Minh Hoa
Cây viết kỳ cựu Luy Broadbent đã giải thích sự thống trị của phụ nữ trong ngành xuất bản hiện đại trên trang Womenlovetech.
Trước đây, phụ nữ là tác giả chưa đến 10% tổng số sách. Đi ngược về lịch sử, vào thời kỳ Victoria (kéo dài suốt thời kỳ trị vì của Nữ hoàng Victoria từ năm 1837- 1901) tại Anh, những nữ tác giả như chị em nhà Bronte phải viết dưới bút danh nam để tác phẩm của họ được xuất bản.
TÍN HIỆU TÍCH CỰC CHO NỮ GIỚI
Nhưng hơn 150 năm sau, phụ nữ là tác giả của hơn 50% tổng số sách được xuất bản. Sách của các nữ nhà văn cũng có doanh thu và lượng độc giả trung bình cao hơn sách của tác giả nam, theo cây viết Luy Broadbent.
Các nghiên cứu từ Mỹ, Anh và Australia đều xác nhận xu hướng tương tự. Theo khảo sát năm 2022 của Đại học Macquarie, gần 70% sách mới ở Australia đến từ tác giả nữ. Con số này là hơn 60% ở Anh theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh. Và tại Mỹ, con số này là hơn 50%, theo số liệu khảo sát nhân khẩu học đối với các tác giả. Vậy phụ nữ đã cải thiện vị thế của họ trong ngành xuất bản như thế nào?
Joel Waldfogel, nhà kinh tế học tại Trường Quản lý Carlson thuộc Đại học Minnesota, cho rằng đã có một bước ngoặt. Ông Joel cho biết: “Đã có một sự thay đổi lớn vào khoảng năm 1970”, chỉ ra một số yếu tố như sự xuất hiện của thuốc tránh thai vào những năm 1960 và sự ra đời của nhiều công nghệ tiết kiệm lao động như máy giặt và máy hút bụi. Gánh nặng công việc gia đình giảm đi, cùng với sự tự do hơn khi lựa chọn có sinh sản hay không đã giúp phụ nữ tự do theo đuổi sự nghiệp.
Đồng thời, phụ nữ cũng bắt đầu đầu tư vào giáo dục của mình. Các trường đại học ghi nhận sự gia tăng ổn định về số lượng sinh viên nữ từ những năm 1970. Đến năm 2020, phụ nữ đã chiếm tỷ lệ lớn sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học ở nhiều nước phương Tây. Theo nghiên cứu về phụ nữ tại nơi làm việc năm 2022 tại Mỹ của tập đoàn tư vấn McKinsey, từ cấp tiểu học đến đại học, các trẻ em gái giờ đây vượt trội hơn trẻ em trai trong công việc học tập.
Greg Rosalsky, nữ nhà văn kiêm nhà sản xuất chương trình phát thanh Freakonomics Radio, chia sẻ trong chương trình Planet Money trên Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia Mỹ cho biết: “Những tiến bộ mà phụ nữ đạt được trên thị trường xuất bản có thể được coi là một phần nhỏ trong phong trào nữ quyền rộng lớn hơn. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn tụt hậu so với nam giới ở nhiều nơi trên thị trường lao động, trong đó có nhiều ngành công nghiệp sáng tạo. Phụ nữ vẫn chiếm chưa tới 20% số đạo diễn phim và chưa tới 10% số nhà quay phim. Vậy tại sao lại có sự khác biệt trong ngành sách?”.
ĐẶC THÙ CỦA NGÀNH SÁCH
Joel Waldfogel, người làm việc về phân tích dữ liệu trong Văn phòng Bản quyền Mỹ cho rằng một phần nguyên nhân có lẽ là quá trình viết sách thường là nỗ lực cá nhân, trong đó tác giả có nhiều quyền hơn trong việc lựa chọn thời điểm và cách thức thực hiện công việc.
Nhưng nếu câu trả lời này hợp lý để giải thích về sự vượt trội của số lượng nhà văn nữ, thì dường như nó vẫn chưa đủ để trả lời cho thực tế nhân lực của ngành xuất bản cũng phần lớn là phụ nữ. Theo Hiệp hội Xuất bản Vương quốc Anh, 78% biên tập viên trong ngành xuất bản ở nước này là nữ, một xu hướng cũng xuất hiện ở Mỹ và Australia.
Trong một bài viết về sự thành công của phụ nữ trong ngành xuất bản 2 năm trước trên tờ The Observer, Johanna Thomas-Corr đã đề cập đến việc các nhà văn nằm trong danh sách rút gọn của nhiều giải thưởng lớn và danh sách tác phẩm ăn khách chủ yếu là nữ.
Bài viết của bà rất có ý nghĩa vì đã nhận ra sự thay đổi nhận thức về văn hóa giữa các thế hệ. Các tác giả nam đình đám Julian Barnes, Martin Amis và Ian McEwan không còn thống trị giới truyền thông, trong khi các nhà văn như Patricia Lockwood, Octavia Butler và Sally Rooney nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Phải chăng sự thay đổi nhận thức của công chúng đối với phụ nữ trong ngành xuất bản khuyến khích họ tham gia và đóng góp nhiều hơn?
Danh sách rút gọn giải thưởng International Booker năm nay cũng đã phản ánh xu hướng trên với 4/6 sáu tác phẩm lọt vào danh sách rút gọn là nữ. Ngành xuất bản hiện nay về cơ bản cũng có nhiều nhà văn da màu hơn, một sự thay đổi tích cực cũng đã được chờ đợi từ lâu.
Tuy nhiên, Thomas-Corr cũng chỉ ra rằng, mặc dù sự hiện diện mạnh mẽ của phụ nữ trong ngành xuất bản phần lớn được coi là tích cực, vẫn có những tiếng nói bất đồng giữa các nhà xuất bản, người đại diện và nhà văn cảm thấy rằng tiếng nói của nam giới, đặc biệt là nam giới trẻ, đang bị loại trừ. Corr ghi nhận rằng nhiều nam giới làm việc trong ngành xuất bản thậm chí không dám phát biểu về chủ đề nữ quyền vì sợ phản ứng dữ dội, đặc biệt là sau nhiều làn sóng ủng hộ quyền lợi của phụ nữ gần đây.
Trong khi bình đẳng giới là một chủ đề có thể dễ gây nên căng thẳng, thì sách luôn là một kênh kết nối mở, có thể để tất cả cất lên tiếng nói và quan điểm khác nhau, mở ra đổi mới và thay đổi. Văn hóa và văn học, với nhiều giá trị được phản ánh từ nội tại, luôn dịch chuyển và đưa tới những điều mới. Do đó, không chỉ công chúng mà ngay cả các nhà văn, biên tập và các đội ngũ liên quan cũng cần có tâm thái sẵn sàng đón nhận các giá trị mới, không chỉ về bình đẳng giới mà còn về nhiều điều khác.
Nguồn: Tạp chí Tri thức ZNEWS