Nguyễn Bích Thu
Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, văn học và các loại hình nghệ thuật đang đối mặt trước những thách thức của quá trình sáng tạo và tiếp nhận. Làm sao để công chúng Việt Nam không lãng quên văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức và cảm thụ các bộ môn nghệ thuật như sân khấu, điện ánh, múa, ca nhạc, hội họa …trước sự “bành trướng” của loại hình nghe nhìn, sự “cám dỗ” của điện thoại thông minh cùng các thiết bị điện tử và internet. Trước những thách thức ấy, các chủ thể sáng tạo đã nỗ lực như thế nào để đưa văn học nghệ thuật trở về với độc giả, khán giả trong đời sống hôm nay.
Trước đây trong nghiên cứu và sáng tác văn hoc chúng ta thường chỉ quan tâm đến những tác phẩm tinh hoa, coi trọng các đề tài chính thống, cho đó là những tác phẩm có giá trị văn học đích thực. Còn những tác phẩm viết về tình báo, hình sự, an ninh, trinh thám, ngôn tình, văn chương phi hư cấu là “cận văn học”, là sân sau, mang tính giải trí, tức thời, chỉ đưa đến những “khoái cảm mỹ học thứ cấp”. Từ sau 1986, với sự đổi mới tư duy nghệ thuật và quan niệm về văn học và hiện thực, cách nhìn nhận giá trị văn học của giới nghiên cứu phê bình và sáng tác đã thực sự đổi khác, cởi mở, khách quan và công bằng hơn trước thực tế văn học tinh hoa và văn học đại chúng ngày càng hỗ trợ, xích lại gần nhau trong đời sống văn học đương đại. Văn học ở thời kỳ nào cũng hình thành khu vực tinh hoa và đại chúng. Nếu tách biệt hai khu vực này, coi trọng tác phẩm tinh hoa, hàn lâm sẽ kén người đọc, mà nghiêng về đại chúng có thể dẫn đến “văn chương lâm nguy”. Trong thực tiễn sáng tác từ sau 1986 đến nay, các nhà văn đã luôn có ý thức kết hợp yếu tố đại chúng và tinh hoa trong cảm hứng sáng tạo nhằm mở rộng diện đọc, phổ cập hơn đến công chúng, đến cộng đồng tiếp nhận. Trong không gian văn hóa, văn học đương đại, khoảng cách giữa văn học tinh hoa và đại chúng ngày càng thu hẹp lại. Một trong những yếu tố rút ngắn khoảng cách là sự xuất hiện tùy thuộc mức độ yếu tố hình sự, là sự xâm nhập đề tài an ninh xã hội vào các trang viết về đời thường, về nhân sinh thế sự trên cả hai phương diện cảm hứng và cách thức thể hiện. Người đọc như đã chứng kiến những tình tiết gay cấn, đầy bí ẩn và thương tâm trong tiểu thuyết Điều tra về một cái chết của Nguyễn Khải, đã gặp các tình tiết hình sự trong các tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn, Ngược dòng nước lũ hay cùng chia sẻ những hy sinh mất mát của những chiến sĩ an ninh “chúng ta ở trên đời không chỉ để ra lộc ra hoa mà còn để mang thương tích” mà nhà văn Ma Văn Kháng đã chọn thơ của Chế Lan Viên làm đề từ các cuốn Bóng đêm, Bến bờ của mình. Người đọc như cũng “tăng nhiệt” ra trước xung đột tột đỉnh tại một phiên tòa xử ly hôn trong tiểu thuyết Gã tép riu của Nguyễn Bắc Sơn, hoặc như nghẹt thở trước các tình tiết, trường đoạn vừa ly kỳ, kịch tính, vừa thấm đẫm nhân văn trong tiểu thuyết Sóng lừng (VN. Mafia) của Triệu Xuân, hay được kích thích thị hiếu bởi nghệ thuật kết cấu phối trộn nhiều dạng thức văn bản trong các tác phẩm Nháp, Phiên bản của Nguyễn Đình Tú… Như vậy, văn xuôi viết về an ninh hay trinh thám cùng các dạng loại loại khác nhau ngày càng lôi cuốn mời gọi người đọc tinh hoa cũng như bình dân. Văn học tinh hoa và đại chúng trong bối cảnh hiện nay đều góp phần mở rộng diện hiểu biết và nhận thức mang ý nghĩa nhân văn với cộng đồng tiếp nhận đương đại và điều đáng nhấn mạnh là đã ít nhiều làm thay đổi thang bậc giá trị khi đánh giá sự hiện diện của văn học đại chúng trong bối cảnh văn học hiện thời.
