Nguyễn Văn Hồng
Từ khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam của Quân đội nhân dân Việt Nam trên đất nước chùa tháp xảy ra vào năm 1979, cho đến nay đã tròn 45 năm (1979 – 2024). Những ký ức đau thương ngày ấy vẫn còn làm rỉ máu hàng triệu trái tim của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia, cùng những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Hàng vạn cán bộ chiến sĩ từ cuộc chiến đã trở về với thương tích đầy mình cùng bao nỗi đau đớn của người thân. Họ vẫn đang sống, đang hiện diện trên khắp mọi miền đất nước. Nỗi đau thương, mất mát này không của riêng ai, đó là nỗi đau của cả một dân tộc, một thế hệ. Những Cựu Chiến Binh (CCB) đã trải qua cuộc chiến này, mỗi khi nghĩ về những năm tháng đói cơm, nhạt muối, sốt rét rừng; những cái chết tức tưởi của đồng đội… thì ngoài niềm tự hào là người chiến thắng trở về, họ còn mang nặng khổ đau, đau đến xé lòng…
Có bất công, bất công đến tàn nhẫn không, khi đất nước ta đã dành tất cả mọi thứ cho cuộc chiến tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và hy sinh những người con ưu tú nhất của Việt Nam để giúp đỡ, cứu nhân dân nước láng giềng Campuchia đang đứng trên bờ của thảm họa diệt chủng, thì Liên Hợp Quốc – với danh nghĩa là một tổ chức lớn nhất trên hành tinh này bảo vệ quyền sống của con người – lại áp đặt lên đất nước Việt Nam một cuộc cấm vận vô cùng khắc nghiệt?
Sự công nhận của thế giới về những hy sinh của Việt Nam là rất cần thiết và không thể chối cãi. Nhưng gần như đã quá muộn, sự công nhận ấy chỉ có được sau khi những tên tội phạm chiến tranh của chế độ Khmer Đỏ bị lôi ra ánh sáng công lý. Tuy đã hơn 45 năm trôi qua, nhân dân Campuchia đã thoát khỏi tai họa diệt chủng, đất nước Campuchia đã hồi sinh và phát triển như ngày hôm nay, nhưng các thế lực thù địch quốc tế vẫn tìm mọi thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc, đổi trắng thay đen, nhằm đánh lạc hướng dư luận về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Nhân dịp hai đảng, hai nhà nước Việt Nam – Campuchia kỷ niệm tròn 45 năm chế độ diệt chủng Pôn Pốt sụp đổ – đất nước Campuchia hồi sinh, những người cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia đã có nhiều buổi gặp mặt đầy cảm động.
Tôi cũng muốn làm gì đó để góp phần nhỏ bé của mình trong các hoạt động ý nghĩa đó. Đầu năm nay, hai tác phẩm “Cuộc Chiến Tranh Bắt Buộc” và “Pailin Thời Máu Lửa” mà tôi là tác giả đã được chuyển thể Anh ngữ rồi xuất bản và phát hành trên toàn cầu. Mong muốn của tôi là gửi đi một thông điệp về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, gắn liền với nhiệm vụ quốc tế trong sáng: giúp cách mạng Campuchia đập tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt và đưa đất nước Campuchia hồi sinh. Tôi muốn góp phần đập lại luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch vẫn còn phảng phất đâu đó trong môi trường quan hệ quốc tế rằng “Việt Nam xâm lược Campuchia (!)”. Hai tác phẩm đến với bạn đọc trên toàn thế giới đúng vào lúc các sự kiện ý nghĩa đang diễn ra giữa hai nước Việt Nam – Campuchia. Đó là kỷ niệm tròn 45 năm chế độ diệt chủng Pôn Pốt sụp đổ; Đảng Nhân Dân Campuchia (CPP) vừa dành thắng lợi vang dội trong cuộc tổng tuyển cử; Thủ tướng Hun Sen – người bạn – người đồng chí của nhân dân Việt Nam trở lại chính trường, được bầu làm Chủ tịch Quốc hội; và chính phủ Hoàng gia có thủ tướng mới kế tục sự nghiệp của cha mình, ông Hun Sen.
Chúng ta hết sức vui mừng khi mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng phát triển. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để đảm bảo sự ổn định chính trị của hai đất nước, trong khu vực và toàn thế giới.