Thơ PHẠM NGỌC ĐỘNG

Thơ PHẠM NGỌC ĐỘNG

Tác giả Phạm Ngọc Động sinh năm 1949, tại thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hưng Yên, Nguyên ủy viên ban chấp hành hội VHNT Hưng Yên, Trưởng Ban thơ từ 2008 – 2018.

Tác phẩm đã xuất bản: Tập thơ “Chuyển mùa”, NXB Văn Học.

Tác giả nhận giải thưởng VHNT Phố Hiến lần thứ ll, năm 2006.

   

HƯƠNG CỎ MẬT

Chẳng cao sang lộng lẫy

Chỉ dịu dàng cỏ xanh

Run rẩy trăng thanh

Nồng nàn cỏ mật

   

Nửa đời thành thị tất bật

Day dứt mãi mùi cỏ quê

Càng vò càng dậy mật

Thơm như hương phải lòng

   

Dè dặt thơm hương mong

Dãi dầu thơm hương nhớ

Bồi hồi đêm trăng thở

Vương vãi lời cỏ cây

  

Ai xui người trở lại

Tha thẩn tìm hương xưa

Đêm ướt đầm bờ bãi

Cỏ – tìm đâu bây giờ

   

THAO THỨC VẦNG TRĂNG

Thơ ngây một khoảng trời xanh

Vầng trăng bỗng hóa em thành mười lăm

Lạ chưa cứ phổng phao rằm

Cứ treo thây lẩy tròn căng ngực trời

Canh tà nghiêng giấc bồi hồi

Quờ vào thao thức… tìm thời thanh tân.

   

THU

Thu vào cởi áo heo may

Buông lơi vạt cúc ngất ngây chiều vàng

Chẳng còn xuân để xốn xang

Thương con mắt én liếc ngang cảnh chùa

Chẳng còn hạ để mộng mơ

Lưng ong gió mỏng sóng đùa sông xưa

Nửa đời gom nắng nhặt mưa

Chần làm chăn đắp để chờ đông sang

   

TÍCH GIÓ

Em tích bao nhiêu gió

Dịu ấm căn phòng  này

Những khi nào hăng say

Gió sẽ là gió mát

Những khi nào biếng nhác

Gió sẽ buồn heo may

Anh chằm bặp nơi này

Anh chăm chi chốn nọ

Em sẽ cởi phăng gió

Cho tan tành bão giông.

Anh muốn giải cơn nồng.

Xin em đừng tích gió.

Đêm mờ trăng vặn nhỏ.

Anh làm mưa đền cây

   

VŨNG TÀU BIỂN VÀ EM

Hò hẹn nhau đã lâu

Lần đầu giờ mới gặp

Anh nén lòng chằm bặp

Em dịu dàng sóng dâng

   

Chúa giang tay đằng đông

Anh luồn về Bãi Trước

Rộng dài em sóng nước

Anh ngã vào Bạch Dinh

   

Bãi Dâu nhỏ và xinh

Có con còng cắp nắng

Ngấn chiều xoa chân sóng

Biển nép vào hoàng hôn

   

Bãi Dứa mỏng và thơm

Nhấp nhô như người tắm

Đá cởi trần đứng lặng

Biển thì cứ dập dềnh

   

Biển ồn ào đã lâu

Sao còn trinh trắng thế

Mỗi lần đi ra biển

Lại ngỡ mình trai tơ

  

Em biển chiều nhấp nhô

Hai mảnh duềnh ngấn nước

Không thể cầm lòng được

Ta hóa kẻ đa tình.

  

DUYÊN QUÊ

Duyên quê em chẳng phấn son

Duyên em nhuộm nắng cho giòn màu da

Chẳng bay tà áo thướt tha

Duyên em lằn lẳn trong tà nâu non

   

Duyên em đầy đặn trăng tròn

Duyên em đằm thắm sen non nhú quỳ

Cỏ may bám áo em đi

Thẹn thùng em đã biết gì đâu anh

   

Em là cô Tấm hiền lành

Trái thơm ủ chín để dành nay mai.

