng đối đáp kiểu ấy chỉ thực sự mất đi khi chiến tranh lại đột ngột ập đến.
Chị dâu tôi năm đó đã có đến bốn mặt con. Nhà tôi làm hàng xáo. Suốt ngày xay thóc, giã gạo quần quật từ tối đến sáng. Lời lãi chỉ là chút gạo tấm và cám lợn. Vào mùa vụ, chị tôi buôn mía từ chợ Đọ bên kia sông Cái về bán ở chợ Dày, chợ Gối. Tôi lúc giã gạo, lúc xay lúa, có lần giấu thịt lợn trong dẫy vải, đi tắt qua các cánh đồng Chèm, Vẽ ra Hà Nội bán lậu. Dạo ấy chính sách lương thực, thực phẩm của nhà nước nghiêm nhặt lắm. Khối người đã bị phạt, bị bỏ tù vì buôn lậu rượu và thịt lợn. Để thịt lợn lậu, khi bắt lợn, người ta đổ tro vào bao tải rồi chụp vào đầu lợn. Lợn bị sặc không kêu được. Cạnh nhà tôi là trụ sở Ủy ban xã. Trước, nó là ngôi nhà hai tầng của viên quan một đã trốn vào Nam, sau hiệp định đình chiến. Có một câu chuyện mà cho đến giờ tôi không sao quên được và cũng không thể cắt nghĩa được. Một hôm thấy có một lọ mực đỏ ai đó chắc là đi kẻ khẩu hiệu về để ở cổng trụ sở Ủy ban. Tôi cầm lên, lấy một cây que cẩn thận tô lên bức tường cạnh cổng dòng chữ: “Ủy ban nhân dân xã Hạ Mỗ”. Bên dưới không biết suy nghĩ thế nào, một cách vô thức, tôi viết: “ăn vụng thịt nhà tao là…” Tôi định viết là cu Hùng, để trêu chọc thằng bạn thân nhất của tôi, thì có tiếng mẹ tôi gọi. Tôi bỏ dở câu định viết rồi quên khuấy. Sáng hôm sau, tôi vừa ngủ dậy chưa kịp xúc miệng thì ông thư ký ủy ban, là ông đại úy có con rơi sau này cùng với hai dân quân xộc vào nhà. Ông vặn tai tôi kéo ra ngoài cửa Ủy ban, chỉ vào
dòng chữ: “Mày viết có phải không? Đồ con phản động”. Tôi tái mặt, vừa lắp bắp chối vừa đọc lại dòng chữ. Thôi chết rồi, tình ngay, lý gian. Nếu đọc liền một mạch hai dòng chữ trên sẽ thành một câu chết người “Ủy ban nhân dân xã Hạ Mỗ ăn vụng thịt nhà tao là…” cũng may còn chữ là viết dở. Giữa lúc tôi còn dang ấp úng thì chị dâu tôi đi rửa bèo ngoài ao chùa về. Chị đặt rổ bèo xuống cổng Ủy ban, mặt ngửa lên nhìn ông thư ký: “Tôi viết đấy, nó trẻ con biết gì”. “Thế có nghĩa là chị phản ứng chính sách lương thực của Nhà nước phải không?” Chị tôi khép vạt áo che chỗ sữa đang rịn ra ướt đẫm trên ngực yếm. Ngày đó, chị tôi đang nuôi thằng cháu út được dăm tháng tuổi. Tuy đã bốn mặt con nhưng chị tôi vẫn đẹp, một vẻ đẹp nẩy nở, vỡ da vỡ thịt. Ông thư ký Ủy ban vẫn thường buông lời ỡm ờ mỗi khi gặp chị. “Các ông nói thật buồn cười, hai dòng chữ khác nhau. Ông không thấy còn chữ “là” à. Chị tôi nói. “Là ai, là gì”. Ông Thư ký vặn. Chị tôi cười, đôi mắt nhuần hẳn xuống “Là cái đứa nó dám ăn trộm lợn nhà ông đấy”. Chả là mới tháng trước, nhà ông Thư ký bị kẻ gian bắt trộm một con lợn bánh tẻ. Ông đang hô hoán dân quân truy tìm nhưng vẫn chưa phát hiện ra thủ phạm.
Ông Cáp, một trong hai dân quân đi cùng ông thư ký Ủy ban cũng nói đỡ: “ Bác chấp thằng bé làm gì, nếu có ý xấu, dại gì nó lại viết như thế!”.
Đuối lý, ông Thư ký Ủy ban cùng hai dân quân bỏ đi. Được một quãng ông quay lại: “Khôn hồn thì xóa đi. Lần này tao tha, lần sau tù mọt gông, nghe chửa!” Ông dứ dứ nắm đấm về phía tôi.
Sau chuyện không đâu vào đâu ấy, chị tôi bảo: “Chú đừng viết bậy, viết bạ. Khôn nhà dại chợ”. Tôi không hề biết rằng, lý lịch của gia đình tôi lại được chua thêm một dòng chữ: “Nhà có dấu hiệu chống đối chính sách lương thực của Đảng”.
