Vài nét về tác giả:
Nhà văn Đỗ Hữu Tấn (1938 – 2003), quê tại Nội Thượng, An Viên, Tiên Lữ, Hưng Yên. Sinh thời, ông từng là giảng viên Ngữ Văn trường ĐH Tổng hợp Hà Nội; Hiệu trưởng trường THPT Kim Động, THPT Tiên Lữ; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội VHNT Hưng Yên; Tổng biên tập tạp chí Phố Hiến. Các tác phẩm của ông đã được xuất bản: “Cuộc chiến vùng ao” (tập truyện ngắn), “Ông già Thạch Sanh” (tập truyện ngắn), “Hạnh phúc” (tập thơ), “Bài ca hy vọng” (tập thơ), “Một thoáng thơ” (tập thơ), “Con voi và con kiến” (tập thơ).
CUỘC CHIẾN VÙNG AO
Truyện ngắn Đỗ Hữu Tấn
Các bạn đừng vội lo sợ. Cuộc chiến tranh này chỉ xảy ra xung quanh cái ao nhỏ của gia đình tôi. Nhưng nếu bạn có tầm nhìn chiến lược, xin cứ việc cảnh giác, bởi lẽ, ở thời đại ta một đốm lửa nhỏ cũng có thể đốt cháy khu rừng lớn và một vụ xung đột cục bộ cũng có thể dẫn đến chiến tranh thế giới, như người ta thường nói!
Cái ao ấy bố mẹ tôi tậu từ lâu lắm rồi. Về diện tích, cũng vào loại trung ở xã, rộng chừng ba sào Bắc bộ. Về sản lượng thì xếp loại nhất. Hàng năm, trước đây, xoàng ra gia đình tôi cũng thu hoạch vài ba tạ cá, lại còn quanh bờ trồng khoai nước, ven bờ thả rau bèo, lại mấy bụi tre soi mình trên mặt nước. Về mùa xuân, mùa hè, rau bèo xanh non mơn mởn, và về mùa thu, hoa rau muống, hoa bèo Nhật Bản đồng loạt bừng lên một màu tím thanh bình trên mặt nước phẳng lặng. Và với chúng tôi, thời niên thiếu, nó là cả một thế giới thân thuộc đầy hấp dẫn, ở đó chúng tôi hàng ngày bơi lội, chèo thuyền, câu cá, lao động và vui chơi thoả thích.
Vì vậy, khỏi phải nói khi có chủ trương tập thể hoá ao thì chúng tôi băn khoăn, và tiếc như thế nào. Nhưng yêu quý thì yêu quý, băn khoăn thì băn khoăn, tiếc thì tiếc, tôi đã thuyết phục kỳ được mẹ tôi lúc đó còn sống, các chị và thằng Phát em trai tôi tình nguyện đưa ao vào hợp tác xã. Hồi ấy tôi là một thanh niên đầy nhiệt huyết sống có lý tưởng. Vả chăng, cũng không có con đường nào khác, nếu không làm như thế gia đình tôi sẽ bị quy là không chấp hành chính sách, sẽ gặp khó khăn nhiều mặt, trước mắt tôi đang học Đại học sẽ bị gọi về. Tôi nói, cả nhà nghe theo, riêng Phát là ấm ức, có dịp lại đay đổ tôi. Khi tôi học xong đại học, cả nhà mừng, Phát nói chủng chẳng: “Được cái bằng đại học, mất mẹ nó cái ao!”. Khi tôi được phân công đi dạy học, Phát bảo: “Anh Tiến hy sinh cái ao nhà, tưởng làm nên ông nọ bà kia, hoá ra được cái chức gõ đầu trẻ!”. Tôi chỉ biết im lặng hoặc cười trừ. Đến khi tôi được kết nạp vào Đảng, Phát nói mỉa: “ Anh Tiến đổi cái ao nhà lấy cái thẻ Đảng”. Lần này thì tôi nóng tiết, quát mắng thằng em. “Nhưng nó có phải của riêng của anh đâu? Của toàn xã hội, hãy trả lại cho xã hội!”, “Khối người người ta không trả thì sao?”. “Họ khác, mình khác. Họ sẽ bị lịch sử gạt ra rìa!”, tôi nói dứt khoát.
Nói tóm lại là tôi đã làm công tác tư tưởng cho mọi thành viên trong gia đình, đúng ra là với cương vị con trưởng của mình, tôi đã quyết đoán đưa ao vào hợp tác xã. Nhưng cũng từ đó, chiến tranh nổ ra.
Trước hết là chiến tranh lạnh giữa hai anh em tôi. Rồi đến chiến tranh lấn chiếm biên giới của các gia đình ở xung quanh ao với HTX. Thứ đến chiến tranh lấn chiếm mặt nước của các gia đình được HTX cho thả rau bèo. Lại có chiến tranh giữa đa số không được ăn cá và thiểu số thỉnh thoảng được đánh bắt cá khi có hội nghị hoặc HTX có khách. Đã xảy ra chiến tranh nói thật sự giữa bọn câu cá trộm và nhân viên bảo vệ của HTX.
Đối với chúng tôi, những người dân nghèo sống chen chúc ở vùng quê hẻo lánh này, thì cái ao ấy chẳng khác gì đại dương, và mỗi gia đình ở ven bờ, chẳng khác gì các quốc gia nhỏ. Như tất cả các quốc gia khác, chúng tôi có ý thức về độc lập và chủ quyền của mình, và chúng tôi sẵn sàng chiến đấu quyết liệt khi bị xâm lược. Như nhiều quốc gia khác, chúng tôi cũng có khát vọng bành trướng; xung quanh không còn chỗ thì chúng tôi bành trướng ra đại dương, chưa giành giật được thì chúng tôi đua nhau tranh chấp, khai thác. Thấm thoắt đã ba mươi năm. Đại dương của chúng tôi thu hẹp dần từ ba sào xuống hai sào. Phần vì xã mở rộng đường, lấn ao. Phần vì các hộ cạnh ao vượt ra lấn chiếm. Sau ba mươi năm, số dân xã tôi tăng gấp đôi. Chiến tranh nhà đất diễn ra khá ác liệt. Một bộ phận phải “Bồng bế nhau đi nó ở non” như cụ Tú Xương đã chúc tết từ cuối thế kỷ trước. Một bộ phận xuống biển, tiến ra đại dương – đại dương của chúng tôi, tức các ao nhỏ – vượt đất làm nhà.
Cái ao của gia đình tôi cũng nằm trong danh sách xoá sổ. Nó được chia làm ba phần. Một phần chia cho Vũ Tùng, bộ đội xuất ngũ, về mất sức, em ruột ông Xã đội trưởng Vũ Quỳnh. Một phần chia cho Phạm Văn Sơn, em ruột ông Phó Chủ tịch huyện Phạm Văn Khoa, là cán bộ Phòng Tài chính huyện. Còn phần thứ ba vẫn để đấy, chưa thấy nói đến. Có người mách, tôi vội làm đơn xin. Cũng là xin hú hoạ, may được chấp nhận, nhưng không chính thức. Ông Chủ tịch xã Trần Văn Mạnh, ông Chủ nhiệm HTX Phan Văn Bình bảo với tôi rằng vì tôi đã có nhà đất, vì tôi làm đơn muộn v.v… nhưng “Chiếu cố thầy giáo có ao vào HTX, hai vợ chồng cùng dạy học, hoàn cảnh khó khăn, xã tạm giao cho thầy giáo để thả rau bèo, bao giờ xã cần sẽ nói chuyện sau”.
Tôi vô cùng phấn khởi được nhận lại một phần cái ao cũ của gia đình. Lúc đó đã là Đảng viên cộng sản nhưng thành thật mà nói, tôi vẫn rất thích tư hữu ruộng đất. Đây lại còn là kỷ niệm của bố mẹ để lại. Trong hoàn cảnh hiện nay, nó, cái phần ao ấy, có thể là cứu cánh của chúng tôi trong đời sống. Các bạn đều biết cánh “Gõ đầu trẻ” chúng tôi không thể sống chỉ bằng đồng lương của mình.
Nhưng niềm vui của tôi như quả bóng phải gai châm, xẹp đi nhanh chóng. Tôi cảm thấy rất rõ từ ngày tôi được ao những người xung quanh nhìn tôi với con mắt khác, nói với tôi những lời nói khác, phác trước tôi những cử chỉ khác. Vẻ khinh bỉ, vẻ tức tối, vẻ hằn học… Như là tôi đã tranh phần của họ. Như là tôi tham. Như là tôi ác. Mà tôi là ai? Một người Cộng sản, một nhà giáo họ hằng kính trọng!
Điều bất ngờ đối với tôi là, người phản ứng đầu tiên lại là Phát, em trai tôi. Như đã nói ở trên, từ khi tôi quyết định đưa ao vào HTX thì có chiến tranh lạnh giữa hai anh em tôi. Mãi sau này tôi mới biết là từ lâu Phát đã có ý định xin bố mẹ cái ao ấy. Phát giận tôi và ăn nói chủng chẳng với tôi từ đó. Học hành không thành đạt, Phát về quê làm ruộng, lấy vợ làm ruộng, Phát trở thành một người nông dân thành thục. Phát tự nhận là “phó thường dân”. Còn tôi dạy học ở trường trung học huyện, nhà tôi cũng dạy học cùng trường, chúng tôi là trí thức hàng huyện. Hai anh em càng xa nhau. Làm nhà, ở ngay cạnh nhau, trên mảnh đất của ông cha để lại, hai anh em tôi cũng ít qua lại, chuyện trò, bàn bạc công việc. Việc cái ao, tôi làm đơn xin, không nói chuyện với Phát. Trong khi đó Phát cũng làm đơn xin, không nói chuyện với tôi. Khi xã công bố cho tôi, Phát, và đương nhiên cả vợ, nghĩ rằng tôi dựa vào “quyền chức” của mình tranh phần của em.
