Tác giả Bích Ngọc
Đóng trang Facebook cá nhân lại, Hà thẫn thờ hồi lâu rồi lê dịch ghế xoay lại gần cửa sổ nhìn ra ngoài. Tuyết vẫn đang rơi mỗi lúc một mau. Những bông tuyết có gai góc nhỏ xíu đập vào cửa kính rồi tan chảy chỉ sau giây lát. Phía xa xa, bãi cỏ khuôn viên trung tâm đào tạo gần như đã trắng xoá dưới lớp tuyết dày. Những bụi cây cảnh lúp xúp mọc gần lối ra toà nhà cũng bắt đầu phủ trắng lốm đốm. Hà thở dài. Chiều 28 Tết ở bên bờ Đại Tây Dương, tức là rạng sáng 29 Tết ở nhà rồi. Giờ này bạn bè họ hàng của cô ở Việt Nam chắc đều đã được nghỉ làm, bố thì luôn dậy sớm, chắc đang xem bản tin trên TV về tình hình giá cả và thời tiết mấy ngày Tết. Hà mường tượng cảnh mọi người ở nhà đang sắm sửa rục rịch chuẩn bị thức dậy sớm, tính toán đi chợ mua sắm đồ ăn, đào quất, trang trí nhà cửa, với đủ thứ kế hoạch tụ tập ăn uống và du xuân. Cứ đọc và xem Facebook của họ thì biết. Không xem thì nhớ, mà càng xem thì càng thấy khắc khoải, trống trải mơ hồ, một cảm giác không hẳn là buồn nhưng chắc chắn là không vui. Đây là cái Tết thứ 14 Hà trải qua trên đất Mỹ.
Hà nhớ lại mấy chục năm trước, khi cô mới 8, 9 tuổi. Thời bao cấp nghèo nàn thiếu thốn, triền miên ngày này sang tuần khác ăn uống đạm bạc đơn sơ, chỉ trừ vài ngày cúng giỗ là được ăn no nê ngon lành hơn bình thường. Và tất nhiên là cả ngày Tết nữa. Đó là những ngày Hà và anh trai ngóng trông nhiều nhất trong năm. Ôi chao là nhiều thứ để ăn. Chè kho, bánh chưng xanh rền thơm ngậy từng miếng, gà luộc, xôi vò, giò lụa, miến và canh bóng bì. Bao năm rồi, Hà vẫn không quên được cảm giác sốt ruột hồi hộp cả ngày, hết ra đứng cửa lại vào ngồi bếp canh nồi luộc bánh chưng với mẹ từ sáng đến chiều tối, tới lúc nghe thấy bố bảo, “bánh được rồi đấy.” Mẹ lấy khăn lót tay mở vung nồi, xuýt xoa vì nóng, khẽ nhấc từng chiếc ra rồi nhúng sơ qua vào nước lạnh. Số bánh luôn chẵn và chia đều cho 4, năm thì 12 cái, năm thì 16 cái. Sau đó, bố xếp bánh lên bàn thành một hàng, đặt một tấm gỗ lên bánh rồi chèn vài viên gạch lên trên. “Để bánh được nén chặt hơn,” bố Hà giải thích thế. Hai anh em Hà yên tâm đi ngủ trong khi bố mẹ thắp hương dọn dẹp bếp. Giấc ngủ từ từ đến trong cảm giác phấn khích mơ màng đến sáng hôm sau sẽ được ăn sáng với bánh chưng. Buổi trưa sẽ là xôi với gà luộc, canh măng, miến lòng gà với giò lụa. Những ngày Tết thơ ấu mới êm đềm làm sao.
Chợt cảm thấy có gì vô nghĩa trong sự hồi tưởng và cảm giác khắc khoải thụ động, Hà bỗng quyết định rất nhanh. Cô vớ lấy chùm chìa khoá, tụt đôi giày điệu ra quẳng dưới gầm bàn làm việc rồi xỏ nhanh đôi ủng đi tuyết nặng trịch vào chân. Hà khoác áo, đeo găng tay,và xách túi đi ra ngoài. Phải đi ăn, ăn ngay một cái gì đó có mùi vị Việt Nam rồi lại về làm việc tiếp, Hà tự nhủ. Không thì không thể làm gì từ giờ đến mai được. Cô biết mình sẽ đi đâu. Có một siêu thị Việt-Hoa và một nhà hàng Việt liền kề đó chỉ cách văn phòng của Hà chỉ chừng 30 phút đi bộ và tàu điện ngầm.