Cũng có thể vì cái lý do ấy mà mấy năm sau, tôi mãi vẫn không được kết nạp vào Đoàn, em gái tôi không được vào đội Thiếu niên Tiền phong. Một bầu không khí lẻ loi bao trùm lên căn nhà nhỏ của mẹ và anh chị tôi.
*
Chiến tranh bất ngờ ập xuống làng tôi vào buổi trưa. Nó ập đến trong khoảnh khắc rồi rút đi cũng trong khoảnh khắc. Nhưng những gì nó để lại
cho làng tôi thì thật khôn lường. Nhà cháy, người chết. Mọi suy nghĩ của lớp người như anh tôi bị đảo lộn. Cho đến mấy ngày sau, một nỗi sợ hãi ngấm ngầm vẫn vây bủa họ.
Trước buổi trưa xảy ra cuộc ném bom xuống làng hai ngày, có một đơn vị bộ đội ồn ào kéo về làng vào giữa đêm. Họ tỏa ra ở tất cả mọi nhà. Trông người nào cũng mập mạp, ra tấm ra món. Đó là theo cách nói của các chị sồn sồn, nạ dòng. Ban ngày họ hội họp ở đình làng. Tối đến tập trung thiếu nhi lại múa hát. Tiếng đàn măng đô lin và tiếng kèn ácmônica vang lên réo rắt. Rồi những con bò bị quật ngã, thịt bày la liệt ở gốc duối xóm Chùa. Nghe nói đơn vị này đang nghỉ ngơi những ngày cuối trước khi từ giã hậu phương lên đường đi B dài.
Vào khoảng xế trưa, giữa lúc mọi người đang nấu nướng trong bếp thì hai chiếc máy bay Mỹ nhào tới. Khác với những lần trước chỉ bay qua, lần này chúng bay thấp, tiếng rít đanh như khoan xoáy xuống làng. Chiếc kẻng phòng không trên cây bàng đầu xóm Trại chỉ kịp gióng lên hai tiếng thì bom đã nổ rầm rầm tối mặt tối mũi. Sau đó là lửa cháy. Lửa lan từ nhà này sang nhà khác phừng phực, cuồn cuộn. “Các con ơi, đưa các cháu ra bờ tre, nhanh lên!”. Mẹ tôi gào lên, tiếng được, tiếng mất. Một loạt bom nữa lại ập xuống trùm lấp tiếng kêu của mẹ tôi. Mặt đất dãy lên rầm rầm. Tôi ôm đầu nằm chết gí ở gầm giường, đũng quần ướt đẫm.
– Khải ơi, thằng Hùng chết rồi. Tiếng gọi của thằng Mẫn. Tôi lồm cồm bò ra khỏi gầm giường. Có một cái gì đó thôi thúc như lòng tự ái bị thương tổn, tôi lao ra ngoài, chạy lên nhà thằng Hùng. Lúc ấy, thi thể nó đã được đưa về nhà, đặt trên chiếc sập gụ kê ở gian giữa. Khuôn mặt nó vỡ nát, nhòe nhoẹt máu. Nó nằm đó bất động trong lúc bà Nhủ, mẹ nó, đầu tóc rũ rượi nằm gục dưới chân sập.
Ngoài đường, tiếng chân người vẫn chạy sầm sập. Cả làng cả xóm cùng với đơn vị bộ đội lao vào chữa cháy. Những chiếc thuyền tôn chuyên dụng được lôi xuống từ các gác mái, rồi thùng, chậu được huy động tối đa để đựng nước dập lửa. Không người nào kịp nghĩ, rất có thể những chiếc máy bay sẽ còn quay trở lại.
Ở nhà thằng Hùng một lát tôi theo thằng Mẫn xuống xóm Chùa nhập vào dòng người đang hối hả chuyển nước từ dưới ao đổ đầy các thùng, chậu. Nước sối ào ào vào các đám cháy. Nhiều thi thể được đưa ra đen nhẫy, co quắp. Máu. Chưa bao giờ tôi thấy máu người nhiều như thế, đỏ như thế.
Khi tôi trở về nhà thì trời đã nhá nhem tối. Lạ, sao hôm vẫn mọc như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Một lát sau, anh tôi cũng về. Chị tôi bế thằng cháu út lập cập chạy về phía anh tôi. Từ người anh nồng lên mùi khét của máu và lửa.
– Không biết nó ném loại bom gì. Từ quả bom to bung ra hàng trăm quả bom nhỏ. Anh tôi nói.
– May nó không ném xuống xóm mình. Thấy bảo vợ chồng nhà Khảo chết khi đang nằm ngủ. Tội quá. Tiếng chị tôi.
Anh tôi im lặng, mặt hướng về phía cổng. Vẫn nghe tiếng chân người chạy, tiếng gọi văng vẳng ở đâu đó.
Để lý giải về trận bom, người dân làng tôi cho rằng, mọi việc đều do sự mất cảnh giác của đơn vị bộ đội. Thời buổi này mà cứ đi nhong nhóng ngoài đường. Đêm đến thì đèn đuốc sáng choang. Làm sao bọn gián điệp nằm vùng không gọi máy bay đến. Những người có chức, có quyền trong xã thì bắt đầu lập danh sách những đối tượng nghi vấn. Điều tệ hại nhất là trong bản danh sách ngắn ngủi ấy có cả gia đình tôi.