– Anh ấy rất tham. Đã đi làm cán bộ, được nhà nước bao cấp, có lương, có lộc, còn về nhà tranh phần của em! – Phát nói với chú bác và các chị tôi như vậy.
Phát cho vợ đổ xuống ao một gánh bèo cái, không quây chuồng, để trôi dạt lung tung.
– Ao của nhà mình, mình thả đ.. phải nhờ thằng nào! – Vợ Phát vừa làm vừa nói to cho mọi người nghe rõ.
Tôi nghe kể lại mà điên tiết. Tôi chạy ngay sang nhà Phát, lúc đó cả hai vợ chồng cùng có nhà. Thoạt thấy mặt, tôi nói bổ ngay:
– Tôi được xã cho ao, thím thả bèo thì cứ thả, thím lại bảo không thèm nhờ thằng nào là thím nói ai?
– Em có nói gì đâu – Vợ Phát bình thản nói, vẻ mặt vẫn lạnh đanh như không.
Tôi nói:
– Thím chối, tôi cũng không chấp. Nhưng từ nay thím phải chừa cái thói ăn nói xách mé, lăng loàn ấy đi. Thím nên nhớ nhà ta là nhà có giáo dục, ăn nói, cư xử phải đúng mực cho con cháu nói theo.
Vợ Phát nói, vẫn cái giọng lanh đanh của thị:
– Em thả bèo, bác không đồng ý thì em vớt lên
Tôi bảo:
– Thím nói thế là không xây dựng. Cái ao ấy chả là cái gì, tôi xin xã là muốn giữ lại một chút kỷ niệm của các cụ, chứ chẳng sống được vì nó. Xin được đấy, anh em cùng sử dụng.
– Bây giờ anh cộng sản gớm, giá cái gì cũng cộng sản thế thì anh em đã có phận nhờ – Từ nãy vẫn ngồi im, bây giờ Phát mới nói chen vào, vẫn cái giọng chủng chẳng, châm chọc nghe rất khó chịu nhưng cũng rất khó bác bỏ.
– Ai chả biết mồm anh thì cộng sản nhưng bụng anh thì tư sản – Phát nói tiếp – Của anh, anh cứ dùng, em chả dám động.
– Tôi có ý định thế, chú thím nghe hay không, tuỳ, nhưng không được ăn nói lung tung! Nên nhớ rằng chống lại anh là vô đạo đức! – Tôi cáu, nói như mắng, và bỏ ra về.
Câu chuyện giữa anh em trai thì chỉ có thể, nhưng đã đến chị em dâu thì nó phải phát triển khác đi. Ngày hôm sau, nhà tôi gặp vợ Phát ở dọc đường, ngay cạnh ao. Nhà tôi chỉ xuống ao, bảo vợ Phát:
– Thím thả bèo thì quây chuồng, ai lại để lung tung thế kia!
Chắc chắn nhà tôi tức sẵn, nói giọng không bình thường. Vợ Phát chẳng phải tay vừa, phản kích tức thời:
– Chị thích thì chị quây!
Nhà tôi nói:
– Thím nói buồn cười. Thả bèo nhờ, không quây chuồng lại còn gây sự.
Vợ Phát nói:
– Tôi không nhờ chị! Của chị thì tôi không thèm nhờ!
Đến đấy thì không còn là chị em nói chuyện với nhau nữa. Cả hai cùng đỏ mặt tía tai, giọng nói nâng cao cường độ và cao độ, bàn tay đưa đẩy như nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc. Khán giả tụ tập mỗi lúc một đông.
– Thím bảo không nhờ mà vẫn nhờ đấy thôi. Nói thế mà không biết thẹn à?
– Tôi nhờ bố mẹ. Tôi nhờ anh chứ không nhờ chị!
– Của chồng công vợ. Của tôi đấy. Ai tử tế thì tôi cho nhờ. Hỗn láo thì đừng hòng; thì tôi bắt vớt lên!
– Chị thích thì chị vớt lên!
– Ai đổ xuống thì người ấy phải vớt lên!
– Tôi đổ đấy. Nhưng tôi không vớt. Tôi thách đứa nào dám thò tay vớt lên!
– Thím ăn nói kiểu gì thế?
– Kiểu gì? Chị bảo kiểu gì?
– Kiểu kém văn hoá
– Chị bảo ai kém văn hoá?
– Ai thì nó sờ sờ ra đấy!
– À à chị cậy chị đi dạy học, chị chửi người ta à!
Thế là hai mụ gà mái cục tác rầm lên. Tôi phải chạy ra, mắng át cả hai và xua gà nào về chuồng nấy.
Không hiểu trong lúc cãi lộn vợ Phát đã nghe nhầm hay cố ý đặt điều, về nhà mách chồng rằng bà Tiến bà ấy chửi cả hai vợ chồng là “đồ vô giáo dục” (Điều này mãi sau tôi mới điều tra ra). Phát vốn hiền lành nhưng rất cục, nghe nói thế, chẳng nói chẳng rằng, uống rượu vào rồi chạy thẳng sang nhà tôi, lúc đó tôi vắng nhà, Phát hầm hầm bước đến trước mặt nhà tôi, chỉ tay vào tận mặt, hùng hổ nói: “Mày bảo ai vô giáo dục?” và không để nhà tôi trả lời, Phát một tay túm lấy đầu tóc nhà tôi, tay kia bốp luôn mấy cái vào sau gáy. Nhà tôi kêu rầm lên. Hàng xóm đổ đến ngay. Chị cả tôi bổ tới, gỡ tay Phát ra, đẩy Phát lùi ra cửa. Con gái lớn của tôi, lúc đó mười hai tuổi, chạy vào bênh mẹ. Nó kêu to: “Chú Phát mất dạy! Thấy bố người ta đi vắng, đến đánh mẹ người ta! Em đánh chị là mất dạy!”. Tiện tay Phát tát nó luôn mấy cái. Nó khóc rầm lên. Phát hầm hầm ra về.
Về nhà, biết chuyện, tôi uất lắm, nhưng chỉ ngồi im. Tôi vốn ngại to tiếng, sợ người ta chê cười. Vả lại, bên em, bên vợ, biết xử sự thế nào? Nhà tôi luôn đay đổ tôi: “Để em hư hỗn chửi chị, đánh chị, cũng không dám hé răng!”. “Không dạy nó, để nó lên nước, lần sau nó đánh chết vợ con à?”. Tôi chỉ biết nín thinh. Nhà tôi càng nói dữ. Chịu đựng mãi không nổi có lần tôi đấm ngực, dậm chân thình thịch, như điên, tôi kêu lên: “Thì tôi biết làm gì? Loạn rồi. Em đánh chị, cháu chửi chú, vợ khinh chồng. Loạn rồi! Tôi còn dạy được ai?”. Tôi vớ rổ bát, định liệng ra sân, may nhà tôi giữ được.
Sau vụ này, Phát có ý ngượng, ít đi ra ngoài, không thấy nói đến chuyện ao nữa. Còn tôi thẹn không dám nhìn mọi người, không dám nhìn đến cả cái ao bé bỏng, tội nghiệp của tôi nữa. Tôi chỉ chờ có cơ hội là trả lại ao.
Những người ở xung quanh ao khoái ra mặt. Chớp thời cơ, họ đồng loạt tiến công, vượt lấn ao. Biết, nhưng tôi mặc. Tôi chán ngán những chuyện này lắm rồi, chỉ muốn bỏ cuộc, tìm cách “rút lui trong danh dự”! Được thể, họ càng lấn tới. Buồn thương thay cái phần ao nhỏ bé, tội nghiệp của tôi! Nó bị co lại nhanh chóng, mấy ngày sau chỉ còn là một cái vũng xấu xí, thảm hại, tù hãm, bỏ hoang.
Tình hình ấy chính quyền không thể làm lơ. Ông Chủ tịch xã Trần Văn Mạnh quy trách nhiệm cho tôi. Ông nói: “Giao ao cho ông, ông không có biện pháp bảo vệ”. Ông chủ nhiệm HTX Phan Văn Bình thì nói: “Ao để thế này xã viên người ta thắc mắc chết. Nếu thầy giáo không quyết tâm bảo vệ và sử dụng có hiệu quả thì HTX đến phải thu hồi”. Tôi cãi là không được giao bờ mốc rõ ràng và tỏ ý sẵn sàng trả lại ao. Các vị ấy khuyên tôi đừng vội nản, các vị sẽ giúp đỡ ổn định tình hình. “Để thầy giáo trả lại cho thì chúng tôi rất áy náy, mà thầy giáo thì mang tiếng là phụ cái lòng địa phương quan tâm” – Các vị nói thế. Tôi nghe, thấy phải, ngồi im, coi như tán thành. Các vị quyết định đạc lại toàn bộ ao đất khu vực ấy, và cho cắm các cột mốc theo đường biên giới đã hoạch định từ trước chiến tranh. Theo quyết định ấy thì tất cả các gia đình ven ao phải trả lại vị trí cũ theo sổ địa chính xã và cái ao (kể cả mặt nước và bờ đất mới vượt) vẫn tạm thời thuộc về tôi.
Trận ấy, tôi thắng to. Không vất vả gì tôi giành lại được toàn vẹn lãnh thổ. Uy tín chính trị của tôi trên trường thôn xóm được nâng lên; vì ít ra mọi người đều biết Xã ủng hộ tôi.
