Danh hiệu Nghệ sỹ và những vấn đề đặt ra

Home NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG Đối thoại với cuộc sống Danh hiệu Nghệ sỹ và những vấn đề đặt ra
Danh hiệu Nghệ sỹ và những vấn đề đặt ra

NGÔ ĐỨC HÀNH

Theo dự kiến ban dầu, lý ra sáng 31/1/2024, lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tuy nhiên, lễ trao tặng danh hiệu hoãn lại, chuyển sang ngày khác vì lý do bất khả kháng. Trong 10 lần phong tặng danh hiệu nghệ sỹ, chưa có lần nào “lận đận” như lần thứ 10.

1. “Chậm một tí” và nguyên nhân

Theo quyết định 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước ký ngày 28/11/2023 và Quyết định 724/QĐ-CTN ký ngày 22/6/2023, có 119 cá nhân được phong tặng danh hiệu NSND, 256 cá nhân được phong tặng danh hiệu NSƯT, 5 cá nhân được truy tặng danh hiệu NSND và một cá nhân được truy tặng danh hiệu NSƯT trong đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 Danh sách đầu tiên (đợt I) được công bố bao gồm 77 NSND trong đó có các nghệ sĩ như NSƯT Trần Lực, Quốc Khánh, Hà Thủy, Bùi Công Duy, Đức Trung, Trần Đức, Khương Đức Thuận, Thu Huyền, Ngọc Huyền, Hương Dung…Danh sách phong tặng NSND (đợt II) do Chủ tịch nước ký và thông qua ngày 28/11/2023 bao gồm 42 nghệ sĩ, trong đó có các tên nổi bật như: NSƯT Thanh Lam, Xuân Bắc, Trịnh Kim Chi, Mỹ Uyên, Tấn Minh…

Các nghệ sĩ được phong tặng thuộc 5 lĩnh vực nghệ thuật: sân khấu, phát thanh, truyền hình, âm nhạc và múa. Trong đó, lĩnh vực sân khấu có số lượng nghệ sĩ được phong tặng nhiều nhất lên tới hơn 60 NSND. Lĩnh vực âm nhạc có thêm hơn 40 nghệ sĩ nhận danh hiệu NSND.

Chưa có kỳ xét tặng NSND, NSUT nào hồi hộp “gay cấn” và kéo dài như lần thứ 10 này. Đáng ra kết quả đã phải công bố dịp Quốc khánh 2/9 năm 2022, cách đây hơn một năm. Các NSND, NSUT được phong tặng đang rất hồi hộp, dẫu đều đã biết, nhưng tục ngữ có câu: “Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”. Việc được nhận bằng chứng nhận từ tay Chủ tịch nước, được ghi hình, phát sóng…là điều ai cũng mong chờ.

Tháng 8/2023, một NSND, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, cho biết: “Năm nay chắc chậm tí”. Người trong cuộc là các nghệ sỹ và những người quan tâm hy vọng Quốc khánh 2/9 năm 2023 công bố, nhưng đã qua đi.

Từ tháng 8/2023, Bộ VHTTDL đăng tải trên Trang Thông tin của Bộ danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT, để lấy ý kiến nhân dân (!) Việc lấy ý kiến của nhân dân đã được tiến hành trong vòng 20 ngày, bắt đầu từ 26/7 đến hết ngày 16/8 trước khi Hội đồng cấp Nhà nước họp theo quy định. Có nhiều ý kiến của khán giả gửi lên hội đồng nhưng chưa nhận được sự trả lời thỏa đáng.

Danh sách do 5 Hội đồng chuyên ngành trình Hội đồng cấp Nhà nước. Trong danh sách, riêng số đề nghị NSND có 139 hồ sơ. Cho đến thời điểm này, 77 người đạt tiêu chí, đã được đóng “triện”. Để đạt được danh NSƯT, NSND tiêu chí cụ thể là, có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân); có ít nhất 01 giải Vàng quốc gia và 02 giải Bạc quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân); có ít nhất 03 giải Vàng quốc gia (nếu không có 01 giải Vàng là của cá nhân).

Một số trường hợp đặc biệt được xem xét là: – Nghệ sĩ là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi, có nhiều cống hiến xuất sắc, nhiều thành tích đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật; Nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước; Nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.

Để được xét tặng NSND, nghệ sĩ phải hoạt động nghệ thuật liên tục hoặc cộng dồn theo số năm nhất định (20 năm với NSND và 15 năm với NSƯT) và có được một số giải thưởng Vàng, Bạc (quy đổi phù hợp với từng danh hiệu) tại các giải thưởng chuyên nghiệp, các Hội diễn toàn quốc…Một trong những tiêu chí của NSND (tính từ khi được phong tặng NSUT đến NSND) là cá nhân phải đoạt 2 HCV quốc gia; có nhiều thành tích và cống hiến nổi bật xuất sắc.