Anh tôi, trong những ngày đen đủi ấy gầy rộc đi. Anh hay ngồi một mình trên bộ tràng kỷ hút thuốc lào vặt. Cũng có lúc anh ngồi với tôi, dặn tôi phải chú ý việc học hành của các cháu, nhắc chúng đội mũ rơm khi ra đường… Thời gian này huyện cũng có chỉ lệnh, tất cả mọi nhà phải có hầm trú ẩn, ban ngày đi làm đồng phải khoác áo ngụy trang. Các phiên chợ Dày, chợ Gối cũng chỉ được họp vào lúc tang tảng sáng.
Một buổi tối, sau bữa ăn dông dài. Người lớn thì ăn khoai luộc. Trẻ thì húp cháo loãng. Ở quê tôi, người ta thường coi nhẹ bữa tối, bảo đi ngủ thì cần gì phải ăn no. Tất cả đều dành cho bữa trưa, bữa sáng.
– Có lẽ con phải đi bộ đội u ạ. Đi cho các cháu nó đỡ khổ. Nhà mình đâu phải loại nhà đốn mạt ấy. Anh tôi nói.
Giai đoạn này, sau trận bom, làng tôi vợi hẳn. Trai tráng lần lượt lên đường. Lác đác đã có dăm ba tờ giấy báo tử.
– Anh đã bốn mặt con. Ai người ta thèm mướn. Mẹ tôi đập cái quạt nan xuống đất. Ai nghi kỵ mặc họ. Cây ngay không sợ chết đứng. Mẹ tôi bật khóc. Anh không thiết sống nữa hay sao.
Chị tôi bỏ dở bát canh rau muống luộc đang húp dở:
– Mình không phải đi đâu hết. Các con, tôi lo được. Không học cũng có chết đâu.
– Đói ăn chịu được. Bị người ta khinh nhục lắm. Anh tôi thở dài nói.
Nửa tháng sau anh tôi đi. Cùng đi với anh tôi có ông Cáp, người cùng làng. Ông Cáp gắn bó với anh tôi như anh em ruột. Ông là Đảng viên, thuộc thành phần cơ bản. Bố ông trước là Chủ tịch Ủy ban Liên xã Kháng chiến. Ông Cáp cùng tuổi với anh tôi, là người sau này cùng với đại đội trưởng Phùng Đăng đã giới thiệu anh tôi vào Đảng. Năm đó, tờ đơn viết bằng máu của anh được đọc giữa đình làng, trong buổi giao nhận quân. Thực ra ở tuổi 31, lại có đến bốn con, anh tôi nằm ngoài chỉ tiêu tuyển quân. Trường hợp nhập ngũ của anh tôi trở thành một tấm gương cho thanh niên trong toàn huyện. Mẹ tôi, vì không cản được con, bà nằm liệt giường, liệt chiếu nửa tháng trời. Còn chị dâu tôi thì vẫn lặng lẽ chạy chợ như không có chuyện gì xảy ra. Đôi lần, tôi bắt gặp chị ngồi đờ đẫn bên thúng gạo. Cặp mắt đẹp, rợp bóng nhìn vô định vào một khoảng không nào đó.
II
Anh trai tôi lớn hơn tôi 10 tuổi. Đó là khoảng thời gian bố tôi đi lính đánh thuê cho Pháp. Đi để lấy tiền làm nhà, tậu ruộng chứ không hề có khái niệm gì về dân tộc, đất nước như mấy ông Ủy ban thời cải cách gán ghép cho bố tôi tội phản quốc. Anh tôi là một con người hiền lành, thích đi đây đi dó, thích đọc sách. Chính nhờ những cuốn sách của anh mà sau này, tôi đã tìm đến với văn chương, viết lách. Vào những tháng nông nhàn, anh tôi thường khăn gói cùng bạn bè đi làm thợ đấu ở Yên Bái, Hòa Bình hoặc làm phụ nề, khiêng panel xây những tòa nhà cao tầng đầu tiên ở Hà Nội. Có một câu cửa
miệng của anh tôi hay nói: “Lơ tơ mơ con chim xanh”. Một câu nói chẳng có nghĩa gì cả nhưng lại vận vào cuộc đời của anh tôi như một định mệnh.
Nhập ngũ, anh tôi được biên chế vào Lữ đoàn tên lửa vác vai ĐKB, chuyên tập kích các căn cứ địch. Anh là quản lý đại đội, đang phấn đấu vào Đảng. Anh bảo muốn cho các con mở mày, mở mặt thì mình phải là Đảng viên. Ông Cáp và những người đồng đội còn sống của anh tôi kể rằng, cùng đơn vị với anh tôi có ông Tuân, người Thọ An, cùng tỉnh cùng huyện. Ông Tuân là giáo viên cấp ba, nhà con một. Ông có đầy một bụng chữ nhưng nhát gan và có những suy nghĩ rất lạ, có phần kì quoặc không giống ai.