Tôi say sưa với thắng lợi. Nhưng cũng như những lần trước niềm vui của tôi xẹp đi nhanh chóng. Chiến tranh không chấm dứt, trái lại, lại bùng lên, dữ dội hơn. Cả vùng ao căm giận tôi. Họ cho rằng vì tôi họ đã tốn bao công của mà không được gì. Họ cô lập và phong toả tôi. Trước hết là cắt quan hệ ngoại giao, đến mức gặp nhau không chào hỏi. Rồi đến đóng cửa biên giới. Những nhà ven ao không cho tôi (và những người thân của tôi) đi nhờ qua đất của họ để vào ao, lấy cớ là sợ làm lở đất vườn của họ. Hai ông bạn hàng xóm cùng được chia đất với tôi là Tùng và Sơn tuyên bố đanh thép: “Hễ đặt chân lên đất của tôi tôi chặt chân!”. Họ viết nhiều đơn, đứng tên có, nặc danh có gửi lên xã, lên huyện yêu cầu thu hồi phần ao của tôi, rằng tôi đã có nhà đất, rằng tôi không có giấy phép sử dụng phần ao ấy v.v… Dẫu sao những hoạt động ấy của họ đều không thu được kết quả gì. Họ chán, bỏ cuộc dần. Cuối cùng tham chiến chỉ còn Tùng, Sơn và tôi, ba nhà được chia ao.
Những nhà bình luận địa phương tôi gọi đây là cuộc chiến tranh tam cường.
Tôi văn dốt vũ dát không thể gọi là cường, nhưng dẫu sao tôi cũng được coi là có học, lại họ to, được Xã, Huyện ủng hộ. Hai người kia thì khỏi phải nói. To con, có võ, lại liều lĩnh, hung hăng, được cả vùng kiêng nể.
Có một sự ngẫu nhiên lý thú: Sơn có vợ tên là Lâm, người ta gọi Sơn là Sơn Lâm. Sơn tuổi hổ nên tự nhận là chúa Sơn Lâm. Người Sơn có nhiều nét giống hổ, lại cố ý trang phục cho người hổ hơn. Mồm đầy mồm răng, hai cái răng nanh vừa to, vừa dài, vừa nhọn, thoáng trông thấy nhe ra là người ta đã thấy trờn trợn. Y lại chạm hình hổ vằn nổi lên ở hai bắp tay và ở ngực, tóc bỏ dài chớm vai, bộ ria tỉa vểnh lên, hay mặc áo kẻ vằn, trông càng dữ tợn. Là cán bộ Phòng tài chính huyện, chuyên thu thuế ở các chợ, với vẻ người như thế, lại đội oai em ruột ông Phó chủ tịch huyện, y là nỗi khiếp đảm đối với bọn con buôn các loại vùng này. Trái ý là quát nạt, là nện, là tung phá, là tịch thu hàng! Nghe nói ông Khoa phó chủ tịch huyện, có lần vì làm phật ý, bị y giã cho một trận nên thân, và đập mất cái đài cát – sét. Nhưng y có cái tốt là khi bình tĩnh lại, và thấy mình có lợi, thì sẵn sàng nhe cả hàm răng hổ cười hề hề mà xin lỗi người ta! Vì vậy, dẫu là hổ, có nhiều lúc, nhiều chỗ, y vẫn có thể là bạn của mọi người.
Trông bề ngoài, Vũ Tùng kém vẻ hùng hơn Sơn nhưng không kém vẻ độc đáo. Mắt xếch, quai hàm bạnh ra. Y để bộ ria cắt ngắn như con sâu róm bò trên miệng. Tóc húi ngắn như người tù mới được tha. Con mắt lúc nào cũng gờm gờm như thể tất cả mọi người là kẻ thù của y. Hai tay lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh ra, như thể nó chỉ có nhiệm vụ tấn công hay tự vệ. Từ khi nhận phần ao, Vũ Tùng tự nhận tên đọc chệch đi là Võ Tòng, tuyên truyền tích Võ Tòng đả hổ trong truyện Thuỷ hử, để ra oai và khiêu khích Chúa Sơn Lâm hàng xóm. Người thôn tôi lại gọi Võ Tòng là Chí Tòng, để so sánh với Chí Phèo trong truyện của Nam Cao. Nhưng Chí Phèo phải gọi Chí Tòng là cụ. Vì Chí Phèo chỉ chửi cả làng Vũ Đại lúc say, còn Chí Tòng chửi cả làng này cả lúc say lẫn lúc tỉnh. Lúc tỉnh, Chí Phèo có vũ khí là vỏ chai, dao nhọn, còn Chí Tòng có cả súng ngắn, lựu đạn, bom nguyên tử (như ta sẽ thấy ở đoạn sau…). Chí Tòng gây gổ với tất cả mọi người: bố mẹ, anh chị em, bạn bè, thầy giáo, cấp trên… Lịch sử đời y được đánh dấu bằng các cuộc đánh lộn do y chủ động gây ra. Năm học lớp sáu, đánh thầy, bị đuổi học. Đi bộ đội, đánh chỉ huy, được về nhà. Bí đất ở, đánh anh, tức ông Xã đội trưởng Vũ Quỳnh, anh phải xin đất cho. Bí nhà ở, đánh bố, bố phải làm nhà cho y. Ở đây chỉ xin kể cái tấn kịch hay ho gần đây nhất: Cảnh trấn bố lấy tiền làm nhà. Vào đúng cái ngày Tòng được chia ao, đi nhận đất về, y hùng hổ túm ngay ông bố, bế gọn trong tay.
Tòng: – Tôi đã có đất rồi, nhưng tiền đâu mà làm nhà. Ông phải làm nhà cho tôi!
Ông bố: – Tao sẽ thu xếp.
Tòng: – Không thu xếp gì cả. Ông phải làm ngay! Ông có làm hay không thì bảo? Tôi quẳng ông xuống ao cho chết đuối. Có làm hay không thì bảo? – Y bế ông cụ đi về phía ao.
Ông bố rối rít: – Tao lạy mày! Tao lạy mày! Chớ! Chớ! Bỏ xuống rồi tao làm!
Tòng: – Thật không? Ông thề đi!
Ông bố: – Tao thề! Tao thề!
Tòng: – Không được. Tôi phải cảnh cáo ông trước! Các người hãy trông đây! – Y đảo mắt nhìn nhiều người tụ tập xung quanh, phớt tỉnh, rồi ném ông cụ xuống ao. Tưởng đùa, hoá thật, những người chứng kiến cùng “ồ” lên một tiếng, và ông con cả xã đội trưởng Vũ Quỳnh vội nhảy xuống ao vớt ông cụ lên.
Qua các sự kiện trên các bạn có thể thấy là, ở vùng “đại dương” của chúng tôi, Chúa Sơn Lâm và Võ Tòng đáng mặt cường quốc. Hai cường quốc ở cạnh nhau, lại ở cạnh một vùng đang tranh chấp, yên ổn làm sao được?
Khốn khổ cho tôi là cho đến lúc ấy tôi vẫn chưa có quyền sở hữu chính thức đối với phần ao còn lại, thậm chí các văn bản pháp lý tạm thời cũng chưa có.
Ngay từ khi mới đến đây vượt đất, làm nhà, Sơn và Tòng đã có ý định thôn tính tôi để sát nhập vào đế quốc của họ. Thời gian đầu mỗi người đều muốn một mình xâm chiếm tôi. Tòng vận động xã qua ông anh Xã đội trưởng. Sơn vận động huyện qua ông anh Phó chủ tịch huyện. Qua một thời gian cả hai phía cùng nhận ra rằng trong điều kiện nền văn minh hiện nay, điều đó khó lòng thực hiện được. Họ mới quyết định liên kết với nhau để xâu xé tôi. Một hội nghị thượng đỉnh được bí mật tổ chức, ở đó, Chúa Sơn Lâm và Chí Tòng đã thống nhất liên kết với nhau cùng bành trướng ra vùng đại dương tôi đang chiếm lĩnh, thoả thuận sẽ chia đôi vùng đất chiếm được. Trong thời gian ngắn, họ đã tiến được khá xa.
Nhưng như ta đã biết, cuộc hành quân của họ đã bị chính quyền địa phương chặn đứng lại, buộc phải quay trở về vị trí xuất phát, và để ngăn chặn âm mưu bành trướng lâu dài của họ, các cột mốc biên giới đã được dựng lên.
Việc này làm cho Tòng và Sơn vô cùng tức tối.
Tòng đến ngay ông anh Xã đội trưởng, sừng sộ với anh:
– Anh Quỳnh, anh là Xã đội trưởng, sao anh dám cho quân đến cắm đất nhà tôi?
Vũ Quỳnh nhũn nhặn:
– Việc này bên uỷ ban làm, tôi cũng không được biết.
Tòng chỉ tay vào mặt ông anh, sấn sổ, như sắp đánh anh đến nơi:
– Ông không biết thì ai biết, Ông là tướng ở cái xã này, ông không biết thì ai biết! Ông… Ông vào hùa với chúng nó làm hại tôi! Ông… Ông ném đất giấu tay! Ông thâm lắm! Ông ác lắm!
Ông anh bực lắm, nhưng vẫn cố chịu:
– Tôi không biết thật, chú muốn chửi tôi thế nào thì chửi. Còn việc đất cát, tôi nói thật, chú cũng làm quá lắm. Thời buổi này, làm trắng trợn thế ai mà bảo vệ được.
– Tôi không cần ông bảo vệ – Tòng cướp lời anh, mặt cau lại khiến hai đuôi mắt như càng xếch lên, môi trên và sát nó, hàng râu sâu róm, cùng co lại như chuẩn bị bò – Tôi chỉ yêu cầu các ông làm cho đúng. Các ông có biết tôi đã đổ bao nhiêu công của để vượt cái bờ ao ấy không? Các ông đã cướp không của tôi các ông có biết không?
