Tác giả Hoàng Kiến Bình
Gò Công Chúa
Dọc đường đưa tôi ra bến xe, Nam im lặng không nói nửa lời. Tôi rời Móng Cái đi mà lòng nặng trĩu. Sau những việc đã xảy ra, Nam cho rằng tôi là một gã biến thái, một kẻ không bình thường và có vấn đề về đầu óc. Cũng đúng thôi, đặt tôi vào vị trí của Nam, tôi cũng nghĩ vậy. Đã bao lần tôi định giải thích để Nam hiểu, nhưng không hiểu sao có cái gì đó cứ ngăn không cho tôi mở miệng. Lời hứa chăng? Hứa gì nhỉ? Hay là người ấy vẫn cứ theo tôi từ hôm đó tới nay? Tự dưng tôi cứ thấy đầu óc mình mơ màng mê tỉnh như thể con người tôi chia làm hai nửa, nửa của thực tại, nửa cho người ấy. Nguồn cơn của sự việc chắc chắn là từ hôm tôi theo Nam lên thắp hương ở ngôi miếu nhỏ trên gò Công Chúa.
***
Tôi với Nam là bạn học cùng lớp đại học khoa du lịch. Vì là đồng hương Quảng Ninh, cả hai lại cùng đam mê thể thao, ngoại hình đều cao to, đẹp trai ngời ngời như nhau nên hai đứa thân thiết nhau từ bao giờ chẳng biết nữa. Tuy đồng hương nhưng thằng đầu, thằng cuối tỉnh, cách nhau hàng trăm cây số. Nghỉ hè này, Nam mời tôi về quê Nam chơi. Đón tôi ở bến xe Móng Cái, Nam đưa tôi thẳng ra khu đầm nuôi trồng thủy sản. Dọc đường đi, Nam cho biết bố mẹ và em gái Nam có việc về quê mấy hôm mà đầm nuôi tôm, cua thì không thể vắng người dù chỉ một ngày nên Nam phải ở lại trông nom đầm, vừa may có tôi ra chơi, hai thằng sẽ có những ngày thoải mái tự do.
Đang cho xe máy chạy bon bon trên mặt con đê quai được đổ bê tông láng mịn, chợt Nam dừng lại chỗ khúc cong của con đê nhìn ra phía ngoài sông, chỉ vào một gò đất cao um tùm màu xanh của cây cỏ nổi hẳn lên giữa dải rừng sú vẹt ngút ngàn sóng nước. Nam bảo tôi, đấy là gò Công Chúa, trên đó có ngôi miếu nhỏ rất thiêng. Nam nói thêm rằng tất cả những người làng có đầm ở khu vực này tuần rằm nào cũng đến ngôi miếu nhỏ ấy thắp hương cầu mưa thuận gió hòa, cá tôm trong đầm mau lớn bội thu, còn những người đi biển thì cầu tàu thuyền bình an, đầy ắp tôm cá. Hôm nay không phải ngày tuần rằm nhưng vì là người đi xa mới về nên Nam muốn ra đó đó thắp hương báo cáo thổ thần, thổ địa và cầu bình an.
Nam lấy ra gói vàng hương, hoa quả đã chuẩn bị từ bao giờ, rủ tôi cùng ra gò thắp hương. Dưới cái nắng xiên khoai, hai thằng bì bọp lội qua bãi triều cạn khiến cho lũ cá thòi lòi hoảng sợ trốn mất dạng dưới bùn và đám còng cáy nhanh chân chạy vào dưới mấy gốc sú vẹt, chúng tôi cũng lên được khoảnh đất mà Nam gọi là gò Công Chúa. Đó là một gò đất không lớn lắm, dạng hình nón có diện tích đáy chừng hai chục mét vuông, cao chừng bốn, năm mét được cây rừng um tùm phủ kín. Xung quanh gò được bao bọc bởi những vạt sú vẹt cách nhau thưa thớt, có thể lên gò từ phía nào cũng được. Lên miếu thờ thì phải đi trên những bậc thềm đá dốc vì miếu được xây ở lưng chừng gò để tránh ngập những lúc nước triều cao. Gọi miếu thờ nhưng thực ra nó là một am thờ nhỏ thì đúng hơn, rộng độ một mét vuông, có dạng hình vuông, kết cấu mái tròn, kết hợp những hoa văn và hai hàng chữ Hán dọc hai bên cửa quay mặt ra biển. Toàn bộ miếu thờ được đặt lên một trụ đá khá chắc chắn. Nhìn tổng thể ngôi miếu toát lên vẻ cổ kính và trang nghiêm.
