Nguyễn Văn Hùng
Nguyễn Văn Học là một trong những gương mặt đại diện cho thế hệ cầm bút trẻ, một thế hệ khát khao đổi mới, vượt thoát mọi khuôn khổ, dám dấn thân tới cùng với những thể nghiệm nghệ thuật của mình, và đặc biệt luôn ý thức được trách nhiệm của người nghệ sĩ, sứ mệnh của nghệ thuật đối với cuộc sống. Trong số những sáng tác làm nên dấu ấn của tác giả, không thể không nhắc đến “Hỗn danh” (Nxb. Hội Nhà văn xuất bản năm 2017).
Với 340 trang sách, “Hỗn danh” đã phác họa bức tranh muôn màu về thế giới, nơi đó không chỉ là cái ngổn ngang, bề bộn của cuộc sống, mà còn là sự bát nháo, đảo lộn các giá trị bởi sự lên ngôi của đồng tiền cùng những thói tật của con người đương đại. Xã hội hỗn loạn các giá trị thực – giả, còn con người như mê muội, quay cuồng trước những cám dỗ của tiền tài, địa vị, nhất là danh vọng. Những chuẩn mực giá trị truyền thống, những vẻ đẹp tinh túy trong mỗi con người được đem ra mua bán, đổi chác không hơn gì một món hàng tầm thường. Vấn đề được đặt ra trong “Hỗn danh” không chỉ là sự đánh tráo hay nỗ lực lập lại thế cân bằng giữa chính danh và hỗn danh, mà sâu xa hơn là tấn bi kịch tâm hồn, những chấn thương tinh thần và hành trình truy tìm bản thể ở mỗi con người.
Trong tiểu thuyết “Hỗn danh”, điều mà họa sĩ Bình trăn trở nhiều nhất là “vẽ cái gì và vẽ như thế nào”. Với bức tranh “Khát vọng đầu đời”, vấn đề người nghệ sĩ trẻ khắc khoải hơn cả vẫn là “vẽ như thế nào”. Trước sự hỗn loạn, biến thiên của các giá trị, sau biết bao biến cố cuộc đời, vẫn còn một giá trị đích thực, đó là bức vẽ năm cô gái khỏa thân ấy. Giá trị của tác phẩm không nằm nhiều ở những nguyên mẫu được người họa sĩ chọn vẽ – “vẽ cái gì” (năm cô gái đều xuất thân từ gái giang hồ, bị xã hội dè bĩu, coi thường), mà đến từ tinh thần của bức tranh, ở cách bố cục, sự uyển chuyển của đường nét, cách hòa trộn vi diệu của màu sắc – “vẽ như thế nào”. Tuy vậy, không phải bất cứ ai thụ hưởng cũng nhận chân được những giá trị nghệ thuật đó. Trong con mắt của giáo sư Mẫn – người sở hữu bức tranh và bạn bè ông, năm cô gái khỏa thân chỉ nhằm thỏa mãn dục vọng bản năng. Còn với Bình, người sáng tạo bức tranh bằng tất cả tâm huyết của mình, sức sống của tác phẩm kết tinh từ khát vọng, niềm đam mê và giá trị tinh thần mà nó mang lại. Sự trăn trở của họa sĩ Bình cũng chính là nỗi niềm suy tư của nhà văn Nguyễn Văn Học khi viết tiểu thuyết “Hỗn danh”. Với tác giả, câu hỏi “viết như thế nào” quan trọng không kém “viết về cái gì”. Trong tiểu thuyết của mình, anh đã nỗ lực tìm tòi, thể nghiệm hình thức biểu đạt mới về thế giới, đem lại một cái nhìn khác về cuộc sống và con người.