Riêng những NSUT đã nghỉ hưu nếu không có điều kiện tham gia các cuộc thi thì phải có tài năng thực sự, có sáng tạo thành tích nổi trội và cống hiến xuất sắc. Phải có sức lan tỏa và nổi trội đặc biệt. Tích cực tham gia các nhiệm vụ chính trị của địa phương và cả nước, giảng viên các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật… dù không đủ giải thưởng vẫn có thể được xét tặng danh hiệu.

2. Nghệ sỹ, ngoài tài năng còn phải có phẩm hạnh

Hai từ “cống hiến”, dường như đang được vận dụng đối với các nghệ sỹ có “thâm niên” phục vụ. Có nghệ sỹ đã về hưu lâu năm, không còn hoạt động nghệ thuật, công chúng không biết đến nhưng vẫn làm hồ sơ, là do quy định này. Danh hiệu cao quý nhà nước phong tặng đâu giống phần thưởng để động viên “xin và cho”? Có nhiều ý kiến cho rằng danh xưng NSND, NSƯT ngày nay quá đại trà. Không ít người đạt danh hiệu NSND nhưng nhân dân không biết mặt biết tên?

NSND là phải người có tài, có tầm đích thực. Đóng góp thành tích xuất sắc, cống hiến hết mình cho ngành, cho đất nước. Mang tính ảnh hưởng, tính biểu tượng cho từng lĩnh vực.

“NSND là nhân dân biết, mang danh nhân dân mà không ai biết đến nghệ sỹ ấy, họ có cống hiến gì thì thật buồn. Danh hiệu sao ngày càng rẻ rúng thế”, NSND Thanh Hoa ngao ngán khi trao đổi. NSND. Trung Đức cũng bày bỏ quan điểm: “Đã là NSND phải có những tác phẩm để đời, cống hiến thật xuất sắc, được nhân dân biết đến và mến mộ. Hội đồng các cấp phải khách quan, minh bạch, rõ ràng. Không nên làm những điều khuất tất.”

Còn nhớ, năm 2021, NSƯT. Xuân Hinh – một nghệ sỹ cả nước biết đến, cũng “trượt” NSND, khi trả lời “Hạnh phúc nhất là được nhân dân ghi nhận”, dù rằng câu nói này là “liệu pháp tâm lý” của NSƯT Xuân Hinh lúc đó, nhưng nó là thực tế. Lần xét tặng thứ 10 này, NSƯT Xuân Hinh cũng không có tên. Và còn nhiều nghệ sĩ thực tài, nhiều cống hiến xuất sắc vẫn không có tên trong danh sách xét tặng NSND cũng một cách khó hiểu?

Điều bất cập năm 2023, sau khi Hội đồng cấp Nhà nước đã “chốt” danh sách NSND thì lại nảy sinh phức tạp mới. Trong số “trượt”, có trường hợp vẫn tiếp tục “chạy” bằng mọi giá chỉ vì háo danh. Chưa biết họ có “chạy” không, “bổ sung”, “quy đổi” thành tích kiểu gì và “chạy đến đâu”; tuy nhiên để lại sự xầm xì không tích cực về danh dự nghệ sĩ.

Chính tâm lý “chạy danh” gây bức xúc trong giới nghệ sĩ và công chúng. Nhiều nghệ sĩ có uy tín cho rằng, đã đến lúc cần thắt chặt việc trao tặng danh hiệu, để khi nhắc đến một ai đó đạt danh hiệu NSND cao quý thì đấy không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân nghệ sĩ, mà còn là niềm tự hào của lĩnh vực nghệ thuật và được đông đảo công chúng yêu mến trân quý.

Chưa hết “lùm xùm” này tận cuối năm 2023 lại xảy ra các “lùm xùm” mới. Câu chuyện trở thành “sự kiện” truyền thông chẳng hay ho gì. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phải “vào cuộc”. Theo đó, Bộ này cho biết việc xác minh thông tin đơn thư trường hợp NSƯT Phạm Đỗ Kỷ (Đỗ Kỷ) đã được thực hiện đúng quy định, quy trình mà Nghị định của Chính phủ đã ban hành. Tất cả quy trình đều công khai, minh bạch. Dù có đơn cứu xét, nhưng kết quả cuối cùng, NSƯT Đỗ Kỷ tiếp tục được thông báo trượt NSND.

