Văn Công Hùng
KHOẢNH KHẮC ĐÀI LOAN
những chiếc áo in số
dàn hàng trong thời gian
những mặt người thầm lặng
những mảnh rời Đài Loan
bảy bảy năm dẫu xa
nỗi đau như nén lại
chiếc áo hai hai tám
hằn trong chiều Đài Nam
ngoái lại và trông lên
gặp nụ cười dâu bể
trong trái tim bây giờ
vẫn run lên ngày ấy...
bảy mươi bảy năm trước
ba mươi nghìn sinh linh
thịt tan và máu đổ
phận người và cát đen
những con số quặn đau
những nụ cười vẫn thế
dẫu là trăm năm nữa
sóng vẫn hiền như em...
Đài Loan tôi đứng lặng
trước bảo tàng văn nhân
những tâm hồn bị trói
những xác thân đọa đày
Đài Loan từng con chữ
bị độc tài tống giam
những cuộc đời bất tử
từ trang văn vào đời
Đài Loan ngày tôi đến
gặp những câu thơ lành
“đem tên em ngâm muối
phơi khô rồi... nhậu nhau”...
21/3/2024
-----------
Ngày 28/2/1947 xảy ra một sự kiện bi thảm ở Đài Loan, quân đội Tưởng Giới Thạch tàn sát khoảng 30 ngàn người, và sau đấy là 38 năm khủng bố trắng độc tài cấm đoán, ai nói khác, viết khác là bị xử tử, bắt giam, tống ngục. Rất nhiều trí thức, văn nhân đã bị tống giam hoặc thủ tiêu. Tại bảo tàng văn học Đài Loan hiện nay đang có triển lãm những bản sách báo bị cấm xuất bản. Mãi đến thập niên 90, khi tổng thống Lý Đăng Huy, tiếp đến là tổng thống Trần Thuỷ Biển và gần đây là bà Thái Anh Văn lần lượt lên cầm quyền thì vụ thảm sát 228 mới được bạch hóa. Bây giờ ở Đài Loan đang có phong trào 228, tức 28/2 để tưởng nhớ sự kiện này. Rất nhiều người mặc áo có dòng số 228 ra đường.
H
Ở HẦM RƯỢU KAVALAN
Lúc buồn nhất con người làm ra rượu
đôi khi uống vào lại càng buồn hơn
Lúc yêu cuộc sống nhất
con người chế ra bom
để bảo vệ mình
nhưng có lúc bom giết người hàng loạt
Khi cô đơn nhất
thượng đế ban cho tình yêu
nhưng có phải tình yêu nào cũng làm con người hạnh phúc
Chiều nay thăm hầm rượu Kavalan
thấy những quả bom đựng rượu
đôi tình nhân nắm tay nhau đi như say
không một giọt rượu nào được chiết ra
chỉ đôi mắt rực lên như Whisky đủ độ
H
TRƯỚC BỨC TƯỢNG NÔ LỆ TÌNH DỤC Ở ĐÀI NAM
thành phố rất ít tượng, và nếu có thì rất nhỏ
nhưng cứ neo vào ta những ám ảnh lạ kỳ
choáng ngợp trước một bàn tay rất mảnh
che khuôn mặt tủi hờn
sự cô độc đến tận cùng
mong manh tận cùng
khổ đau vô hạn
và cái chết
lửng lơ đầu xanh
công viên đầy hoa
tượng bé như búp bê
tôi ngước nhìn
một vạt trời xanh tái sau lưng
đã là em, là chị, là bà
những người bị biến thành vô danh trong hàng chục ngàn cô gái
biến thành công cụ khoái lạc
bị lùa ra khỏi nhà
ngơ ngác trước những cỗ máy thiên hoàng
nhốt như gà vào từng ngôi nhà gỗ
đợi binh lính xếp hàng vào ca...
khuôn mặt rất buồn
bàn tay rất mảnh
cô gái bay lên như tiếng thở dài
và tiếng khóc...
cứa lòng đến hôm nay...
23/3/2024