Bài: Tiểu Mai
Ảnh: NVCC
Đại tá, nhà văn Nguyễn Văn Hồng là một cây viết giàu năng lượng. Hoàn thành sứ mệnh của một người lính, ông đi tiếp chặng đường còn lại của cuộc đời bằng các tác phẩm văn học. Nhân kỷ niệm 45 năm chế độ diệt chủng Pôn Pốt ở Campuchia sụp đổ, cuốn sách “Cuộc chiến tranh bắt buộc” của ông đã được NXB Ukiyoto (Canada) phát hành toàn cầu.
Tác giả là người trực tiếp tham gia cuộc chiến
“Cuộc chiến tranh bắt buộc” – cuốn sách dày hơn 300 trang (bản tiếng Anh) của Đại tá, nhà văn Nguyễn Văn Hồng ra mắt nhân dịp kỷ niệm 45 năm chế độ diệt chủng Pôn Pốt ở Campuchia sụp đổ (07/01/1979 – 07/01/2024). Cuốn sách do HFT (Nhóm nữ dịch giả Hà Nội) chuyển ngữ tiếng Anh. NXB Ukiyoto phát hành trên toàn thế giới (https://www.ukiyoto.com/product-page/forced-war)
Đây là những dòng hồi ức về cuộc chiến tranh chính nghĩa nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam gắn liền với công cuộc hồi sinh kỳ diệu đất nước Chùa Tháp – Campuchia. Qua cuốn sách này, tác giả mong muốn đem đến cho bạn đọc – những người yêu hòa bình – một góc nhìn về cuộc chiến tranh để có thể tự giải mã nguồn gốc và vai trò của quân đội nhân dân Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước Campuchia ngày nay, góp phần duy trì sự ổn định tình hình trong khu vực Đông nam Châu Á.
Đi qua hai cuộc chiến tranh: 10 năm chống Mỹ (1965 – 1975) và hơn 10 năm chiến tranh biên giới Tây Nam làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, trực tiếp chiến đấu và chỉ huy những trận đánh quyết liệt với quân thù và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mỗi khi cầm bút, Nguyễn Văn Hồng như được sống lại những năm tháng đầy cam go, ác liệt. Mỗi trang viết của ông góp phần làm phong phú và sinh động thêm kho tàng quá khứ của dải đất hình chữ S.
Lời đầu sách giới thiệu rằng “Cuộc chiến tranh bắt buộc” chủ yếu viết về một sư đoàn bộ binh chủ lực trong suốt hành trình từ cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia đến cuộc tổng phản công, đập tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt và chuyển sang làm nhiệm vụ quốc tế tại đất nước Campuchia mà tác giả cũng là người trong cuộc.
Cũng như nhiều tác phẩm khác của Đại tá, nhà văn Nguyễn Văn Hồng, “Cuộc chiến tranh bắt buộc” khiến người đọc cảm phục khả năng quan sát và trí nhớ phi thường của ông. Cuốn sách không chỉ là kho tàng ký ức mà còn là bộ giữ liệu quý giá về các sự kiện từ nhỏ đến lớn của cuộc chiến.
Trải qua nhiều thập kỷ, những câu chuyện chiến tranh chưa bao giờ cũ, mà có lẽ càng cũ lại càng quý. Những đoạn lịch sử sống động luôn tạo nên câu chuyện tuyệt vời và giúp chúng ta hiểu về quá khứ. Đáng nói, người lính viết văn là một hiện tượng, văn được viết bởi người lính lại càng đáng để thưởng thức.