Lúa non xanh mướt tóc dài

Ngô căng hạt mẩy áo cài xuân xanh

   

Em là táo chín trên cành

Để cho ai phải đi rình ngẩn ngơ

Nồng nàn hương nhãn hồn thơ

Trăng Kinh Kỳ cũng nằm mơ Nguyệt Hồ

   

Thuyền ai neo bến lửng lơ

Chở sen chở nhãn hay chờ… chở duyên

  

CÙNG NGƯỜI CHÂM KHÓI…!

Tôi đến thăm em một chiều đầu xuân

Sương khói thành đô dan díu trời hoa sấu

Dòng sông Tô đâu là nơi bến đậu…!

Đê La Thành sao chẳng sóng xô bờ…!

   

Tôi đến tìm em như đi trong mơ

Dốc Bưởi đong đưa hay là cầu dải yếm

Tôi gặp em mà lòng xao xuyến

Khói thơ em cứ quấn quyện hồn tôi

  

Tay trong tay như lửa ủ bồi hồi

Dùng dằng mãi ngỡ tơ lòng ai buộc

Tôi đã mơ và có lần mơ được

Cùng em châm dạ ướt

Bỗng chốc lửa bùng… hai đứa hoá…

Thành than…!

  

HẠ!

Hạ đến xôn xao nhuộm lụa hồng

Tiếng ve kéo sợi dệt từng không

Cánh diều đưa võng ru oi ả

Hạ thả nồng nàn xuống dòng sông

   

Lưng ong, gió mỏng, đường cong dịu

Vành nón chiều nghiêng gợi sóng lòng

Mình về ngơ ngẩn tương tư hạ.

Một nửa hoàng hôn nắng phập phồng…

  

NGÀY GIỖ CHA…!

Mẹ già ngả bóng thời gian

Run run trước bàn thờ của bố

Nén nhang rưng rưng

Ngọn đèn mờ tỏ

Trong di ảnh cha tôi vẫn nụ cười vô tư

Bằng Tổ Quốc Ghi Công uy linh

Tôi thấy ngàn vạn quân trong khói lửa mịt mù

Và tên của cha tôi bỗng loé lên như tia chớp đỏ

Cha tôi không về từ đó

Chưa kịp thấy mặt con

Chưa kịp mặc quân phục lúc lên đường

Con hiểu sự khốc liệt của chiến trường

Và mong manh sống chết

Những cố gắng cuối cùng gồng lên hồi kết

Thắng – thua

Con hiểu chiến tranh không phải trò đùa

Vô lý nhất và man rợ nhất

Nếu được sinh cùng thời, con cũng không nằm ngoài quy luật

Chẳng tiếc máu xương mình khi đất nước lâm nguy

Không ai mang tự hào mà đổi lấy biệt ly

Nhưng cha ơi

Bởi đó là Tổ quốc

Không nỗi đau nào bằng nỗi đau mất nước

Không mất mát nào bằng mất độc lập tự do

Cha tôi ra đi giữa tuổi hai ba

Cha trẻ mãi và không thể già thêm được nữa

Cha tiếp sức cho con và con còn được cha nâng đỡ

Dù hai bảy tuổi rồi

Với cha con vẫn là trẻ thơ

Nén nhang rưng rưng quặn đỏ bàn thờ

Mẹ tôi giật mình lau nước mắt

Tiếng đứa con tôi bi bô níu chặt

Nội ơi…!

   

NHỚ…!

Nhớ anh lòng dạ xốn xang

Áo anh chảo nóng em rang mấy ngày

Để anh nóng ruột về ngay

Sáng mong, chiều ngóng mười ngày nao nao

   

Cơm ăn nhớ nghẹn chẳng vào

Đêm nằm thức nhớ cồn cào trắng đêm

Nhớ anh tối chẳng châm đèn

Nhớ buồn ngồi tựa cột hiên ngóng chồng

   

Sao anh chẳng biết em mong

Em như có lửa đốt lòng anh ơi…!

Hay là anh đã có nơi…?

Hay vui cảnh lạ quê người anh quên!

   

Áo anh em cắt nhỏ thêm

Em rang cho cháy để quên…

Nhớ chàng…!

Leave a Reply

Your email address will not be published.