Thò đầu ra khỏi toà nhà, Hà thấy may mà sáng nay cô đổi ý, lấy chiếc mũ len dày ra đội thay vì chiếc bê rê thanh thoát thường ngày. Dù vậy, cảm giác lạnh buốt vẫn ập vào mặt theo những hạt tuyết táp xối xả vào má, tai, gáy, và cằm. “Giá mà mình có một bộ tóc dài, trời tuyết này chắc sẽ thấy ấm hơn, mà lại còn hơi bị đẹp và lãng mạn chẳng kém gì trong phim Hàn ấy chứ — những bông tuyết lấm tấm trên mái tóc nàng…” Hà chợt phì cười vì sự liên tưởng tự trào của mình. Cô rảo bước trên nền đá phủ tuyết. Cứ đà này thì chắc đến chiều về là tuyết sẽ dày tới 3-4 phân chứ không ít. Chưa biết chừng ngày mai trung tâm sẽ thông báo được nghỉ.
Nhà ga tàu điện ngầm ấm áp và khô ráo, đối nghịchhẳn với cảm giác rét mướt ẩm ướt bên ngoài. Buổi trưa, ít người đi tàu, Hà tha hồ chọn ghế ngồi gần cửa sổ. Cô ngả người thư giãn, lấy điện thoại và tai nghe ra nghe nhạc cho qua thời gian 20 phút tàu chạy. Bài gì cho hợp cảnh bây giờ nhỉ, di di lướt lướt ngón tay qua lại, Hà chọn bài “Tuyết rơi” của Ngọc Lan.
Ký ức Hà Nội lại ùa về. Những năm 90 của thế kỷ trước. Cứ Tết đến là Hà lại thích mở bài hát Happy New Year của ABBA ra nghe váng nhà dù khung cảnh đêm Tết dương lịch của những người thanh niên Thuỵ Điển 12 năm trước đó không có gì đồng điệu với không khí Tết âm lịch trong gia đình cô. Hà đã học xong đại học, đã đi dạy, đã lớn và tinh khôn hơn một chút để hiểu ra về gia cảnh nhà mình. Những ngày Tết sau khi cô vào học trung học bắt đầu khác trước. Bố mẹ cô ngày càng ít nói chuyện với nhau hơn. Bố có vẻ khó tính và hay cằn nhằn phàn nàn. Mẹ thì im lặng nhẫn nại lo toan mọi việc. Tuy thỉnh thoảng mẹ con vẫn trò chuyện vui cười, nhưng vẻ mặt rầu rầu chịu đựng của mẹ thì không thể qua được mắt Hà. Nó ngày càng khiến lòng cô trĩu chùng xuống với những băn khoăn đòi được lý giải. Mấy ngày Tết chậm chạp trôi qua trong những công thức lễ nghi, những thăm hỏi chúc tụng khách sáo có phần gượng gạo cố vui. Hà bắt đầu lờ mờ nhận ra cái gọi là gánh nặng cuộc đời và khả năng chịu đựng hiếm có của những người phụ nữ sống quanh cô. Vào Tết những năm đó, bố vẫn gói bánh chưng nhưng số lượng ít hơn, thường chỉ 8 hay thậm chí 4 cái. Luộc bằng nồi áp suất nên thời gian chínnhanh hơn hẳn, chỉ chừng 3-4 tiếng là luộc xong một mẻ 4 cái. Bánh nhà gói, vẫn thơm ngon thân thương, nhưng hình như công nghệ điện của nồi áp suất đã lấy bớt đi chút hương vị dân dã của củi khói. Bữa tiệc tất niên chiều ba mươi thường có thêm một, hai người bạn thân của bố, nhưng anh trai thì luôn vắng mặt vì có hẹn bạn gái hay ai đó. Hà giúp mẹ việc vặt trong bếp và chuẩn bị mâm cúng giao thừa. Hai mẹ con thường chỉ ăn qua loa một bát cơm, một cái nem rán, hay bát miến gà rồi rút lui, để bố và mấy ông bạn khề khà trò chuyện tới 9, 10 giờ đêm mới về.