Tháng 1/2024, xảy ra “chuyện buồn” tiếp theo, hai giảng viên Lưu Thiên Hương và giảng viên đồng nghiệp có sự mâu thuẫn, tranh cãi trong vấn đề chấm điểm thi chuyên môn… Câu chuyện đặt ra vấn đề về phẩm hạnh của nghệ sỹ. Trước đây, từng có những NSND xứng đáng như NSND.Thanh Huyền, NSND. Quang Thọ, NSND. Lê Dung, NSND. Thu Hiền…. Họ là những “tượng đài” thực sự trong làng ca hát. Nhân dân ngưỡng mộ và hoàn toàn xứng đáng… So sánh sẽ khập khiễng nhưng họ là thước đo phải lấy đó để làm chuẩn mực. Nghệ sĩ và đặc biệt là ca sĩ biểu diễn giọng hát và tư cách đã “phơi bày” trước công chúng. Không thể sai mà cho là đúng dc và cũng ko thể dở mà cho thành hay được.

Đây là những trăn trở băn khoăn của cộng đồng và cũng vì lợi ích chung. Mong muốn nền nghệ thuật nước nhà ngày càng phát triển. Nếu trao danh hiệu cho những nghệ sĩ nhạt nhoà, không có cống hiến gì ra hồn, là làm tổn thương những NSND xứng đáng. Thà không có NSND, hơn là cứ trao cho có. Nghệ thuật không thể cào bằng. NSND ngoài thành tích đủ tiêu chí, còn phải là người có văn hóa, phẩm hạnh.

3. Hành lang pháp lý phải chuẩn

Bao giờ việc xét tặng NDND, NSUT “xuôi chèo mát mái”?. Cần phải nhắc lại, việc xét tặng danh hiệu nghệ sỹ hiên nay căn cứ vào Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Mới có “tuổi thọ” hơn 2 năm nhưng Nghị định đã có những “bất cập”.

Ngày 15/6/2022, Quốc hội ban hành Luật Thi đua, khen thưởng 06/2022/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Về xét tặng NSND và NSUT, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có nội dung thay đổi căn bản về đối tượng xét tặng, bổ sung đối tượng là “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật”; cụ thể người sáng tạo trong các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, múa, sân khấu, kiến trúc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn học, văn nghệ dân gian. Một số quy định về tiêu chuẩn xét tặng cũng thay đổi.

Ngoài ra, thực tế quá trình xét tặng danh hiệu NSND, NSUT thời gian qua cho thấy còn có những đối tượng hoạt động nghệ thuật cần bổ sung để bảo đảm quyền lợi của cá nhân như: Bổ sung đối tượng quay phim thể loại phim kết hợp nhiều loại hình; bổ sung cá nhân hoạt động trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch xét theo tiêu chí “trường hợp đặc biệt”; bổ sung thêm việc quy đổi giải thưởng của tác phẩm để tính thành tích cho một số thành phần tham gia trong tác phẩm để tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ.

Mặt khác, về quy trình, thủ tục xét tặng điều chỉnh cho khoa học hơn, sửa đổi một số quy định còn lặp lại; quy định của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành chưa bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như nguyên tắc xét tặng, thời gian xét tặng và công bố danh hiệu NSND, NSUT.

Điều này đặt ra yêu cầu cần xây dựng những quy định mới, phù hợp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 bổ sung và hoàn thiện những quy định hiện hành quy định tại Nghị định số 89/2014/ NĐ-CP và Nghị định số 40/2014/NĐ-CP.

Theo dự kiến (văn bản sửa đổi) đối với danh hiệu NSND bên cạnh các quy định chung, nghệ sĩ cần có ít nhất 2 giải vàng quốc gia, trong đó 01 giải vàng cá nhân hoặc có ít nhất 3 giải vàng quốc gia nếu không có giải vàng cá nhân. Một số trường hợp có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật nhưng thiếu giải thưởng sẽ trình Thủ tướng quyết định. Đối với danh hiệu NSƯT, cá nhân hoạt động nghệ thuật có ít nhất 2 giải vàng quốc gia, hoặc ít nhất 1 giải vàng quốc gia và 2 giải bạc quốc gia, hoặc 3 giải vàng quốc gia nếu không có giải vàng cá nhân.

Đối với người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật phải có tác phẩm xuất sắc, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích, có ít nhất hai tác phẩm đạt giải vàng quốc gia.

Bộ VHTTDL đã và đang tham gia vào sự nghiệp chấn hưng văn hóa. Để “chấn hưng” không thể bỏ sót nhiều tài năng nhưng cũng không quá dễ dãi, thiếu công khai minh bạch trong việc tham mưu, đề xuất danh sách xét tặng NSND, NSUT. Mấu chốt là “hành lang pháp lý” phải chuẩn.

Tác giả Ngô Đức Hành. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân Cuối tuần

Leave a Reply

Your email address will not be published.