Đỗ Nguyên Thương là nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà thơ hiện là Hiệu phó Trường THPT Vũ Thê Lang và Chi hội trưởng Chi hội Lý luận phê bình Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Nhiệt tình đến tham dự Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học đương đại” ở Cần Thơ, không chỉ phát biểu nhiệt thành mà nữ sĩ Đất Tổ còn ghi lại cảm tưởng sau sinh hoạt văn học ý nghĩa này: “Tôi đã từng được tham dự khá nhiều cuộc hội thảo tọa đàm về văn thơ, nhưng cuộc Tọa đàm ‘Thơ 1-2-3 trong không gian văn học đương đại’ ở Cần Thơ lần này thực sự để lại trong lòng tôi những ấn tượng sâu sắc, khó phai mờ bởi từ người tham luận đến người thưởng thức ai ai cũng nghiêm túc, nhiệt tình, trách nhiệm lắng nghe và thưởng thức”. Xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của Đỗ Nguyên Thương.
Ngày 6.11.2024, tại Trường Đại học Cần Thơ đã diễn ra Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học đương đại” do Hội Nhà văn Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện. Đây là hoạt động văn chương để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự, bao gồm cả nhà thơ Phan Hoàng, người được mệnh danh là “giáo chủ” khởi xướng và thành công với thể thơ 1-2-3, nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn Cần Thơ, Tiến sĩ Tạ Đức Tú – Phó Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Cần Thơ.
Đặc biệt, đến tham dự và ngồi lắng nghe nghiêm túc, giao lưu nhiệt tình và hiện diện tới cuối buổi tọa đàm đầy xúc động là đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học đến từ các tỉnh bạn xa xôi như Lào Cai, Phú Thọ và các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Trà Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều giảng viên, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ.
Sau bài phát biểu khai mạc của nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên và lời chào mừng của Tiến sĩ Tạ Đức Tú, sự xuất hiện và phát biểu đầy cảm hứng của nhà thơ – nhà báo Phan Hoàng đã khiến cho không khí của hội trường trở nên dần dần sôi động, ấm áp. Những ánh mắt vui tươi, những nụ cười rạng rỡ của đông đảo độc giả, nhất là của các bạn sinh viên khiến cho từng người có mặt trong cuộc hội thảo đều cảm thấy như mình được truyền thêm năng lượng, thêm khí thế, thêm niềm vui là tình yêu dành cho thi ca nói chung và thơ 1-2-3 nói riêng.
Thơ 1-2-3 được nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng vào mùa thu năm 2018, đây là một thể thơ có quy định riêng về cấu trúc. Mỗi bài thơ gồm sáu câu, chia làm 3 khổ thơ. Câu thứ nhất đồng thời là nhan đề của bài thơ có thể dài tối đa 11 chữ, đứng riêng thành một khổ thơ. Khổ thơ thứ hai gồm hai câu và mỗi câu có thể tối đa 12 chữ. Khổ thứ ba gồm ba câu và câu dài nhất không quá 13 chữ. Đặc biệt, nếu như giữa câu 1 và câu 6 có sự hô ứng giống như mở bài và kết bài của một bài văn nghị luận thì bài viết sẽ trở nên chặt chẽ. Tính chất hô ứng của câu 1 và câu 6 theo như lời phát biểu của nhà thơ Trần Thanh Dũng từ Sóc Trăng thì đó chính là mở ra cánh cửa và đóng lại trong một cấu trúc chặt chẽ.
Bởi vậy thơ 1-2-3 tưởng chừng dễ làm nhưng thật ra cũng không hẳn vậy. Dễ làm bởi tựa như một công thức nếu thuộc công thức ta có thể áp dụng để làm thành bài thơ. Tuy nhiên, các bài tham luận tại hội thảo đều đồng tình cao với ý kiến rằng làm được bài thơ 1-2-3 không khó, nhưng làm được một bài thơ 1-2-3 thành công thì thực sự khó.
Điểm này, thơ 1-2-3 cũng giống như các thể thơ truyền thống. Nếu người làm thơ có cảm xúc và nắm được cấu trúc sẽ làm được bài thơ, nhưng không phải ai cũng thành công khi sáng tác thơ nói chung và thơ 1-2-3 nói riêng. Như nhà văn, nhà thơ Đoàn Hữu Nam từ Lào Cai nhận định: “Khó trước tiên là bài thơ bao gồm cả tít đề lần nội dung chỉ có 6 câu đã phải hoàn chỉnh bài đồng thời hoàn chỉnh cả một câu chuyện cần nói một cách rõ ràng, khúc triết và hấp dẫn. Khó thứ hai là phải tìm ra tít đề và cũng là đoạn 1 của bài thơ phải giới thiệu được nội dung bài thơ ngay từ ban đầu. Khó thứ ba là đoạn hai chỉ có hai câu, mỗi câu tối đa 12 chữ song phải nói rõ nội dung cần chuyển tải, dẫn dắt, khơi mở, để đoạn ba có được cái kết, tinh lọc, bất ngờ, làm thành một bài thơ đa nghĩa, ấn tượng”.
