CHINH PHỤ
Chị tôi còn là cái bóng trong nhà, lâu lâu lại hú một tiếng, chẳng ai biết hú gọi gì vào cái khoảng không cửa sổ mở ra cánh đồng, vắng tanh vắng ngắt. Những lúc ấy, mẹ tôi ôm lấy chị, “Con tôi, con tôi”. Được mẹ xoa lưng âu yếm, chị òa khóc, khóc nức nở, khóc tức tưởi, khóc quặn đau.
Chị tôi khổ vì thời mạt, mà anh tôi là sinh đồ, bác tôi là ngự sử đài chẳng ai giúp được, buồn thế.
Ấy là thời chúa Trịnh Giang, một ông chúa ăn chơi vô độ, suốt hai chục năm sợ trời đánh phải xây biệt điện trong lòng đất, ở dưới âm ti, không nắng gió mà vẫn khỏe, ngày nào cũng phải có gái hầu.
Năm ấy, trời làm loạn, giặc cỏ nổi lên khắp miền biên viễn, trong khi ở phía Nam nhà Nguyễn vẫn chưa thôi hục hặc với nhà Trịnh, thường đánh ra Bắc, sông Gianh trở thành chiến địa của hai họ mặc dù cả Nguyễn và Trịnh đều tôn vua Lê là chính thống. Có chiến tranh, anh tôi, sinh đồ Đặng Hữu phải đi lính kỵ. Anh tôi đi thì chị dâu sang ở với bác tôi là Ngự sử đài Đặng Trần Côn. Trước đó bác tôi làm tri huyện Thanh Oai, nhưng ông chán, tri huyện cứ phải nghe tri phủ, không được làm như ý, nên bỏ, làm Ngự sử đài, là cái chức vô tội vạ. Mối quan hệ gia đình tôi với bác Côn có từ trước đó, anh tôi ở với bác trên trấn thành để tiện đi học mà thi hương. Anh đỗ thi hương, nhưng điểm thấp, không được bổ làm quan, chỉ được cái danh sinh đồ. Sinh đồ đi lính, chị tôi không về quê, ngày ngày se tơ, dệt vải với bác gái, cũng đủ sống tiềm tạm.
Chị tôi đẹp, ở trấn thành nơi ngựa xe như nước, mà chị chẳng kém sắc các bà, các cô con nhà quyền quý. Ngày chưa lấy chồng, chị tôi muốn yên cũng không xong vì quá nhiều đám đánh tiếng. Chị từ chối làm dâu nhà tri phủ Thường Tín vì không muốn sống ở nhà quan, coi người như cái rác. Chị cũng không nhận lời bà quận chúa Lệ Ninh lấy con trai bà. Rồi chị cũng lại lắc đầu bà mối xin làm dâu con nhà buôn vải Vinh Hồ, nổi tiếng nứt đố đổ vách ở Thăng Long. Chị chọn một chàng trai khỏe mạnh, bình thường, là anh tôi, chỉ là một sinh đồ, chưa đỗ làm quan. Cưới xong, chị ru rú ở nhà không dám ra đường vì từ chối nhiều đám quá, sợ bị trả thù. Chị cũng không dám ra đường còn vì lính nhà Chúa càng ngày càng hư hỗn, gặp gái đẹp giữa chợ là thò tay bóp vú, bị hại chỉ còn nước chạy, chứ chống đối thì bị gô lại vì chống người nhà chúa. Anh đi lính, chị càng nấp kín hơn, có việc gì ra đường thì trùm khăn, bước vội như chó đuổi.
Làm người bình thường thì có ẩn kỹ mấy cũng có lúc phải ra đường. Chiều ấy, chị thấy người mỏi nhừ, chạy ra đầu chợ gần nhà mua nắm lá xông, lúc quay về chị phải qua một đám lính đang uống rượu trên vỉa hè. Chị tránh sang hè bên kia cũng không thoát, bị đám lính say rượu tóm tay, lôi đến chỗ chúng ăn uống để làm trò. Chị chống cự, chúng lột hết quần áo để chị không dám chạy. May mà vỉa hè có cái bao rách, chị chụp lấy, che thân, chạy về nhà. Hú vía! Bà bác tôi hét vào tai chồng, nhà thơ Đặng Trần Côn, lại chức Ngự sử đài chiếu khám, ông phải làm cái gì đi chứ. Ngự sử đài mà không bảo vệ được người nhà à? Bác tôi ngửa mặt lên trời mà bảo, tôi thì làm được gì. Em nó nhanh chân chạy về nhà lành lặn là may rồi.