Nam cẩn thận sắp xếp vàng tiền, hoa quả lên chiếc đĩa trước bệ thờ có ba bát hương được đặt thẳng hàng trong miếu, thắp hương và lầm rầm khấn vái coi chừng thành thục lắm. Đoạn, Nam đưa cho tôi một nửa số hương trên tay và nhường chỗ cho tôi vào thắp. Lần lượt thắp vào mỗi bát hương ba nén, tôi lùi ra và đi xuống chân gò. Nhìn ra phía trước, tôi thấy có một gò đất nhỏ hơn cách gò lớn độ hơn chục mét, trên đó mấy khóm sú vẹt mọc trùm cả lên đỉnh gò. Gò này chắc khi triều lên sẽ chìm hẳn dưới nước, bằng chứng là trên lưng chừng đám sú vẹt có những vết ngấn nước. Nhìn gò đất nhỏ hình ngôi mộ, nhớ những lúc ra thắp hương lăng mộ cho các cụ ở nghĩa địa làng bố mẹ vẫn thường sai đi cắm hương ở những mộ phần xung quanh, sẵn hương trên tay, tôi bèn lội qua vụng nước nông, cắm hết số hương còn lại trên gò nhỏ đó rồi lội về gò lớn trong lúc Nam đang hóa vàng tiền. Hỏi về xuất xứ cái tên gò Công Chúa, Nam bảo không biết nữa bởi nó có từ bao đời nay rồi chả ai còn nhớ, chỉ biết là ngôi miếu rất thiêng nên dân biển thường xuyên đến thờ cúng và tu bổ. Xong việc hai thằng lên xe máy phóng thẳng về khu đầm nhà Nam gần ngay đó.
Con đê quai chính là ranh giới giữa biển và khu đầm. Con đê được tạo ra để ngăn sóng biển đã biến một bãi bồi nơi cửa sông Ka Long đổ ra biển thành khu đầm nuôi trồng thủy sản. Những vuông tôm, cua được tạo ra bởi các bờ đập nối tiếp nhau kết hợp với hệ thống mương nước xẻ ngang dọc trải dài cùng với những căn nhà nhỏ vuông vắn khiến cho khu đầm giống như một bàn cờ khổng lồ của thần núi và thần biển.
Trong căn nhà nhỏ trông đầm có đầy đủ tiện nghi giường tủ, điện nước, bếp ga, tủ lạnh. Bữa cơm tối được dọn ra có món canh cá hói béo ngậy vừa đánh lưới, đĩa cua biển đỏ au chắc nịch được Nam bắt dưới đầm ban chiều. Mấy lon bia lạnh được bật ra cùng với những cơn gió đầm đêm mang hơi nước mát rượi thổi tới khiến cho mắt tôi bắt đầu díu lại sau bữa tối. Thấy thế nên trước khi sang đầm của người bà con bên cạnh chơi, Nam giục tôi đi ngủ sớm. Còn lại một mình, tôi dần chìm vào giấc ngủ. Đang ngủ, bỗng nhiên tôi thấy cánh cửa ra vào đập mạnh rồi mở toang, một bóng người đứng ngay cửa. Tôi vội bật dậy kêu lên: “Ai, ai đấy?”, bóng người lùi ra phía ngoài cửa nhưng cứ đứng yên một chỗ. Ánh điện sáng phía ngoài sân rọi lại cho tôi thấy, đó là một cô gái mặc theo lối cổ xưa nhưng nhìn rách rưới và nhăn nhúm, chiếc áo choàng đen khoác bên ngoài nhìn cũng rách tơi tả, mái tóc dài lòa xòa. Bất ngờ cô gái quỳ xuống, hất mái tóc để lộ ra một gương mặt thanh tú ưa nhìn với làn da tai tái, đôi mắt đẫm nước, cô ngước lên nhìn tôi đăm đắm và cất giọng van xin:
“Xin chàng đừng sợ và đừng đuổi thiếp! Thiếp xin cúi lạy ra mắt chàng. Chắc chàng không biết thiếp đâu. Thiếp chính là người nằm dưới nấm mồ mà chiều hôm chàng đã ghé thăm. Đã hơn bảy trăm năm, chàng là người đầu tiên thắp cho thiếp nén nhang đánh thức thiếp, cho thiếp về hình hài như ngày hôm nay. Thiếp xin được cảm tạ chàng.”