Vị trí chọn đứng chân của đơn vị anh tôi là một khu rừng xơ xác vì chất độc hóa học. Khi chọn vạt rừng chết này làm nơi trú quân Đại đội trưởng Phùng Đăng bảo: “Mình phải ở vào chỗ địch nó không ngờ nhất. Các cậu cứ chia nhau, chọn hang đá mà ở”. Có người hỏi sao không chọn những khu rừng cây cối còn xanh, đỡ phải ngụy trang, lại che được sự dóm ngó của máy bay trinh sát OV.10, L.19. Đại đội trưởng cười: “Rồi các cậu xem nó còn xanh được mấy bận nữa”.
Quả nhiên, đến ngày thứ ba, pháo bầy, B52 liên tiếp dập xuống phá hủy nốt những mảng xanh còn lại. Riêng vị trí trú quân của đại đội anh tôi thì vẫn hoàn toàn yên tĩnh. Chỉ nước ăn là phải đi xa hàng cây số gùi về. Nước ở con suối chảy ngoằn ngoèo dưới chân các hang đá bị nhiễm độc, chỉ có thể giặt giũ tắp tám chứ không nấu ăn được.
Suốt ba năm trời, đơn vị anh tôi quần lộn, bám trụ ở vùng Tây Đại Lộc, Quảng Nam, liên tiếp hứng chịu những đợt pháo bầy, những trận B52 khốc liệt. Có lần, hậu cứ của đơn vị bị tập kích. Đại đội trưởng bị thương, anh tôi đã cõng ông vượt qua những ngọn đồi lởm chởm đá, dưới làn đạn bắn chặn của địch, giấu ông ở một khe suối cho đến khi địch rút, đêm xuống.
Ông Cáp bảo nếu đơn vị ông không sơ suất để một tên điệp viên trá hàng trà trộn vào đơn vị, không để xổng một thằng phi công ngụy lái tàu rọ không may bị rớt đúng vào đội hình hành quân của đại đội thì đơn vị anh tôi đã trở thảnh đơn vị anh hùng từ những năm trước đó.
Người để xổng thằng phi công chính là ông Tuân và một cậu vệ binh trẻ của Lữ đoàn. Hôm đó, đại đội của anh tôi hành quân trong một khu rừng đang héo rũ vì chất độc hóa học thì bất ngờ một chiếc tàu rọ từ phía biển bay ngược lên rà sát ngọn cây. Cũng không hiểu sao, nó đột nhiên dừng lại, cánh quạt quay lảo đảo, rồi rớt xuống. Một tai nạn hy hữu. Viên phi công ngụy bị bắt sống. Người tóm gọn được anh ta là ông Cáp và anh tôi. Sau đó, viên phi công được giao cho ông Tuân và một cậu lính trẻ trong đội bảo vệ dẫn về Sở chỉ huy Lữ đoàn. Sở dĩ đại đội trưởng phân công ông Tuân đi áp giải tù binh vì trong đội hình hành quân, ông Tuân luôn lóng ngóng, đùn đẩy công việc nặng cho người khác. Ông Cáp, tiểu đội trưởng của ông Tuân bảo: “Thôi, trận này để nó về Lữ đoàn cho rảnh mắt”.
Ba người, ông Tuân, anh lính vệ binh và viên phi công vừa bị bắt đi ngược lên con dốc họ vừa đổ xuống. Nửa tiếng sau, những chiếc HU1A đã quần lộn tìm kiếm. Cánh quạt chém gió tơi tả. Để giữ bí mật cho trận tập kích sắp tới. Đại đội trưởng ra lệnh cho đơn vị nằm im, giữ vững đội hình, không nổ súng.
Đêm hôm đó, ba người nghỉ trong một hang đá nhỏ ở lưng chừng một ngọn núi. Viên phi công là một sĩ quan trẻ, khá điển trai, chừng hăm lăm, hăm sáu tuổi. Cậu ta bị anh lính vệ binh bắt cởi giầy, tay bị trói bằng một sợi dây mây có rất sẵn ở rừng Quảng Nam. Lúc những chiếc trực thăng rà sát đỉnh rừng soi mói, tìm kiếm, ông Tuân thấy đôi mắt viên phi công lấp lóe một tia hy vọng nào đó, và khi chúng bất lực bay chúi trở lại phía thành phố, đôi mắt ấy chợt cụp xuống, đau đớn. Trong lúc anh chiến sĩ vệ binh xuống chân núi tìm nước nấu cơm chiều, ông Tuân lúi húi nhóm một đống lửa. Vừa đưa đôi bàn tay bị trói nắn nắn đầu những ngón chân đỏ rực, gã tù binh lấm lét nhìn ông Tuân.
– Quê cậu ở đâu. Ông Tuân bất ngờ hỏi, khi nhìn cái bóng của viên phi công chập chờn trên vách đá.
– Dạ, em ở Quy Nhơn. Ba em trước cũng là du kích.
– Ba cậu là du kích sao cậu lại vào lính ngụy?
– Em bị bắt lính khi đang học năm thứ ba đại học Luật khoa Sài Gòn.
“Thì ra, nó cũng như mình, đều bị bắt, bị ném vào một cuộc chiến chả đâu vào đâu”. Ông Tuân cay đắng nghĩ.