– Còn mảnh đất của tôi. – Không để ông anh nói, y tiếp, giọng gay gắt, có lúc rít lên làm cho hai quai hàm thêm bạnh ra, môi trên và trên nó, hàng râu sâu róm, duỗi ra như bò – Ừ thì tôi lấn chiếm đấy, tôi ăn cướp đấy! Nhưng tôi nói để các ông biết, tôi ăn cướp là ăn cướp của công chứ tôi đéo thèm ăn cướp của riêng thằng nào. Còn các ông – y dằn giọng – ông ấy, và tất cả các ông, từ thằng to đến thằng nhỏ, đều là kẻ cướp, thậm chí là tướng cướp. Các ông vừa đua nhau ăn cướp của dân, vừa ra sức bóp hầu bóp cổ bọn khố rách áo ôm là chúng tôi. Nếu không thế thì tôi hỏi ông, ông ấy, tôi hỏi ông: Ông làm gì? Vợ ông làm gì? Lương bao nhiêu? Mà ông nhà cao, cửa rộng, ti vi, tủ lạnh, quạt trần, chè chén, ăn chơi bốc giời còn hơn cả bọn địa chủ, bọn tư sản ngày trước. Hỏi, không ăn cướp thì các ông lấy đâu ra? Chúng tôi biết cả đấy, các ông có thách chúng tôi phách ra không?
– Chú… chú hãy ăn nói cẩn thận. Láo …láo quá mức người ta sẽ không để yên đâu! – Vũ Quỳnh tái mặt, giận run người, nhưng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh.
Chí Tòng cười khẩy:
– Ông đừng doạ. Thằng em không biết sợ thằng nào bao giờ! Người ta ngồi ghế này, ghế khác, còn thằng em ngồi đất, mà thằng em nằm ra đất rồi, có bị đánh cũng không đổ được. Nhưng thằng em trịnh trọng tuyên bố: đánh ít thì thằng em nằm yên, đánh nhiều thì thằng em ngồi dậy, mà đánh nữa thì thằng em đứng lên!
Dừng lại một lát, y tiếp, rành rọt từng tiếng:
– Bây giờ xin nói nghiêm chỉnh: Anh phải bảo chúng nó trả lại đất cho tôi như trước. Nếu không, tôi lại dọn về đây, còn anh ra đấy mà ở. Ta đổi chỗ cho nhau, và tôi tuyên bố: tịch thu toàn bộ tài sản hiện có trong nhà này! Tôi cướp đấy, nhưng tôi không cướp của anh, tôi chỉ cướp những cái anh đã đi cướp được. Nếu anh không nghe thì tôi sẽ cho nổ tung cái nhà này! Anh cũng biết là tôi có bom nguyên tử.
Nói vậy, và để mặc ông anh đứng trơ ra đấy không rõ vì tức giận hay vì sợ hãi, y bỏ ra về.
Điều lạ lùng là, về nhà, y kể ngay với Chúa Sơn Lâm và nhiều người khác câu chuyện trên, không giấu diếm tí gì. Đến hôm sau cả làng cùng biết.
Về phía Chúa Sơn Lâm cũng diễn ra cảnh tượng tương tự. Sơn vù ngay lên huyện gặp ông anh Phó chủ tịch huyện, kể một lượt đầu đuôi câu chuyện, đoạn nói:
– Chúng nó làm láo quá. Chúng nó bỉ mặt anh em mình. Anh phải về cho chúng nó một trận!
– Chú hãy bình tĩnh, để xem thế nào đã! – Ông Khoa điềm nhiên nói.
– Bình tĩnh! Anh thì lúc nào cũng bình tĩnh. Làm phó chủ tịch huyện, để cho bọn ở xã chúng nó ỉa vào mặt mà vẫn cười được! – Sơn nói kháy, tưởng làm ông anh tức giận, trái lại, ông lại phì cười, như là cố giữ để khỏi cười to giữa công đường, ông cười nấc lên từng đợt ùng ục trong cổ họng.
– Tự nhiên chú lại đổ tức giận lên đầu tôi – Thấy Sơn tỏ vẻ khó chịu, ông Khoa thôi cười cười, trở lại vẻ điềm nhiên như trước – Làm gì cũng phải tính toán kỹ. Với lại trong việc này, họ đúng, mà mình… chú cũng làm quá.
– Đúng? Anh mà cũng nói thế à? – Sơn bắt đầu cáu, mồm đầy răng với bộ nanh dài nhe ra – Phải rồi, các ông là những người cầm quyền, các ông nói giọng nào cũng được. Các ông bắt chúng tôi làm đúng, còn các ông thì không. Các ông yêu cầu chúng tôi làm theo pháp luật, còn các ông thì có thể đứng ngoài pháp luật. Tôi vượt lấn ra một vài mét đất thì các ông làm tình làm tội tôi, còn chúng nó, tức là bọn lãnh đạo xã ấy, ở gần ao thì vượt ao, ở gần đồng thì vượt đồng, có thằng một mình tranh lấy hai ba chỗ ở, chỗ cho mình, lại chỗ cho con trai, con gái, thì các ông không dám động đến chân lông thằng nào. Như thế mà gọi là công bằng xã hội được à?
– Thôi được rồi, chú nói nhỏ chứ, không người ta đánh giá! – Ông phó chủ tịch ngắt lời Sơn – Chú cứ bình tĩnh, rồi ta sẽ thu xếp.
– Thu xếp thế nào? Chờ anh thu xếp thì có mà đi ăn mày sớm! – Sơn vẫn to tiếng, như là đang cãi nhau với anh – Nói tóm lại là tôi yêu cầu anh giải quyết ngay. Nếu anh không giải quyết thì tôi giải quyết.
– Chú định giải quyết thế nào?
– Đơn giản thôi, tôi theo sách lược của Mao Trạch Đông: Mi động đến ta, ta cũng động đến mi. Mi không động đến ta, ta cũng không động đến mi. Các ông có thế mạnh của các ông thì chúng tôi cũng có thế mạnh của chúng tôi. Tôi sẽ cho chúng nó biết sức mạnh tổng hợp của một cán bộ tài chính. Tôi sẽ trực tiếp về xã thu thuế công thương nghiệp. Tôi sẽ làm cho HTX mua bán của xã điêu đứng chỉ vì lẽ đơn giản là không được lậu thuế, không cho chúng nó ăn chặn thuế sát sinh, và tôi sẽ bắt tất cả những thằng nấu rượu lậu và cả những thằng uống rượu lậu, mà bọn chúng nó thì thằng nào ngày nào cũng uống rượu! Tôi sẽ bảo cánh thu thuế nông nghiệp thẳng tay với xã này, thu tất ráo cả thùng vũng, gò đống, vườn đất, mà bọn chúng nó thì thằng nào cũng vườn rộng, đất rộng, tất cả đều thu theo bảng thuế đất loại một. Tôi sẽ bảo cánh thanh tra tài chính cho tất cả bọn tham nhũng vào tù, mà chúng nó thì thằng nào cũng tham nhũng! Nói tóm lại là tôi sẽ làm cho chúng nó điêu đứng, làm cho dân xã khốn khổ sẽ phải đứng lên đánh đổ chúng nó. Và tất cả những biện pháp ấy đều không thành công thì…
– Thì sao?
– Đơn giản thôi. Tất cả chúng ta cuối cùng đều là thú và phải xử theo luật rừng!
– Tôi xin chú! Tôi xin chú! – Ông phó chủ tịch, có phần kinh hãi – Thế chú tưởng chú đánh người ta không bị người ta đánh lại? Tôi xin chú, để tôi khuôn xử.
Dẫu sao Chúa Sơn Lâm cũng coi như chinh phục được ông anh Phó chủ tịch huyện. Y nhếch miệng cười, một bên ria hổ cũng nhếch lên. Phan Văn Khoa cũng tưởng đã thuyết phục được em, thoải mái cười theo. Hai anh em chia tay nhau có thể nói là vui vẻ.
Không rõ ông Phó chủ tịch huyện và ông Xã đội trưởng có hoạt động gì theo yêu cầu của các ông em của họ không, nhưng một tuần, rồi hai tuần, một tháng, rồi hai tháng sau đó, không thấy chúng nó có biểu hiện gì thay đổi chính sách đối với vùng ao. Võ Tòng và Chúa Sơn Lâm đã hiệp sức phát động chiến tranh tâm lý và chiến tranh mồm để răn đe, nhưng không có kết quả. Châm ngòi chiến tranh nóng với chính quyền thì chưa dám, bởi như ông Khoa đã nói đúng, trước khi làm việc đó phải sờ lên gáy mình.
Không chống được chính quyền, Sơn và Tòng quay ra chống tôi. Sơn là em họ tôi, nhưng điều đó có quan hệ gì, khi người ta va chạm nhau về quyền lợi. Hai người này buộc phải chấp nhận trả lại phần đất đã chiếm, nhưng họ yêu cầu tôi phải bồi thường phí tổn vượt phần đất ấy. Tôi không chịu. Lý lẽ của tôi là:
1) Tôi không yêu cầu họ vượt; 2) Tôi chưa có quyết định chính thức được sử dụng phần ao ấy; 3) Trong việc này tôi chỉ bị thiệt chứ không lợi lộc gì, vì diện tích mặt nước bị thu hẹp lại mà phần đất vượt thì không sử dụng được. Đấu lý với tôi không được, họ kéo nhau lên xã. Xã cũng bí, nói sẽ nghiên cứu, giải quyết sau.
