Trần Quỳnh Hoa
Ngày 11/11/2024, tại Hotel du Parc đã diễn ra buổi họp báo công bố cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội 2024” chính thức khởi động vào ngày 12/11/2024. Sau thời gian vắng bóng từ lần tổ chức gần đây nhất năm 2022, cuộc thi lần này có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về khâu tổ chức và ban giám khảo, hứa hẹn nhiều thành công trong việc tìm kiếm nhân tố mới cho làng nhạc Việt.
Theo ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội, cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội 2024” nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 1014 năm Thăng Long – Hà Nội. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1997, cho đến nay cuộc thi đã có bề dày lịch sử gần 30 năm, chứng kiến sự trưởng thành của nhiều ca sĩ nổi tiếng như Tấn Minh, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Đăng Dương, Việt Hoàn, Tùng Dương… Chủ đề của cuộc thi năm nay là “Hà Nội – Một trái tim hồng”, hướng đến vẻ đẹp của Thủ đô nghìn năm văn hiến, mảnh đất hội tụ nhân tài, trái tim với nhịp đập không ngừng nghỉ qua bao nhiêu sóng gió chuyển mình của đất nước. Trong số 400 thí sinh (độ tuổi 16-35) đăng ký vòng sơ tuyển năm nay, hy vọng cuộc thi sẽ lựa chọn được những giọng ca xuất sắc thể hiện được tài năng, kỹ thuật và tình yêu sâu sắc với Hà Nội.
NSND Đỗ Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đại diện ban giám khảo “Giọng hát hay Hà Nội 2024”, cho biết cuộc thi năm nay gồm ba vòng thi chính: Sơ tuyển, Bán kết và Chung kết. Tại vòng Sơ Tuyển, thí sinh có thể chọn hát mộc hoặc báo tông/được nhạc công đệm đàn organ; ban giám khảo sau đó sẽ chọn ra 60 thí sinh tốt nhất. Tại vòng Bán kết, các thí sinh sẽ được những chuyên gia đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hướng dẫn cách xử lý tác phẩm, phát âm nhả chữ… và tác phẩm được hòa âm phối khí. Vòng Chung kết sẽ là đêm tranh tài của 12 thí sinh tài năng nhất, được các chuyên viên trang điểm và tư vấn về trang phục, song song với lĩnh vực chuyên môn. Theo ông Quốc Hưng, năm nay ban tổ chức đã chuẩn bị hết sức chu đáo. Số lượng thí sinh tham gia cũng khá đông, phần lớn là sinh viên các trường nhạc chuyên nghiệp như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương… và sinh viên nghệ thuật từ các trường trên toàn quốc cũng đăng ký dự thi. Bởi vậy nên cuộc thi sẽ sôi động và có tính cạnh tranh cao.
Thêm vào đó, ban tổ chức cuộc thi cũng kỳ vọng rằng các nghệ sĩ trẻ sau khi đoạt giải sẽ tham gia đóng góp tích cực vào đời sống âm nhạc của Thủ đô, trước mắt là trong nhiều sự kiện lớn diễn ra tiếp nối sau cuộc thi. Vào tháng 10 năm 2019, Hà Nội chính thức được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo; cùng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” đã được UNESCO vinh danh từ năm 1999. Những người làm văn hóa nghệ thuật sẽ còn rất nhiều công việc phải làm để lan tỏa giá trị tương xứng với những danh hiệu ấy. Đây là thách thức và cũng là cơ hội lớn dành cho các nghệ sĩ trẻ đóng góp tiếng nói của mình vào bước phát triển văn hóa của dân tộc.