Ghi chép của Thủy Kiều
(Ảnh: Trần Quỳnh Hoa)
Khi nội tâm chúng ta tràn ngập niềm vui đến từ tình bạn chân thành, chúng ta sẽ vượt qua mọi nỗi buồn. Người duy trì trái tim yêu thương và từ bi sẽ tạo ra hạnh phúc lớn lao.
– “Dừng!”
Chiếc xe 7 chỗ ngắc ngoải giữa lưng chừng con dốc nhờ “biệt tài” dẫn đường của nhà văn, dịch giả Khánh Phương. Chúng tôi không lạ gì tính cách vừa lãng đãng vừa đáng yêu của chị, nên cứ thế vui vẻ ôm theo hành lý rồi lần lượt trườn ra khỏi xe với kỹ năng cực kỳ thành thạo.
Đồng hành với tôi còn có nhóm bạn của nhà văn Kiều Bích Hậu cùng 3 thầy trò đến từ Trung tâm điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ Tâm Việt. Trong đó có bé Nguyễn Khắc Hưng, 14 tuổi, mắc chứng tự kỷ nặng và là nhân vật được Tổ chức kỷ lục thế giới Guinness (Guinness World Records) công nhận kỷ lục “Thời gian dài nhất (35 phút 9 giây) tung hứng 3 vật thể trong khi đứng trên 1 quả bóng y tế và đội 1 vật thể trên đầu”.
Thầy trò Tâm Việt vừa có chuyến công tác tại Tam Đảo, đã vội vã chạy qua ngã 3 trung tâm Thủ đô để đón chúng tôi cùng đống hành lý và đạo cụ biểu diễn cồng kềnh. Chúng tôi tự gọi mình là “gánh xiếc”, quen nhau chưa qua một mùa trăng đã có duyên gánh nhau lên đồi Nghệ sĩ.
Chẳng có gì phải phàn nàn hay lo lắng với cú vấp ở lưng chừng dốc, vì lúc này chúng tôi đã kịp đặt chân lên đồi. Rảo bộ leo nốt nửa con dốc, chúng tôi sẽ được gặp “đồi chủ”. Đó là cách gọi vui vẻ và gần gũi mà chúng tôi dành cho nữ sĩ Bàng Ái Thơ.
Cách đây hơn 2 thập kỷ, chị cặm cụi vác hàng chục cây thông đã kịp trưởng thành, tự tay vùi từng gốc cây to xuống đất, để rồi bây giờ chúng đã biến thành những “hiệp sĩ rừng xanh” và cũng là linh hồn của ngọn đồi. Mỗi lần đến đây, bất kể mùa nào, hễ nhìn thấy những tán thông lao xao, lòng tôi cứ rộn rạo không yên.
Hơi lạnh mùa đông dường như muốn cô đặc mọi vật chất mà nó chạm vào, vậy mà đứng từ xa, tôi đã có thể ngửi thấy hơi ấm căn bếp bện trong mùi hạnh phúc loang ra từ hàng trăm loài thực vật cư ngụ trên đồi.
– Chào cô gái.
Nữ sĩ Bàng Ái Thơ đón tôi bằng cái ôm nồng hậu và yêu thương. Thêm một lần nữa, hơi lạnh thất bại với việc ngăn chặn dòng cảm xúc trào ra từ mọi giác quan của tôi. Bà ngoại tôi mất chưa tròn 10 ngày, tôi lúc nào cũng thấy chênh chao với ý nghĩ mình vừa mất đi miền cổ tích mang tên Yêu Thương.
Từ lúc bà đi, tôi không thể kiểm soát thói quen ngước lên trời, ngóng đợi những cụm mây hình trái tim thân thuộc. Tôi cồn cào nhớ và nghĩ hình như quá lâu rồi mình không được gặp những điều ấm áp như vậy nữa. Thế mà, thật kỳ lạ, khoảnh khắc đón nhận cái ôm của nữ sĩ Bàng Ái Thơ, tôi mới biết, khi ta dang tay rồi khoanh lại chính là lúc ta “vẽ” một hình trái tim ôm trọn lấy đối phương. Thì ra những cái ôm có ý nghĩa ngọt ngào như vậy.