Nhưng vẫn không may.
Bọn cấm vệ thấy nhan sắc của chị tôi, không ăn được thì đạp đổ. Chúng tâu thế nào đó với hoạn quan của chúa, thế là ngay tối hôm đó giám quan được lính vệ áp tải, xộc vào nhà, bắt cả ông bà ngự sử và chị tôi quỳ xuống để nghe giám quan đọc dụ: “Chúa vương toàn năng dụ, thị Lương họ Đào, phường Yên Khánh, phố Ngữ Thị, trấn Thăng Long vào hầu chúa. Khâm thử”.
Chị tôi lồng lộn chống đối, quyết không đi, vì là gái đã có chồng đang ở sa trường. Chị vớ được con dao cắt sợi có đầu nhọn, mỏng như lá lúa, sắc như nước, hướng vào ngực, hét, “Các người bắt tôi đi, tôi chết ngay ở đây!”
Cả nhà hoảng lên. Bác Côn lại chỉ biết ngửa mặt lên trời, đi lại trong phòng. Bác gái ôm chặt lấy em dâu, sợ em tự tử. Viên giám quan nói, “Ai chống dụ chúa vương toàn năng, chém đầu không xét xử”.
Tình thế chỉ còn sống và chết. So với chết thì sống vẫn hơn. Sống sẽ có lúc được minh oan, được trả thù. Bác tôi nói với chị tôi, em ạ, dụ chúa không ai chống lại được. Em mà chết bây giờ thì mai kia chồng em ở sa trường về, ai đón, ai nói cho chồng em biết nỗi khổ của em…
Nghe lời khuyên của bác, chị tôi không chết mà cắn răng bước lên cáng cho lính cáng vào biệt phủ.
Đó cũng là năm đất trời đảo lộn.
Do Chúa Trịnh Giang hai mươi năm sợ chết đã ở biệt phủ dưới lòng đất, chỉ ăn chơi vô độ mà bỏ bê triều chính nên trăm quan cùng hậu cung đồng lòng hạ bệ chúa, đưa người em là Trịnh Doanh vừa trẻ, vừa có đức lên thay. Vì trăm quan đã đồng lòng, Trịnh Giang không thể chống đối nhất là lại được chúa mới ban cho chức thái thượng hoàng, được ở lại biệt phủ.
Ngày hạ bệ chúa Trịnh Giang chỉ sau vài hôm chị tôi bị đưa vào biệt phủ. Đúng lúc chúa Trịnh Doanh mới lên ngôi, đang tham biện với các đại thần về kế khôi phục lại triều chính và lo việc dân an thì chúa nghe thấy nhiều tiếng đàn bà gào thét. Chúa cho Giám quan vào biệt phủ của Trịnh Giang vừa bị truất ngôi coi xét xem có chuyện gì. Giám quan dẫn ra cả một tốp các cô mặt mày tái mét, đầu tóc rũ rợi, vừa đi vừa khóc. Trong tốp những cô gái được dẫn ra khỏi biệt phủ có chị tôi. Chị tôi đi lẫn với các cô, được dẫn ra, nhưng vẫn được chúa Trịnh Doanh để ý đến.
Chúa dụ: “Thị nữ hãy đến gần ta, nghe ta hỏi”.
Chị tôi quỳ mọp, chắp tay lạy, “Xin chúa tha tội, tiện nữ không đám đến gần vì người dơ dáy”.
Chúa dụ, “Ta thấy thị người mệt mỏi, xanh xao, mắt cuồng thâm, nên cho thị vào dưỡng sức ở cung an hoàn, có ngự y chăm sóc”
Chị tôi khấu đầu, “Bẩm chúa, tiện nữ mang ơn trời biển của chúa, không dám nhận mưa móc, xin về nhà se tơ dệt vải với chị”.
Chị tôi về nhà bác được mươi ngày, vừa lấy lại được sức, thì một đêm chị thưa với hai bác, xin đi thăm anh tôi đang ở sa trường Quảng Bình. Hai bác khuyên, “Đường xa, nhiều nhiễu nhương, em có nên đi không?”.
Nhưng chị quyết đi thăm chồng, chị có chuyện muốn thưa với chồng, không thưa thì sống cũng như chết.