Phải rồi, miến gà. Hôm nay mình sẽ ăn miến gà. Hà bỗng thấy lâng lâng phấn khích, vô tình ực nước miếng dọn miệng cho một bữa trưa nóng hổi ngon lành sắp tới. Thực đơn của nhà hàng Việt này có khá nhiều lựa chọn. Hà đã ăn ở đây vài lần. Đủ món quen thuộc nhưng đa số là theo khẩu vị miền Nam hay đúng hơn là của Việt Kiều hải ngoại trên đất Mỹ, phục vụ nhu cầu hoài niệm quá khứ của những người xa xứ. Ngay cái tên 4-75 của nhà hàng này đã nhắc thực khách điều đó rất rõ. Ở Mỹ đã lâu, Hà đã quen dần với não trạng “có còn hơn không” và bớt khó tính khi đi ăn nhà hàng Việt. Phở thì cô không thiết vì nó quá khác phở Hà Nội thân thuộc của cô. Nhưng ơn giời, chỗ này có món bún măng vịt và miến gà tuyệt ngon. Ăn xong, mình sẽ ghé sang siêu thị Việt-Hoa mua một, hai cái bánh chưng hay bánh tét và một lọ củ hành muối. Tuỳ bố con nhà nó, tối nay có thể sẽ ăn bánh chưng, hay cắt lát bánh tét rán lên ăn với hành muối là rất hợp lý. Hà bỗng tủm tỉm cười nhớ lại lần đầu cho Mark ăn bánh chưng rán cách đó hơn chục năm, khi hai người còn đang hẹn hò. Là người Mỹ lớn lên trong môi trường văn hoá gốc Anh và Ai-Len, Mark gần như chưa bao giờ có trải nhiệm về ẩm thực Á Đông. Lần đó, anh lịch sự đón đĩa bán chưng rán Hà mời, nhưng vẫn ý nhị và thận trọng hỏi cô về thành phần và cách làm bánh. Anh gật gù có vẻ thích, khen ngon và nói bánh chưng rán có vị như…khoai tây khiến cô vừa buồn cười vừa bực. Nhưng đó là chuyện lâu lắm rồi. Tuy không mê mẩn thèm nhớ đồ ăn Việt đến nỗi như Hà, Mark và Malia, con gái của họ, giờ đây cũng đã quen và thích những món ăn Tết Việt Nam. Cuộc sống của họ luôn có những thử nghiệm, tranh luận, và trải nghiệm văn hoá trên bàn ăn. Hà mỉm cười và lại bắt đầu mường tượng ra những viễn cảnh đáng yêu.
Thoả mãn dạ dày với bát miến gà xong, Hà để lại chút tiền lẻ trên bàn cho nhân viên rồi xách túi đi sang siêu thị. Từ ngoài cửa, cô đã nghe thấy tiếng bài hát “Ngày Tết quê em” rộn ràng với điệp khúc “Tết Tết Tết đến rồi…”. Hà khấp khởi nhặt một chiếc giỏ xách tay bước vào, nhưng hỡi ôi, người tính không bằng trời tính! Rủicho cô, giữa sảnh cửa hàng là dòng chữ viết trên một tấm bìa cát-tông lớn đập vào mắt: “Cửa hàng đã hết bánh chưng, bánh tét. Xin phép đóng cửa nghỉ bán hàng từ 29 chạp đến mùng 2 Tết. Mong quý khách thông cảm.” Cả tuần công việc lu bù, Hà không có lúc nào nghĩ ra là phải đi chợ mua bánh sớm hơn.
