Võ Thị Như Mai
(Thạc sĩ giáo dục, giáo viên tại Tây Úc)
(Đọc “Lay con chữ thức” của tác giả Khang Quốc Ngọc, NXB Hội Nhà Văn, 2023)
Nhiều khi tôi tự hỏi, tại sao người ta có thể trò chuyện hàng giờ về một bài thơ mà người ngoài lắng nghe mãi không bao giờ chán. Điều này thật thú vị. Chúng ta kết nối với nhau qua ngôn ngữ và một khi có đề tài đủ thu hút, đủ hấp dẫn, cuộc đối thoại cứ thế tiếp diễn. Phê bình và cảm nhận văn học cũng thế, phải vừa có tính soi sáng, vừa có tác dụng giải trí thì mới có khả năng thuyết phục bạn đọc.
Nhiều bài bình luận thơ văn cứ như một biên bản cuộc họp, khô khan, cứng nhắc, áp đặt và quên đi mục đích chính của sức sống văn học dành cho. Nhà phê bình văn học giống bạn ở một điểm là họ sẽ nhìn thấy những gì bạn nhìn thấy, họ sẽ nói những gì bạn có thể nói, nhưng họ có niềm tin và hi vọng được viết ra những điều cảm nhận ấy một cách đẹp nhất, thấu đáo nhất và lôi cuốn nhất có thể.
Nhà thơ, nhà viết kịch và nhà phê bình văn học Anh T.S.Eliot đã từng phát biểu rằng sở dĩ phê bình thơ có mặt trên cõi đời này là để làm sáng tỏ tham vọng và sở thích của chính nhà thơ. Mỗi nhà phê bình sẽ có thị hiếu và giọng điệu văn xuôi riêng của mình, họ quan tâm và đeo đuổi say mê một hoặc nhiều mảng nghệ thuật nào đó và chủ đề nào đó để rồi làm chiếc cầu kết nối giữa người viết và bạn đọc, bởi vì nhà thơ chân chính viết ra theo bản năng rung động của thời đại và nhà phê bình chân chính cũng sẽ nghe theo chính bản năng sáng tạo đó.
Đôi khi nhà phê bình phải bước ra ngoài những phân tích hàn lâm về văn học, viết về thơ như một cách đáp trả nghĩa là thảo luận về các bài thơ, ý tưởng về thơ dựa vào các thông tin gom được. Bởi vì, thơ ngoài giá trị về cuộc sống tâm trí, nó còn có giá trị tồn tại qua những thời khắc của hiện tại, của sự bình thường trong cuộc sống vì đó là môi trường nơi thơ ca hoạt động tốt nhất.
Một nhà phê bình văn học tinh thông sẽ có cách tiếp cận uyên bác, cá nhân nhưng không ích kỷ, kể chuyện cũng như chú giải rất tế nhị, nhân văn. Một bài thơ chỉ là một giọt nước trong đại dương bao la nhưng bài thơ ấy sẽ trở thành một tác phẩm văn học đáng ghi nhớ và được nhắc đến nhiều lần, giọt nước ấy trở thành một làn sóng với nhiều cảm xúc và có sức quyến rũ đến tuyệt vời. Sự tôn trọng của một nhà phê bình văn học đối với thơ ca đã làm bừng sáng hình ảnh một cách kỳ diệu. Rất nhiều người sáng tác thơ văn nhưng họ cũng cần ai đó chiếu chùm đuốc lên bầu trời đêm, ánh sáng sẽ đi mãi, đến tận cùng vũ trụ để rồi những âm thanh cũng như điệu nhạc trong thơ sẽ ra đi từ tác phẩm vào không gian xa nhất và đến với nhiều người đọc nhất.
Mục đích chính của phê bình được cho là để biết đến những gì tốt nhất, những dòng chảy suy nghĩ đang diễn ra, để tạo một trào lưu ý tưởng chân thật và mới, đưa tính khách quan khoa học vào đánh giá phê bình, từ đó so sánh và phân tích. Một nhà phê bình là ân nhân lớn của xã hội. Người nghệ sĩ sáng tạo dù thiên tài đến đâu cũng cần có sự trợ giúp của nhà phê bình, họ không những quan tâm đến vẻ đẹp và khuyết điểm của các tác phẩm nghệ thuật mà chính bản thân họ còn là nhà giáo dục, người bảo vệ dư luận và truyền bá những ý tưởng hay nhất. Họ mở ra cánh cửa về những nguyên tắc chi phối việc làm một bài thơ, những bài thơ nào hay đáng được lựa chọn và phổ biến. Bản thân thơ ca ngoài các nguyên tắc quy luật và vẻ đẹp còn là sự quan sát, phê phán và phản ánh về cuộc sống. Dường như thơ ca là nguồn nuôi sống đời sống tinh thần của chúng ta và tồn tại lâu bền trong thời đại mà niềm tin tôn giáo lắm lúc chao đảo lung lay. Bởi vậy thơ được cho là hơi thở và tinh thần tinh tế của tri thức.
