Tiểu Mai
Thương nhớ quê xưa và hoài vọng phố cũ là hai trục đường chính trong bản đồ tâm hồn Nguyễn Thanh Vân.
Thời trẻ, Nguyễn Thanh Vân tất bật mưu sinh, đành cất thơ vào lòng, xem như “của để dành”. 10 năm trở lại đây, khi đã ở độ tuổi ngơi nghỉ, ông mới cho phép bản thân thoải mái với đam mê.
Đều đặn cứ hai năm, Nguyễn Thanh Vân in một tập thơ. “Những câu thơ nhặt trên phố cũ” gồm 61 bài thơ, do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2022, là tập thơ thứ tư của ông.
Ngay những trang đầu tiên và rải rác khắp tập thơ, thi thoảng bạn đọc lại thấy bóng dáng người mẹ được tác giả đưa vào một cách trân trọng, nâng niu và đầy ắp yêu thương:
“Vai mẹ gầy gánh mảnh đất miền Trung/ Nơi núi cằn đồi hoang cát trắng/ Gió nắng táp vào khoai vào sắn/ Khúc ruột thắt cơn đói triền miên/ Đất nứt nẻ bao vết chân chim/ Đến hằn lên khuôn mặt mẹ…”
Bài thơ “Muối mồ hôi” do Nguyễn Thanh Vân chấp bút tôn vinh những đức tính làm nên một người mẹ, từ tình yêu bền vững và bản chất nuôi dưỡng đến sức mạnh và lòng trung thành của bà, vẽ nên một bức tranh toàn diện khiến người mẹ trở nên đặc biệt, trở thành biểu tượng trong trái tim của những đứa con.
COVID-19 cùng chuỗi bất ổn trong thời gian gần đây khiến chúng ta nhận ra những mảnh ghép trong quá khứ đóng vai trò như một cơ chế đối phó, giúp chúng ta vượt qua giai đoạn căng thẳng, cô đơn và đối mặt với sự chuyển giao không thể tránh.
Bằng cách thực hiện một chuyến du hành ngược dòng ký ức, Nguyễn Thanh Vân giúp bản thân và độc giả nuôi dưỡng cảm giác về sự liên tục của dòng chảy cảm xúc, từ đó giảm bớt cảm giác gián đoạn hoặc mất kết nối mà chúng ta có thể đang trải qua ở hiện tại.
“Tháng mười /gió nồng hương cải/ gió chua vại dưa hiên nhà/ gió đưa nôi/ lời ru nhịp võng…”
“Mưa ngâu mờ cánh đồng mây/ Vu Lan nhớ mẹ hương bay về trời…”
Đâu đó, sau những khắc khoải và hoài vọng, bạn đọc lại thấy sự trong trẻo, tươi vui, lấp lánh trên những trang thơ Nguyễn Thanh Vân. Ở bài “Nắng họa mi”, ông viết:
“Em đi mang cả mùa đông/ Cửa ô đợi rét gió không nói gì/ Con đường trổ nắng họa mi/ Vẽ đôi chiếc bóng thầm thì lời xưa…”
Nguyễn Thanh Vân không cầu kỳ trong cách sử dụng ngôn từ, thường thì ông để cảm xúc tự cất tiếng và lập tứ. Điều đó tạo nên nét lôi cuốn rất riêng trong thơ ông. Cảm xúc không phân biệt tốt hay xấu. Chính cách chúng ta chọn để đối phó với những cảm xúc đó mới tạo nên sự khác biệt. Nhận thức được cảm xúc của mình và hiểu cách kiểm soát những cảm xúc đó là chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc.
“Một ngày không còn hoa sữa/ Hà Nội đâu rồi nửa mùa thu?…”
Câu hỏi làm người đọc chựng lại một nhịp: Người nhặt thơ trên phố cũ đang hoài vọng điều gì? Tinh tế và khéo léo là cách Nguyễn Thanh Vân viết về tình yêu.
“Hàng sấu già rưng rưng/ Ai đến nơi này cũng gửi đầy thương nhớ/ Làm sao ta đợi được mùa thu…”
Những tứ thơ giản dị mà trĩu trịt cảm xúc khiến người đọc cũng muốn “hái”, muốn “nhặt” để gom vào trái tim mình. Tác giả những câu thơ ấy cho bạn đọc thấy những trải nghiệm dù ngắn ngủi nhưng rất sống động và mạnh mẽ đến nỗi chúng sẽ ở lại với chúng ta suốt cuộc đời.
Khi trải nghiệm trở thành kỷ niệm, nó sẽ khuếch đại những cảm xúc tích cực và đóng vai trò như một tấm đệm nâng đỡ tinh thần mỗi khi suy nghĩ tiêu cực xâm chiếm tâm trí chúng ta.
Từ làng ra phố, từ quê ra tỉnh, từ “Bến thu” đến “Ngã ba thời gian”, Nguyễn Thanh Vân thủng thỉnh dắt độc giả loanh quanh trong bản đồ tâm hồn mình và cùng ngẫm nghĩ.
Ở cuối hành trình, “Mưa Hà Nội” khiến tất cả nhận ra: cách mình suy ngẫm về các sự kiện trong quá khứ và đánh giá ký ức của mình ảnh hưởng đáng kể đến cảm giác hài lòng ở đây, ngay lúc này.
“Những câu thơ nhặt trên phố cũ” mang đến cho chúng ta một góc nhìn có giá trị trong nỗ lực hướng tới một cuộc sống trọn vẹn. Vào thời điểm mà nhiều người đang tìm kiếm công thức bí mật để có được hạnh phúc, chúng ta không nên quên rằng một phần của nó đã ẩn sâu trong ký ức chúng ta:
“Ngược năm cửa ô tìm dấu chân xưa/ Ngược chân Tháp Bút tìm lại câu thơ/ Tôi ước trời mưa cơn mưa thiếu nữ/ Em ngược mùa thu thành em gái mưa…”