Bây giờ xin các bạn hãy cùng tôi nghiên cứu kỹ hiện trường, nơi xảy ra cuộc chiến tranh. Cái ao cũ của gia đình tôi ở ngay góc ngã ba đường làng. Phía đông là đường ruột làng, ngay cạnh đó là mảnh đất cũ của gia đình tôi hiện tôi và Phát ở. Phía tây là đường sang xã bạn, đi quá dăm chục mét là khu lò gạch của HTX. Ao cũ được chia làm ba phần bằng nhau, lần lượt từ đông sang tây là tôi (Tiến), Tòng, Sơn.
Lúc ấy Tòng và Sơn đã vượt xong phần đất của mình và làm nhà ở tạm, lại liên kết vượt đất lấn ra phía tôi được chừng 4m dài, chia ra mỗi người được chừng 2m dài. Phải trở lại đường biên giới cũ tức là biên giới Tòng – Tiến phải lùi về phía Tòng 4m, biên giới Tòng – Sơn phải lùi về phía Sơn 2m. Trên thực tế Tòng không làm gì để trả lại phần đất lấn chiếm phía đông, biến nó thành khu phi quân sự và đương nhiên khống chế nó, nhưng Tòng yêu cầu Sơn phải khẩn trương chuyển hàng rào về phía Tây. Sơn khất lần, Tòng bực lắm, càng sấn súc tợn. Hai thằng mâu thuẫn, hục hặc nhau, và thế là liên minh của họ tan rã như bóng bọt xà phòng. Hai con hổ ở ngay cạnh nhau, như lúc nào cũng sẵn sàng xông vào nhau. Tôi thở phào khoan khoái từ đây được đóng vai “Toạ sơn quan hổ đấu”!
Ở biên giới Tòng – Sơn có một hàng rào tre gồm một số cọc tre và tay tre, do Sơn cắm. Hàng rào này dựng lên chưa bao lâu, lá tre còn chưa rụng hết, trên những tay tre khẳng khiu đan vào nhau còn lưa thưa những chùm lá vàng khô, có lá còn xanh, có lá nửa vàng nửa xanh. Cái hàng rào ở sâu trong lãnh thổ Tòng mấy mét dài, như cắm vào giữa mắt Tòng. Đã nhiều lần Tòng nhắc Sơn nhổ rào chuyển đi, cũng đã mấy lần Tòng lay lay cái cột rào ngay trước mắt Sơn, có ý cảnh cáo, vậy mà Sơn vẫn phớt lờ. Không nén chịu được nữa, một hôm, nhằm lúc Sơn đi thu thuế chợ như thường lệ, Tòng nhổ hàng rào lên, bê về phía Sơn, cắm đúng mốc cũ. Về nhà, thấy thế, Sơn bực lắm, nhưng không nói gì, và hôm sau nhằm lúc Tòng đi làm đồng, Sơn lại nhổ hàng rào lên, bê về phía Tòng, đặt lại như trước. Tòng về nhà, thấy thế, cáu lắm, nhưng cũng không nói gì, đợi mấy hôm sau Sơn vắng nhà, lại nhổ rào, bê đi. Và ít hôm sau đấy người ta lại thấy hàng rào trở về, đúng chỗ nó ra đi. Việc ấy còn diễn ra mấy lần nữa, kẻ bê đi, người bê lại, đều nhằm lúc bên kia đi vắng. Tội nghiệp cái hàng rào! Bê đi, bê lại nhiều lần, ngọn nhỏ gẫy nát, chỉ còn trơ cành xương xẩu, và lá rụng hết, rơi nằm rải rác khắp giải đất hàng rào lại qua!
Người ta bảo rằng trong quan hệ quốc tế, các cường quốc thường hết sức tránh đụng độ nhau. Ở vùng đại dương của chúng tôi, các cường quốc cũng làm như thế, hết sức tránh đụng độ. Nhưng lôgic của các sự kiện cho thấy, ở đây, đụng độ là không tránh khỏi.
Trước nay Chí Tòng có nhân nhượng ai bao giờ! Có lẽ ngại nổ ra chiến tranh lớn, Tòng đã nhân nhượng Sơn nhiều lần. Vậy mà Sơn rõ ra là không biết điều, cứ khinh khi, trơ lì, không chịu làm cái việc mà kẻ nổi tiếng là bất cần đời như Tòng cũng thấy là không làm không được. Làm như chọc tức không bằng! Mà chọc tức ai, dám vuốt râu anh hùng hảo hán Lương sơn bạc Võ Tòng! Tòng không chịu nữa.
– Nó là Chúa Sơn Lâm, là hổ, thì đã có Võ Tòng đả hổ! Chắc là con hổ ấy đến ngày mạt vạn, muốn được nếm quả đấm của Võ Tòng!
Tòng thường kể chuyện với những người xung quanh và đánh tiếng cảnh cáo Sơn như vậy. Nhưng Sơn cứ gan lì, Tòng càng tức tối.
Một hôm Tòng giả vờ đi khỏi nhà, một lát lại quay về, bắt gặp Sơn đang bê chuyển hàng rào. Tòng quát lớn:
– Sơn, làm cái trò gì thế? Có bỏ ngay xuống không?
Sơn chưng hửng, bỏ rơi đoạn rào xuống dưới chân, ngay giữa đoạn đường đi.
– Đã thống nhất thế nào thì cứ thế mà làm – Sơn chủng chẳng nói – Ông định bỏ cuộc à?
– Bỏ! – Tòng xẵng giọng nói.
Sơn cười khẩy, nhe một nửa hàm răng hổ, nhếch một bên ria mép hổ:
– Thế mà cũng dám xưng danh anh hùng hảo hán Lương sơn bạc!
– Anh hùng hay không, khắc biết!
Tòng nói và tiến đến đoạn rào bỏ rơi, mày cau lại, hàng râu sâu róm cũng cau lại, mắt như xếch thêm lên, vẻ dữ tợn. Tòng trừng mắt nhìn Sơn, đoạn cúi xuống, dang hai tay ôm lấy đoạn rào, bê về phía mốc.
Đến lượt Sơn quát:
– Mày làm cái trò gì thế, bỏ xuống!
Vừa nói, Sơn vừa dang tay giữ đoạn rào, chặn lại. Chẳng nói chẳng rằng, Tòng cứ ôm rào tiến lên. Sơn đứng chéo chân, khúm lưng đùn lại, trước còn thế thủ, sau chuyển thế công. Đoạn rào đưa đẩy khi về phía Sơn, khi về phía Tòng. Có lúc Tòng cùng đoạn rào tiến lên được nửa bước, rồi nửa bước nữa, nhưng ngay sau đó lại bị đẩy lùi về vị trí cũ, thậm chí lùi quá về phía sau để rồi cuối cùng lại tiến lên, giao động ở chỗ đứng ban đầu. Hai thằng cùng gắng sức, cùng hầm hè, mặt đỏ phừng phừng, mồ hôi nhễ nhại, hồi lâu rồi không phân được thua; có thể nói là “anh hùng tương ngộ”.
Lúc ấy, ở xung quanh ao, nhất là ở ngã ba đường làng, người xem tụ tập rất đông. Không thấy ai vào can. Hai con hổ quần nhau ai dại gì mà đến gần. Với lại ở thôn xã chúng tôi, văn công, điện ảnh hiếm, thỉnh thoảng không có những cuộc như thế này thì cũng buồn, âu cũng là dịp xem biểu diễn không mất tiền.
Đương khi người ta bắt đầu cảm thấy chán bởi cuộc đấu diễn ra đơn điệu, bỗng người ta thấy Tòng buông rào, nhảy phắt ra bên. Bị bất ngờ, theo đà, Sơn ngã dúi xuống đống rào. Nhiều người xem chúng tôi trông cảnh ấy, không nhịn được, bật cười. Bọn trẻ con có đứa reo lên.
– Có giỏi thì ra đây! – Tòng nói, bộ oai vệ như một ông tướng ngày xưa giáp trận, thủ thế, đứng chờ.
– Được, tao sẽ cho mày biết tay! – Sơn nói, ra khỏi đám rào, và hùng hổ tiến ra đấu trường.
Lúc này mọi người mới nhìn rõ Sơn: chân tay, mặt mũi bị rào cào xây xát, một vết máu rớm vạch chéo trên má phải, vạt áo bên trái bị xé rách. Sơn cởi phăng áo ném xuống đất để lộ một thân hình lực lưỡng có xăm hình hổ ở trước ngực và hai cánh tay. Để đáp lại, Tòng xắn vội hai ống tay áo. Hai thằng vừa nói, chửi, vừa tiến lại gần nhau.
Họ sắp giáp mặt nhau, cùng một lúc có hai người đàn bà, từ hai phía, chạy xổ đến, cản đường. Một là vợ Tòng, tất tưởi níu lấy tay Tòng, nói không ra hơi: “Tôi xin! Tôi xin!”. Chẳng nói chẳng rằng, Tòng khoát tay đẩy vợ ra. Cô vợ ngã quay lơ về phía sau. Người đàn bà kia là vợ Sơn, vừa chạy tới, vừa kêu la: “Muốn đánh nhau chết à? Can hộ tôi với các ông bà ơi!”. Hai người vợ cùng khóc tru tréo lên, và người ta nghe rõ tiếng trẻ khóc thút thít ở cả hai nhà.