Khác với lo lắng của tôi, sau khi trải qua một cú sốc tinh thần và bị trận cúm quật tơi bời, nữ sĩ Bàng Ái Thơ vẫn giữ được trọn vẹn vẻ an nhiên trên nét mặt.
Nhắc đến Bàng Ái Thơ, bạn đọc và khán giả yêu nghệ thuật sẽ nghĩ ngay đến một nữ sĩ dòng dõi hoàng tộc. Bàng Ái Thơ là cháu của cụ Bàng Nguyên Dũng (tức cụ Nghị Bắc kỳ), hậu duệ đời 32 của Lý Thái Tổ, dòng dõi hậu duệ đích tôn của Hoàng tử thứ ba Lý Hùng Tích Hoài Nam Vương.
Bàng Ái Thơ sinh ra trong một dòng họ có những người con nổi danh. Bác ruột là thi sĩ đồng quê Bàng Bá Lân, chủ soái Thi Phái Sông Thương, người nổi tiếng với 2 câu thơ “Hỡi cô tát nước bên đàng/Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?”. Bố đẻ là nhà thơ/họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên – là người đa tài, học rộng. Ông để lại cho các thế hệ sau khoảng 3.000 bức tranh, nhiều tập thơ và truyện. Bàng Ái Thơ luôn nhìn vào tấm gương gia đình mà noi theo và bền bỉ phấn đấu.
Nhưng, lẽ tự nhiên, người càng tài được Trời thử thách càng nhiều. Tôi biết, chị chẳng vui vẻ gì với cái “được” ấy, bởi có giai đoạn, số phận nghiệt ngã khiến chị phải khóc ra máu. Chỉ những ai từng bị hất xuống thăm thẳm vực sâu, có lẽ mới thấu nỗi đau khi còn sống đáng sợ hơn cái chết.
Câu chuyện cuộc đời nhiều éo le của chị không khác nào cuốn tiểu thuyết, mà tôi giở mãi không biết khi nào mới đến trang cuối. Thậm chí, chỉ cần một thao tác giản đơn trên Google, mắt tôi sẽ nhòa đi với hàng trăm bài viết về chị. Nhưng chị em tôi còn có hẳn chuỗi ngày dài phía trước, với những đêm thức trắng tỉ tê chuyện trò. Lúc này, điều tôi quan tâm hơn cả là niềm vui giản dị chị đang có trên mảnh đất do chị tự khai phá và đặt tên – đồi Nghệ sĩ.
***
Sau bữa tối, 3 thầy trò Tâm Việt trình diễn tiết mục xiếc kết hợp chơi nhạc cụ vô cùng điêu luyện và cuốn hút. Nữ sĩ Bàng Ái Thơ và người bạn đời của chị – diễn viên/NSƯT Văn Báu cùng những vị khách có mặt ở đó đã dành cho thầy trò Tâm Việt những tràng pháo tay râm ran không ngớt. Người luôn thu hút sự chú ý của tôi, dĩ nhiên là “đồi chủ”. Chỉ khi thấy thân hình mỏng mảnh bé nhỏ của chị đã được choàng thêm chiếc khăn, tôi mới thấy yên tâm. Nụ cười và ánh mắt chị dành cho bé Nguyễn Khắc Hưng, dù là vừa gặp, mà đựng đầy yêu thương ở đó.
Đâu chỉ giỏi cầm – kỳ – thi – họa, tiếp xúc với Bàng Ái Thơ, tôi thấy người chị toàn tài ấy có thể biến mọi thứ chị đụng vào thành nghệ thuật. Tôi có cảm giác, yêu thương cứ dày thêm sau mỗi tổn thương mà cuộc đời gieo vào chị. Năng lượng yêu thương từ chị thấm vào từng nhành cây, cọng cỏ do chị đem về, hoặc là có duyên mọc trong vườn chị. Yêu thương loang khắp ngọn đồi khiến từng sinh vật bé nhỏ đều tự nguyện và hân hoan buộc mình vào từng sứ mệnh quan trọng, trong đó có bé Bông – cái tên xinh yêu nữ sĩ Bàng Ái Thơ đặt cho em cún hiền lành và thân thiện, một cận vệ chu đáo của gia đình. Tôi nhớ, lần đầu tiên tôi đến đây, Bông đã coi tôi là người nhà. Nó thường xuyên chớp chớp đôi mắt màu hạt dẻ, ngoáy cái đuôi xù tung như bông lau và dụi cái mũi ướt vào tay tôi – cử chỉ thay cho lời nói, bày tỏ rằng nó rất quý tôi.