“Trời đêm như bịt lấy mắt, không khí im lặng như nín thở, thỉnh thoảng nghe tiếng lắc rắc do bộ đội ta giẫm đạp lên cành khô, lá mục ẩm ướt. Tôi nắm vào một cành cây, bỗng đau nhói ở mu bàn tay trái. Lập tức cánh tay tôi tê dại. Tay phải cầm chiếc đèn pin có khoét một lỗ tròn bằng hạt bắp, tôi rọi vào cành cây. Một con rắn lục xanh lè đang cuộn tròn trên chạc ba, hắn ngóc đầu lên nhìn tôi…
…Một buổi sáng gần cuối mùa mưa năm 1978, chiến trường Đông Bắc Campuchia chìm trong sương mù. Cơn mưa đêm hôm trước còn đọng lại những vũng nước dọc con đường đất đỏ từ Sở chỉ huy Trung đoàn 31 ra ngả ba quốc lộ 19. Cây cỏ hai bên đường ướt sũng. Trời se lạnh…
…Cuối tháng 8, miền Đông Bắc Campuchia vẫn đang là mùa mưa. Tất cả các con suối chảy ngang qua trục đường 19 trên phạm vi từ Đức Cơ lên biên giới và tỉnh Rattanakiri đều đầy ắp nước và chảy xiết, lực lượng công binh Quân khu và dân công phải bắc cầu, nhưng đường rất lầy lội. Do đó, bắc cầu xong thì xe cũng không thể đi được, lại phải huy động lực lượng chặt cây chống lầy cho xe vận chuyển hàng hóa lên cho các đơn vị phía trước, nhưng cũng rất hạn chế. Vì vậy, bộ đội vẫn thiếu thốn đủ thứ…”
Ai bảo sách viết về chiến tranh chỉ có những cảnh đầm đìa máu lửa và những số liệu khô khan thì có lẽ sẽ phải thay đổi suy nghĩ khi đọc “Cuộc chiến tranh bắt buộc” của Nguyễn Văn Hồng. Có những trang sách khiến tâm trạng người đọc nhẹ bẫng, ngỡ như lạc vào một cuốn tiểu thuyết lãng mạn. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt cùng cực, người lính sở hữu tâm hồn đam mê văn chương vẫn tìm được cho mình những khoảng trống nhỏ bé để quan sát và thưởng thức thực tại trong tĩnh lặng. Đó chính là sức mạnh phi thường của nghề viết.
“Gần đến tháng 4 tuy thời tiết chưa chuyển mùa, nhưng Bát Tam Băng đã được đón nhận những cơn mưa. Trời thường hay mưa vào buổi chiều, buổi trưa vẫn nắng nóng. Tuy nhiên, những cơn mưa hiếm hoi đó cũng đã làm dịu bớt cái khí hậu nóng bức đối với vạn vật nơi đây. Sống trong môi trường khắc nghiệt, bộ đội đã xuất hiện ốm đau, bệnh tật, nhất là sốt xuất huyết. Nói đến sốt xuất huyết ở vùng núi phía Tây tỉnh Bát Tam Băng, nhất là Pailin, Tà Sanh, Cao Mê Lai… thì không biết dùng từ nào để diễn tả hết được sự nguy hiểm của bệnh này. Sốt rét ở đây nó đã vượt rất xa bệnh sốt xuất huyết thông thường do loại muỗi Anôphen gây ra,…
Cuối mùa khô 1982, thời tiết thật oi bức, nhưng buổi chiều đã có những cơn mưa rào báo hiệu một mùa mưa nữa sắp đến. Khí hậu ở Campuchia nói chung cũng gần giống với khí hậu ở Nam Bộ và vùng Tây Nguyên nước ta. Ở đây có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Giữa hai mùa đó là cái tết Chôn Ch’năm Th’mây (tết té nước) để ăn mừng khi mùa mưa đến. Mùa mưa, vạn vật nơi đây sẽ sinh sôi, nảy nở, cây cối đâm chồi nảy lộc; cá Biển Hồ mang trứng và sinh đẻ. Ở Campuchia đến mùa mưa, người ta hạn chế đánh bắt cá ở Biển Hồ… Và mùa mưa, các lực lượng vũ trang của ta trên chiến trường cũng tập trung co về trong các căn cứ, chỉ tổ chức những phân đội bung ra đánh cắt hành lang của địch từ biên giới vào nội địa…”
Những cơn mưa được Nguyễn Văn Hồng nhắc đến không chỉ khiến vạn vật sinh sôi, cây cối đâm chồi, mà còn tưới mát cho cả độc giả. Sách về chiến tranh cần lắm những đoạn tả sâu, tả kĩ và duyên dáng như thế.
