1. Bản lĩnh
Nhà thơ sinh ra từ một vùng văn hóa, giống như cây cỏ mọc lên từ đó. Người như hoa, ở đâu thơm đó. Người thật, việc thật cũng giống như cái cây được thiên thời, địa lợi phát triển tốt tươi, thẩm thấu được đầy đủ khí hậu thổ nhưỡng để phát triển, tài năng của vùng nào là kết đọng và tụ được khí chất vùng đó. Cây ấy, rau ấy, người ấy ở nơi nào thì có hương vị nơi đó, không giống nơi khác. Đặc biệt, đối với cộng đồng tộc người mang trong mình ngôn ngữ của họ thì cũng giữ trong mạch nguồn văn hóa của họ cái lực lượng bản chất tộc người của mình. Đặc trưng văn hóa của cộng đồng tộc người này không giống cộng đồng tộc người khác. Những yếu tố đó bao gồm có địa bàn lãnh thổ, phương thức tồn tại, ngôn ngữ, chữ viết… Nhà thơ có bản lĩnh chính là việc họ nghĩ, sống, và làm những gì mà vùng văn hóa của tộc người kết đọng nơi họ, mặc định như vậy. Khi xuất hiện trước một rừng hoa muôn màu thì cây ấy, người ấy vẫn bộc lộ khí chất riêng có – thẻ căn cước, của họ. Không bắt chước được. Trên tấm “thẻ căn cước văn hóa” đó có định vị đặc điểm cá nhân, dân tộc, sinh quán… như: tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ chữ viết của cộng đồng tộc người. Những yếu tố đó rất khó “bắt chước”, “làm theo”, “nói dựa”, “đạo”…Đồng thời, những yếu tố trong tấm “thẻ căn cước văn hóa” đó không nhất thành bất biến mà hoạt động có ý thức nhất là trong lao động sáng tạo sẽ dần được bồi đắp để phát triển đến mức hoàn thiện cùng với các sản phẩm văn hóa được sáng tạo mới.
Vậy cái “thật” có làm giả được không? Bạn có thể làm cây nhựa mô phỏng giống y như cây thật, nhưng đó vẫn là cây giả. Cái thật có chất cấu thành bản thân nó và không bao giờ làm giả được!
1.1. Lao động của người nghệ sĩ chân chính tự loại cái “giả”
Tôi biết và xin kể câu chuyện sáng tạo của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ với tác phẩm Mơ quê nổi tiếng chứng tỏ bản lĩnh sáng tạo của một nhạc sĩ, sau hơn sáu mươi năm có tác phẩm Xa khơi, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ lại một lần nữa phát triển âm nhạc dân gian Nghệ Tĩnh để cho ra đời kiệt tác Mơ quê, cũng mang vẻ đẹp “mười phân vẹn mười”, như “chị em sinh đôi” với Xa khơi. Và, đó là một chuyến tìm về với chính mình. Cùng một chủ đề âm nhạc (theme) rút từ giọng ngâm Kiều Nghệ Tĩnh, nhưng ông phải viết đi viết lại đến ba lần, dựa vào thực tại đời sống để sáng tạo. Ba lần viết là ba lần va đập mạnh vào thực tại để nâng tác phẩm đứng dậy.
Lần viết thứ nhất vào năm 1995, ca khúc mang tên là Nhớ quê. Cũng với theme âm nhạc “Người về hò hẹn cùng ai”. Dùng lời ca chân chất mộc mạc, với “nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”, “phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh” v.v.. vào lời ca để mô tả. Vì các yếu tố của thực tại chứa đựng trong lời ca chưa được nâng lên, chưa được nghệ thuật hóa, cho nên đã hạn chế sức tưởng tượng, hạn chế cảm xúc lãng mạn của người nghe. Thế là thất bại! Khi Nghệ sĩ ưu tú Đàm Thanh cho phát ca khúc này trên kênh truyền hình VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam với giọng hát của Nghệ sĩ ưu tú Thanh Thanh Hiền, bài hát chưa đủ sức để giữ chân được khán, thính giả.