***
Sông Gianh Quảng Bình bấy giờ là chiến tuyến, quân nhà Nguyễn ở bên bờ Nam, quân nhà Trịnh phục binh bờ Bắc. Lâu lâu mới lại có trận đánh, thường là đổ bộ đường sông, hoặc lần từ vùng rừng Trường Sơn xuống, đánh úp để chiếm đất. Cũng có thời quân nhà chúa Trịnh võ trang mạnh mẽ, lại có tướng tài, đánh sâu vào tận Quảng Trị, lập bộ máy hành chính cấp phủ để coi quản. Nhưng rồi nhà Nguyễn, thời chúa Nguyễn Hoàng mạnh mẽ đã tấn công trở lại, đẩy đường biên giao tranh hai họ trở lại Sông Gianh.
Chị tôi đi xe trạm đúng bốn đêm thì đến sông Gianh.
Ở chặng cuối, ông già đánh xe bảo chị tôi, lão chỉ đưa cô đến đây, không đi thêm được nữa, vì phía trước đã là nơi đồn trú của binh lính. Già này vẫn ở lại vài ngày dưỡng sức. Nếu mai kia cô về Thăng Long, thì già lại đón, không phải trả công xá gì.
Chị tôi xuống xe, thấy người nhẹ nhàng trở lại sau nhiều ngày lo âu nặng nề. Bấy giờ vào vào tầm ngang buổi sáng, nắng mùa hè chói chang, bãi cát hai bờ sông Gianh rực lên như tấm gương khổng lồ, soi bóng người. Chị đi đoạn ngắn về bờ sông thì gặp lính canh đứng sững trước mắt. Lính canh hỏi, người kia đi đâu mà lọt vào vùng cấm của Đội Tiệp kỵ. Nghe lính canh hỏi mà chị rơm rớm nước mắt. Đi mấy ngày, mấy đêm vào tận đây, mới được nghe thấy hai tiếng Tiệp kỵ, mỗi khi hai bác nói về chồng cô em dâu thường nhắc đến. Chồng của chị là Đội trưởng Đội Tiệp kỵ, một chức nhỏ, chỉ huy trăm lính. Chị đưa cho cậu lính gói thuốc lào làm quà. Cậu lính cảm ơn chị, nói chị tốt quá, chị cũng đẹp quá, ở vùng cát trắng này ít ai trắng đẹp như chị. Được khen nhưng chị lại không mừng, chỉ thấy tủi thân, buồn rượi.
Cậu lính đi để báo tin cho sinh đồ Đội Tiệp kỵ Đặng Hữu có vợ đến thăm. Trong lúc chờ, chị bước đến bờ sông, nhìn thấy bóng mình trên mặt nước trong xanh, ý tứ ngắm hai cái vạt áo, chải lại tóc, sửa sang quần áo, rồi lại tự ngắm mình đằng trước, đằng sau và gương mặt. Trời ạ, gương mặt ủ rũ quá. Chị nhấm răng cho môi hồng lên, nhưng vẫn không xóa được nét buồn đã hằn lên mặt từ bao giờ rồi. Cuối cùng, để giấu bớt gương mặt buồn, chị rũ tóc không vấn lên đầu mà thả lên hai bờ vai, xù lên ở gò má rồi chảy xuống tấm lưng thon. Chỉnh trang, ngắm mình một chút chị đã thấy cậu lính gọi báo anh của chị sắp ra kia rồi. Chị phải ngồi thụp xuống vì tim đập mạnh quá, làm chóng mặt.
Từ phía xa, chồng chị trên lưng ngựa đang tới. Chị ngộp thở vì cái dáng của chồng cao lớn và oai phong. Chị lóng ngóng đứng dậy khi chồng xuống ngựa, chạy về phía vợ. Sao chị không chạy lên ôm lấy chồng sau mấy năm chờ đợi mà thốt nhiên chị lùi, lùi, lùi, rồi xua tay, nói “Đừng. Chàng đừng lại gần muội. Chàng nghe muội nói”
Những lời chị định nói với chồng khi gặp mặt chị đã nghĩ kỹ, đã sắp xếp sẵn trong đầu, bây giờ chỉ mở miệng là lời ra. Chị nói. “Hơn ba năm rồi mình ơi. Hơn ba năm là một nghìn ngày, một nghìn đêm muội chờ mình. Một nghìn đêm đi ngủ, muội ôm cái áo cũ của mình để lại, để đêm nào cũng có bóng mình bên muội”.
Chồng chị nói: “Khổ thân muội. Ba năm ta luôn nhớ đến muội. Nào, bước lại với đây với ta”.