Bên cạnh sự tác động của kinh tế thị trường với sự “trương nở” của văn học đại chúng mà mảng văn xuôi viết về an ninh xã hội chỉ là một minh chứng còn là sự tác động của văn học mạng đối với cơ chế sáng tạo và tiếp nhận hiện nạy. Bên cạnh những sáng tác được in, xuất bản theo dạng thức truyền thống đã xuất hiện thế hệ viết trên “mười đầu ngón tay’’ ngày một đông đảo, luôn nhậy cảm với cái mới, cái khác, hướng đến cái nhìn “liên không gian” trong “thế giới phẳng” hôm nay. Văn học mạng trong ngữ cảnh toàn cầu hóa đã như cầu nối gữa khu vực ngoại vi và trung tâm, kiến tạo những quan hệ tương tác, đối thoại trực tiếp, cập nhật và thẳng thắn với các văn bản được sáng tác, lưu hành trên mạng. Như vậy, theo Phan Tuấn Anh: “dịch chuyển không gian văn học từ trung tâm đến ngoại biên và ngược lại trên nền tảng mạng/máy tính đã tạo nên một nền tảng văn hóa đọc hài hòa, công chính” (Những khu vực văn học ngoại biên, Nxb Hội Nhà văn, trang 97). Như trên đã nói, trong đời sống văn học vẫn tồn tại những xuất bản phẩm, do vậy bên cạnh những tập thơ, những cuốn tiểu thuyết, những tập tản văn, tiểu luận phê bình in giấy còn là những tác phẩm hình thành trên mạng, nhưng chúng không rơi vào tình trạng “cô đơn trên mạng” mà được giới trẻ (những chủ thể sáng tạo và những chủ thể tiếp nhận) đón chào một cách hào hứng, nhiệt thành. Văn học mạng đã trở thành bộ phận không tách rời của “sinh thể văn chương Việt”. Và vì thế cách cảm nhận và đánh giá văn học mạng không còn định kiến, coi đó chỉ là phù phiếm nghiêng về giải trí. Có thể nói càng ngày công chúng và bạn đọc càng thấy thích thú, ưa chuộng hình thức đọc văn học trên mạng. Sự “bùng nổ” văn học mạng những năm gần đây góp phần thúc đẩy sự đọc và viết ở mọi không gian và thời gian khác nhau, giúp rút ngắn khoảng cách, tạo nên cách ứng xử bình đẳng và văn minh giữa tác phẩm và người đọc, giữa sáng tạo và tiếp nhận, giữa thế hệ cầm bút và thế hệ gõ phím trong đời sống văn học hiện nay. Bên cạnh các tập thơ in của Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Mã Giang Lân, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Quang Thiều, Lê Thành Nghị, Mai Quỳnh Nam …, là những chủ thể thơ mạng sáng tác trên thiết bị công nghệ, công bố thơ trên mạng internet. Những cái tên Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lữ Thị Mai, Đào Quốc Minh, Vũ Thiên Kiều ….dần trở nên quen thuộc với cộng đồng mạng và sau đó họ viết trên “nền tảng ngôn ngữ nhị phân” từ “văn bản mạng rồi mới chính thống hóa, cố định hóa thành văn bản in”, đó là quá trình “điển phạm hóa văn bản số”, là văn học mạng / máy tính đích thực.