Lần viết thứ hai vào năm 2005, cũng một theme âm nhạc “Người về hò hẹn cùng ai” của lần viết trước, ông lại hóa thân vào cõi nhớ, viết tác phẩm mang tên Hồn quê. Lần này thì tránh được cái quá sơ lược, cái thật như đếm của lần viết trước, nhưng lại thả hồn cùng mây gió, phiêu diêu tận đâu đâu. Vì thiếu các yếu tố chứa đựng thực tại, do đó hình tượng âm nhạc của ca khúc quá mờ ảo. Khi Anh Thơ hát trước công chúng của Đài Tiếng nói Việt Nam, tiếng vỗ tay lẹt đẹt. Không ai khen, cũng chẳng ai chê. Lại xem như thất bại!
Năm 2009, vẫn với theme âm nhạc “Người về hò hẹn cùng ai” đã chọn, ông trở lại viết tác phẩm, gọi tên mới là Mơ quê. Lần thứ ba này, ông đã tránh được hai cú vấp ấu trĩ của hai lần viết trước đây. Ông đã lựa chọn và biết trữ tình hóa, lãng mạn hóa các giá trị văn hóa của quê hương vào nội dung tác phẩm. Trong đó, Truyện Kiều và “Ví” “Giặm” là các giá trị văn hóa có dấu ấn đặc trưng xứ Nghệ trường tồn với thời gian. Để nói “Ví” “Giặm” và Kiều trong Mơ quê, ông sử dụng lối nói bóng bảy đầy tính ẩn dụ “Hỏi câu “Ví” “Giặm” đã lỡ hẹn cùng ai chưa. Mà thương câu Kiều đã lỗi hẹn cùng trăng xưa”.
Kết quả là tới năm 2010, tức là sau 14 năm kể từ khi đặt niềm thương, nỗi nhớ vào nhạc phẩm và cố công vun trồng, ông đã có trái chín Mơ quê. Anh Thơ tự tin trình diễn thành công Mơ quê trong một buổi quyên góp tiền ủng hộ người nghèo 31/12/2009 do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và Đài Truyền hình Việt Nam đã ghi hình giới thiệu. Tác phẩm từ đây được công chúng trong nước và kiều bào Việt Nam ở xa Tổ quốc hoan nghênh nhiệt liệt, người Việt Nam ở nước ngoài nói rằng, được nghe Mơ quê họ nhớ nhà và họ khóc.
Điều ta thấm thía trong quá trình theo đuổi một tác phẩm ở nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, đó là việc ông tìm được nội dung tốt, chủ đề âm nhạc tốt đã là rất khó khăn, nhưng để ông có được thành công lớn lao như vậy thì đòi hỏi sức chịu đựng lớn, thực sự kiên trì và bền bỉ sáng tạo cho đến khi được công chúng bằng lòng thì tác phẩm Mơ quê của ông mới được xem là hoàn tất.
Qua thực tiễn sáng tác và bản lĩnh sáng tạo tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trên đây, cho thấy từ bản lĩnh đến bản sắc của một nghệ sĩ, đó là lao động sáng tạo của một người có vốn sống phong phú, có kinh nghiệm trong nhiều vấn đề từ đó cất lên chất giọng riêng có của mình. Có thể khẳng định rằng, để sáng tạo được tác phẩm mang cốt cách tinh thần của dân tộc mình, mỗi chúng ta cần phải là những con người bản lĩnh, tự đặt ra cho mình nguyên tắc sống để bảo tồn và phát triển vốn văn hóa của cha ông để lại. Đồng thời phải biết vun trồng cái cây từ lúc còn nhỏ, có cây nhỏ thì mới có cây cổ thụ; có cây cổ thụ rồi thì phải biết bảo tồn nó, không chặt phá, không phô trương, đồng thời không để bất kỳ một thành tố văn hóa nào bị lấn át.