Nhà thơ Phan Hoàng cho rằng cách lấy câu thơ thứ 1, đồng thời là khổ thơ thứ 1 làm nhan đề của bài thơ nhằm tránh hiện tượng đạo thơ đang diễn ra khá phổ biến hiện nay! Hai chữ “đạo thơ” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, nhiều khi không phải người viết chủ tâm đạo thơ của người khác mà vì quá quen thuộc với những câu thơ nào đó đã được học, do vô thức dẫn dắt và trở nên làm những câu thơ, bài thơ na ná giống nhau; như thế sẽ giảm dần thậm chí triệt tiêu cả tính sáng tạo. Cũng như văn xuôi, có giọng điệu riêng, tạo ra phong cách thì tác phẩm văn, thơ nói chung và thơ 1-2-3 nói riêng mới có giá trị lớn.
Hiện nay, theo thống kê của Tiến sĩ Nguyễn Minh Ca – giảng viên Trường Đại học Tây Đô, thể thơ 1-2-3 đã có gần 1000 người sáng tác, đang thu hút nhiều cây viết chuyên nghiệp và nghiệp dư. Tuy nhiên, để nó trở thành một trào lưu đạt được thành công lớn ghi tạc dấu ấn cho hậu thế thì vẫn cần phải chờ đợi câu trả lời từ thời gian, mà theo nhà thơ Phan Hoàng thì thời gian đó có thể kéo dài hàng trăm năm.
Tôi đã từng được tham dự khá nhiều cuộc hội thảo tọa đàm về văn thơ, nhưng cuộc Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học đương đại” ở Cần Thơ lần này thực sự để lại trong lòng tôi những ấn tượng sâu sắc, khó phai mờ bởi từ người tham luận đến người thưởng thức ai ai cũng nghiêm túc, nhiệt tình, trách nhiệm lắng nghe và thưởng thức.
Tôi đặc biệt ấn tượng với các em sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ. Cách các em đặt câu hỏi cho nhà thơ Phan Hoàng thể hiện các em quan tâm đến văn học nước nhà, quan tâm đến thể thơ 1-2-3; đặc biệt có sinh viên còn đặt câu hỏi rất thú vị “ngày nay học sinh, sinh viên nhiều người chưa chịu khó đọc sách, nhiều người chưa yêu thích văn thơ, vậy nhà thơ Phan Hoàng sáng tác thể thơ 1-2-3 nhằm mục đích gì và ông có cách nào đó để định hướng công chúng yêu thích hoặc phát triển thể thơ này hay không”.
Có sinh viên tâm sự em cũng từng sáng tác thơ nhưng em nghĩ rằng thơ là để viết cho riêng mình và em chưa đủ tự tin để gửi thơ đăng báo. Có thầy giáo trẻ nguyên là sinh viên Trường Đại học Cần Thơ đã có bằng thạc sĩ, đã viết 4 tập tiểu luận phê bình và hôm nay tại cuộc hội thảo này thầy giáo trẻ đã truyền cảm hứng cho sinh viên động viên các em nỗ lực học tập và mạnh dạn sáng tác. Đó là Hoàng Khánh Duy, một cây bút đang dần quen thuộc trên văn đàn.
Còn tôi, đã từng nhiều năm đứng trên bục giảng, đã từng yêu thích sáng tác và nghiên cứu về thơ 1-2-3, hơn ai hết tôi cảm nhận thấy niềm vui trong ánh mắt, nụ cười của những người tổ chức hội thảo thành công; cảm nhận được niềm vui của “giáo chủ” Phan Hoàng khi anh khởi xướng ra một thể thơ mang tính hiện đại đã được đông đảo công chúng hào hứng đón đợi.
Đặc biệt, tôi cảm thấy rất vui, rất vinh dự khi mình được phát biểu trong không khí của hội thảo thân thiện, ấm áp, nghiêm ngắn và mê say. Ở đó có các nhà nghiên cứu văn học, có các nhà văn, nhà thơ và các em sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, thế hệ tương lai không xa sẽ thành đạt và nhiều em trong số đó sẽ thành công về thơ 1-2-3 để mang lại vẻ đẹp, giá trị cho đời sống tinh thần chúng ta!
Cần Thơ – An Giang, 7.11.2024
Đỗ Nguyên Thương
Theo Vanvn.vn