Trong suốt chuyến đi, ông luôn nhìn viên phi công trẻ với một vẻ mặt thương hại. Nếu lột bỏ bộ đồ bay loang lổ nó chẳng khác gì ông, cũng máu, cũng da, cũng thịt. Khi ông hỏi tại sao lại bay lên rừng vào thời điểm đó. Nó đáp nó đi săn nai. Trên những vạt đồi cháy nham nhở do bom đạn, những bầy nai hàng chục con thường mò đến ăn tro vì thiếu muối. Nó còn bảo không ngờ ở vùng ranh gần thành phố như vậy lại có nhiều quân giải phóng đến thế.
Ông Tuân tin những lời viên phi công nói. Ông cậu tớ với nó, còn hứa nếu ba nó vẫn đang ở chiến khu ông sẽ tìm cách liên lạc giúp.
Sớm hôm sau, ông Tuân bảo cậu lính trẻ:
– Thằng này tã lắm rồi. Chân nó sưng tấy, dập nát. Thôi, trả giày cho nó. Cả dây trói nữa. Không bấu víu được, cứ đi chậm như rùa bò. Biết đến lúc nào mình mới mò về được đơn vị.
Anh lính vệ binh do dự một lát rồi cũng tặc lưỡi trả giày, cởi trói cho viên phi công và sự việc không ai lường trước đã xẩy ra. Buổi chiều, lúc ba người đi vòng quanh một tảng đá lớn, khi cậu vệ binh đi trước đã khuất ở bên kia hòn đá, bất ngờ viên phi công quay ngoắt lại, nhanh và mạnh như một con báo. Anh ta chồm tới xô ngã ông Tuân, giật lấy khẩu súng trên tay ông lao vào rừng. Sự việc xảy ra nhanh đến nỗi khi anh lính vệ binh kịp quay lại thì ông Tuân không còn biết gì nữa. Gáy ông đập vào một viên đá nhọn khi ngã, máu tuôn ra ướt đẫm trên cổ và vai áo.
Sau này, khi ông Tuân bỏ trốn, có người trong đại đội nói rằng ông Tuân đã dùng khổ nhục kế để giúp viên phi công trốn thoát, rằng mấy ngày áp giải tù binh, ông đã bị viên phi công mê hoặc…
Nhưng đấy là câu chuyện của dăm bảy tháng sau đó.
*
Ông Cáp bảo cả đại đội của ông, những người lính tên lửa thiện chiến luôn thiếu thốn, ăn đói, mặc rách nhưng đều gọi ông Tuân là nhà thơ. Ông Tuân cao, gầy, tóc lúc nào cũng được vuốt gọn. Những hôm hành quân nhìn ông Tuân vác cái máng nòng pháo dài gần hai mét, nặng 35 ký, không ai nhịn được cười. Chỉ được một lát, ông đã xoay ngang nòng pháo, vác bằng cả hai vai trông như một cây thánh giá cụt. Vốn là một giáo viên cấp 3 lại dạy văn nên ông biết nhiều, đọc nhiều. Buổi tối mọi người thường tụ tập ở hang đá của tiểu đội ông, nghe ông đọc thơ, kể chuyện. Ông kể chuyện Tam quốc, Tây du ký, Những người khốn khổ từng chương một cách rành rẽ như đang đọc sách vậy. Vào những buổi sinh hoạt đại đội, mọi người đều yêu cầu đồng chí Xuân ngâm thơ. Như chỉ chờ có vậy, và cũng đã thành lệ, ông đứng lên, một tay vịn vào vách đá, mắt chớp chớp và cất giọng. Phải công nhận ông ngâm thơ rất hay. Những bài như “Núi Đôi” của Vũ Cao, “Quê hương” của Giang Nam, ông đã khiến cả đại đội chìm trong cảm xúc nhất là lúc giọng ông nghẹn lại khi diễn đạt cái chết của các cô gái.
Chính nhờ cái tài lẻ như vậy mà đại đội trưởng đã bỏ qua cho ông những lần ông trốn tránh nhiệm vụ. Vào trận, ai mà không sợ chết. Nhưng người khác vì lòng tự trọng mà phó thác cho số phận. Còn ông Tuân thì luôn tìm cách chạy trốn nó. Khi thì ông kêu đau dạ dày, khi thì bị quáng gà không nhìn rõ đường… Trong tiểu đội của ông, có người bảo: “Thôi, cho nó giữ lấy cái gáo, để còn có thơ mà nghe”…
Thực ra, việc ông Tuân luôn tìm cách thoái thác nhiệm vụ, ngoài tính nhát gan, tiểu tư sản còn một nguyên do khác. Dòng họ nhà ông phiêu dạt đến Làng Hạ đã nhiều đời, nhưng không hiểu sao, đời nào cũng độc đinh. Nghĩa là chỉ sinh được một con trai. Con gái không kể. Ngày ông có giấy triệu tập nhập ngũ theo lệnh Tổng động viên, bố ông đã cay đắng nói rằng, Dòng họ này, gia tộc này đã đến lúc tuyệt diệt. Điều kỳ lạ nữa là ông lấy vợ từ rất sớm nhưng ba, bốn năm sau đó vẫn không có con. Người mà ông Tuân kỳ thị nhất trong đại đội là anh tôi. Phần vì anh tôi được mọi người quý mến. Ngay cả O Hương, y tá mới được bổ sung về lúc nào cũng anh Kháng, anh Kháng. Phần khác có lẽ vì anh tôi mới ngoài 30 tuổi mà đã có đến 4 con, 3 trai một gái, điều mà cả nhà ông mong mỏi đến khổ sở mà vẫn không thể có được một.