Người phê bình còn là một nhà đạo đức học với những ý tưởng rõ ràng gắn kết cuộc sống. Họ sẽ nhận biết bài thơ có sự nghiêm túc và mang dấu ấn chân lý cao độ với chủ đề chân thật qua cách diễn đạt và chuyển động theo phong cách riêng của mỗi nhà thơ. Họ luôn biết rằng văn học đương đại được xây dựng trên nền tảng của quá khứ và đóng góp cho tương lai bằng cách tiếp tục văn học truyền thống vững chắc, những phẩm chất cao quý của người xưa được truyền cảm hứng lại với những chứa đựng bi tráng, sâu sắc về đạo đức và sự giản dị cao quý. Sự kết hợp giữa chủ đề hiện đại của chủ nghĩa trữ tình với các thể thơ nhẹ nhàng và tính cao cả, hào hùng trong sử thi tạo nên dòng chảy văn học mới được những nhà phê bình văn học quan tâm.
Như tôi đề cập trên đây, phê bình văn học là sự phổ biến các ý tưởng với một nỗ lực không vụ lợi để học hỏi và truyền bá những gì tốt nhất . Khi đánh giá về một tác phẩm, nhà phê bình muốn nhấn mạnh mục đích, tính chân thật, tư tưởng của đối tượng mình đang viết về. Họ đánh giá trung thực và vô tư về tác phẩm và nhà thơ mà họ quan tâm dựa vào nhiều yếu tố thẩm mỹ, phương pháp thơ, những bài học hay kinh nghiệm sống, niềm đam mê của chính nhà thơ đem lại cho cuộc đời này. Trong thế giới có nền văn hóa đầy rẫy sự cường điệu và tràn ngập quảng cáo, một số đối tượng được thổi phồng quá mức và không mấy xứng đáng, vai trò của một nhà phê bình chân chính càng được nâng cao bởi họ sẽ không tranh luận độc đoán, bản thân họ khi thưởng thức một tác phẩm sẽ nhận ra tính thẩm mỹ và biết tự phê bình đồng thời biết tự kiểm tra phản ứng và giác quan của mình trước tiên.
Tất cả những nhận định, suy nghĩ hay những gì tôi học được và đề cập trên đây đều có động cơ từ việc đọc bản thảo LAY CON CHỮ THỨC – Tác phẩm phê binh văn học thể thơ 1-2-3 của tác giả Khang Quốc Ngọc. Ngọc có một niềm tin hứng khởi và nhiều cảm xúc tươi tắn đầy lạc quan với thể thơ mới này. Anh mở đầu bằng “Chiêm nghiệm và ước đoán về thơ 1-2-3” với những con số thống kê chỉn chu, quan sát tỉ mẩn và hòa mình tích cực vào dòng chảy vô cùng sôi nổi, tươi trẻ của một thể thơ có niêm luật riêng về số câu, cách vắt dòng, số từ tối đa ở mỗi dòng, sự liên kết và tính độc lập của những trường ngữ nghĩa. Anh nhấn mạnh “1-2-3 đòi hỏi tính chắt lọc, sự tinh tế đi kèm với lắng suy và rút tỉa đặt trên nền tảng bồi lắng của văn hóa” và anh tin rằng thể thơ này hiện nay đã lan tỏa mạnh nhưng sẽ thành công hơn nữa qua thời gian. Từ niềm tin ban đầu ấy, Ngọc bắt đầu “Lay con chữ thức” giúp độc giả được thắp sáng bằng thơ. Anh cẩn thận chọn lựa những câu hay từ đẹp, lướt nhẹ hay đi sâu vào từng ý từng đoạn từng bài. Anh đưa chúng ta ra khỏi sự đơn độc qua nhiều ký ức, niềm vui thời thơ ấu, những ngày hạnh phúc những nơi đẹp đẽ, về những người thân yêu mà chúng ta đã mất hoặc cảm giác bình yên và hòa hợp với thế giới tự nhiên. Những bài thơ lẻ của các tác giả được anh xâu chuỗi lại thành bức tranh với nhiều sắc màu, đủ dễ chịu và mượt mà để làm dịu đi trong phút chốc một lo toan thường nhật hay chỉ để bạn lấp đầy tâm trí mình bằng những suy nghĩ khác tích cực hơn. (1) “Tác giả cố tình đặt nhân vật trữ tình của mình vào tình cảnh gần như là sự ngược sáng, có chi đó trái với quy luật thời gian không gian là phải chăng cũng chỉ để muốn diễn giải thế giới nội tâm vô cùng rắc rối và phức tạp của con người?”(về Lê Đỗ Lan Anh); (2) Bài học cuộc đời nằm vắt lên trên câu chữ mà lại không hề nặng nề lên gân. Có được điều ấy, chắc có lẽ tác giả phải chiêm nghiệm rất nhiều từ cuộc sống và sách vở kệ kinh? (Về Lê Thị Ngọc Nữ); (3) Câu thơ cuống cuồng toan gấp đôi lại là cốt diễn tả ý thơ như được nhân hai hạnh phúc lên. Tình cảm dâng trào, sóng tình lan tỏa. (Về Vũ Trần Anh Thư)