Chị lắc đầu: “Không, mình đứng đó để nghe muội nói. Muội nhớ, muội không nhận lễ ăn hỏi của con trai Tri phủ Thường Tín vì không muốn làm dâu nhà quan, không hứa hôn với con trai quận chúa vì thấy không hợp với lối sống cảnh vẻ, từ chối làm dâu nhà buôn vải giàu nhất trấn thành vì sợ làm dâu nhà sống trên tiền…Muội cám ơn số kiếp, cám ơn trời Phật được làm vợ chàng. Muội lấy được chàng như trời định…”
Chồng chị cắt lời: “Ta gặp nhau, nói chuyện hôm nay đi. Sao bỗng dưng muội lại nhắc chuyện xưa?”
Chị nói: “Vì ngày xưa hạnh phúc. Ngày xưa có buổi chiều mùa thu trấn thành, trời đất nhẹ tênh, mình đưa muội đi chơi hồ Lục Thủy, mua cho muội gói cốm xanh làng Vòng, để muội vừa đi vừa ăn cốm, hương nếp thơm vương cả ra áo chàng”.
Chồng chị không thể cứ đứng nghe những chuyên đâu đâu, lẫn lộn, lúc thì chàng, lúc thì mình, bước lại, nắm lấy tay vợ, hỏi: “Hôm nay muội làm sao thế? Gặp chồng toàn nói chuyện ngày xưa?”
Chị bảo, “Vì ngày xưa là của chúng mình, ngày xưa chàng đưa muội đi lễ chùa Trấn Quốc, gặp quốc sư Thảo Đường, muội thắp hương khấn cầu xin Phật cho muội và chàng được mãi bên nhau”.
Chàng đặt tay lên vai vợ: “Muội có làm sao không?”
Chị nói, “Không làm sao. Muội đang hạnh phúc vì có chàng ở bên”.
“Không phải”, chồng chị đặt tay lên trán vợ, “Ta nghe trong giọng nói của muội không phải là người đang hạnh phúc, mà đang che giấu gì đó trong lòng?”
Thế là chị òa lên khóc, gọi, “Chàng ơi, cứu em…”
“Nói đi”, chồng muội bỗng gắt, “Nói ngay, muội có chuyện gì”.
Đang đứng chị quỳ xuống cát, hai tay chắp lại như lạy Phật, nức nở, “Muội có tội không chung tình với chàng”.
Chồng chị rút kiếm ra cầm tay, hét, “Vì sao người lại phản ta!”
Chị chưa kịp nói, thì lúc ấy, có tiếng thét của giám quan: “Sinh đồ Đội Tiệp kỵ Đặng Hữu và thị Lương, họ Đào tiếp dụ của chúa vương Trịnh Doanh!”
Chồng chị tôi vẫn cầm kiếm ở tay, hỏi: “Vợ chồng ta vừa gặp nhau, sao phải tiếp dụ?”
Giám quan nói, “Thị Lương họ Đào đang hưởng mưa móc của nhà chúa, nên đi một bước, chúa cũng biết.”
Rồi Giám quan đứng thẳng người, tay cầm cuộn giấy màu vàng chanh hô lớn: “Nay Thái giám và Thái ý cho chúa biết, nữ thị Lương, họ Đào, phố Ngữ Thị, Phường Yên Khánh, trấn Thăng Long được ân sủng hầu Thái thượng hoàng, mang thai. Biết rằng, huyết thống nhà chúa là trời định. Nhà Chúa hiếm muộn, quý người, ban dụ, đón thị Lương vào phủ chúa được thiết đãi như ai gia (như Hoàng phi) để sinh thế tử. Khâm thử”
Chị tôi hét lên: “Không!”
Chồng chị cũng hét lên dữ dội: “Trời ơi, muội đã mang thai của Thái thượng hoàng!”
Chàng vung kiếm lên quá đầu, hét: “Ta sẽ giết muội! Ta giết muội!”
Chị tôi gần như bò trên cát, kêu, “Chàng chém muội đi. Muội phải được chết dưới tay chàng, để xóa hết nỗi nhục mà muội đã không thể nói với chàng”.
Nhưng sinh đồ Đội Tiệp kỵ lúc ấy lại thả kiếm xuống, nhấc vợ đứng dậy, nói: “Không! Muội không có tội. Muội chỉ là người bị nhà chúa hại”.
Giám quan nói với Đội Tiệp kỵ Đặng Hữu: “Đội Tiệp kỵ đừng nóng giận mà nói điều bất kính với chúa toàn năng. Hàng nghìn cô gái vào cung hầu chúa mới có một cô có phúc lớn mang giọt máu của chúa để sinh thế tử”.