“Cô là ai? Mà cô nói gì tôi không hiểu.”
“Thiếp tên Kim Liên, là con dân của Đại Việt. Cha thiếp trước kia làm quan trong triều đình, lúc sinh thời thiếp là một tiểu thư dòng trâm anh thế phiệt. Năm xưa, giặc Nguyên sang xâm lăng, cướp bóc Đại Việt, bị đánh cho thua trận phải rút chạy về nước. Trên đường tháo chạy, giặc vẫn điên cuồng cướp phá. Thiếp và một số người trong gia quyến không may bị bắt rồi bị áp giải đưa đi cùng nhiều người khác. May mắn cho thiếp là đã có cơ hội tìm về được Đại Việt. Hôm nay lại được chàng thương, thắp cho nén nhang nên thiếp mới được đứng đây, thiếp coi chàng như phu quân của mình. Xin chàng hãy đón nhận thiếp.”
Cô gái bước đến trước mặt tôi quỳ xuống dập đầu lạy liên tiếp ba lần khiến cho tôi không kịp phản ứng gì. Đoạn, cô lại ngước lên nhỏ nhẹ:
“Thiếp có một thỉnh cầu với chàng ngày mai vào đúng giờ Ngọ, xin chàng hãy ra thăm thiếp, hóa cho thiếp vàng hương cùng quần áo. Bao năm nay thiếp đã phải chịu cảnh đói rách. Nếu chàng thương thì thương cho trót…”
Cô gái đứng dậy lùi ra cửa và dần biến mất.
“Hoàng, Hoàng ơi! Mày mơ ngủ gì mà nói mê sảng vậy?” – Tiếng Nam gọi.
Bừng tỉnh ngủ, tôi ngơ ngác nhìn ra phía cửa chỗ cô gái vừa đứng. Rõ ràng tôi vừa gặp và nói chuyện chứ đâu phải mơ. Tôi nhớ đến cả hai lúm đồng tiền ẩn hiện trên gương mặt cô gái.
“Mày sao vậy? Cứ như bị ma bắt mất hồn.”
Nam tắt điện giục tôi đi ngủ. Chỉ một loáng tiếng ngáy của nó đã đều đều vang lên. Tôi không thể nào ngủ lại được, cứ trằn trọc mãi về giấc mơ. Không lẽ trên khu đất này có vong nữ, nay thấy tôi là người mới đến lại đẹp giai nên trêu ghẹo chăng? Nhưng sao vong đó lại không theo Nam mà theo tôi? Tôi có làm gì đâu nhỉ? Tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh ban chiều khi cùng Nam ra thắp hương ở gò Công Chúa. Lúc tôi lội ra cái gò nhỏ để thắp hương Nam có nói trước giờ có lẽ tôi là người đầu tiên thắp hương ở đó vì mọi người chỉ thắp hương ở miếu thôi. Mà cô gái trong mơ có nói, đã hơn bảy trăm năm, tôi là người đầu tiên thương xót và đánh thức cô ấy. Ý nghĩ đó cứ xoáy lấy tôi đến gần sáng cho đến khi tôi thiếp đi.
Non trưa hôm sau tôi mới thức dậy, người bải hoải như vừa trải qua một trận cảm nặng. Nam đã ra khỏi nhà từ lâu và nhắn tin vào điện thoại cho tôi, nó đi vào làng ăn đám cưới cùng người bà con ở đầm bên. Đồ ăn trong tủ lạnh ăn gì tự nấu. Đầu giờ chiều nó mới có mặt ở đầm. Nhìn vào chiếc chìa khóa xe máy còn cắm ở xe, Nam lại đi vắng, tự dưng tôi nhớ đến lời cô gái trong giấc mơ đêm qua là giờ Ngọ ra thắp hương rồi hóa vàng hương cùng quần áo cho cô ấy. Cứ như có sự sắp đặt vậy, mà có gì nặng nhọc lắm đâu. Có thờ có thiêng. Biết đâu lại là một việc tốt. Nghĩ vậy, tôi quyết định đi vào làng tìm quán bán vàng hương.
