Nếu coi tranh như Hoa, thì gốm là Quả/ Có vẻ như từ trong lịch sử cổ truyền, người Việt ta khoái Quả hơn thì phải!
Trong cuộc trưng bày Quả mang tên “PHỒN II” đón Tết 2024 này, có 11 nghệ sỹ tham gia sáng tạo Gốm Mới/ Nếu ai quan tâm mỹ thuật, thì sẽ biết họ đều đang là những nghệ sỹ trẻ và trung niên danh tiếng, đương sức đương thì ở mọi nơi/ Người thì đang là giảng viên tại các trường mỹ thuật lớn ở thủ đô như Đại học Mỹ thuật Việt Nam; Đại học Mỹ thuật Công nghiệp… Người thì đang tung hoành tự do, tác phẩm nối tiếng không chỉ trong mà cả ngoài nước.
Với sự tham gia của 11 nghệ sĩ:
Lê Lạng Lương, Lê Anh Vũ, Khổng Đỗ Tuyền, Trần Trọng Tri, Phạm Hà Hải, Hoàng Mai Thiệp, Trần An, Thái Nhật Minh, Nguyễn Xuân Lục, Tống Ngọc, Duyên Đỗ.
Gõ, đục, moi, ấn, đắp, mài, đập,
Véo
Bóp
Nặn
Xoa
Quét
Vỗ
…
Vê
“Phồn” mùa thứ hai nếu được hòa âm phối khí chắc thành một đoạn tấu nhạc trên đất. Ở đây, khán giả chiêm ngưỡng “phồn” trong hình hài, dấu vết cuối cùng của tác phẩm còn nghệ sĩ ôm tinh thần phồn qua cả quá trình.
“Phồn” là những biến thể tinh thần của quá khứ “phồn thực”. Thế giới hiện đại con người có thêm quá nhiều những mong cầu khác lạ, nhưng ý niệm về phồn thực ở một khía cạnh nào đó vẫn luôn tồn tại trong đời sống hiện đại ở khắp nơi, trong khắp chúng ta.
Bat Trang ceramic Artspace bước sang mùa thứ 5 – một không gian cởi mở cho mọi thử nghiệm và sáng tác trên chất liệu mang nhiều dấu vết văn hóa: đất. Gắn với mùa lễ hội, Gốm Tết đã thành một sinh hoạt nghệ thuật của hiện tại, mang ít nhiều cảm hứng sáng tác về sự khởi sinh, tiếp biến. Nhưng hơn cả, cái tên “Phồn” được nghĩ ra trên tinh thần một cuộc chơi thoải mái và đầy tính hài hước của các nghệ sĩ. Phồn cũng là một góc riêng để soi chiếu vào mọi thế giới tinh thần không tưởng với đất bản nguyên.
(Trích bài viết giới thiệu “Phồn 2” – Trần T. Huyền)