Có thể nói, không gian mạng là bệ đỡ cho nhiều cây bút mới xuất hiện trên diễn đàn văn học mạng. Khi đời sống công nghệ phát triển, người đọc có điều kiện sở hữu sách nhanh chóng là lợi thế chung đối với việc xuất bản. Những sáng tác trên mạng lần lượt được in thành sách Chuyện của thiên tài ( Nguyễn Thế Hoàng Linh), Chuyện tình New York ( Hà Kin), các tập thơ Đi qua thương nhớ, Từ yêu đến thương của Nguyễn Phong Việt …. Các tác giả nói trên hầu như đều đáp ứng được tầm đón đợi của giới trẻ. Họ đã đọc được các sáng tác trên mạng và khi chúng được in thành sách đều sẵn sàng bỏ tiền mua. Từ không gian mạng, các tác giả đã kết nối, tạo dựng được nhóm công chúng cho riêng mình, tạo lập và kích thích bình luận, tương tác giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận. Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi những giới hạn, chưa đạt tới tiêu chuẩn thẩm mĩ nếu như đặt văn học mạng trong sự tương quan với những sáng tác văn học theo quan niệm truyền thống. Vì chú trọng cái tôi, tự do và chủ động thể hiện đời sống của chính mình và đối tượng liên quan nên văn học mạng dường như ngại ngần hoặc lúng túng đề cập đến những gì bên ngoài mình, đến thế giới quanh mình. Và có khi chỉ quan tâm đến giãi bầy, bộc lộ bản thân mà lơ là đến chọn lời, chuốt ý, đến cách thức thể hiện.
Bên cạnh khu vực sáng tác sự xuất hiện của hàng loạt cuốn sách với “bao bì” “nhãn mác” ưa nhìn, kích thích thị giác người đọc, trong đời sống văn học những năm gần đây không thể không nhắc đến lĩnh vực nghiên cứu, lý luận phê bình văn học với sự góp mặt của các thế hệ, đặc biệt là các cây bút 7x, 8x…với cách hiện diện và quảng cáo độc đáo của giới trẻ đang thu hút sự quan tâm của người đọc hôm nay. Nói tới họ, lại không thể không nói tới sự tác động của lý thuyết nước ngoài đối với những người nghiên cứu, phê bình văn học nói chung và đặc biệt với lớp trẻ. Theo nhà nghiên cứu Phan Trọng Thưởng: “Bên cạnh yêu cầu nhận thức lại hệ thống lý luận văn học macxit một cách đầy đủ, khách quan, khoa học hơn, với tư cách là hệ thống lý luận nền tảng ở Việt Nam hiện nay, những thành tựu bước đầu trong công tác dịch thuật, phổ biến và vận dụng các lý thuyết phương Tây và châu Âu hiện đại và tiền hiện đại như: Phân tâm học, Tự sự học, Thi pháp học, Ký hiệu học, Xã hội học nghệ thuật, Tâm lý học nghệ thuật, Lý thuyết tiếp nhận , Cấu trúc luận, văn học So sánh, Lý thuyết loại hình học, vv…đã bước đầu cho thấy một sự cộng sinh tư tưởng, một cơ hội phát triển tự do các lý thuyết “ ( Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học. Nxb Văn học, trang207). Trong thực tế, những lý thuyết kể trên đã được vận dụng khá nhuần nhị vào nghiên cứu văn học nước nhà, đem lại những cái nhìn mới, khá thuyết phục về những hiện tượng văn học, những trường hợp tác giả, tác phẩm từ cổ điển đến hiện đại, thỏa mãn tầm đón đọc của độc giả không mấy dễ tính ở lĩnh vực chuyên ngành này. Lâu nay công chúng tỏ ra không mấy mặn mà với các tập tiểu luận phê bình thì nay chúng đã đã có sức níu kéo người đọc với những cách tiếp cận và thể hiện đa chiều của một một đội ngũ khá sung sức từ trung ương đến các vùng miền: Phạm Duy Nghĩa, Hoàng Đăng Khoa, Đoàn Minh Tâm, Phùng Gia Thế, Đoàn Ánh Dương, Hoài Nam, Trần