Đúng mười hai giờ trưa. Nắng gắt. Tôi đem theo những thứ đã chuẩn bị, lọ mọ lội bùn ra gò Công Chúa. Tôi cẩn thận đặt hoa quả, chia một ít vàng hương để thắp trong miếu. Còn bao nhiêu, tôi đem hết cùng túi quần áo giấy ra gò nhỏ thắp hương, hóa vàng mã, rồi vội vã trở về vì lo ngại có ai đó bắt gặp.
Buổi trưa, tôi vừa thiu thiu ngủ thì cô gái hôm trước lại xuất hiện. Lần này, trông cô tươi tắn và rạng rỡ, gương mặt bừng sáng. Bộ y phục rách rưới hôm trước đã được thay bằng bộ váy áo mới mớ ba mớ bảy nhìn giống như các diễn viên chèo, tuồng trên sân khấu. Cô gái cúi đầu cảm tạ tôi vì đã làm theo thỉnh cầu của cô đêm qua.
“Tôi tưởng sau khi chết đi một thời gian thì sẽ được siêu thoát, sau đó được đầu thai sang một kiếp khác. Sao cô lại không được siêu thoát mà ở lại khu gò Công Chúa đó suốt hơn bảy trăm năm? Sao gò đó lại có tên là gò Công Chúa?”
“Đó là một câu chuyện dài. Nếu chàng sẵn lòng nghe, Kim Liên xin kể để chàng tường tận.” – Cô gái nghiêng mình lễ phép.
Rồi cô kể tiếp cho tôi nghe đoạn đời của mình từ khi bị bắt và đưa sang đất Nguyên.
Sau khi qua biên ải vào sâu trong đất Nguyên, số tù binh Đại Việt bị bắt mang theo chết dọc đường khá nhiều do bị bỏ đói, đánh đập và lao dịch khổ sai, rồi ngã nước do không quen khí hậu. Số còn lại bị xé nhỏ ra thành từng toán, đưa đi các nơi. Chứng kiến gia quyến, người thân ruột thịt cùng những đồng hương Đại Việt lần lượt chết đầy oan uổng, Kim Liên không thiết sống.
Kim Liên may mắn vì có chút nhan sắc, lại biết chữ nên được coi là món đồ chiến lợi phẩm đáng giá để tiến cúng cho các bậc quan vương, do đó không bị làm nhục và được đối xử tốt hơn những tù binh khác. Vượt qua bao nhiêu núi cao, rừng thẳm trên xe ngựa, rồi lênh đênh mưa nắng trên các con thuyền băng qua các sông sâu suối dữ, thác cao vực sâu, có lúc Kim Liên tưởng chết trên con đường thiên lý, nhưng cuối cùng đã đến được Đại Đô – kinh đô của nước Nguyên.
Đến Đại Đô, Kim Liên được đưa đến dịch quán. Đây là nơi dành cho đoàn đi sứ của các nước chư hầu, tuyên úy ti các lộ sau những ngày tháng gian nan vượt đường dài đến kinh đô, nghỉ ngơi dưỡng sức trong lúc chờ yến kiến nhà vua.
Tại dịch quán, Kim Liên mang thân phận một nữ nô, hàng ngày dọn dẹp, giặt giũ, nấu nướng, đốt lò sưởi. Công việc không quá vất vả, Kim Liên tranh thủ học thêm tiếng nói của người Nguyên và người Hán. Lần đầu tiên Kim Liên biết thế nào là mùa đông Đại Đô. Tuyết rơi trắng xóa một vùng. Tuyết bám trắng trên những cành cây khô khốc, phủ kín các mái nhà thành quách, vương khắp các lối đi. Tuyết phủ trắng đầu, đọng lại trên những mí mắt, làm mặt mũi đỏ ửng, chân tay tê cứng vì bỏng lạnh. Nhiều lúc vừa hơ tay vào lò sưởi vừa khóc nhớ gia đình, nhớ cái nắng ấm áp phương Nam của đất mẹ Đại Việt.