Một điểm nổi bật trong cách viết của Khang Quốc Ngọc đó là việc anh giúp cho độc giả hiểu được cả nghĩa đen của bài thơ cũng như ý nghĩa tượng trưng hoặc hướng gợi mở của bài thơ ấy. Nhà thơ thường bộc lộ sự nhạy cảm phi thường đối với diễn ngôn của mình qua chọn từ ngữ và cách diễn đạt tạo ấn tượng sâu đậm và họ cũng muốn biết phản ứng của người đọc như thế nào. Ngọc đã làm tốt vai trò của một cầu nối với nỗ lực giúp chúng ta hiểu biết hơn về thơ ca để rồi từ đó có sự liên kết trực tiếp giữa văn học chúng ta đọc và cuộc sống chúng ta sống. Anh tách một bài thơ thành các yếu tố cấu thành, xem xét từng phần riêng biệt rồi mới đề cập đến các mối quan hệ tổng thể, để hiểu và đánh giá cao tính toàn vẹn và thông điệp của toàn bài thơ. Qua cách dẫn dắt và diễn giải của anh, người đọc thêm yêu mến và muốn ít nhất một lần trải nghiệm thể thơ 1-2-3, trải nghiệm qua tự sự, đối thoại, độc thoại kịch, trữ tình bằng cách tung tẩy theo nhịp điệu ngôn ngữ, vần điệu sáng tạo, thể hiện cảm xúc và suy nghĩ về một chủ đề ngắn gọn nhưng có nhạc tính. Khang Quốc Ngọc giúp chúng ta hiểu hơn về tâm trạng (cảm giác mà bài thơ tạo ra), giọng điệu (thái độ của nhà thơ đối với đối tượng và độc giả của mình), hình ảnh (nhà thơ sử dụng từ ngữ để tạo ra bức tranh tinh thần hay giao tiếp để hấp dẫn các giác quan người đọc) và nhiều yếu tố thú vị khác. (1) Bằng sự nhân cách hóa nỗi đợi, tác giả Hồ Trung Chính đã đem đến cho chúng ta một cảm giác như đang được nghe âm hưởng của một bản nhạc ngậm ngùi; (2) Giọng thơ vừa rền vang hùng khí dân tộc vừa mềm mại thiện lương dịu lành. Chinh chiến quyết tử song hành cùng với tình người độ thế càng làm cho bài thơ có lực hút và dấu ấn hơn. (Về Mai Xuân Thắng); (3) Lời thơ chủ yếu bộc lộ tâm tư một chiều từ phía tình yêu có thể là đơn phương nhưng không kém phần nồng cháy. Do vậy, lời thơ gọn, biện pháp so sánh làm bùng nổ tứ thơ. (Về Kim Mi Di)
Tôi bắt đầu tập bản thảo bằng cách in ra, đóng tập, lật giở từng trang, đọc to những phần thú vị và điều đầu tiên lôi cuốn tôi là những sắc màu mới lạ, nét tươi mới cũng như ý tưởng dạt dào nhưng đầy chắt lọc nhảy nhót sống động trong tâm thức mình. Tôi chắc rằng Ngọc cũng vậy, anh không quên rằng các nhà thơ đã làm việc chăm chỉ, sáng tạo và đầy cá tính để dâng tặng những vần thơ sóng sánh nên anh viết về họ đầy trân trọng, tôn vinh, rộng lượng và vô cùng nhân văn. Anh hòa vào dòng suy nghĩ của họ, đọc kỹ và dành nhiều thời gian cho tác phẩm để rồi có những bài viết thú vị với nhiều cung bậc, tích cực, trung thực nhưng không hề buồn tẻ. Anh tương tác trực tiếp với văn bản và hiểu sâu về phương pháp của nhà thơ, lấy những câu trích dẫn nổi bật và sắp xếp theo một trình tự riêng tạo cho người đọc một cảm giác liên kết dễ chịu khi đọc. Sự hào phóng và chu đáo cộng với tâm hồn cởi mở là những điểm sáng của Ngọc. Anh truyền tải kiến thức của quá khứ để chuyển nghĩa tiềm ẩn của từ, dòng, khổ thơ, nhịp điệu thành âm nhạc của thời điểm hiện tại.
