Trần Quỳnh Hoa
Ngày 20/12/2024, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Là một nghệ sĩ và nhà chính khách xuất sắc của Việt Nam, sau khi ra đi vào năm 2003, ông đã để lại di sản quý giá cho các thế hệ sau.
Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) là nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, nhà viết kịch và nhạc sĩ nổi tiếng, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996. Hoạt động cách mạng từ rất sớm, năm 1940, ông tham gia Tổ Văn hóa Cứu quốc; năm 1945, ông tham gia Quốc dân Đại hội Tân Trào, sau đó được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Thuộc thế hệ các nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, từ năm 1958 – 1989, ông làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam; từ năm 1995 – 2000, ông làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật. Ngày nay, nhiều thế hệ người Việt vẫn nhớ đến những câu thơ của ông trong bài “Đất nước”:
“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.”
Dịch giả người Pháp Dominique De Miscault đã mang một món quà quý đến tặng Hội Nhà văn nhân dịp lễ kỷ niệm này, đó là 100 bản in riêng của tập thơ song ngữ Việt – Pháp “Lotus en bouton” (Búp sen) gồm các bài thơ của Nguyễn Đình Thi được nhà thơ Bằng Việt tuyển chọn, sau đó được dịch ra tiếng Pháp và xuất bản bởi bà Dominique De Miscault. Bà đã gắn bó với Việt Nam từ rất lâu, từng làm trong Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt – Pháp và đã sang thăm Việt Nam rất nhiều lần nhằm vun đắp tình bạn giữa hai dân tộc. Bà cũng là họa sĩ và đã tham gia vẽ một phần tranh của con đường gốm sứ tại Hà Nội. Đối với bà Dominique De Miscault, Nguyễn Đình Thi là một huyền thoại văn học Việt Nam thời chiến tranh, và việc dịch thơ ông là cách bà thể hiện tình yêu đối với đất nước và nhân dân Việt Nam. Bà đã ấp ủ tâm huyết hoàn thành cuốn sách này, qua nhiều khó khăn và nỗ lực bền bỉ, cuối cùng bà đã thành công.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận món quà này và cho biết ấn phẩm sẽ được đặt trang trọng trong không gian Nguyễn Đình Thi tại bảo tàng Văn học Việt Nam. Ông rất mừng khi thấy rằng, nếu trong trái tim Nguyễn Đình Thi có một phần dành cho nước Pháp, thì trong trái tim nước Pháp cũng có một phần dành cho Nguyễn Đình Thi. Thật tự hào và kiêu hãnh khi di sản thơ ca của Nguyễn Đình Thi vẫn tồn tại ở nước Pháp.
Giáo sư Phong Lê, người nhận Nguyễn Đình Thi là bậc thầy trong lĩnh vực văn học, thấy rằng trong 60 năm sự nghiệp của mình, Nguyễn Đình Thi đã thể hiện được tài năng, tầm vóc và bản lĩnh trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Nhà thơ Hữu Thỉnh lại thấy Nguyễn Đình Thi có khuynh hướng chính khách hơn nghệ sĩ, không chỉ tiên phong trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật mà còn có tài năng xuất chúng trên cương vị lãnh đạo, khi ông giữ chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam và Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật.
Là người thuộc rất nhiều thơ của Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Trần Đăng Khoa thấy rằng Nguyễn Đình Thi là một tài năng đặc biệt, vô tiền khoáng hậu, hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực như thơ, văn, lý luận phê bình, kịch, âm nhạc, triết học… và ở mỗi lĩnh vực đều để lại tác phẩm quan trọng. Ví dụ như trong văn học có tác phẩm “Vỡ bờ” nổi tiếng, trong kịch có vở “Rừng trúc” kinh điển. Tuy nhiên, theo Trần Đăng Khoa, cái làm nên con người Nguyễn Đình Thi là thơ và âm nhạc. Về âm nhạc, ông nhớ đến hai bài hát Nguyễn Đình Thi sáng tác là “Diệt Phát Xít” và “Người Hà Nội”, trong đó “Người Hà Nội” là một trong những ca khúc hay nhất về thủ đô, liên tục thay đổi giai điệu, hệt như một tiểu thuyết bằng âm thanh. Bài thứ ba là “Việt Nam yêu thương”, viết đúng vào ngày Giải phóng Sài Gòn và phát một lần vào khoảng 5h chiều ngày 30/4/1975. Khi ấy, Trần Đăng Khoa đang hành quân, đi bên cạnh một anh chính trị viên có chiếc đài, đã nghe bài hát ấy một lần thôi mà thuộc luôn giai điệu. Vào những ngày cuối đời của Nguyễn Đình Thi ở bệnh viện Việt Xô, Trần Đăng Khoa đã vào thăm và hát cho ông nghe bài hát ấy, làm cho Nguyễn Đình Thi kinh ngạc, “Làm sao cháu biết?!”.
Về thơ, Nguyễn Đình Thi làm thơ rất cẩn trọng, kĩ càng đến từng chữ. Vậy mà thơ ông lại dường như không có chữ, các chữ ông dùng cứ như được mài nhẵn, phẳng lì, bạc phếch đi. Trong khi nhiều nhà văn khác muốn sáng tạo chữ mới, Nguyễn Đình Thi lại làm ngược lại, lựa chọn những từ ngữ rất bình dị, thường ngày:
“Dừng chân trong mưa bay
Liếp nhà ai ánh lửa
Yên lặng đứng trước nhau
Em em nhìn đi đâu
Em sao em không nói”
(Trích bài thơ “Không nói”, Nguyễn Đình Thi)
Hay:
“Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc màu quàng súng trường
…
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”
(Trích bài thơ “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi, sau được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành ca khúc “Lá đỏ”)
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết tạp chí Nhà Văn & Cuộc Sống số Tết này đã được gấp rút hoàn thành để ra mắt đúng vào ngày sinh nhật của cố nhà văn. Trong ấn phẩm sẽ công bố nhiều bức ảnh mới cùng những bài viết của người đương thời về ông. Mong rằng bạn đọc sẽ cùng đọc và cùng nhớ về chân dung của một nhà văn hóa kiệt xuất đã đi từ những năm tháng chiến tranh đến thời kỳ đổi mới, để lại dấu ấn trong lòng người đọc của nhiều thế hệ về tình yêu đất nước và dân tộc Việt Nam.