Thiện Khanh, Nguyễn Thanh Tâm, Mai Anh Tuấn, Hoàng Thụy Anh, Lê Tú Anh, Cao Kim Lan, Lê Hồ Quang, Nguyễn Thị Tịnh Thi, Hoàng Thị Huế, Trần Huyền Sâm, Hoàng Cẩm Giang, Cao Thị Hồng, Nguyễn Văn Thuấn, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Văn Hùng, Thái Phan Vàng Anh, Mai Liên Giang, Thanh Tâm Nguyễn, Đỗ Hải Ninh, Lê Hương Thủy,… Các cây bút này đều được đào tạo bài bản ở các trường đại học và sau đại học, có kiến thức nền về văn hóa, văn học thế giới và Việt Nam, lại tiếp thu một cách nhậy bén các lý thuyết văn học nước ngoài nên nhiều khi đọc các chuyên luận, tiểu luận của họ còn hấp dẫn hơn đọc sáng tác, bởi nó dẫn dụ người đọc vào thế giới nghệ thuật của những tác giả, tác phẩm với những nhận định và đánh giá không chỉ thỏa đáng và thuyết phục mà còn mang lại khoái cảm thẩm mỹ đối với người đọc. Trong số các chuyên luận, tiểu luận với các nhan đề luôn kích thích sự đọc: Phiêu lưu chữ, Song hành &đối thoại, Đứng về phe cái khác, Những khu vực văn học ngoại biên, Văn học Việt Nam thời đổi mới từ góc nhìn tham chiếu, Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI, lạ hóa một cuộc chơi, Những thế giới song hành từ truyện ngắn đến điện ảnh, Rừng khô, suối cạn, biển độc và văn chương, Ma thuật của truyện kể (tự sự học và những diễn giải văn học Việt Nam hiện đại), Thơ Hồ Thế Hà và giấc mơ cỏ hát… tôi dừng lại ở trường hợp Hoàng Đăng Khoa và Hoàng Thụy Anh. Điều nổi bật ở Hoàng Đăng Khoa là tính đối thoại trong phê bình văn học và cái cách làm phê bình “đứng về phe cái khác” của tác giả. Không như Phiêu lưu chữ, từ Song hành & đối thoại đến Đứng về phe các khác, nhà phê bình chọn cách đối thoại, phỏng vấn, hỏi đáp không theo cách của nhà báo mà là cách của nhà phê bình có kiến thức văn chương sâu rộng, trang bị lý thuyết vững vàng, vừa hàn lâm, chuyên nghiệp vừa đưa đẩy câu chữ tạo được sự kết nối bình đẳng và chân tình giữa người hỏi và người đáp, do vậy các vấn đề được khơi gơi, lần lượt tiếp nối, kích thích sự suy nghĩ, sự sáng tạo của cả hai phía. Cái khéo ở đây là người hỏi không lấn sân của người đối diện mà để họ suy nghĩ và tự trình bày suy nghĩ cá nhân, và người hỏi làm cái việc ghép nối sao cho nổi bật ý tưởng mà cả hai cùng hướng tới. Nếu Phiêu lưu chữ, người viết độc lập trong các tiểu luận phê bình thì ở Song hành & đối thoại không chỉ là sự hiện diện của chủ thể viết mà còn là sự hiện diện của “đối tác”, là sự song hành của nhà phê bình với những khuôn diện văn chương cùng thế hệ, thiết lập một “văn hóa đối thoại”, một cách thế nhìn nhận văn chương trong quá trình sáng tạo và tiếp nhận. Tôi chia sẻ với lời nhận xét rất ấn tượng của nhà phê bình Đoàn Cầm Thi về cuốn Song hành & đối thoại của Hoàng Đăng Khoa: “Bước vào quán văn của Hoàng Đăng Khoa, nhà văn và nhà phê bình chắc chắn sẽ ngồi lâu. Những câu hỏi của anh thường dài, sâu, gợi mở. Với tư cách chủ nhà, anh không thiết khách bằng những lời khen tặng dễ dãi, mà luôn cùng họ tranh biện, đẩy đến tận cùng các vấn đề của văn chương. Trong những cuộc đối thoại, Hoàng Đăng Khoa thường mời thêm Bakhtin, Foucault, Beauvoir…không phải để các cụ ngồi chơi xơi nước mà cùng tham gia vào những hồi trận mới của văn chương Việt” (Bìa 4 cuốn Song hành & đối thoại, Nxb TpHCM 2017).
