Tôi nhớ, năm nào mẹ tôi cũng chọn những thân củi to, bén lửa nhất để vào bếp ủ cho cháy âm ỉ suốt đêm 30, bếp người Dao nào cũng thế, họ đều cố gắng duy trì ngọn lửa từ năm cũ sang năm mới. Trời hửng sáng, phụ nữ, trẻ con không được ra khỏi nhà, chỉ những người đàn ông mang theo nỏ của mình ra bắn khắp bốn phương tám hướng, vừa bắn vừa hô to để xua đuổi tà ma, yếm khí. Khi mọi việc xong xuôi, họ sẽ rửa mặt mũi, ăn mặc sạch sẽ và trở về ban thờ của dòng tộc mà cúi đầu, dâng lễ báo cáo tổ tiên về công việc đã làm được trong năm qua, kế hoạch trong năm mới và cầu mong tổ tiên tiếp tục ban phước, giúp cho thiên địa lợi, che chở cho con cháu vượt qua mọi tai ách, làm ăn may mắn, giữ nguyên được dòng dõi nguồn gốc… bằng cách đơn giản như thế, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua những vùng kí ức bị lãng quên, bị biến dạng, bị chiếm dụng với một niềm tin tối thượng vào ý chí, tinh thần, trải nghiệm của tổ tiên để giữ khuôn mặt đặc sắc cho tộc người của mình.
Người Dao thờ Bàn Hồ, tín ngưỡng xuất phát từ thuyết vật linh nguyên thuỷ, Bàn Hồ là dạng tô-tem chó sói – điều này minh chứng tộc người xuất hiện từ thời nguyên thủy ở phía Bắc Trung Quốc cổ đại. Thần thoại Trung Hoa có tích Bàn Cổ là thuỷ tổ sinh ra loài người, thuyết Hùng Việt là Bàn Cả (dân gian Việt gọi là ông Bành Tổ. Bành đồng nghĩa với bản – chỉ một cộng đồng – Cả là lớn nhất, đứng đầu, không ai trên Cả – Bành Tổ có nghĩa chính xác là đấng thuỷ tổ của cộng đồng người), tương tự, Bàn Hồ là thuỷ tổ giống người Hồ. Thời nhà Chu, với quan niệm coi Trung Quốc là “nước ở trung tâm”, người tại đó đã giáo hoá văn minh, còn xung quanh bốn phương bị miệt thị là tứ di “man di mọi rợ”, trong chữ tượng hình các nhóm này đều có phần biểu thị “sâu bọ thú vật”, ví dụ họ khuyển犭(chó)… Qua phép phiên thiết Hán văn đã chỉ ra Hồ là Hung Nô thời Thập lục quốc, Bàn Hồ chỉ nghĩa là thủy tổ dòng Hung Nô, chó là Cẩu biến âm của Cửu – con số của phía Tây – ý chỉ đám người đến từ phía Tây Thiên hạ trên thực địa (theo Văn Nhân). Trong sách cổ của người Dao, nhân vật ông tổ được gọi và ghi lại bằng 2 tên: Bàn Hồ và Bàn Cổ, âm Nôm đọc gần giống nhau, dù ký tự hơi khác nhau. Điều này cũng tương tự như cách gọi ông tổ là Bàn Hoàng hoặc Bàn Vương, đều được hiểu là ông họ Bàn đứng đầu dòng tộc, dân tộc. Coi Bàn Hồ là thuỷ tổ sẽ có hai khả năng: Một là, người Dao là một chi, nhánh Hung Nô vùng Thiểm, Cam, Ninh di cư xuống lưu vực Hoàng Hà và vẫn giữ kí ức về thuỷ tổ. Hai là, người Dao thuộc chi trong đại chủng Bách Việt thượng cổ, là cư dân bản địa Hoa Nam, trong quá trình thành lập vương quốc Tam Miêu đã diễn ra sự giao thoa, tiếp biến văn hoá với người Miêu và tin theo thuyết Bàn Hồ… Bằng cách này hay cách khác, vượt qua những điểm mờ lịch sử đều khẳng định dân tộc Dao rất cổ xưa. Vương quốc Tam Miêu bị tộc Hoa Hạ của Hoàng đế đánh bại trong trận Trác Lộc (khoảng thế kỷ XXVI TCN) mà buộc phải làm cuộc thiên di về phía Nam, trở thành những con người “đi trên núi”, những “sơn nhân” dấu chân lưu lạc dưới trời Lĩnh Nam.