Hình như Sơn và Tòng không trông thấy, không nghe thấy điều gì. Đám người xem chưa ai kịp vào can thì hai thằng đã sáp mặt nhau. Cả hai đều có võ vẽ nên không lao vào ẩu đả như ta thường thấy. Chúng gườm gườm nhìn nhau, hai tay thủ thế kiểu võ sĩ quyền Anh vào trận, rình miếng nhau chẳng khác hai con gà trống mới vào vòng. Chúng quay một phần tư vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, đoạn lại quay trở lại một phần hai vòng tròn. Bỗng thoắt một cái, Tòng lao vào, đấm túi bụi vào mặt, vào ngực Sơn, nhưng Sơn đều đỡ và tránh được. Lùi lại nửa bước, Tòng đá mạnh vào hạ bộ Sơn, nhưng Sơn cũng né tránh được. Tránh xong đòn đá này, Sơn nhảy một bước, áp sát đối phương, đấm liên hồi. Sơn cao hơn Tòng nửa cái đầu, tận dụng lợi thế ấy, có khi đấm từ trên xuống, có khi móc từ dưới lên, nhưng Tòng cũng đều đỡ và tránh được. Trước sức tấn công như vũ bão của Sơn, Tòng phải lui mấy bước về phía nhà mình, song Tòng nhanh, thoắt cái lại quay ngoắt nửa vòng tròn về phía nhà Sơn, và hai thằng lại xông vào nhau. Ở hiệp này, Sơn đấm được một quả trúng đầu Tòng, nhưng không nặng. Tòng chỉ hơi choáng váng, vả lại càng thêm hăng hái. Tòng cũng đấm được một quả vào ngực đối phương, đúng cái chỗ con hổ chàm, nhưng cũng nhẹ, với sức lực của Sơn thì chẳng đáng kể gì. Trận đấu coi là cân sức, cân tài, không phân thắng phụ.
Giữa lúc cuộc chiến tranh có đà quyết liệt thì Vũ Quỳnh dẫn mươi người dân quân huỳnh huỵch chạy tới. Không hiểu ai đã kịp báo chính quyền?
– Hai thằng kia, có buông nhau ngay ra không! – Vũ Quỳnh quát lớn và lao vào chắn giữa hai người.
Hình như cả Sơn và Tòng lúc đó đều muốn thôi nên đã dừng tay đến nửa giây, nhưng không ai chịu thôi trước thành thử lại tiếp tục đánh nhau. Vũ Quỳnh gạt hai người ra, và đám dân quân xô vào, người ôm Tòng, người ôm Sơn, kéo về hai phía. Ban đầu hai thằng còn làm bộ cưỡng lại, nhưng rồi cũng phải nghe theo.
– Sư mày, liệu đấy! – Tòng ngoái đầu lại chửi.
– Mẹ mày, rồi biết! – Sơn cũng ngoái đầu lại đáp.
Đỏ mặt tía tai, hùng hùng hổ hổ, miễn cưỡng bước đi theo đà đẩy của mọi người, dáng bộ Sơn và Tòng lúc ấy giống như in gà chọi sau trận đấu, dầu mệt mỏi, đau đớn, vẫn cố giãy khỏi tay người để lao vào đấu tiếp.
Những tưởng sau trận ấy hai thằng sẽ đánh nhau đến chết, ở ngay cạnh nhà nhau, hung đồ như nhau, lại đang thù nhau! Nhưng không, điều lạ lùng là không có sự gì xảy ra, mối quan hệ giữa họ có phần còn tốt hơn trước chiến tranh. Mới biết các cường quốc chỉ quen bắt nạt các quốc gia nhỏ yếu, còn họ vẫn gờm nhau! Mặc dầu dốt nát và không cần có tư duy mới họ cũng hiểu được rằng không nên có chiến tranh giữa hai cường quốc, bởi lẽ đơn giản là trong cuộc chiến tranh này không có người chiến thắng.
Tuy vậy, cái ngòi nổ thì vẫn chưa cắt đi được.
Vào thời điểm ấy có một sự kiện quan trọng trực tiếp tác động đến diễn biến của cuộc chiến tranh này: Địa phương có chủ trương kiểm tra lại toàn bộ ruộng đất và cho phép đổi ruộng phần trăm lấy đất ao, vườn.
Ở vùng quê tôi, bà con vốn rất mê phần trăm. Bởi nó được coi gần như một thứ ruộng riêng. Phần trăm ngay cạnh nhà thì lại càng tuyệt. Bởi người ta ( = người + ta) sẵn sàng quên nó là của chung, có thể dễ dàng sát nhập vào vườn đất nhà mình, sử dụng theo ý mình, để nguyên, đào, đắp, vượt đất làm nhà, tuỳ, chả mấy ai để ý, dần dần biến nó thành của riêng.
Vì vậy, chúng tôi đua nhau đổi phần trăm lấy ao. Lúc đó xem lại, phần ao của tôi chả có giấy tờ gì đảm bảo là thuộc quyền sử dụng của tôi, đương nhiên bị thu hồi để HTX chia thay phần trăm. Nhiều người làm đơn xin. Tôi thuộc diện cán bộ thoát ly cả hai vợ chồng, không có tiêu chuẩn phần trăm, đương nhiên không có gì để đổi, nhưng tôi đứng ra xin đổi cho Phát, em trai tôi. Khỏi phải nói vì việc này tôi đã lấy lại được lòng tin yêu của Phát và mối quan hệ anh em của chúng tôi lại trở nên thân thiết. Chỉ biết thấy có anh em tôi tham chiến, những người khác lần lượt rút lui hết, chỉ còn lại tam cường là Tòng, Sơn và anh em tôi.
Một lần nữa lịch sử lại đẩy chúng tôi vào keo vật mới.
Đặt vấn đề tranh ao, mỗi người đều có lý của mình.
Lý của anh em tôi: 1) Cái ao này nguyên của gia đình tôi đưa vào HTX, bây giờ HTX dùng để chia phần trăm, phải ưu tiên chúng tôi; 2) Chúng tôi đang sử dụng nó; 3) Phát có tiêu chuẩn phần trăm; 4) Phát nhà ở gần ao (chỉ cách một con đường).
Lý của Tòng : 1) Ở cạnh ao, 2) Có tiêu chuẩn phần trăm.
Lý của Sơn: 1) Có tiêu chuẩn phần trăm, 2) Ở gần ao.
Lý của Sơn có phần đuối hơn so với Tòng, vì Tòng ở cạnh ao, còn Sơn ở cách, từ nhà Sơn đến ao còn cách nhà Tòng. Nhưng Sơn tuyến bố: Sơn như Tòng, cùng được chia đất, cùng mới đến làm nhà ở đây, nếu Tòng được, Sơn cũng phải được (Sơn vẫn chủ trương phân chia đại dương, giải quyết vấn đề tồn tại do lịch sử để lại bằng cách bành trướng về phía đông). Ai cũng thấy rằng lý của tôi là mạnh, và nếu tình tình diễn biến bình thường thì chắc là tôi thắng. Nhưng Tòng tuyên bố: “Không có lý sự gì cả, tôi ở cạnh ao, tôi phải được đổi. Thằng nào tranh thì tôi tuốt xác!”. Và Tòng nhận bừa: “HTX đã nhất trí giải quyết cho tôi. Từ nay ao là của tôi!’ sau đó Tòng còn thông báo cho tôi phải dọn ao để bàn giao cho Tòng. Tôi không chịu. Tôi hỏi các vị lãnh đạo xã, các vị đều nói việc ấy xã chưa bàn, chưa có gì thay đổi. Tôi tuyên bố: Ao phải thuộc về Phát. Nếu xã không giải quyết tôi sẽ lên huyện, nếu huyện không giải quyết tôi sẽ lên tỉnh, tỉnh không giải quyết, tôi sẽ lên trung ương! Phát nói với tôi ngay trước mặt nhiều người: “Văn thì có anh, võ đã có em, đ. sợ thằng nào!” Mọi người thôn tôi đều biết về các khoản khoẻ, cục, và liều, Phát không kém ai.
Ban đầu Sơn hoạt động mạnh, lên xã, lên huyện như con thoi. Sơn khoe có lần ông anh phó chủ tịch nói rằng: “Chú cứ yên tâm, tôi sẽ không để cái của ngon ấy rơi vào tay kẻ khác”. Từ đấy Sơn rút khỏi vòng chiến, đến lượt Sơn đóng vai trò “toạ sơn quan hổ đấu”.
Hình như có ông anh xã đội trưởng bật đèn xanh, Chí Tòng quyết liệt lao vào cuộc. Như nhiều tên đế quốc hung hãn quá chủ quan về sức mạnh của mình, y thi hành chính sách thực lực mà màn mở đầu là sự răn đe.
– Nếu anh em thằng Tiến không chịu rút lui thì nhất định sẽ có đổ máu – Y bô bô nói với mọi người ở bất cứ nơi nào y có mặt – Mà chúng nó thì là cái gì, trói gà không chặt! Liệu chịu được mấy chưởng? Có đọ được với đại bác và bom nguyên tử không? – Y nhếch mép cười, giơ tay ra hiệu, vẻ bí mật – Các cậu (hoặc chúng mày, các người, ông bà, chú bác, tuỳ đối tượng) có biết được, tớ (hoặc tao, tôi, cháu…) có hai quả bom nguyên tử nhé (y giơ hai ngón tay), hai! Một quả tớ sẽ ném xuống I-si-ma (chỉ tay về phía nhà tôi), một quả tớ sẽ ném xuống Na-da-ki (chỉ tay về phía nhà Phát).
– Hi – rô – si – ma, Na – ga – da – ki – Có người nhắc y.
– Hì hì, phải rồi, Hi – sô – si – ma, Na – ga – da – ki, khó nhớ bỏ mẹ, hai cái hòn đảo của thằng Nhật ấy mà – Y nói và cười hề hề, ra chiều đắc chí lắm – Thằng Nhật còn phải đầu hàng vô điều kiện. Thằng Tiến thì là cái đít gì, có đáng bú b. thằng Nhật không?