Vò tung mớ lông dày cộm trên đầu Bông một cách âu yếm, chị Tâm, em dâu của nữ sĩ Bàng Ái Thơ kể với tôi rằng, Bông là đứa thích “ngủ ngày càng đêm”. Ban đêm, Bông thường chọn vị trí cao nhất để quán xuyến hàng chục tòa kiến trúc của bà chủ, bất kỳ tiếng động hay sự dịch chuyển nào đều lọt vào tầm mắt nó. Sự bình yên mà ngọn đồi đang có không thể thiếu công sức của Bông.
Tôi mến Bông không chỉ vì vẻ ngoài đáng yêu, ngưỡng mộ Bông không chỉ vì tố chất thủ lĩnh, mà còn vì tính cách đặc biệt của nó. Vừa kể chuyện cho tôi nghe, chị Tâm vừa nhanh tay véo miếng xôi lạc, đút cho Bông ăn. Chị biết Bông rất ghét ăn lạc nhưng vẫn cố tình làm như vậy, vừa là để trêu nó và cũng là để cho tôi hiểu thêm tâm hồn nó. Bông chớp chớp đôi mắt màu hạt dẻ và ngoáy tít chiếc đuôi hình bông lau, tỏ vẻ ngần ngại khi nhìn thấy miếng xôi lạc. Chị Tâm dỗ dành:
– Bà lỡ tay lấy xôi cho Bông rồi, Bông ăn đi cho bà vui.
Bông nhẹ nhàng ngậm lấy miếng xôi rồi quay lưng, ý tứ chạy ra chỗ khác, vừa nhắm mắt vừa nhai. Tôi cũng quay mặt cười thầm vì biết thừa tính cách này của Bông từ đâu mà ra.
Khi mới ghé chơi đồi Nghệ sĩ, nhìn thấy sự chăm sóc ân cần và tình cảm dung dị, gần gũi chị Tâm dành cho nữ sĩ Bàng Ái Thơ, tôi từng ngỡ hai người là chị em ruột. Sau này, khi lặn sâu hơn vào những câu chuyện do Bàng Ái Thơ kể, tôi mới biết vì sao chị Tâm, dù không phải là một nghệ sĩ, mà được cả ngọn đồi này trân trọng, yêu quý và ngưỡng mộ.
– Không biết Tâm còn ở với chúng ta được bao lâu nữa.
Bàng Ái Thơ chọn cách nhẹ nhàng như vậy để kể với chúng tôi về bệnh tình của em dâu. Nhìn vào sự lạc quan, nhanh nhẹn, vui vẻ hiện tại của chị Tâm, chúng tôi không ai nỡ khóc. Những lúc nhà có khách, chị Tâm có lẽ là người bận rộn nhất. Chị lo thu xếp từng món ăn, chỗ ngủ nghỉ cho khách. Chị thức khuya nhất để dọn dẹp rồi lại dậy sớm nhất để tươm tất bữa sáng cho từng người.
Trái tim của chị có thể ngừng làm việc bất cứ lúc nào mà đôi mắt, đôi tay và đôi chân chị chưa bao giờ ngừng bận rộn. Lúc dọn bữa ăn, lúc pha trà hay là lúc luồn những chiếc ruột gối vào vỏ, tôi đều bắt gặp đôi tay thoăn thoắt của chị. Chị quan sát rất nhanh và quán xuyến từng việc nhỏ diễn ra trên đồi với thần thái tươi vui và nhẹ nhõm. Mọi người nói rằng chị mắc bệnh nặng nên chỉ ở nhà làm công việc giản đơn. Tôi thì lại thấy chị đang đảm đương tổ hợp những việc nhỏ bằng một bộ não vĩ đại. Năng suất từ đôi tay chị nhanh hơn cả tốc độ những ý nghĩ chạy trong tâm trí tôi.