Thời gian với những dòng chảy tiếp biến văn hóa của nó sẽ trôi đi rất nhanh. Để hun đúc cho mình bản lĩnh kiên cường hơn người. Người biết vươn lên sẽ là những người xứng đáng có được những điều tốt đẹp nhất. Đó cũng là quá trình tự bản thân người nghệ sĩ sáng tạo biết tự loại bỏ những gì không phải là tinh chất, hồn cốt, tự mình dấn thân, trải nghiệm và chắt lọc.
1.2. Thời gian và công chúng là thước đo giá trị tác giả và tác phẩm
Mỗi tác phẩm đều có chủ sở hữu trí tuệ là tác giả. Thời gian vừa qua, đâu đó có người “sản xuất” hàng loạt bài thơ, thậm chí còn làm ra những “công thức”, “bẻ khóa” để mô phỏng, “cấy ghép” hoặc dùng công nghệ AL để có thật nhiều tác phẩm trong thời gian ngắn, đặng đoạt lấy giải Nobel văn chương, nhưng vẫn bị “đổ”, bị phát hiện và tẩy chay chỉ vì nghệ thuật thì không làm giả được, và giả thì không bao giờ là thật!
2. Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ
2.1. Tinh thần dân tộc trong sáng tác
Gìn giữ và phát huy các giá trị vật chất tinh thần cha ông để lại là nhiệm vụ tối thượng của mỗi con người. Đối với các nhà thơ, tinh thần dân tộc là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của một tác phẩm. Mỗi nhà thơ có cách thức, sở trường khác nhau trong việc vận dụng tinh thần dân tộc vào sáng tạo. Đã có nhiều nhà thơ nổi tiếng Huy Cận, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên v.v.. đưa các giá trị đấu tranh giữ nước, tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh của dân tộc vào việc sáng tác, để lại những tác phẩm mang tầm vóc thời đại.
Riêng tôi suy nghĩ, trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam ít nhiều đều chứa đựng một tâm hồn thơ, giá trị tiềm tàng ấy phải được nuôi dưỡng và phát triển. Hơn thế nữa, tôi là người rất yêu thơ ca, ngôn ngữ dân gian của tất cả các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là tiếng Mường của tôi. Từ đó, tôi đã lựa chọn nói và viết bằng tiếng nói hồn cốt của người Mường, sáng tạo nên những giá trị mới, làm giàu vốn ngôn ngữ truyền thống trong tác phẩm của mình, đó cũng là sở trường của tôi. Do đó, phần lớn các bài thơ của tôi đều nói bằng tiếng Mường nhưng phát triển ở tầm cao bằng các giá trị học thuật nghề nghiệp tạo ra tác phẩm mới mang tính thẩm mỹ thời đại. Các bài thơ ấy đã mang tính thời đại, thoát ra khỏi những giá trị dân gian ban đầu mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Để làm được như vậy, tôi đã tiến hành nghiên cứu các thành ngữ, các thể loại, điệu thức 5 âm, 6 âm của chiêng Mường, vận dụng chất liệu dân ca cho các bài thơ của mình. Với đặc trưng ngữ âm Tiếng Mường là không có trọng âm, tự nó đã tạo ra được nét lạ mà lại quen với 3thanh: sắc, ngã và thanh không. Luật ngữ âm được dùng nhiều trong sáng tác các tác phẩm thơ. Luật bằng trắc đã một lần nữa tạo nên độ cao thấp trong âm thanh. Chính độ cao thấp trong âm thanh đã tạo ra giai điệu. Tôi học cách tiến hành cách phát triển các ý tưởng và tìm tòi cách thức biến hóa các ý tưởng ấy. Có một thực tế không thể phủ nhận là những tác phẩm thơ mang tính dân gian, có nhạc tính (thi trung hữu nhạc) dễ đi vào lòng người, giành được nhiều tình cảm của độc giả.