Thời điểm này, trong cánh rừng đơn vị anh tôi đóng quân dày dặc loang lổ những tờ truyền đơn chiêu hồi được thả từ những chiếc OV.10 của Mỹ. Những tờ truyền đơn in trên giấy tốt, dày, màu mè, nội dung đại loại: “Quân đội Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và quân đội Việt Nam cộng hòa đang chiến thắng ở mọi chiến trường. Các bạn cán binh cộng sản hãy dũng cảm lựa chọn, giữa đói khát, bệnh tật và một tương lai tươi sáng ở các đô thị”… Cũng có đôi lần, những chiếc tàu rọ rà xuống sát đỉnh rừng, từ cái khoảng rỗng của thân máy bay phát ra những tiếng nói khê đặc: “Tôi là Nguyễn… Tôi đã trở về với chánh nghĩa quốc gia. Tôi được đối xử tử tế, có công ăn việc làm, được sống với những gì mình yêu thích ở thành phố”…
Một bữa ông Tuân ốm. Anh tôi đi giặt quần áo cho ông, thấy trong túi quần sau của ông những tờ truyền đơn được gấp rất cẩn thận. Dĩ nhiên anh tôi đã xé chúng ném xuống dòng suối. Trở về hang, anh thấy ông Tuân ngồi nhổm dậy trên võng, mắt dáo dác nhìn ra ngoài, khuôn mặt vêu vao, xanh bủng.
– Kháng này, cậu có nghĩ mình, phe mình thắng được cuộc chiến này không?
Anh tôi thở dài:
– Có khi phải đến đời con, đời cháu mình. Cậu hỏi vậy là có ý gì? Ông Tuân:
– Cuộc chiến này thực chất là cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Mình đánh Mỹ cho Liên Xô, Trung Quốc. Còn bọn ngụy đánh mình cho Mỹ và phe tư bản. Mỹ họ giầu và mạnh lắm, không thắng nổi họ đâu!
– Cậu nghe đài BBC đấy à?
– Thì trong những tờ truyền đơn nó nói như thế.
Một lát sau:
– Kháng này, dù cậu được kết nạp vào Đảng nhưng bố cậu đi lính cho Pháp những mười năm, các con cậu cũng không thể mọc mũi, sủi tăm lên được.
Anh tôi lại thở dài, không đáp.
– Kháng này, hay mình và cậu trốn đi. Ở đâu chả là sống. Dân tộc là loài người, Tổ quốc là thế giới. Cái nhục ở chỗ này sẽ là cái vinh ở chỗ khác.
Anh tôi đứng bật dậy:
– Cậu không được nghĩ bậy, làm bậy. Tôi đã thấy những tờ truyền đơn trong túi quần cậu. Anh tôi gầm lên trong cổ họng. Liệu mà giữ mồm, giữ miệng. Coi như tôi chưa nghe thấy cậu nói gì, biết chưa?
*
Những năm 68, 69 ở chiến trường Khu 5 đói quay, đói quắt. Đói cả lương thực lẫn đạn dược. Trong lúc chờ sự chi viện từ hậu phương qua con đường 559, Bộ Tư lệnh quân khu quyết định tổ chức hậu cần tại chỗ. Tất cả các đơn vị đều phải thành lập bộ phận sản xuất gọi tắt là K2. Phải tự cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho đơn vị mình. Bởi thế, những chuyến đi lấy gạo, thay vì xuống đồng bằng hoặc lên đường giao liên Trường Sơn. Thời gian đi về mất già nửa tháng, giờ chỉ cần lên đội sản xuất, đi về trong ngày, cùng lắm là một ngày rưỡi. Là quản lý đại đội, anh tôi luôn phải dè sẻn, ưu tiên gạo cho các trung đội tác chiến. Bộ phận hậu cần ở nhà chủ yếu ăn ngô, sắn. Điều kỳ lạ là ông Tuân chịu đói rất giỏi. Thêm nữa ông ăn ngô sắn như ăn cơm vậy. Ông Cáp có lần bảo: Thằng Xuân nó sinh ra ở vùng bãi nên chịu được ngô sắn. Vào bữa, ông Tuân hay nhường nhìn, chịu thiệt. Có lẽ đó là đức tính mà ông Tuân luôn lấy được điểm từ anh tôi. Ông lười nhác nhưng đôi lúc lại rất tinh tế và ý tứ. Đêm ngủ, ông hay nói chuyện chồng vợ khiến mấy anh lính trẻ rạo rực, luôn lục sục trên võng.
Một ngày đầu tháng mười, đơn vị tổ chức lên đội sản xuất gùi gạo. Tổ của anh tôi phụ trách có ba người. Anh tôi, ông Tuân và O Hương, O được điều về đại đội anh tôi từ năm ngoái bởi nhiều anh em trong đơn vị mắc một căn bệnh rất lạ. Người nổi ngứa, mẩn đỏ rồi mọng nước, không phải ghẻ. O Hương bảo đó là kết quả không tránh khỏi của việc sống nhiều ngày nhiều tháng ở vùng rừng bị nhiễm độc nặng.