Giám quan đến cầm hai tay chị tôi, giọng mềm mỏng, “Thị nữ, đây là ân điển của chúa mới lên ngôi, Trịnh Doanh. Chúa muốn cái thai trong bụng thị là dòng máu nối nghiệp chúa. Thần dân của chúa phải biết ơn điều đó.”
Dù ai khuyên thế nào, chị tôi vẫn quyết xin được chết dưới tay chồng. Cuối cùng chồng chị, cầm tay vợ, nói mềm mỏng: “Muội không có tội gì. Ta xin gánh vác nỗi ê chề này cùng muội. Đến nước này thì muội nghe ta, đừng chết. Muội đi đi. Rồi đau đớn của muội sẽ được gột sạch. Rồi chúng mình sẽ có nhau.”
Chị hất tay chồng, “Kìa mình, mình khuyên muội vào phủ chúa?”
Chồng chị nói, “Phải. Ở đó muội mới được rửa nhục. Ta sẽ không để muội phải chịu nhục một mình”.
Nói rồi chồng nhấc chị lên xe ngựa của giám quan. Bấy giờ mặt trời trên đỉnh đầu, bóng người thu tròn lại dưới chân. Giờ này cát khô, gió nóng thổi cát bay mù mịt. Sinh đồ Đội Tiệp kỵ đứng nhìn theo bóng chiếc xe ngựa đi được một đoạn ngắn thì bị gió thổi cát che khuất.
Từ khi chúa mới Trịnh Doanh lên ngôi mọi thứ từ cung phủ, triều chính đến đời sống phố phường, thôn ổ dần vào quy củ hơn. Đám lính nhà chúa cũng được chấn chỉnh, không loạn quân, loạn quan vì kiêu binh và mua bán chức sắc.
Đã có những buổi sáng Thăng Long yên ả.
Ngoài cửa biệt phủ thái thượng hoàng có một vườn thượng uyển, nhỏ, nhiều hoa trái. Buổi sáng chị Lương bụng vượt mặt, ra vườn thượng uyển tưới hoa để ngóng ra bên ngoài, nơi mấy hôm nay có tin lính từ sa trường trở về đông đảo vì cuộc chiến Trịnh Nguyễn tạm giao hoà.
Thái thượng hoàng Trịnh Giang cũng ra vườn thượng uyển, không tưới hoa cùng thị Lương, mà được các hoạn quan đặt nửa nằm, nửa ngồi trên chiếc ghế tựa bằng gỗ, có bề lưng dài. Từ hôm mất chức chúa vương quyền uy, thái thượng hoàng mệt mỏi, người xanh tái, bủng beo, như một khúc dưa ủng.
Chị tưới hoa nhưng tai mắt thì để ở ngoài hàng rào biệt phủ xây bằng gạch, khá cao, nhưng có các lỗ mắt cáo. Bỗng chị nghe thấy tiếng lính canh biệt phủ thét: “Đi ngay! Không ai được dừng lại trước cửa biệt phủ?”
Chị bỗng nghe thấy tiếng của chồng: “Ta hỏi thăm một người…”
Thế là chồng đã về đến trấn thành để cứu muội rồi. Chân tay chị run rẩy, đánh rơi chiếc gáo múc nước. Không còn kìm lòng được nữa, chị hét lên, “Muội đây. Mình ơi!”
Tiếng từ bên ngoài hét, “Muội, ngồi xuống!”.
Chị vừa ngồi thụp xuống thì có tiếng súng nổ. Ngay lúc đó, tiếng cấm vệ canh cửa biệt phủ hô lên: “Có kẻ ám sát thái thượng hoàng”. Sau đó ồn ào tiếng người và tiếng chân chạy hỗn loạn.
Chị nghe thấy tiếng của giám quan, “Ám sát thái tượng hoàng, chém đầu không cần xét hỏi”.
Chị ôm lấy ngực vì sợ tim rơi ra ngoài khi nhìn thấy một luồng máu đỏ vọt lên quá cả bờ rào. Không còn biết mình là ai, chị chạy lao qua cửa, xục vào đám đông đã đứng quanh người vừa bị giết. Chị không gào khóc, mà cúi xuống ôm ấy xác chồng. Không biết sức mạnh từ đâu ập đến mà chị bế thốc được xác chồng to lớn lên tay, bế về phía cửa biệt phủ. Đến đúng giữa cửa vào biệt phủ, chị ngã vì trời bất chợt đổ mưa, đường trơn. Một dòng máu nóng tuôn chảy theo hai chân chị, thấm loang ra mặt đường.
Hôm đó trấn thành Thăng Long mưa cả ngày.