Làm thế nào mà một con người giàu năng lượng và đáng mến như vậy lại đang đứng ở gần cửa tử hơn chúng tôi? Tôi luôn tin rằng kết luận y khoa có thể có những sai số. Chỉ đến khi có dịp ngồi riêng với chị, tôi mới thấy những vết sẹo hình tròn chi chít trên cổ tay chị. Có lẽ đó là kết quả từ những lần chị phải nằm viện. Trong một giây, tôi quyết định xóa hết tất cả những ý nghĩ đó. Tôi chỉ biết, ở cạnh chị Tâm là sẽ được ăn thật ngon và được cười thật vui. Tôi chưa bao giờ thấy chị kể về bệnh tật, cũng ít khi thấy chị chia sẻ về tổ ấm của riêng mình. Thay vào đó, chị hay nhắc đến nữ sĩ Bàng Ái Thơ và đặc biệt hào hứng khi tiết lộ tính cách, sở thích của chị chồng.
***
– Em thấy nụ đào màu hồng kia không?
Mắt tôi đuổi theo hướng nhìn của nữ sĩ Bàng Ái Thơ, bắt gặp một nụ đào bé xinh đậu trên cây vẫn còn tươi tốt lá. Tầm này, những cây đào ở nơi khác đã bị tuốt trụi để thỏa mãn thú vui của những người thích chơi đào dịp Tết. Nhìn cây đào kỳ lạ của Bàng Ái Thơ, tôi mới phát hiện tất thảy cây cối trong vườn chị đều sở hữu vẻ đẹp rất tự nhiên, không hề có sự uốn nắn nào. Chị nói với tôi rằng cây cối cũng như con người, mình không nên ép uổng chúng bằng cách chặt cành hay vặt lá. Đào trổ hoa nghĩa là chúng đang bật khóc vì đau đớn. Người phụ nữ ngồi cạnh tôi đã mất đi nhiều tình yêu to lớn trong đời, ám ảnh nhất có lẽ là lúc chị mất đứa con trai đầu lòng khi nó còn thơ bé; giờ đây đang cặm cụi đan từng thứ bé nhỏ thành tấm áo yêu thương ủ ấm cho bất cứ ai có duyên gặp chị.
Tôi thích mê những giây phút được nghe chị kể về đời sống sinh động của những người và những sinh vật ở đây. Khu vườn xinh đẹp của chị có một lối đi nhỏ được tết bằng những cây hồng giống cổ và hồng nhân giống từ Sa Pa. Chị đặt tên cho từng cây hồng theo tên của những người thân và người bạn chị yêu quý. Ở đó có cây hồng tên Tâm, có cây hồng tên Hậu, tên Phương,… Ngay cạnh lối đi rợp những bóng hồng là một căn nhà nhỏ với bốn mặt tường đều là kính trong veo, mới được chị dựng lên cách đây ít ngày để hội chị em chúng tôi có thêm chỗ hàn huyên và nghỉ ngơi. Chính nơi này cho tôi trải nghiệm ngọt ngào khi được thức giấc cùng những đóa hồng.
***
Nhà văn Kiều Bích Hậu rủ tôi đi dạo lúc sáng sớm. Chúng tôi bước trên con đường vẫn còn hằn dấu xe của thầy trò Tâm Việt, họ rời khỏi đồi từ lúc tinh sương hoặc cũng có thể đi sớm từ đêm qua cho kịp chuyến công tác tại Thanh Hóa. Tôi chạm tay vào từng chiếc áo giáp của “hiệp sĩ rừng xanh”, ngưỡng mộ vẻ đẹp xù xì của chúng. Chỉ còn già tháng nữa là Tết Nguyên đán ập đến, nhưng hình như những cây thông ở đây chẳng hề bận tâm đến thời gian. Có cây đã ra quả, có cây đang bận trổ bông. Trong khu vườn của nữ sĩ Bàng Ái Thơ còn có rất nhiều loài hồng kỳ lạ. Chúng xui nhau trốn ở nơi rất khó phát hiện, lén lút hé ra những cụm hoa màu tím, màu xanh. Được ở cùng “đồi chủ” giàu lòng nhân ái như Bàng Ái Thơ, cây cối ở đây sống nhanh hay sống chậm tùy thích. Tôi tâm đắc vô cùng triết lý trong vườn chị: tự do là cội nguồn của hạnh phúc.