O là người gốc Huế, thấp đậm, đầy đặn. Trên khuôn mặt tròn của O lồ lộ một vẻ đẹp vừa đôn hậu, vừa phồn thực. Trước O hoạt động ở nội thành
Đà Nẵng, sau Tết Mậu Thân bị lộ phải bật lên rừng, được đi học một lớp y tá ngắn ngày rồi được bổ sung về tiểu đoàn của anh tôi.
Nhắc đến O, lính tiểu đoàn thường kháo nhau: Cô nàng, rũ ra phải được một gùi. Ý nói O dễ dãi, đã từng quan hệ với nhiều đàn ông. Nghe nói thế, đồn thổi thế, nhưng đã mấy tháng trời, vẫn chưa có anh nào cưa đổ được O. Người mà O quý nhất trong đại đội là anh tôi. O cũng chẳng cần dấu diếm điều đó, ngay cả với chính trị viên đại đội.
Hôm ấy, đoàn người đi lấy gạo đến đội sản xuất sớm. Lần đầu tiên anh tôi thấy ông Tuân vui vẻ, sởi lởi. Ông nhận gùi 100 lon bắp, gấp rưỡi những lần đi lấy gạo trước đó. “Thằng cha này mê O Hương rồi”, Anh tôi cười, nói nhỏ với ông Cáp.
Đường về, trời bỗng tối sầm lại. Anh tôi nhắc mọi người ráng đi nhanh, phải vượt con suối Đaksao trước khi lũ ập xuống. Ở rừng Khu 5, những con lũ thường ập xuống bất chợt, như một sự đổ vỡ lớn. Chỉ một thoáng, dòng suối nhỏ đang chảy êm đềm, bỗng chốc sủi bọt, nước từ thượng nguồn đổ xuống ầm ầm. Nhiều người lội ra giữa dòng suối, gặp lũ không kịp quay trở lại đã bị lũ cuốn trôi mất tăm mất tích. Nhắc mọi người như vậy nhưng đoàn gùi vẫn bị cắt làm đôi. Một nửa sang được bờ bên kia, nửa còn lại gồm anh tôi, ông Tuân và O Hương bị lũ bỏ lại bờ bên này không qua suối kịp.
Cách đây chưa lâu, vào đầu mùa lũ. Đơn vị anh tôi cũng tổ chức đi lấy hàng ở vùng sâu. Đường về phải vượt qua một con suối rộng. Lúc O Hương đang gùi gạo đứng giữa dòng nước thì con lũ bất chợt đổ xuống. O Hương luống cuống không biết nên đi nhanh sang bờ bên kia hay quay lại thì con nước đã hung hãn chồm tới, đẩy O ngã sấp. “Tháo bỏ gùi ra, nhanh lên!” Anh tôi vừa chạy đuổi theo trên bờ vừa quát xuống. Nhưng O Hương không còn nghe được tiếng anh tôi nữa. Tóc trên đầu O rũ ra mất hút trên mặt nước. Anh tôi quẳng bỏ gùi hàng nhào xuống con suối đón đầu. Lúc túm được O Hương thì O đã sặc nước lả đi. Anh tôi, theo kinh nghiệm học được, vội túm lấy tóc O kéo ngược lên, vừa kéo vừa sải cánh tay còn lại về phía bờ suối. Cũng thật may, hai người va phải một thân cây gỗ lớn nằm đổ ngang mặt nước. Anh tôi bám lấy cây gỗ, kéo O Hương vào theo. Vừa lúc, những
người lính khác trong đoàn cũng kịp chạy tới kéo cả hai lên bờ. Anh tôi nằm vật ra, mồm mũi sặc sụa nước.
Chính nhờ lần thoát chết trong gang tấc ấy, chuyến đi này, anh tôi và O Hương đã quyết định dừng lại không mạo hiểm như chuyến đi lần trước.
Mưa. Trời bắt đầu đổ mưa sầm sập. Nhìn dòng suối đang phình ra, đổ cuồn cuộn, cuốn trôi cả những cây gỗ lớn. Anh tôi quyết định tìm một căn lều trông rẫy của đồng bào dân tộc trụ lại, chờ nước rút.
Trở lại con đường mòn vừa đi, rẽ phải, ba người gặp một căn chòi thấp nằm giữa một rẫy mì cằn cỗi. Nước từ trên đỉnh đồi chảy xuống xối xả ngập đầy trong chiếc rãnh được đào xung quanh chòi. Cả ba lần lượt chui vào căn chòi, lựa tìm chỗ còn khô để hạ gùi. Lát sau, anh tôi bảo ông Tuân: “Mình tạm thời ra ngoài để O Hương thay đồ. Ướt, con gái dễ bị viêm nhiễm lắm.”. Ông Tuân nhìn anh tôi, nửa ra ý hiểu, lại như không hiểu. Hai người đàn ông lại khoác áo mưa, đứng quay lưng vào cửa chòi. Đột nhiên ông Tuân quay lại, loay hoay mở gùi lấy ra một xấp vải xô không biết kiếm ở đâu đưa cho O Hương: “O cầm lấy. Lại quên không mang theo rồi phải không?”. O Hương tròn mắt: “Làm sao anh biết… Anh có… Em cũng chỉ tưởng sáng đi tối về ’’. Anh tôi cũng ngạc nhiên không kém. Lạ quá. Làm sao ông ta lại biết O Hương đến tháng để mang theo cái loại khăn mà ở rừng, nó còn quý hơn cả vàng đối với các cô gái.