“Kẻ thù vẫn chưa để ta yên”
Đó là lý do Nguyễn Văn Hồng cùng những người đồng chí của mình tiếp tục sứ mệnh. Sách của ông giống như một bộ phim tài liệu, qua đó người đọc hình dung gần như trọng vẹn diễn biến phức tạp trên chiến trường, để rồi từ đó càng thêm trân trọng quá khứ.
“Như mọi người đều biết, nhân dân ta, quân đội ta đã đánh Pháp, đuổi Nhật từ chiếc gậy tầm vông, giáo mác, sau đó mới phát triển lên những trận chiến đấu quy mô lớn, được trang bị hiện đại. Ta thắng đế quốc Mỹ cũng từ chiến tranh du kích rộng khắp, mới có được cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975. Nói tóm lại, Việt Nam là bậc thầy của chiến tranh du kích trong khu vực.”
Thông qua “Cuộc chiến tranh bắt buộc”, Nguyễn Văn Hồng giúp độc giả “vỡ ra” được vô cùng nhiều kiến thức về chiến trường. Ông viết: “Vấn đề cuối cùng có tính chất quyết định nhất đó là con người. Con người phải có những kỷ năng cần thiết cho cuộc chiến đấu với kẻ thù. Các tập thể con người đó phải được bố trí, tổ chức như thế nào để phát huy được tối đa sức mạnh tổng hợp của con người và những điều kiện khác (công sự, vật cản và hệ thống hỏa lực).
Cái kết viên mãn
“Ngày 26 tháng 9 năm 1989, trước sự chứng kiến của quốc tế, quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia trong sự lưu luyến, tiễn đưa của Đảng, Chính phủ và nhân dân Campuchia. Đây là một sự kiện có ý nghĩa nổi bật trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Campuchia và khu vực Đông Nam châu Á.”
Đây chắc chắn là màn kết làm hài lòng tất cả những ai yêu chuộng hòa bình. Kết thúc cuốn sách “Cuộc chiến tranh bắt buộc”, Nguyễn Văn Hồng tiếp tục hướng người đọc ngẫm ngợi về tương lai. Ở tuổi 78, tố chất người lính trong Nguyễn Văn Hồng dường như vẫn còn nguyên vẹn. Sống trong thời bình, nỗ lực bảo vệ hòa bình cũng là… chiến đấu. Nguyễn Văn Hồng vẫn đau đáu “nghĩ về tương lai của mối quan hệ truyền thống các dân tộc Việt Nam – Lào – Campuchia, chúng ta đã có những nền tảng vững chắc được xây dựng từ máu và nước mắt của các dân tộc qua bao thế hệ.
Mong muốn rằng, các thế hệ mai sau tiếp tục góp phần xứng đáng, để đất nước ta được mãi mãi sống trong hòa bình, tự do và độc lập, cùng nhau xây dựng một ASEAN – trước hết là ba nước trên bán dảo Đông Dương này, không có chiến tranh và nguy cơ chiến tranh đe dọa.
Thắng lợi trong chiến tranh, tôi cho rằng: là nghệ thuật chỉ đạo về sách lược, chiến lược, chiến dịch và chiến đấu của Đảng mà sức mạnh là khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế.
Lịch sử là sự tiếp nối các sự kiện không phải của một thế hệ mà của nhiều thế hệ kế tiếp nhau. Mỗi thế hệ đều phải có trách nhiệm đối với lịch sử của đất nước mình.”
Trong thế giới đang còn nhiều bất ổn, tác giả muốn gửi đến những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới hãy cùng nhau xây dựng “ngôi nhà chung”, ở đó mọi quốc gia đều bình đẳng, tự do và cùng nhau phát triển…