Không hiểu những kẻ mang Kim Liên về Đại Đô tính toán hoặc có dã tâm gì mà chưa gả bán nên Kim Liên tiếp tục được ở lại dịch quán. Mùa đông lạnh giá cuối cùng rồi cũng qua, nhường chỗ cho những tháng ngày xuân hè ấm áp. Lúc này, dịch quán có rất nhiều đoàn khách đến ở. Ngày mà Kim Liên mong đợi nhất là lúc đoàn đi sứ của Đại Việt đến Đại Đô. Kim Liên mừng đến phát khóc khi nhận ra họ. Quan chánh sứ trước kia còn là chỗ quen biết với cha của Kim Liên. Điều đặc biệt là trong đoàn đi sứ ấy có cả tướng quân Yết Kiêu – người mà Kim Liên rất ngưỡng mộ – nay mới có cơ hội gặp. Tướng quân khi ấy đã ngoại tứ tuần nhưng vẫn còn rất tráng kiện, phong trần. Kim Liên đã tạo điều kiện tốt nhất để giúp đỡ cho đoàn đi sứ nghỉ ngơi chờ vào yết kiến vua Nguyên.
Dạo ấy, đoàn đi sứ của Đại Việt trên đường đi sứ có qua Quảng Nam Tây lộ. Do tuyên úy ti của lộ đó cũng nhân dịp tới kinh đô để yết kiến nhà vua nên hai đoàn cùng nhập vào một tiện bề hộ tống. Tuyên úy ti Quảng Nam Tây lộ này người Mông Cổ có một cô con gái yêu xinh đẹp là Ngọc Hoa quận chúa. Ngọc Hoa lại là con đỡ đầu của vua Nguyên nên lần về kinh này, tuyên úy ti cho Ngọc Hoa về cùng để gặp gỡ vua cha đỡ đầu. Dọc đường đi, người phía bên đoàn của Quảng Nam Tây lộ thường tỏ ra coi thường người đoàn Đại Việt, họ chê từ giọng nói líu ríu như chim, chê là người man di. Ngay đến tướng quân Yết Kiêu nổi tiếng tráng kiện, khôi ngô tuấn tú hơn người cũng bị coi là man di chỉ vì phong tục xăm mình của người Đại Việt. Ngọc Hoa còn ra lệnh cấm người Đại Việt lại gần kiệu của nàng.
Nhưng trên đường đi đã xảy một chuyện làm thay đổi cách nhìn của người Nguyên với người Đại Việt. Khi thuyền lớn chở đoàn Quảng Nam Tây lộ gặp nạn trên một khúc sông dữ, chính tướng quân Yết Kiêu và những người Đại Việt đi cùng với tài bơi lội của mình đã chèo lái cứu được con thuyền gặp nạn, tất cả những người trên thuyền được an toàn. Ngọc Hoa bấy giờ mới tường mặt Yết Kiêu. Nhìn thấy thân hình rắn rỏi, tráng kiện vạm vỡ như thanh niên cùng khuôn mặt phong trần của người dũng tướng, lại là ân nhân vừa cứu mình nên nàng có cảm tình ngay và luôn tìm cách gần gũi.
Có lẽ nhìn thấy được tình cảm của con gái mình với tướng quân nên tuyên úy ti Quảng Nam Tây lộ đã nghĩ ngay đến một kế là xin vua Nguyên gả quận chúa cho Yết Kiêu nhằm giữ tướng quân ở lại đất Nguyên để huấn luyện thủy quân – thứ mà người Nguyên còn thiếu, ít kinh nghiệm nhất ở Quảng Nam Tây lộ. Kim Liên trong lúc dọn dẹp đã nghe lén được tin này nên đã mật báo với quan chánh sứ và tướng quân. Quan chánh sứ cùng tướng quân ngồi lặng đi khi nhận được tin. Quan chánh sứ đã cảm tạ, nói sẽ tìm cách đối phó. Còn tướng quân Yết Kiêu vẫn ngồi im không nói, mãi sau ngài mới lên tiếng: “Ta không biết nói gì để cảm tạ cô nương. Triều đình cử ta và đoàn đi sứ lần này ngoài việc bang giao hữu hảo giữa hai nước còn một việc nữa là về công chúa An Tư. Trong lúc thế nước nan nguy, quan gia đã phải dâng công chúa cho Trấn Nam vương Thoát Hoan xin hòa hoãn. Sau đó, thế nước được giải nguy, đại quân ta phản công lại, quân Nguyên đại bại. Thoát Hoan phải chui ống đồng về nước, nhưng An Tư công chúa không biết còn sống hay đã chết trong đám loạn quân. Suốt từ hôm sang đất Nguyên ta đã tìm hiểu rất nhiều nhưng câu hỏi đến bây giờ vẫn chưa có vân mòng. Chẳng hay cô nương có nghe ngóng được gì?”