Sau lưng hai người, trong căn chòi có tiếng sột soạt của quần áo được cởi. Tiếng nước chảy. Những tế bào nhạy cảm được đánh thức làm hai cơ thể đàn ông đều nóng lên, rạo rực.
Lúc quay trở vào, ông Tuân hì hục nhóm một đống lửa. Thỉnh thoảng lại găm cái nhìn vào hai ống quần bó sát đang khô dần của O Hương. Bên ngoài căn chòi, đêm đột ngột ập xuống, đặc quánh. Anh tôi nghĩ chẳng lẽ đấy lại là cách để ông ta tán tỉnh các cô gái, một cử chỉ kì quoặc, bệnh hoạn. Anh tôi lắc đầu, đứng dậy bước ra cửa. Vẫn nghe tiếng gầm réo của con lũ. Mưa ngớt dần. Ông Tuân cũng đứng dậy bước ra theo. Hai cái bóng im lìm đứng cạnh nhau như hai cây gỗ cháy.
– Cậu đừng làm khổ O Hương. O là em út của cả đại đội. Anh tôi nói.
– Ông đang ghen có phải không? Ông Tuân không đáp mà nửa đùa, nửa thật hỏi lại.
Anh tôi nhìn ông Tuân. Đã không còn thấy cặp mắt hơi lé, mái tóc luôn được vuốt gọn. Anh tôi nghĩ có trời mà biết được những gì đang diễn ra trong cái đầu tăm tối ấy.
*
Sau chuyến đi gùi gạo, nhờ có xấp vải xô đưa đúng lúc, quan hệ giữa ông Tuân và O Hương trở nên gần gũi và thân thiết hơn. O Hương trả bù ông Tuân chiếc khăn chưa dùng đến của O nhưng ông Tuân không nhận. Những lúc rảnh rỗi, ông hay hỏi O về cuộc sống ở các đô thị, nơi trước khi thoát ly, O đã từng sống nhiều năm tháng. Nghĩ ông Tuân hỏi thực lòng, O Hương say sưa kể về những ngày hoạt động ở nội thành. O nhớ những con phố nở đầy hoa phượng vĩ. Mỗi buổi tan trường, áo trắng của nữ sinh trường Trung học Phan Chu Trinh làm sáng bừng lên, đọng lại ở các ngã ba, ngã tư. Những chiếc Honda chạy lãng xẹt. Ít nhất đã có một lần O giấu truyền đơn trong cốp xe, bị đám quân cảnh ách lại. O đã phải giả lả nhờ anh Hai cài dùm nút áo dài dưới nách mới thoát khỏi tình huống ngặt nghèo đó.
– Honda là cái chi? Ông Tuân ngượng ngập hỏi.
– Là xe gắn máy đó. Ở Đà Nẵng nhà nào cũng có xe gắn máy.
Ông Tuân im lặng, xấu hổ vì một giáo viên cấp 3 như ông, đến cái xe gắn máy cũng không biết nói chi đến tủ lạnh, cát sét, “cuộc sống của họ khác xa với cuộc sống ngoài Bắc”. Ông Tuân nghĩ.
Mặc dù đã hay trò chuyện với ông Tuân hơn, nhưng không hiểu sao, O Hương vẫn không mấy mặn mà với những bài thơ ông chép vào sổ tay của O. “Người chi mà hay nhìn lén, nhìn xéo.” O nói với anh tôi. Anh tôi vội vàng giải thích rằng, ông Tuân hơi bị lé, bởi thế, muốn nhìn thẳng ông ta phải nhìn chếch sang bên cạnh. Lời giải thích đó của anh tôi vẫn không làm O Hương thay đổi. Thực lòng, trong thâm tâm, anh tôi cũng gờn gợn một cái gì đó về cái nhìn xéo, lén của ông Tuân. Khác với anh tôi là một người thất
học, có bố từng đi lính cho quân đội Pháp, gia đình ông Tuân thuộc thành phần cơ bản. Trong cải cách được chia ruộng, chia nhà. Lớn lên ông được đi học hết trường này đến trường khác. Với chế độ này, ông thuộc diện ăn sẵn, không phải nhọc nhằn làm lại như anh tôi. Vậy tại sao ông ta lại có ý định bỏ trốn. Điều này đã khiến anh tôi day dứt, không giải thích nổi. Anh tôi, từ chỗ nhập ngũ chỉ để thay đổi lý lịch cho con cái, để rửa cái nhục bị nghi ngờ của chính quyền, nhưng sau ba năm ngắn ngủi ở chiến trường anh đã ngộ ra nhiều điều, trở thành một con người khác: chịu thương chịu khó, nhẫn nhịn và nhường nhịn. Trong con người anh có một dòng máu tự ngàn xưa đang chảy. Anh tự nguyện xin vào Đảng vì tất cả các đảng viên trong đơn vị anh đều là những con người không sợ khó, sợ khổ, không sợ chết.
…….