Buổi sáng, chúng tôi đón thêm 2 người bạn mới ghé chơi. Đó là Nhung và Andrew – người vừa bay từ New York sang, lần đầu tiên đến Việt Nam đã có duyên tụ tập với các cư dân trên đồi Nghệ sĩ. Cả khu đồi vốn lộng lẫy nay được trang hoàng thêm những bản nhạc không lời, vài tấm poster và standee in hình cặp uyên ương nữ sĩ Bàng Ái Thơ và diễn viên/NSƯT Văn Báu. Không phải kỷ niệm ngày cưới, cũng chẳng phải dịp gì đặc biệt, mà đơn giản đây chỉ là sự kiện nho nhỏ mang tên “Dấu ấn một tình yêu” mà tất cả chúng tôi muốn dành tặng 2 anh chị nghệ sĩ đáng quý.
Chúng tôi – người làm nghề diễn, người làm nghề sáng tác,… nhưng dường như khoảnh khắc ấy, tất cả đều muốn “thoát vai” để được làm những công dân bình thường của đồi Nghệ sĩ. Chúng tôi, lần lượt từng người bày tỏ cảm nhận chân thành và sự ngưỡng mộ dành cho tình yêu của cặp nghệ sĩ nổi tiếng. Có những chia sẻ làm chúng tôi bật cười, nhưng cũng có chia sẻ khiến chúng tôi không ngừng khóc. Nếu không vì chiếc ấm siêu tốc cần mẫn đang réo gọi trong bếp, nhắc tôi chuẩn bị sứ mệnh pha chuyến trà thứ 3 trong ngày, thì có lẽ tôi cũng muốn nói vài câu từ trái tim, rằng tôi thực sự yêu quý đồi Nghệ sĩ – nơi gặp gỡ của những tâm hồn đẹp, và tôi mong những người, những cảnh, những sinh vật ở đây hãy cứ yêu thương nhau và mãi là của nhau.
Tôi hỏi Andrew có muốn dùng thêm một ly trà nữa không. Dường như đã no bụng vì uống trà, Andrew vẫn vui vẻ đón lấy ly trà tôi đưa. Mới đến đây vài tiếng mà dường như cậu đã kịp hòa nhập với chúng tôi. Tôi thấy cậu vừa uống trà vừa say sưa ngắm nghía rặng hoa cúc chi mọc dày trên khóm đất ngay cạnh bàn tiệc. Có lẽ cậu đang thích thú với ý nghĩ: “Làm thế nào mà những bông hoa bé tí này có thể nhảy vào ly trà nóng hổi của mình?”
***
– Đây là cây gì hả chị?
Tôi chỉ tay vào những chiếc lá to bản hình trái tim trổ ra từ thân cây cao nghều, ngự trên đường ra cổng. Nữ sĩ Bàng Ái Thơ giải thích đó là cây vả. Chị bảo khi nào cây lớn hơn, những chiếc lá điệu đàng này sẽ còn to hơn nữa. Nhìn vào bậu hàng rào phủ kín những loài cây dại, tôi bắt gặp thêm nhiều loài có lá hình trái tim. Chợt nhớ, buổi tối trước ngày lên đồi Nghệ sĩ, một người bạn đã kiếm bông tai hình cỏ 3 lá để tặng tôi, gọi là quà sinh nhật muộn. Nghe nói loài cỏ tưởng như vô tri này nổi tiếng khắp thế giới vì nó chứa đựng một câu chuyện giàu ý nghĩa mà tôi chưa kịp tìm hiểu. Tôi chỉ thấy ở đó là 3 chiếc cánh hình trái tim chụm lại. Chiếc bánh kem mà Nhung và Andrew mang đến sự kiện sáng nay cũng được trang trí bằng 2 con thiên nga chụm đầu vào nhau tạo thành hình trái tim, biểu tượng của hạnh phúc và tình yêu vĩnh hằng. Hình như sau cái ôm của nữ sĩ Bàng Ái Thơ, tôi nhìn đâu cũng chỉ thấy yêu thương. Mà đâu cần tìm kiếm, trái tim vẫn luôn ở trong lồng ngực của mình đấy thôi. Tôi lại bật cười với ý nghĩ đó.
Chia tay bằng những cái ôm thật chặt, chúng tôi hứa rằng sẽ “gánh” nhau đến nơi xinh đẹp này thêm nhiều lần nữa. Chuyến về, chúng tôi đi chung xe với Nhung và Andrew. Đồi Nghệ sĩ khuất dần sau những quãng đường quanh co mà chúng tôi băng qua.