2.2. Để xã hội phát triển bền vững
Cho đến thời điểm này, tôi ngoài năm mươi tuổi cảm thấy may mắn vì vẫn được coi là nhà thơ trẻ. Và tôi vẫn thường đặt câu hỏi tôi là ai, vì đâu mà tôi lại dấn thân vào một cuộc đời một người sáng tác văn học và đi tới tận cùng con đường đã được chọn ấy? Ý nghĩa của cuộc sống của tôi là gì? Tôi đã sống trong mối quan hệ với thiên nhiên và với công chúng yêu thơ như thế nào? Cái gì đã thôi thúc tôi phải dốc lòng, dốc sức tìm kiếm và phát triển giá trị tiếng mẹ đẻ mang bản sắc riêng với những biểu trưng độc đáo của người Mường? Cái gì đã khiến cho tôi tự chủ trong bối cảnh chính trị – xã hội của thời đại mình sống, và vượt qua được những áp lực đè nặng lên đời sống tinh thần của mình?
Trước hết, hoạt động của một người làm thơ là một loại hình hoạt động mang tính xã hội rất cao. Lao động sáng tác văn học nghệ thuật là lao động phức tạp, đòi hỏi phải qua nhiều năm đào tạo, và tự đào tạo, qua nhiều tầng nấc trải nghiệm cá nhân. Để sau đó, cùng với thời gian, những tác phẩm văn học – kết quả lao động của tác giả tiếp tục trải qua những tầng nấc trải nghiệm – thưởng thức và kiểm nghiệm khắt khe của độc giả. Để có được một tác phẩm đi cùng năm tháng, đòi hỏi người sáng tác phải hội tụ được rất nhiều yếu tố đặc biệt về tư tưởng, tình cảm, tâm lý, tính cách, nghị lực và tài năng. Bên cạnh những yếu tố đó, còn phải có bản lĩnh nghề nghiệp để vững vàng trước những thử thách.
Tính xã hội của nhà thơ biểu hiện ở chỗ cả con người và tác phẩm của họ cùng phải tham gia vào giao tiếp xã hội, gắn liền với xã hội và phục vụ xã hội, trở thành một phần đời sống tinh thần của công chúng yêu văn học. Thông qua mối quan hệ tương tác với công chúng, tư duy sáng tác của tác giả được vận động và phát triển trong hoạt động sáng tạo giá trị mới. Với ý nghĩa đó, có thể nói, nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật trong thực tiễn đời sống tinh thần của công chúng có tác động rất lớn đến đời sống sáng tác của nhà thơ. Đồng thời, nhân cách, đạo đức, tài năng và tác phẩm của họ trong quá trình tương tác với công chúng đã có sức ảnh hưởng rất lớn, thậm chí làm nên phong cách, thẩm mỹ của cả một thế hệ, chi phối tư tưởng của cả một thời đại. Như vậy, độc giả văn học có vai trò to lớn trong việc động viên cổ vũ các tác giả sáng tác tác phẩm. Về vai trò của quần chúng trong sáng tạo nghệ thuật, trong đó có độc giả văn học, đã có những đúc kết cả về lý luận và thực tiễn khẳng định: Quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo. Nhưng quần chúng không phải chỉ sáng tạo ra những của cải vật chất cho xã hội. Quần chúng còn là những người sáng tác nữa… những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý. Những nền văn học nghệ thuật lớn đều bắt nguồn từ văn học nghệ thuật dân gian. Chẳng hạn, thần thoại Hy Lạp không những cấu thành kho tàng của nghệ thuật Hy Lạp mà còn là miếng đất đã nuôi dưỡng nghệ thuật Hy Lạp nữa. Ở nước ta, Truyện Kiều của Nguyễn Du sống mãi với nhân dân ta và nhân dân thế giới chính là vì tác phẩm đó phản ánh sinh động cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, đồng thời kế thừa những tinh hoa văn học dân gian, nhất là ca dao, dân ca.
Vấn đề quan trọng thứ hai là phải đào tạo được độc giả yêu văn học để tiếp nối truyền thống sáng tạo trên nền kho tàng văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng của nước ta. Bởi vì, công chúng được đào tạo sẽ là nguồn cổ vũ, khuyến khích cho phong trào sáng tác, biểu diễn chuyên nghiệp có nghệ thuật cao và thẩm mỹ hiện đại. Công chúng được đào tạo chính là phong vũ biểu đo hiệu quả của công việc sáng tác, biểu diễn của văn nghệ sĩ.