Quả thật, việc này Kim Liên cũng như tướng quân. Là phận đàn bà, lại là tù binh thì việc biết được việc hậu cung của Trấn Nam vương Thoát Hoan quá khó. Rồi công chúa An Tư còn sống không. Thật chẳng khác nào bóng chim tăm cá.
Kim Liên rất xót thương An Tư công chúa, nàng ấy đã không tiếc thân mình chấp nhận dâng lên cho tướng giặc cứu nguy cho thế nước trước ngàn cân treo sợi tóc. Lẽ dĩ nhiên, Kim Liên chẳng thể nào so sánh được với công chúa An Tư, nhưng Kim liên cũng thương xót cho chính mình và những người dân Đại Việt, khi sự khốc liệt của chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của bao người dân vô tội cùng cuộc sống bình yên.
Cho đến bây giờ, Kim Liên vẫn không thể nào quên được ánh mắt của tướng quân lúc ấy. Ngài cứ nhìn đăm đăm qua cửa sổ lên bầu trời cao vời vợi của Đại Đô, ánh mắt buồn xa xăm, cử chỉ của một vị tướng quân vào sinh ra tử, lập bao chiến công cứ ám ảnh Kim Liên mãi.
Sau đó, sự việc đúng như Kim Liên mật báo. Trong lúc vào chầu, vua Nguyên đã theo kế của tuyên úy ti Quảng Nam Tây lộ phong cho Ngọc Hoa quận chúa là công chúa và ban gả công chúa Ngọc Hoa cho tướng quân Yết Kiêu. Do có sự chuẩn bị từ trước, tướng quân từ tốn xin về nước để xin phép vua Trần rồi quay lại sau. Quan chánh sứ cũng xin phép cho Kim Liên được theo hầu Ngọc Hoa công chúa để sau này tiện bề thông ngôn và được vua Nguyên đồng ý. Thế là Kim Liên được theo hầu công chúa, đi cùng đoàn đi sứ trở về Quảng Nam Tây lộ. Trên đường trở về, Ngọc Hoa cứ quấn quýt tướng quân Yết Kiêu không rời nửa bước.
Đến Quảng Nam Tây lộ, đoàn đi sứ từ đó trở về Đại Việt. Công chúa thì ở lại chờ tin của tướng quân. Thời gian dài mà không thấy tướng quân Yết Kiêu sang, công chúa bèn rời cung bất chấp cha ngăn cản, lên thuyền dong buồm thẳng tiến Đại Việt. Khi thuyền đến cửa sông Ka Long ít ngày thì nhận được tin tướng quân Yết Kiêu đã chết. Quá đau lòng Ngọc Hoa công chúa đã lập đàn thờ bảy ngày bảy đêm. Khi cúng, nàng nói: “Trên đời không nên chàng và thiếp, thiếp xin nguyện xuống để gần chàng mãi mãi.” Sau đó, nàng gieo mình xuống sông. Thấy vậy, hai bá quan lệnh cho Kim Liên cùng tám nàng hầu cũng phải gieo mình xuống sông phục dịch nàng. Được chết trên đất mẹ Đại Việt, Kim Liên không thấy tiếc nối. Tiếp đó, hai viên bá quan cũng tự tận theo công chúa để tỏ lòng trung thành.