Những câu chuyện được anh kể trong tác phẩm của mình không quá xa lạ với người đọc bởi nó hiện hữu đầy rẫy trong xã hội hiện đại. Nhưng cách thức anh tiếp cận, miêu tả và luận giải thì hoàn toàn mới. So với những tác phẩm trước của anh, có thể nói “Hỗn danh” là một bước đột phá về nghệ thuật kể chuyện. Với sự đan xen người kể chuyện ngôi thứ ba và người kể chuyện ngôi thứ nhất (xưng “tôi”, “chúng tôi”), cùng sự dịch chuyển liên tục điểm nhìn ở mỗi chương, tác phẩm hiện lên như một bức tranh đa chiều về thế giới. Lối kể có phần phóng túng, tự do càng khiến cho người đọc cảm nhận về sự bề bộn, ngổn ngang, phức tạp của cuộc sống. Cùng với người kể chuyện, những thành tố tổ chức mô thức văn bản tự sự trong tiểu thuyết của Nguyễn Văn Học cũng có nhiều sáng tạo và đổi mới thú vị. Điểm nhìn tự sự liên tục được di chuyển từ người kể chuyện sang nhân vật, từ nhân vật này sang nhân vật khác, khiến những vấn đề được đặt ra trong tác phẩm (thói tật của con người hiện đại, thân phận người nghệ sĩ, sinh mệnh tác phẩm nghệ thuật) được soi rọi, luận giải từ nhiều góc độ đa dạng. Ở đó có sự đan cài điểm nhìn khách quan/chủ quan, điểm nhìn kí ức/hiện tại, điểm nhìn chứng nhân/trải nghiệm, điểm nhìn cộng đồng/cá nhân. Đây là cách mà Nguyễn Văn Học thể hiện những suy tư mang tầm phổ quát của mình về các vấn đề muôn thuở trong cuộc sống và con người thời hiện đại.
Sự mở rộng biên độ không – thời gian với không gian đa tầng (không gian hiện thực, không gian kì ảo, không gian giấc mơ, không gian tâm tưởng) và thời gian đa chiều (thời gian kí ức, thời gian hiện tại, đồng hiện thời gian) như là phương thức hữu hiệu giúp nhà văn tiếp cận, miêu tả hiện thực cuộc sống và con người có chiều sâu. Về mặt ngôn ngữ, trong tiểu thuyết của Nguyễn Văn Học có sự đan cài các lớp ngôn ngữ phong phú: ngôn ngữ đậm chất hiện thực – đời thường, ngôn ngữ tăng cường tính tốc độ, lượng thông tin, ngôn ngữ giàu tính triết luận. Tính đa thanh là đặc trưng dễ dàng nhận thấy trong giọng điệu tiểu thuyết của tác giả, ở đó có sự hòa trộn giữa giọng khách quan, lạnh lùng; giọng hài hước, giễu cợt; giọng hoài nghi, trăn trở; giọng đối thoại, tra vấn; giọng chiêm nghiệm, triết lý. Với sự đa dạng về ngôn ngữ, sự đa thanh trong giọng điệu giúp tác giả vượt thoát lối kể liệt kê, đơn giản, một chiều về các sự kiện, nhân vật; tạo dựng nhiều lớp nghĩa phong phú, vẫy gọi độc giả dự phần vào những suy tư, khắc khoải về nhân sinh, nhân tính, nhân vị.
Bên cạnh đó, nghệ thuật tổ chức kết cấu cũng là một thể nghiệm thú vị của nhà văn. Các chương được đánh số từ 1 đến 67, mỗi chương đều được đặt tên tóm gọn chủ đề chính sẽ được kể (một hình thức “giả chương hồi”). Song diễn biến bên trong các chương không theo trình tự tuyến tính mà luôn có sự xáo trộn, phân mảnh, lắp ghép, buộc người đọc phải kết nối, liên tưởng và hình dung theo cách thế của mình. Nhằm phá vỡ đường biên thể loại, Nguyễn Văn Học đã có những thể nghiệm nhiều lối kết cấu hiện đại: kết cấu đồng hiện, kết cấu phân mảnh, lắp ghép, kết cấu liên văn bản (truyện ngắn lồng trong tiểu thuyết, thể loại tiểu thuyết và phong cách báo chí). Tất cả sự tìm tòi, đổi mới của tác giả nhằm thể hiện cái nhìn đa chiều, bề bộn, phức tạp về bản chất cuộc sống và tâm hồn con người.