Nghe được những chuyện ấy, tôi rất băn khoăn, và thực sự là tôi hoảng. Tôi bàn với Phát, và báo cáo ngay lên UBND xã và Công an huyện, yêu cầu thu hồi những vũ khí Tòng đang giữ trái phép và ngăn chặn những hành vi nguy hiểm do Tòng gây ra.
Nhưng tôi vừa làm việc ấy hôm trước thì ngay hôm sau, giữa buổi trưa, khi tôi vừa cơm nước xong, Tòng xồng xộc vào nhà tôi, mặt đỏ bừng, mắt đỏ đọc trợn trừng, tóc cứng cắt ngắn như dựng đứng cả lên, con sâu râu trên môi động đậy như bò. Y bước thẳng vào trong nhà, không chào hỏi, tiến sát gần tôi lúc đó đang ngồi ở giường, chỉ tay gần sát mặt tôi và nói kiểu như đấu địa chủ hồi cải cách ruộng đất, giọng đặc hơi men:
– Mày báo thằng Mạnh chủ tịch xã… phải không… để nó gọi tao lên Uỷ ban… phải không?… để nó tra khảo tao về súng ngắn và lựu đạn, lại còn đe cảnh cáo tao… phải không?
Ngừng lại một lát như thể định nói gì mà lại quên, rồi lại như chợt nhớ ra, y tiếp:
– Mày hớt với thằng Mạnh là tao có súng ngắn. Mày vu khống Tao chỉ có cái này – Y rút từ cạp quần ra một khẩu súng ngắn, còn mới, ánh thép đen bóng – Đại bác đấy, thằng ngốc ạ, tao xoáy được từ hồi còn ở bộ đội đấy, mày cứ việc mà đi tâu với thằng Mạnh! Còn đây – Y lục túi quần, rút ra từ mỗi túi một quả lựu đạn Mỹ, cũng còn mới – Bom nguyên tử đấy – Y tiếp – nếu không đầu hàng thì tao sẽ cho nổ ở đây Hi-si-ma, quả này (y chìa chìa ra một quả ở tay phải). Còn quả này (y chìa chìa ra quả ở tay trái) sẽ nổ ở bên kia (chỉ sang nhà Phát bên cạnh); Na-da-ki, cho tất cả người và vật cùng bay lên trời! Thằng Nhật phải đầu hàng vô điều kiện, mày là cái gì so với thằng Nhật? Mày chỉ là cái đít!
Tôi toát mồ hôi hột, mắt dán chặt vào hai quả lựu đạn trên hai bàn tay Tòng, nghĩ cách đối phó nếu y hành động. Trong óc tôi vụt nhớ lại cảnh Chí Phèo cầm dao xông vào Bá Kiến. Chẳng lẽ chuyện này cũng kết thúc bi thảm như thế ư?
Nhưng không, Vũ Quỳnh xộc đến, kéo Chí Tòng về nhà. Nhà tôi nhanh ý máy trẻ đi mời ông. May quá, nếu không thì chưa biết sự thể sẽ ra sao.
Sau sự kiện này tôi bàn với Phát là nên rút lui thôi. Dây với thằng này nguy hiểm lắm. Lúc tỉnh nó cũng có thể làm mọi việc, huống hồ lúc say. Phát còn tiếc rẻ, bảo tôi: “Những thằng nói ra miệng thường không dám làm. Anh Tiến văn thì giỏi nhưng vũ thì đúng là dốt!”. Chuyện chưa quyết thì lại xảy ra một việc nghiêm trọng khác.
Hôm ấy cái chuồng bèo của Phát tung ra, Phát phải lội xuống ao dọn bèo và quây lại. Về sau Phát kể lại là có hiện tượng chuồng bèo bị phá, và người làm việc ấy chắc phải là Tòng. Phát đang lúi húi dưới ao, hầu như chưa làm được gì, bỗng nghe tiếng quát:
– Thằng nào làm gì ở kia, lên ngay!
Tiếng Tòng. Ban đầu Phát tưởng Tòng nói người khác, không bắt vè.
– Thằng kia, đã bảo lên ngay mà! – Tòng quát, chỉ thẳng vào Phát, và hùng hổ chạy đến bờ ao.
– Anh nói ai? Anh nói cái gì? – Phát ngạc nhiên hỏi lại.
– Nói mày! Bảo mày lên ngay!
– Mày nói lạ. Ao tao, tao làm, việc gì đến mày!
– Ao của tao. Lên ngay!
Phát chợt hiểu. Máu cục bốc lên, nhưng cố nén chịu, Phát nói thủng thẳng, nhưng bắt đầu gay gắt.
– Này, đừng có giở cái thói du côn ra đây nhé. Ở đâu chứ với thằng này thì không xong đâu!
Phát chưa nói hết câu thì một hòn gạch đã bay tới, Phát né đầu tránh. Hòn gạch sạt qua vai, rơi xuống nước đánh “ùm” một tiếng, nước bắn lên mặt, lên đầu Phát.
– À… à… thằng này… – Phát vừa nói, vừa hối hả lên bờ.
Nhưng Tòng đã đứng chặn phía trên, Phát vừa nhô người lên đã bị Tòng đẩy xuống, ngã nhào xuống ao, Phát lại hối hả lên bờ, cách chỗ cũ vài mét. Nhưng Tòng lại đã đón sẵn ở đấy. Phát vừa nhô người lên, lại bị Tòng đẩy xuống. Lần này Phát kéo tay Tòng và cả hai cùng nhào xuống nước.
– Buông nhau ra! Tòng! Phát! Buông nhau ra!
– Tòng! Phát! Đã bảo mà!
Cùng với nhiều người, tôi hò hét đến khản tiếng để can hai thằng. Nhưng cả hai hình như không nghe thấy, hay là cố tình không thèm nghe. Quần nhau hồi lâu, cả hai cùng thấm mệt, nhưng không chịu thôi. Về sau xem chừng Phát có phần núng, còn Tòng dư sức hơn. Lòng tôi như lửa đốt, bối rối không biết làm thế nào, chỉ biết chạy tới chạy lui hò hét và nhờ người can. Bỗng có lúc Phát đưa mắt nhìn tôi như cầu cứu. Lập tức, tôi cởi quần áo ngoài, ào xuống ao. Thấy thế, Tòng đẩy mạnh Phát ra, và nhao lên bờ.
– Sư chúng mày, có giỏi thì lên đây! – Tòng lên đến bờ, ngoảnh lại, trỏ xuống ao chửi và thách thức.
– Mẹ mày, chờ đấy? – Phát chửi lại, và nhoai người lên theo.
Tôi bước vội lên bờ. Nhưng tôi vừa nhô đầu lên thì bất chợt một hòn gạch ném trúng đầu tôi. Tôi choáng choàng, cảm thấy như có một cơn lốc dữ dội xoáy tít quanh tôi, làm cho tôi quay cuồng, và ném tôi xuống nước. Tôi mơ màng thấy như vừa tham gia một trận chiến đấu ác liệt của hải quân, đầu tôi bị trúng bom và tôi văng khỏi tàu, chìm dần xuống đáy đại dương.
Trong khi ấy trận đánh vẫn tiếp tục. Thấy tôi ngã, Phát lao vào Tòng đánh trả thù. Hai đứa cháu con chị cả tôi và mấy đứa bạn nó là học sinh cũ của tôi, cùng quây đánh Tòng. Tòng núng, bỏ chạy về phía đầu làng. Bọn họ đuổi rượt theo. Đuổi Tòng đến gần khu lò gạch, thấy phía trước có một tốp thợ gạch đang làm, một thằng cháu tôi kêu to, và cả bọn cùng kêu theo: “Cướp! Cướp! Bắt lấy nó! Làng nước ơi, cướp, cướp, bắt lấy nó!”. Bọn thợ gạch tưởng cướp thật, xô lại chộp lấy Tòng, đấm đá túi bụi. Bọn người đuổi theo cùng xông vào đánh. Khi Tòng nằm vật ra đất, mềm nhũn như một xác gà chết trôi, họ mới bỏ đấy về làng.
May cho cả đôi bên là Tòng không chết, chỉ ốm đòn. Trận ấy đúng là không có kẻ chiến thắng. Không ai kiện ai, vì thấy rõ cùng có lỗi và kiện cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Nhưng từ đây, xung đột không còn trong phạm vi hạn chế giữa anh em tôi và Tòng, mà đã mở rộng thành vấn đề giữa hai gia đình, hai dòng họ.
Sau vụ đánh nhau giữa anh em tôi và Chí Tòng, chú bác và các cụ già họ Phạm tôi coi tôi bị xúc phạm, cũng tức là toàn họ Phạm bị xúc phạm, các vụ yêu cầu phía bên kia phải xin lỗi và dạy bảo Tòng. Phía bên kia, tức họ Vũ, không chịu, lại còn nói xấc: “Thời nay không thể lấy thịt đè người, đừng có giở cái thói phong kiến, đế quốc ngày xưa làm trò cười cho thiên hạ!”. Các cụ tôi bực lắm, quyết định phải “Dạy cho chúng nó một bài học”. Bèn tập trung tất cả trai tráng trong họ hiểu dụ, yêu cầu mỗi người chuẩn bị một gậy chắc làm vũ khí, sẵn sàng đợi lệnh. Bọn thanh niên bây giờ ngứa ngáy chân tay, nói được đánh nhau là khoái, chỉ muốn hành động ngay. Các cụ tôi đã tổ chức ngày hội quân để phát huy thanh thế.
Đáp lại, phía họ Vũ cũng làm như vậy. Cũng tuyên truyền tự hào gia tộc, cũng xây dựng một đạo quân gà trống mạnh, và cũng đã hội quân.