Chỗ mà công chúa và mọi người gieo mình tự vẫn chính là gò Công Chúa sau này. Riêng Kim Liên nằm riêng biệt một chỗ, chính là ngôi gò nhỏ. Tuyên úy ti Quảng Nam Tây lộ khi nghe được tin con mất thì rất đau xót, lệnh đưa các thầy cúng và phong thủy ra cầu hồn công chúa cùng những người Trung Nguyên về. Còn Kim Liên thì họ dùng phép thuật nào đó bắt phải ở lại để trông nom phần mộ công chúa đã hơn bảy trăm năm nay. May nhờ có chàng là trai tân tới thắp hương đốt vàng mã, Kim Liên được giải thoát khỏi lời nguyền.
“Đa tạ chàng đã giải thoát và lắng nghe lời tâm sự của thiếp.”
“Công chúa quả thật là một người trọng tình. Vậy theo cô, công chúa và tướng quân Yết Kiêu đã thành thân chưa? Bởi ngày xưa đi từ kinh đô của nước Nguyên về đến Quảng Tây cũng phải mất hàng nửa năm, từng ấy thời gian bên nhau chắc phải như thế nào thì công chúa mới thâm tình đến thế – Tôi thấy tò mò.”
“Việc này Kim Liên không trả lời chàng được.” – Cô gái từ tốn.
Đoạn Kim Liên quỳ xuống, đôi mắt đắm đuối ngước nhìn lên:
“Thiếp còn một việc muốn thỉnh cầu chàng, trước khi linh hồn thiếp được siêu thoát, đời thiếp chưa hề vướng bụi trần, sắc dục. Nay gặp được chàng, một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, cũng xăm mình như những chàng trai Đại Việt năm xưa. Thiếp muốn cùng chàng ái ân để không còn gì hối tiếc…”
Vừa nói Kim Liên đưa tay vẫy vẫy. Trong vô thức, tôi cứ thế đứng dậy đi theo. Mùi hương tỏa ra trong không gian khiến tôi ngất ngây. Những cơn gió thổi tới làm những tà áo mớ ba mớ bảy tốc lên, tuốt đi để lộ ra một thân hình thanh tân tuyệt mỹ, bộ ngực trắng muốt căng tròn nhô cao của Kim Liên như đang chờ đợi gương mặt đầy râu ria của tôi. Rồi từ lúc nào tôi thấy bàn tay Kim Liên cuốn xiết làm tôi không cưỡng lại được… Chúng tôi cứ thế xoay vần, hòa nhau làm một, dính chặt lấy nhau… Tôi thấy mình cùng Kim Liên bay vút cao lên không trung, bay mãi rồi vỡ òa ra hòa tan vào vũ trụ…
“Hoàng, mày làm cái gì thế này?” – Tiếng Nam gọi.
Tôi tỉnh dậy, hốt hoảng thấy mình đang nằm trên gò đất nhỏ, trên người không mảnh vải che thân, vẫn còn đầy dấu tích đàn ông loang lổ trên bụng. Nam đờ người nhìn tôi kinh ngạc. Ném cho tôi cái áo quấn tạm, nó giục tôi về ngay. Xấu hổ, tôi lẽo đẽo theo Nam về căn nhà trông đầm. Nam gầm lên:
“Mày là đồ biến thái nhất mà tao từng gặp. Tao không ngờ. Nếu mày thích, có thể tự xử trong nhà, sao lại ra chỗ linh thiêng làm trò bậy bạ? May đang giữa trưa không ai nhìn thấy, không là mày bị ăn đòn rồi. Thôi mày về đi!’
***
Xe khách qua địa phận Móng Cái, tự dưng tôi lại thoáng thấy bóng hình Kim Liên bay lơ lửng ngoài không trung, vạt áo mớ ba mớ bảy nhiều sắc màu tung bay tuyệt đẹp trong nắng chiều rực rỡ. Kim Liên bay theo xe, nhìn tôi trìu mến rồi vút cao, tan vào hư ảo. Có lẽ linh hồn Kim Liên đã được siêu thoát. Tự nhiên tôi thấy lòng mình thanh thản không còn u uất, nặng nề mê tỉnh. Sau những việc tôi đã làm, có thể tình bạn giữa tôi và Nam sẽ không còn được như xưa nữa nhưng tôi không thấy hối tiếc nếu như nó mang tới hạnh phúc và giải thoát được cho một nữ nhi mệnh bạc…
Móng cái ngày 24/05/2023