Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh là một cây viết quen thuộc trên văn đàn, nổi bật với những tác phẩm truyện ngắn, thơ, bút ký,… nhưng gần đây chị mới phát hành tiểu thuyết đầu tay mang tên “Biên khu Việt Quế”.
Dày dạn kinh nghiệm trong các hoạt động sáng tác, nghiên cứu về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi cùng các hoạt động an sinh xã hội, đối với Phạm Vân Anh, việc cầm bút giống như một sứ mệnh.
Vài năm trước, nhắc đến mảng văn xuôi, Vân Anh vẫn còn dùng từ “vật vã” để mô tả trạng thái của bản thân khi đặt bút, nhưng có lẽ chỉ có văn xuôi mới khiến một cây viết giàu năng lượng như chị cảm thấy thỏa mãn với mong muốn bày tỏ một cách nhìn đời, bày tỏ suy nghĩ hiện thực qua văn chương và tác động trở lại để xã hội nhân văn hơn, tốt đẹp hơn.
Có thể nói, sau rất nhiều cuốn sách đã xuất bản, tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế” là một dấu mốc đáng nhớ của Phạm Vân Anh.
Cách đây hơn 70 năm, theo mệnh lệnh của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Bộ Tổng Tư lệnh, quân đội ta đã cử một số đơn vị gồm 4 tiểu đoàn và 3 đại đội độc lập chia làm hai cánh hành quân băng rừng, vượt núi sang Trung Quốc để cùng với các đơn vị Giải phóng quân Trung Quốc tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, truy quét những nhóm quân Quốc dân đảng cuối cùng tại một số khu vực ở miền Nam Trung Quốc. Chiến dịch kết thúc thắng lợi ngay trước khi Cách mạng Trung Quốc thành công, nước CHND Trung Hoa ra đời (1/10/1949).
Đây được coi là một trong những sứ mệnh quốc tế đầu tiên mà quân đội ta thực hiện khi điều kiện trong nước đang diễn ra cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ ác liệt chống thực dân Pháp. Trong điều kiện trang bị còn thiếu thốn, nhưng chúng ta vẫn cử sang Trung Quốc những đơn vị tốt nhất, với phương châm “giúp bạn như giúp mình”.
Tinh thần anh dũng, ý chí kiên cường, đức hy sinh cao cả, tinh thần quốc tế trong sáng của bộ đội Việt Nam trong những ngày tháng sống, chiến đấu trên đất Trung Quốc đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và các chiến sĩ Trung Quốc. Đặc biệt, tinh thần hiệp đồng chiến đấu, chia ngọt sẻ bùi giữa quân đội hai nước được thể hiện nồng ấm qua các trận đánh và trong sinh hoạt thường ngày. Cuối tháng 9/1949, lãnh đạo và nhân dân các vùng giải phóng nồng nhiệt tiễn đưa đoàn quân vang khúc khải hoàn trở lại Việt Nam.
Với 7 chương được viết một cách đầy đặn, tỉ mỉ, tác giả bung hết năng lực nhằm tập trung đặc tả những gian khổ, hy sinh và mất mát mà bộ đội ta đã trải qua; thậm chí có những đoạn Vân Anh viết như “lên đồng” khi thể hiện sự hy sinh của Phó Tiểu đoàn trưởng Trần Bình, xây dựng Lý Ban tưởng đã chết lại được sống lại bằng tình yêu thương chăm sóc của người phụ nữ Việt kiều; về sự thay đổi của Trịnh Phong, người đàn ông Trung Quốc mà Biên Cương mang ơn, đã không thiết sống khi con chết, chán đời, nên quay lưng với lý tưởng ban đầu và cuối cùng chọn cách tự sát để không còn cảm giác nhục nhã của người gián tiếp gây tội ác với những người mà mình từng thương yêu…
Viết về chiến tranh đồng nghĩa với việc tác giả lựa chọn đề tài “gai góc”. Thực tế, chiến tranh là một chủ đề rất nhạy cảm, bao hàm nhiều cảm xúc. Đôi khi nó không có điểm trung tâm như nhân vật chính để người đọc có thể theo dõi nên những tác phẩm văn chương đề cập đến chiến tranh không dễ thu hút người đọc. Nhưng Phạm Vân Anh là một cây viết đam mê thử thách.
