Trần Quỳnh Hoa
Ngày 25/102024, tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã diễn ra buổi tọa đàm về “Thơ ca trong thời đại công nghệ số & Phương thức đưa sáng tác đến công chúng”. Sự kiện được tổ chức bởi Công ty Cổ phần Sách điện tử WAKA và Nhà xuất bản Hội Nhà văn với 3 vị khách mời là nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Lữ Mai và nhà thơ Trần Kim Thoa.
Theo chị Phùng Như Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Sách điện tử WAKA, WAKA mang đến nền tảng sách điện tử WAKA mới mẻ, hiện đại. Đây là kho sách điện tử khổng lồ, chuyên cung cấp các loại sách có bản quyền dưới dạng sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook) và sách video (videobook). Bên cạnh đó, WAKA cung cấp nhiều dịch vụ cho tác giả như lên ý tưởng sản phẩm; xin giấy phép tại nhà xuất bản; thiết kế bìa, dàn trang, hoàn thiện nội dung; xuất bản và phát hành. WAKA cũng giúp các nhà sách, nhà xuất bản, tác giả, dịch giả phân phối sách điện tử để tiếp cận với độc giả nhanh chóng và dễ dàng hơn. Công ty mong muốn làm cầu nối giữa sáng tác truyền thống và công nghệ hiện đại, luôn sẵn sàng đồng hành cùng các nhà văn, nhà thơ trên hành trình sáng tác.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ rằng ông bắt đầu dùng sách điện tử cách đây hàng chục năm và khoe rằng hiện tại trong điện thoại của mình có 175.000 cuốn. Đọc sách điện tử thuận tiện vì đọc ở đâu cũng được, lúc nào cũng được, có thể tự chỉnh cỡ chữ hay độ sáng tối và đỡ phải cầm những cuốn sách nặng. Ông từng nghĩ rằng nếu có sách điện tử rồi thì ai còn đọc sách giấy nữa. Nhưng hóa ra “nước sông không ảnh hưởng đến nước giếng”, sách giấy vẫn có sức hút riêng và tiếp tục phát triển.
Nói về việc sử dụng AI trong sáng tác, Trần Đăng Khoa gọi trí tuệ nhân tạo là “con ma xó cực kỳ giỏi”. Trong vòng vài giây đã có thể ra một bài viết chỉn chu, nhiều khi AI viết truyện còn hay hơn nhà văn, miêu tả hết sức chi tiết và sinh động. Tuy nhiên, “con ma xó” lại làm thơ rất kém, rất ngô nghê. Dù vậy, công cụ AI mang lại nhiều lợi ích. Thời nay, cả người đọc và người sáng tác đều “sung sướng” hơn nhiều so với thế hệ trước, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến.
Nhà thơ Trần Kim Hoa kể về kỷ niệm ngày xưa khi còn ở vùng quê, vào thời học phổ thông, những bài thơ đầu tiên bà được biết đến là qua đài tiếng nói Việt Nam và sách báo. Ngày nay, các bạn trẻ có rất nhiều kênh để tiếp cận thơ văn. Với công nghệ trong tay, họ làm chủ trong thế giới mạng. Không chỉ tiếp cận mà người trẻ cũng có rất nhiều phương thức để chia sẻ thơ văn. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ phần lớn cảm nhận qua màn hình, mong rằng sẽ có nhiều hình thức giúp các bạn tương tác trực tiếp và giao lưu với độc giả.
Nói về trí tuệ nhân tạo, nhà thơ Trần Kim Hoa – cũng là một nhà báo, nhớ lại câu chuyện nhiều năm trước khi có người cảnh báo rằng AI sẽ thay thế nhà báo trong việc đưa tin. AI đúng là có khả năng tiếp thu và học hỏi vô cùng nhanh chóng. Sự ra đời của AI trong đời sống văn chương là điều đáng mừng. Để tồn tại, người làm nghề cần đồng hành với trí tuệ nhân tạo và nâng cao năng lực của bản thân mình.
Nhà thơ Lữ Mai, một tác giả thuộc thế hệ 8x, đồng tình với nhà thơ Trần Kim Hoa: chị cũng sống ở một vùng quê hẻo lánh hồi còn nhỏ, mong được đọc sách mới của Trần Đăng Khoa, khi sách về đến làng thì đã thành sách cũ – được ra mắt từ lâu lắm rồi. Các tác giả thời xưa, họ viết rất lặng lẽ và chỉ phổ biến tác phẩm của mình đến một lượng độc giả nhất định.
Sự kết nối về công nghệ đến với chị từ hồi cấp hai, khi đó đúng là “một bước ra thẳng thế giới”. Chị thấy bớt đi sự tự ti, sợ mình viết ra rồi ai sẽ đọc đây. Thay vì cách xuất bản truyền thống là xin giấy phép và đầu tư in ấn, bây giờ tác giả đã có thể phổ biến từng bài nhỏ lẻ trên các tạp chí có kênh điện tử và trên trang cá nhân.
Về trí tuệ nhân tạo, nhà thơ Lữ Mai sử dụng AI rất nhiều trong công việc như một công cụ để tập hợp thông tin và lấy ý tưởng, chứ không bao giờ sao chép. Việc sao chép sẽ làm mất đi tính cá nhân của tác giả, chưa kể việc đánh cắp từ trí tuệ nhân tạo cũng giống như đánh cắp từ người khác, sẽ mang lại hậu quả khôn lường. Cần nhận diện rõ ràng tác dụng của công nghệ như một công cụ, học cách phản biện nó và ứng dụng sao cho phù hợp để tạo ra tác phẩm của riêng mình.
Buổi thảo luận đã mang lại nhiều góc nhìn về ứng dụng của công nghệ trong việc sáng tác và xuất bản văn học. Công nghệ luôn mở ra cánh cửa mới, mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ làm mất đi bản sắc cá nhân và kết nối cộng đồng. Mong rằng các nhà văn, nhà thơ và người làm trong lĩnh vực xuất bản, báo chí… sẽ ứng dụng công nghệ một cách cẩn trọng, linh hoạt và sáng tạo.