Cả hai bên cũng thấy rằng, nếu nổ ra đánh nhau lớn, tất sẽ có thương vong, và vì vậy, không tránh được búa rìu pháp luật. Mỗi bên đều ráo riết tiến hành những hoạt động ngoại giao.
Về phía họ Phạm chúng tôi, ở xã thì khỏi nói, chúng tôi đông người tất mạnh thế. Ở huyện đã có ông Phó chủ tịch Khoa và nhiều người khác. Ở tỉnh chúng tôi đã tranh thủ được ông Giám đốc Sở tư pháp người cùng xã và bạn ông là Phó Chánh án toà án tỉnh. Ở Trung ương chúng tôi có một vị cùng họ (xin miễn nêu tên) làm vụ trưởng ở Bộ nội vụ và một vị cũng làm vụ trưởng ở văn phòng Trung ương Đảng. Những người này đều can chúng tôi không nên để xảy ra xung đột, nhưng nếu có trót xảy ra, họ hứa sẽ giúp đỡ khi xét xử. Chúng tôi còn mời một luật sư có tiếng ở Hà Nội làm cố vấn pháp luật.
Về phía họ Vũ, cũng có những hoạt động tương tự. Theo những nguồn tin tình báo của chúng tôi thì họ không phải là không mạnh. Tôi tin chắc là hậu quả của nó sẽ rất nghiêm trọng. Bao nhiêu người chết? Bao nhiêu người tàn phế? Bao nhiêu người vào tù? Bao nhiêu tài sản bị phá huỷ? Để làm gì? Không bao giờ tôi quên những lời đe doạ của Chí Tòng. Tôi không muốn ngôi nhà thân yêu của tôi và của em tôi, mảnh đất thiêng liêng này của cha mẹ tổ tiên để lại cho chúng tôi, lại trở thành một mục tiêu tàn phá. Không, không thể thế được! Phải chặn đứng nó lại! Tôi nghĩ thế, và quyết định đi gõ cửa các nơi “Tìm kiếm hoà bình”. Trước hết tôi thuyết phục các cụ già họ Phạm tôi, được các cụ ủng hộ. Tôi trao đổi với nhiều bà con thôn xóm, được nhiệt liệt hoan nghênh. Sau đó tôi báo cáo với Uỷ ban nhân dân xã, nhờ Uỷ ban đứng ra làm trung gian hoà giải. Các vị lãnh đạo xã rất phấn khởi và hoàn toàn nhất trí. Ông chủ tịch Trần Văn Mạnh nói với tôi:
– Uỷ ban đứng ra hoà giải thì cũng tốt thôi, nhưng chưa gì đã đưa ra chính quyền sợ có phần căng thẳng. Có lẽ ông giáo trước hãy nhờ ông cụ bố nuôi của Vũ Tùng cũng người họ Phạm thì thuận hơn.
– Người đó là ai, sao lâu nay không nghe nói? – Tôi hỏi lại.
– Chuyện thế này – Ông Mạnh mỉm cười chậm rãi – Ông giáo cũng như nhiều người lớp trẻ làng ta không được nghe kể chắc không biết. Vũ Quỳnh và Vũ Tùng thực ra là anh em cùng cha khác mẹ. Mẹ đẻ Tùng là một bà người dân tộc ở Hà Bắc. Trước đây ông cụ thân sinh Quỳnh có thời kỳ đi khai hoang trên đó quan hệ với bà ấy, đẻ ra Tùng. Ông cụ về dưới này thì bà ấy cũng đi lấy chồng khác, để Tùng cho bà ngoại nuôi. Khi bà ngoại mất, Tùng được một người họ Phạm ta cũng đi khai hoang ở trên ấy tên là Mai nhận nuôi. Khi Tùng đã lớn, khoảng lên chín lên mười, bố đẻ mới xin đón về làng. Có lẽ vì hoàn cảnh ấy, ngay từ nhỏ Tùng đã khinh ghét bố mẹ, từ đó mà hoá ra khinh ghét tất cả mọi người. Việc hoà giải này – ông Mạnh trở lại vấn đề – theo tôi, nhờ cụ Mai là tốt nhất. Trên đời này hình như Tùng chỉ quý trọng người ấy. Hiện nay cụ vẫn ở lại vùng khai hoang Hà Bắc.
Chúng tôi cử người đi Hà Bắc đón cụ Mai. Cụ nhiệt tình về làng ngay. Các cụ già họ tôi giao cho cụ Mai làm đại sứ để nói chuyện với phía bên kia. Người ta nhất trí cả, riêng Tòng yêu cầu phải nhường cái ao cho Tòng. “Nó cứ một mực đòi thế, ai nói thế nào nó cũng không nghe”- Cụ Mai bực mình kể lại.
Các cụ già họ tôi không tán thành, cho thế là họ ra điều kiện cho mình đầu hàng. Mà họ Phạm có chịu ai bao giờ! Họ Vũ thật là không biết điều! Bé, yếu, lại đành hanh, khỉ lại dám vuốt râu hùm! Đã thế thì… Phải tiếp tục “dạy cho chúng nó một bài học!”.
Người phản đối dữ dội nhất là Sơn. Sơn nói: “Ao là việc do chính quyền giải quyết, sao lại gắn vào đây được! Thằng Tòng dốt đã đành, chả lẽ cả họ chúng nó dốt?”. Lại nói: “Nếu bác Tiến sợ thì để tôi. Bọn này phải để tay tôi trị mới được!”.
Riêng tôi, tôi ngán và sợ cuộc chiến tranh lắm rồi. Tôi ngán cuộc tranh ao này lắm rồi. Cái ao đáng là bao mà phải bỏ bao công sức, thậm chí cả tính mạng của mình, của gia đình mình, của bà con thân huân mình? Mà giả như thắng cuộc này thì, ở ngay cạnh một tên quốc tế hung hãn như Võ Tòng, sẽ làm ăn sinh sống như thế nào trước liên miên những cuộc chiến tranh biên giới, lấn chiếm, phá hoại, xâm lược? Trái đất không còn chỗ sống hay sao mà phải rúc cả vào đấy để đấu đá nhau! Tôi bàn với Phát như vậy và anh em tôi đi đến quyết định cuối cùng: bỏ cuộc.
Tôi báo cáo ngay lên xã, xin trả lại ao.
Hai hôm sau cái ngày lịch sử đó, tôi được ông em họ phó chủ tịch huyện mời đến nhà đánh chén. Dự vui còn có ông chủ tịch xã Mạnh, ông chủ nhiệm HTX Bình, Chúa Sơn Lâm và một người nữa là em út của ông Khoa. Sau khi rượu thịt no say, vui nhộn đủ đầy, ông Khoa đặt tay lên đùi tôi, nghiêng người sát người tôi, bảo tôi, giọng rất chi thân mật:
– Bây giờ em mới dám nói thật với bác, cái ao ấy em đã xin được từ lâu, cùng với Sơn và Tòng. Nhưng em còn chưa muốn công khai, sợ dân người ta dị nghị một mình lấy hai suất ao. Bác tính, nhà có hơn sào đất, ba anh em trai ở thế nào được. Em định cho chú út ra đấy ở, còn em trưởng nam nhất định phải ở lại trong này thờ cúng ông bà tổ tiên. Em phiền bác trông nom giúp em cái ao ấy ít ngày nữa, bao giờ dư luận ổn định em sẽ xin lại.
Ông chủ tịch xã Mạnh và ông chủ nhiệm HTX Bình xác nhận điều ông Khoa nói và cũng bàn như thế.
– Hề… hề… hề… Hề hề… Hề hề… Hề hề…- Sơn cười, nhe hết bộ răng hổ, bộ ria hổ rung rung rất tươi, trước đây và sau này tôi chưa bao giờ thấy y cười tươi như thế, cười mãi, rất lâu mới nói được nên lời – Thế mà anh Khoa giữ bí mật mãi, bí mật với tất cả anh em. Thật đúng là một nhà chính trị cao thủ! Anh Khoa còn tiến nữa, phải lên tỉnh, lên Trung ương mới xứng!
Tôi rất khó nghĩ: Khoa là chỗ thân tình, lại là cấp trên của mình, mình lại đang ăn ở nhà người ta… Biết xử lý thế nào cho phải? Phân vân mãi, đoạn tôi bảo xin để suy nghĩ, sẽ trả lời sau.
Tạt qua nhà Phát, tôi bàn với Phát chuyện ấy. Thoạt nghe, máu cục của Phát nổi lên ầm ầm, chửi mắng lung tung, cuối cùng Phát bảo tôi:
– Anh là quan hạng bét, anh muốn tiến lên thì anh cứ việc nịnh người ta. Còn em, phó thường dân thì em xin vái, bị lừa như thế là đủ lắm rồi!
Tôi về bàn với vợ. Nhà tôi ngồi thừ hồi lâu, vẻ rất bực bội.
– Thế ra lâu nay mình phải làm cái nhiệm vụ “giữ l cho chúa à?” – Mãi sau nhà tôi nói.
– Ha ha ha! – Tự nhiên tôi bật cười vì cái câu ví kỳ cục ấy.
– Thì không đúng như thế ư?
Tôi cười rung người lên vì cái câu nói hay ho quá, và cái cảnh ngộ tôi cũng hay ho như thế.
– Chuyện thế mà còn cười được, cười mãi! – Nhà tôi nói, như gắt, và tôi thấy đôi mắt nhà tôi nhoà lệ, và trên má, hai hàng nước mắt từ từ chảy.
Lập tức tôi thôi cười và cảm thấy tròng mắt mình cũng rưng rưng.
Các bạn tính hộ tôi, tôi nên cười hay nên khóc? Liệu tôi có thoát khỏi cuộc chiến tranh này không?