Tôi thường thông qua số rất ít độc giả được đào tạo để biết hiệu quả của công việc sáng tác. Tôi mong độc giả, nhất là lớp trẻ sẽ được tích cực giáo dục đào tạo để hiểu biết văn học, say mê văn học. Muốn vậy, chỉ có thể có một giải pháp là đưa văn học, nhất là văn học địa phương, ngôn ngữ của tộc người vào chương trình giáo dục của nhà trường từ bậc tiểu học. Bên cạnh đó, còn phải tiếp tục mở rộng chương trình dạy tiếng dân tộc ở các câu lạc bộ, ở các trung tâm đào tạo. Nội dung chương trình văn học địa phương giảng dạy trong nhà trường phải tiến hành từng bước từ thấp đến cao dần, từ thơ ca truyền thống, rồi đến các sáng tác mới. Hơn nữa, còn phải tạo điều kiện, khuyến khích các thế hệ tham gia phong trào sáng tác, biểu diễn.
Ở Việt Nam hiện nay, việc phần lớn độc giả văn học không có sự chuẩn bị, đào tạo kỹ lưỡng chính là rào cản cho sự kế thừa và phát triển văn hóa đọc nói chung. Vấn đề này đặt ra một yêu cầu thường xuyên, liên tục đối với hệ thống giáo dục đào tạo đó là: không được để cho công chúng bị mù văn học, bị dốt trong lĩnh vực văn học. Vì nếu công chúng dốt về văn học là họ bị tước đi khả năng hưởng thụ văn hóa, họ bị mất đi một tiềm năng phát triển con người. Sự mất mát đó trở thành nguyên nhân chính làm hạn chế, làm triệt tiêu động lực phát triển văn hóa của dân tộc. Chúng ta dồn sức cho kinh tế, nhưng cũng phải dồn sức cho văn hóa, cho xây dựng con người. Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế xã hội không thể đi lên với những tâm hồn nghèo nàn không có thẩm mỹ văn học nghệ thuật, chỉ chạy theo lợi ích vật chất tầm thường. Nên chăng, cả hệ thống chính trị từ trên xuống dưới dồn sự quan tâm vào đó và không chỉ là ra Nghị quyết về văn hóa mà là hành động thực tiễn theo hướng tư duy khoa học tiến bộ với quyết tâm cao nhất và phải tạo ra được bước chuyển trong hiện thực đời sống tinh thần của toàn xã hội.
Những cơ quan có chức năng định hướng dư luận nên đứng về cái hay, cái đẹp chân chính, đích thực, nên đề cao, cổ vũ cho một nền văn hóa tiến bộ của nhân dân vì tương lai của cả dân tộc, tránh sự tâng bốc dễ dãi, quá đà, thổi phồng, không phân biệt được đúng sai phải trái… Quan sát nhiều sự kiện trong đời sống thực tế diễn ra trong thời gian dài vừa qua tôi nhận thấy đã có không ít cá nhân, cơ quan không quan tâm đến nền tảng tinh thần của xã hội, nhất là lĩnh vực văn học nghệ thuật. Không tôn vinh văn hóa đọc và định hướng độc giả các giá trị văn học đích thực. Đâu đó vẫn tồn tại những hành xử thiếu kiến thức, lệch chuẩn, định hướng sai lầm đối với công chúng, nhất là công chúng chưa được đào tạo, dẫn đến hậu quả rất xấu, làm hỏng cả một vài thế hệ con cháu của chúng ta. Tội này ai gánh chịu đây?
Đã đến lúc cả xã hội ta phải đứng ra chịu trách nhiệm bảo vệ cho môi trường trong sạch của cả một nền văn học nghệ thuật chung trong cả nước, cũng là bảo vệ nền tảng tinh thần của xã hội. Bởi vì, thật thì không bao giờ là giả, giả thì không bao giờ là thật và không phải cái thật nào cũng đem ra mà phơi phóng được.
Hà Nội, tháng Giêng năm 2024
Bùi Tuyết Mai