Ở trường hợp Hoàng Thụy Anh, tôi muốn nói về các chuyên luận của chị. Bên cạnh các tập tiểu luận, phê bình Bản xo nat thi ca, Tiếng vọng đa thanh, Phê bình văn học và ý thức cái khác là các chuyên luận Thơ Hoàng Vũ Thuật – nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson (2010) và gần đây nhất là Thơ Hồ Thế Hà & giấc mơ cỏ hát (2020). Điều thúc đẩy người đọc đến với chuyên luận của chị là cách chọn đối tượng nghiên cứu khác với những người đi trước, không phải là những tác giả đã thành tượng đài, có vị trí ổn định trong đời sống văn học dân tộc như Nam Cao, Vũ Trong Phụng, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu…mà là những nhân vật cùng thời, gắn bó thân thiết với mình, là người cha: nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, là người thầy PGS. TS, nhà thơ Hồ Thế Hà. Đọc thơ Hoàng Vũ Thuật, Hoàng Thụy Anh nhận ra: “ Mỗi vần thơ Hoàng Vũ Thuật là thành quả của sự miệt mài sáng tạo nghệ thuật, “lạ hóa” trong khai thác và sử dụng hình tượng, bất ngờ trong cấu trúc câu chữ, biến đổi trong sử dụng nhịp điệu…ông đã thể hiện được một thi pháp thơ cho mình” (Hoàng Vũ Thuật- nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson, Nxb Thuận hóa, 2010, trang 25). Và chị đã mạnh dạn và tự tin vận dụng lý thuyết thi pháp học của Jakobson vào phân tích và diễn giải thơ Hoàng Vũ Thuật một cách khách quan, khoa học, ghi nhận những cách tân, làm mới thơ cùng những đóng góp của ông với đời sống thi ca đương đại. Khi đến với thơ Hồ Thế Hà, Hoàng Thụy Anh lại tìm thấy ở thơ ông một “thi tính sinh thái”. Trên cốt lõi đó, tác giả đã vận dụng một cách thuần thục phê bình sinh thái cùng các lý thuyết mang tính liên ngành soi chiếu vào thơ Hồ Thế Hà, cho thấy “Ở góc nhìn sinh thái thơ ông chuyển tải nhiều giá trị: văn hóa sinh thái, đạo đức sinh thái, thẩm mỹ sinh thái. Và hơn cả , ý thức bình đẳng với các sinh mệnh” ( Thơ Hồ Thế Hà và giấc mơ cỏ hát, Nxb Tổng hợp Tp HCM, 2020, trang 247). Không phải nhà phê bình nào cũng nhận được những lời bình luận êm ái mà thuyết phục của bậc đàn anh dành cho cuốn sách của mình như Hoàng Thụy Anh: “ Tác giả chuyên luận (HTA) không sử dụng cùng lúc và ngang hàng các phương pháp khác nhau mà với mỗi cạnh khía thơ Hồ Thế Hà, thì chỉ sử dụng một phương pháp làm chủ đạo, còn các phương pháp khác đóng vai trò bổ trợ. Bởi vậy tác phẩm vừa tránh được đơn điệu, vừa không bề bộn mà hài hòa duyên dáng đồng thời vẫn giữ được bút pháp riêng và độc đáo của mình” ( Đỗ Lai Thúy, bìa 4, Thơ Hồ Thế Hà & và giấc mơ cỏ hát).
Thực tiễn văn học đương đại đang vận hành và nhận vào nó những tác động từ nhiều phía, trong bài viết này chủ yếu nhìn nhận ở một vài tác động tích cực cho thấy những chuyển động và đổi mới, đem lại những giá trị văn học mới, đáp ứng với thời cuộc và công chúng đương đại.