Yến Dung
(Nhân đọc Viết&Đọc số mùa Thu 2024 – NXB Hội Nhà văn, mục “Tác giả trẻ” giới thiệu đến độc giả một cây bút mới – Lê Thị Quỳnh Anh – cùng một truyện ngắn được cô viết ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Trong lời giới thiệu của BBT Viết&Đọc về tác giả trẻ này, có đoạn: “Văn của họ không chỉ thuần những run rẩy của cảm xúc đầu đời mộng mơ trong khiết, mà, có thể đã trĩu nặng, vật vã những niềm đau, hạnh phúc, những câu hỏi hóc búa được đưa ra mời gọi mọi người cùng tìm câu trả lời. Cũng không thiếu những non nớt, đôi khi ngây ngô, nhưng dù gì, đó cũng là chính họ.”
Truyện ngắn “Nhìn từ dưới lên cao” của Quỳnh Anh kể về một cô gái trẻ tuổi tên Quỳnh trong vật lộn với căn bệnh trầm cảm suốt 8 năm ròng, mỗi lần thức dậy là một lần quằn quại với câu hỏi: “Mình vẫn sống sao?”/“Mình lại phải sống sao?”. Cuộc sống của cô xoay quanh bốn bức tường vỏn vẹn vài mét vuông chật chội, sàn nhà lăn lóc nào lọ thuốc, những mảnh gương vỡ vương vãi, những miếng dao lam và khăn thấm máu từ những vết thương do tự hại mà ra. Bên ngoài là một vòng lặp của âm thanh vội vã mỗi sáng sớm đi làm rồi im lìm bất động khi đêm xuống. Dù đã sống ở nơi đó hơn 10 năm nhưng Quỳnh vẫn cảm thấy mình như một phần thừa của xã hội, một kẻ ở ngoài rìa không thuộc về cái đô thị xa xỉ đầy xô bồ này.
Người như Quỳnh, ở thực tại không phải thiểu số. Nhịp sống gấp gáp ở những thành phố lớn khiến con người chỉ có thể ném mình vào vòng xoáy của cơm áo gạo tiền, hằng ngày đều phải oằn mình ra làm việc để có thể sinh tồn; dần dần, họ quên mất nhau, cũng đánh mất bản chất của họ. Cứ thế, với cường độ cao, tần suất làm việc liên tục, người trẻ chôn vùi tuổi xuân của mình vào đống đổ nát, trốn chạy khỏi ước mơ, rơi vào khủng hoảng khi đối diện với sự tàn khốc của thời gian, ngỡ ngàng trước tờ giấy chẩn đoán sức khoẻ mà cả thể chất lẫn tinh thần của mình đã bị bào mòn đến mục ruỗng. Để rồi, cũng như Quỳnh, không ít người đã sa chân rơi xuống vực sâu của căn bệnh trầm cảm, tuyệt vọng vùng vẫy giữa ranh giới của khao khát được giải thoát và được cứu vớt mỗi ngày.
Báo chí và truyền thông thế kỷ 21 đã tốn không ít giấy mực để bàn luận về căn bệnh tinh thần có khả năng giết chết ý chí sống của những người tưởng chừng như mạnh mẽ nhất này. Trong mắt công chúng, “trầm cảm” chẳng phải là một cụm từ xa lạ, nhưng có lẽ với đa số người thuộc thế hệ trước, nó chỉ đơn thuần là trạng thái mệt mỏi, buồn bã quá mức mà thôi. “Các cháu ngày nay yếu đuối quá, hở tí là đòi chết”, “Ngày xưa đói kém, thiếu thốn đủ đường chẳng sao, giờ hiện đại quá sinh sự muốn được chú ý”… và vô vàn thiên kiến khác. Thế giới nội tâm của người trầm cảm vốn dĩ phức tạp và tối tăm sâu thẳm, chẳng thể nào tóm tắt trong vỏn vẹn vài chữ. Thế giới nội tâm của Quỳnh trong “Nhìn từ dưới lên cao” cũng vậy. Cho đến khi cô gặp một kẻ sát nhân, đồng thời cũng là một người cha vừa mới mất đi con gái, nguyên nhân xuất phát từ căn bệnh tương tự.
Không tình tiết giật gân, không ngôn từ nặng nề, chỉ đơn thuần là một cuộc gặp gỡ tình cờ mà ngắn ngủi giữa hai con người lạc lối. Lê Thị Quỳnh Anh đã thành công trong việc khắc họa sự chuyển biến nhận thức của nhân vật: từ một người đàn ông kì dị lòng đầy hận thù, trong khoảnh khắc thức ngộ đã trở thành một người cha thực thụ thấu hiểu tâm tư của đứa con đã khuất. Con gái ông, từ một cô gái suốt cuộc đời ngắn ngủi phải chịu nhiều tổn thương, cuối cùng đã được cảm nhận thứ gọi là tình yêu thương và được cha ôm vào lòng.
“Một cảm giác gần gũi quen thuộc và đầy ấm áp bao trùm lấy cả hai thân xác lạnh băng. ‘Cảm ơn ông – sự xuất hiện của ông là một món quà’. Quỳnh mỉm cười rồi đặt bàn tay của mình lên sống lưng vẫn còn run rẩy của người đàn đông. ‘Cảm ơn cô – sự xuất hiện của cô là một món quà’.”
Sự thay đổi đó đến một cách thật tự nhiên, bắt đầu từ khi phản xạ của Quỳnh không phải là sợ hãi mà đối xử với tên sát nhân đó như một vị khách ghé nhà, để rồi hắn có cơ hội bước một chân vào thế giới u ám mà đứa con gái quá cố của hắn đã trải qua, và vỡ lẽ rằng: hắn đã có thể hành xử khác đi, hắn đã có thể cứu con gái hắn. Những dằn vặt muộn màng đã khiến người cha phải rơi nước mắt.
“- Tôi đã không cho nó sống.
Dáng vẻ buồn bã và có phần đau khổ của người đàn ông khiến Quỳnh cũng chẳng dám hỏi gì thêm.
– Ông đã cứu sống tôi. Ít ra thì ông đã cứu sống được đôi mắt con gái mình trong đôi mắt tôi.”
Khi tiếng còi xe cảnh sát vang lên, người đàn ông lại tiếp tục trốn chạy trong sợ hãi, Quỳnh quay về với vòng lặp cũ kĩ bao năm nay của mình. Cứ như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra, nhưng cũng có quá nhiều sự đã rồi. Người đàn ông đã hóa giải hiểu lầm về bệnh tình của con gái, Quỳnh nhận ra đâu đó trong mình vẫn còn khao khát sống tiếp. Sau tất cả, dẫu rằng họ không kịp chữa lành cho nhau, ít nhất thì có một hạt giống mới đã nảy mầm.
Quả là phi thường khi một cô bé mới chỉ đang học phổ thông có thể viết ra những khung cảnh rất thật về căn bệnh tinh thần ấy. Không quá coi nhẹ, không quá thổi phồng, không tích cực hóa cũng không quá bi quan. Hy vọng tất cả mọi người sau khi đọc xong tác phẩm đều có thể nhận ra thông điệp của nó: Mưu cầu được yêu thương của mỗi người đều chính đáng, xin hãy cố gắng lắng nghe và thấu hiểu, đối xử với nhau dịu dàng hơn một chút, biết đâu ta có thể thắp lên cầu vồng trong cuộc đời của ai đó, biết đâu nhờ vậy lại gặp một người cứu rỗi lấy mình.