Một thông tin thú vị, chính Khang Quốc Ngọc là một nhà thơ với vốn từ vựng phong phú đậm sắc màu quê hương, tình yêu và cuộc sống. Đọc thơ anh để cảm nhận những con chữ nhảy nhót trên trang giấy, mở ra không khí trong lành giữa bầu trời xanh biếc, nghe tiếng tôm búng cá quẫy, tiếng lửa tí tách trên cao nguyên hay những bông hoa tươi thắm đọng sương trên đồng cỏ, thư giãn và bình yên, trong lành và gợi cảm. Là thi sĩ với nhiều trải nghiệm và có vốn sống phong phú nên thơ anh thú vị và khác biệt. Dù xa cách làng quê nhưng sự quyến rũ của cuộc sống nông thôn dường như luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ với anh, vì lẽ ấy, thơ anh lấp lánh nhịp sống quê với những nỗi nhớ và kỷ niệm, với tiếng chim hót như những nốt nhạc ngọt ngào. Là người làm thơ và có kiến thức phê bình cảm nhận văn học như thế, thảo nào những bài viết của anh thật hay và có sự đồng cảm sâu sắc với các nhà thơ anh đọc.
Bản thân tôi chỉ mới viết một chùm thơ 1-2-3 với những hào hứng và tò mò, với mong muốn được hiểu thêm và khám phá, ngoài ra tôi làm thơ tự do, thơ có vần để giải trí và khi có thời gian tôi thích đọc thơ bạn bè và chuyển ngữ sang tiếng Anh. Thêm nữa, tôi nghĩ rằng mình là người lạc quan, vui nhộn, biết lắng nghe, tìm tòi và đặc biệt là luôn có mong muốn học hỏi mọi nơi mọi lúc. Tôi yêu quý thơ, thông hiểu cho các nhà thơ và kính mến những nhà phê bình. Dĩ nhiên không phải nhà phê bình văn học nào cũng xuất sắc nhưng tôi phục ý chí và sự kiên nhẫn cũng như tâm tình của họ. Nhà phê bình và những dịch giả tinh thông biết tái tạo ngôn ngữ của nhà thơ và đưa người đọc vào một thế giới nội tâm sâu sắc. Tôi đọc “Lay con chữ thức” của Khang Quốc Ngọc trong tâm thế của một bạn đọc, một người yêu thơ và quý trọng cảm nhận văn chương nên bài viết giới hạn này chỉ nói lên những suy nghĩ, những tìm tòi và những phát hiện mà bản thân tôi cho là thú vị nhưng chắc chắn là chưa đầy đủ, mong rằng các bạn cũng yêu thích tập sách xinh xắn này như tôi vậy và sẽ có nhiều nhà phê bình văn học viết về nó một cách thấu đáo hơn, chuyên nghiệp hơn và trên nhiều phương diện hơn. Điều sau cùng, đối với tôi, đây là tập sách rất đáng được chọn để thưởng thức từng phần nhỏ bên tách trà hoa cúc vào những buổi sáng dịu dàng. Tôi gửi lời chúc mừng đến sự thành công ban đầu của 1-2-3 và có nhiều niềm tin để mong chờ cho tương lai. Xin cảm ơn tác giả Khang Quốc Ngọc và LAY CON CHỮ THỨC!