Sáu mươi dặm trong núi, khắp nơi đều có tiếng hát
Hoa và cây mọc dày đặc, hoa đào đỏ hàng dặm
Mùa xuân có người con trai con gái hát giữa hoa
(Bài ca của người Dao núi Long Giao)
Khi nhân loại mơ về cánh cửa thiên đàng của Chúa Trời, của Thiên giới, của Thiên đình… hay những vùng đất Shangrila huyền thoại và bất tử thì người Dao đã xây dựng cho mình một thánh địa, một thiên đường đích thực với nền văn hoá huy hoàng có thể truy nguyên. Vào thời kỳ nhà Chu, người Dao đã đến Tiền Gia Động trên dãy Long Giao thuộc quận Dương Châu (nằm giữa tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc, Trung Quốc ngày nay). Tiền Gia Động màu mỡ, biệt lập, dễ thủ khó công, cách xa các đô thị và không bị kiềm toả của chính quyền thời đó. Mười hai dòng họ Dao, hàng ngàn hộ Dao đã sống sung túc ở đây, mỗi một gia đình có ngôi nhà của mình, có ruộng để trồng cấy vào mùa xuân, thu hoạch vào mùa thu, lương thực chia đều và đủ cho ba mùa đông, mưa thuận gió hoà, cỏ cây tươi tốt, không có chiến tranh, không dịch bệnh, không thuế khoá, không phải đi lính… Trải hơn nghìn năm, đến triều đại nhà Nguyên đã cố gắng xâm nhập và tiêu diệt người Dao ở Tiền Gia Động, đứng trước lựa chọn lịch sử ấy, với bản tính lương thiện, thấu hiểu sự mất mát tang thương của chiến tranh, mười hai họ người Dao đã đi đến quyết định dời bỏ thiên đường của mình. Trước khi ra đi, họ xẻ chiếc sừng bò làm mười hai đoạn, mỗi dòng họ giữ một đoạn với lời thề trở về đoàn tụ sau năm trăm năm để xây lại thế giới tốt đẹp phi thường ấy.
Người Dao lại một lần nữa lưu lạc, những “Digan phương Đông” mang trong mình lời thề của tổ tiên đi khắp thế giới, sau khi chết, không lên thiên đường, không về địa phủ, linh hồn người Dao lại được cúng tiễn tìm đường vượt biển, băng rừng trở về Dương Châu, trở về Tiền Gia Động, trở về với tổ tiên của mình để cùng nhau xây dựng lại thiên đường đã mất! Đây chính là nguồn gốc thể hiện tư tưởng đi trước thời đại và tinh thần dũng cảm đấu tranh cho tự do của người Dao.
Trong kho tàng văn hoá, văn học dân gian Dao có dấu ấn hoà trộn của Đạo giáo, Khổng giáo, Phật giáo trong nghi lễ, trong những bài thơ, câu truyện kể truyền miệng… bóc tách ra, tín ngưỡng nguyên thuỷ và niềm tin vào tổ tiên cũng như tư duy tổ tiên là dòng chủ lưu và tồn tại mãnh liệt, riêng có, hình thành nên nhân sinh quan, thế giới quan của người Dao.
Một nhà thơ chân chính đều có tinh thần tâm linh, trước hết nó ẩn giấu đằng sau những siêu văn bản, qua hình thức, nhịp điệu, sự duyên dáng rồi sau rốt, trở về đúng với tinh thần tâm linh của nó (Tâm linh được hiểu là “Trí tuệ có trong lòng người” theo Hán Việt từ điển – Đào Duy Anh, trang 562). Quá trình sáng tác là nhận thức về không gian bên trong bằng những tưởng tượng trải nghiệm của “cái tôi sâu thẳm” đầy lý tính hằng khám phá ra cách thể hiện cá tính riêng của mình. Như Marx nói: “Con người làm ra lịch sử của chính mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện của mình, trong những điều kiện tự mình chọn lấy, mà là trong những điều kiện trực tiếp có trước mắt, đã cho sẵn và do quá khứ để lại. Truyền thống của tất cả các thế hệ đã chết đè nặng như quả núi lên đầu óc những người đang sống”. Khi nào, niềm tin vào tổ tiên tồn tại thì dân tộc đó còn tồn tại. Việc nghe, hiểu và linh ứng được tinh thần của tổ tiên để tự hào về tổ tiên sẽ tạo thành bản lĩnh. Việc khôi phục, chuyển hoá diễn tả bằng từ ngữ thơ để diễn đạt tinh thần, tư duy trong không gian, thời gian đó ở điều kiện hiện tại sẽ tạo thành bản sắc. Thật ra, đó là một quá trình hết sức khó khăn với người sáng tác. Nhưng bù lại, chúng tôi kêu hãnh nói bằng tiếng nói tổ tiên, hát giọng hát tổ tiên và mơ giấc mơ của tổ tiên. Bài thơ về tổ tiên chính là bài thơ kiêu hãnh nhất. Và, như thế, chúng tôi đang ca hát chính cuộc đời của mình…
Lý Hữu Lương