Mục đích chính không đạt được, nhưng Hà vẫn quyết định vào, cứ đi tha thẩn một lúc xem có gì hay không. Qua dãy tủ đông lạnh, Hà tần ngần một lúc ngắm nhìnnhững khúc giò ngắn chừng 12 phân và chỉ nhỉnh hơn cổ tay một chút. Không hứng thú, cô đi tiếp sang khu đồ ăn chế biến sẵn ngó nghiêng. Chả giò – hay đúng hơn là nem rán kiểu miền Nam – nóng hổi, thơm lừng, nhưng cô cũng không thích vì chúng được gói bằng lá nem bột mì dày quá, không giòn như kiểu Bắc, và có mua về thì cũng đã nguội lạnh, mất ngon, thôi vậy. Đi thêm mấy bước, Hà bỗng sáng mắt lên khi nhìn thấy xôi gấc. Những đĩa xôi được làm từ khuôn có hình hoa, ở giữa là một vòng nhân đậu xanh, trên có rắc vừng và những sợi dừa nạo, trông cũng đẹp mắt. Xôi này mang về bày bàn ăn tối nay cũng thú vị đây. Người bán hàng nhiệt tình đưa mời Hà một miếng xôi nhỏ dựng trong miếng giấy mỏng ăn thử. Cô vui vẻ cảm ơn và nhấm nháp vị xôi gấc nhà hàng. Miếng xôi mềm, thơm vị dầu dừa, nhưng ngọt quá và gần như không còn cảm thấy vị gấc đâu cả, như thể nó được nấu từ bột gấc tổng hợp chứ không phải từ quả gấc tươi. Hà lại tặc lưỡi bỏ qua. Cả khu chợ ngồn ngộn hàng hoá, đồ khô, đồ tươi, với một thứ mùi tổng hợp lẫn lộn tây ta tàu thái khó tảkhiến Hà thấy vừa kỳ thú vừa vô cùng lạc lõng. Qua khu đồ ăn, Hà vòng về phía gần cửa ra thì thấy một dãy bày đồ trang trí nhà cửa ngày Tết. Đủ cả, cây quất mai đào khế làm bằng chất dẻo, xen với những chiếc đèn lồng và phong bao mừng tuổi treo sặc sỡ, in màu loè loẹt, vừa quen lại vừa lạ lẫm khiến Hà bắt đầu cảm thấy tủi thân, chán nản. Đây là chợ Tết của Trung Quốc, hay của Việt Nam, hay của Đài Loan, Khơ Me, Thái Lan? Hà không thể xác định nổi, nhưng chắc chắn nó không phải chợ Tết của cô.
Hà tự trách mình, đã chấp nhận ly hương tìm cuộc sống mới, sự nghiệp mới, thì phải chấp nhận mọi thứ hay dở vui buồn của nó chứ sao lại nản lòng thế này. Hà thường tự hào mình là người lạc quan, hướng ngoại, cởi mở và dễ thích nghi, nhưng đúng là mỗi năm, cứ đến gần ngày Tết âm lịch, cô mới thấy thấm sự yếu đuối của mình, không chống đỡ nổi sự dằn vặt của tiềm thức và kỷ niệm. Khuôn mặt rầu rầu của người mẹ đã quá cố vẫn luôn hiện về trong những giấc ngủ chập chờn khi mùa đông tới, giữa tiếng lò sưởi tự ngắt tự bật thỉnh thoảng lại lạch tạch trong đêm. Càng gần Tết cô lại càng nhớ và hay mơ thấy mẹ. Mỗi khi năm mới tới, thêm một cái Tết xa nhà, con gái thêm lớn, cô càng hiểu ra những nhọc nhằn hy sinh lớn lao mà mẹ đã trải qua vì gia đình, vì hai anh em cô.
Vừa đi vừa nghĩ ngợi, Hà nhận ra là mình đã sắp ra đến gần cửa ra. Vào một siêu thị Việt có bao nhiêu thứ thế này, chẳng nhẽ không mua nổi cái gì ư? Hà lưỡng lự rồi lại quay vào chợ cố tìm kiếm một món ăn hay món quà Tết khả dĩ cho chồng con. Cuối cùng, cô chọn mua một hộp bánh đậu xanh, một hộp trà nhài, và 5 chiếc phong bao mừng tuổi in màu đỏ thẫm có vẻ trang nhã hơn cả, quan trọng nhất là không có chữ Tàu hay những con thú phun nhũ lóng lánh loè loẹt. Hà tính sẽ tặng hai bố con hai phong bao, và tặng thêm cho ba cô bé hàng xóm vẫn chơi với Malia nữa. Ngày mai cô sẽ thuyết phục Mark chở xuống nhà thờ Công Giáo của người Việt để mua bánh. Chỗ này năm nào cũng có bánh chưng bánh tét do chị em Công Giáo người Việt bán lấy tiền quyên góp cho nhà thờ đến tận chiều 30 Tết. Hà lại lẩm nhẩm tính toán và mường tượng ra khuôn mặt của chồng con khi cô tặng họ phong bao, ăn bánh tét rán, tráng miệng bánh đậu xanh, uống trà nhài và nói chuyện với họ về ngày Tết Việt Nam. Cô hối hả trả tiền rồi đi ra. Lúc này, loa phát thanh trong cửa hàng đã chuyển sang bài hát “Mùa Xuân Của Mẹ” với giọng hát mùi mẫn, khắc khoải ân tình của Chế Linh.
Tuyết vẫn rơi lất phất. Một năm nữa lại sắp trôi qua.
Tác giả Bích Ngọc