Phong cách vừa cứng cỏi vừa nữ tính của chị khiến độc giả ấn tượng ngay ở chương đầu tiên – “Đêm biên khu”. Nữ tác giả đưa người đọc vào những đêm hành quân băng rừng leo núi, ăn uống cực kỳ kham khổ, đói khát… mà chỉ có những ai kiên gan tột cùng mới có thể vượt qua. Làm sao vừa đảm bảo bí mật, thời gian, vừa tránh đụng độ với giặc, nhất là khi bọn thám báo đánh hơi thấy bộ đội hành quân lên phía Bắc, máy bay rè rè trên đầu sẵn sàng ném bom, nhả đạn hoặc hành quân vượt đường số 4… mà hành trang trên vai người lính thì vửa lỉnh kỉnh, lại vừa nặng, vừa thiếu vũ khí.
“Vượt trùng mây” – tựa của chương 7, cũng là chương cuối của tiểu thuyết, Phạm Vân Anh tập trung vào việc mô tả những cuộc chia tay giữa bộ đội Việt Nam và nhân dân bản địa, giữa bộ đội Việt Nam và quân Giải phóng Trung Quốc diễn ra vô cùng lưu luyến, nghĩa tình.
Xen giữa các chương trên là 5 chương “Viễn chinh”, “Quân bạn”, “Trận Trúc Sơn”, “Tao ngộ chiến”, “Vây đồn diệt viện”, tác giả thể hiện các trận đánh của quân đội Việt Nam trong điều kiện khác biệt về thung thổ, văn hóa, con người nhưng lại có chung tình yêu nước, ý thức trách nhiệm, tinh thần quốc tế vô sản với quân đội và nhân dân nước bạn…
Bằng tâm huyết với lịch sử và văn chương, bằng sự tri ân quá khứ, biết ơn các thế hệ cha anh, nhà văn Phạm Vân Anh đã lựa chọn bút pháp chân thực, sinh động, với giọng văn giàu chất thơ cho “Biên khu Việt Quế”. Nói cách khác, chị dốc hết những gì mình có vào cuốn tiểu thuyết đầu tay. Kết quả là, hơn 200 trang viết của chị đã mở được không gian quá khứ cùng cảnh vật, con người, suy nghĩ, cách nói… của giai đoạn kháng chiến chống Pháp.
Dù được sinh ra và lớn lên trong thời bình, nhưng Phạm Vân Anh luôn ý thức rằng mình là một người lính cầm bút. Bằng khả năng quan sát, sự nhạy bén và nhạy cảm tuyệt vời, Vân Anh đã có những thành công nhất định trong việc tái hiện một góc khuất mà lâu nay khi viết về chiến tranh, hầu như chưa có ai đề cập đến.
Thêm nữa, chị viết với nhiệt tâm của một người tha thiết mong có một mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc, một cuộc sống no đủ, hòa bình, yên ổn cho nhân dân. Điều đó tạo nên tính nhân văn và chiều sâu cho tác phẩm.
Còn đối với người đọc, khi hiểu hơn bản chất của chiến tranh, chúng ta càng ý thức cao hơn về việc học hỏi từ những sai lầm chứ không phải lặp lại sai lầm. Những câu chuyện sinh động về tình người, tình đời trong “Biên khu Việt Quế” giúp chúng ta nhận ra rằng khác biệt nào cũng có thể vượt qua được. Và quan trọng hơn, điều đó mang đến cho chúng ta hy vọng, rằng văn chương luôn hướng tới cái đẹp và sự chân thực.
Tiểu Mai