Hoàng Minh Đức
Đầu xuân Giáp Thìn tôi được Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 Đài Tiếng nói Việt Nam gửi tặng tập Tiểu luận phê bình Văn Cao mùa chữ, mùa người do NXB Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành cuối năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao. Cuốn sách dày gần 300 trang, được chia làm ba phần, trong đó có một phần phụ bản “thơ về Văn Cao”, một phần phụ bản “Bìa và minh họa sách của Văn Cao”.
Văn Cao mùa chữ, mùa người, gồm 21 bài viết của các tác giả nổi tiếng về cuộc đời tài hoa và sự nghiệp văn học nghệ thuật của ông. Văn Cao nổi tiếng với Quốc ca Việt Nam nên phần nào âm nhạc che lấp phần thơ và tranh của ông. Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến thì Văn Cao là thiên tài với “ba con ngựa ô”: Thi ca, âm nhạc và hội họa. Nhà thơ chỉ để lại một trường ca Những người trên cửa biển và tập thơ Lá khoảng 100 trang in. Trường ca Những người trên cửa biển có thể coi là thể thơ tự do đầu tiên của văn học cách mạng.
Họa sĩ Lê Thiết Cương nói một cách hình ảnh: “Họa sĩ Văn Cao như là một quẻ, gồm 3 hào: Âm nhạc, thi ca và hội họa. 3 hào này giao hòa với nhau thành một quẻ”. Ông có nhiều đóng góp cho giai đoạn đầu tiên của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông thiết kế đồ họa, vẽ chân dung và minh họa cho nhiều tờ báo và tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, ngay dưới khói bom giặc Mỹ.
Nhà văn Đào Bá Đoàn khi đọc tập thơ Lá của Văn Cao cũng nhận xét: “Thuở Thơ Mới, Văn Cao cũng đã có thơ, không nhiều, mà từng vần trĩu nặng, như một số phận nào đó cứ ưu tư, những nỗi đời phơi xác, đẹp thì nao lòng cùng ý muốn thức tỉnh xa đâu: … Áo thế hoa rũ rượi lượn đêm trường/ Từng mỹ thể rạc hơi đèn phù thể/ Ta đi giữa đường dương thế/ Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây… ”. Hay khi phân tích bài Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Đào Bá Đoàn viết: “Văn Cao đem một chút dịu của siêu thực về một âm vực hiện thực của thời khắc bóng tối sắp sửa qua đi. Gì đó phía xa kia một khả năng của hy vọng: Mưa, mưa hằng thao thức/ Trong phố lội đìu hiu/ Mưa, mưa tràn trên vực/ Hang tối gục tiêu điều/ Mang linh hồn cô liêu/ Tiếng xe càng ám ảnh/ Tiếng xa dần xa lánh/ Khi gà đầu ô kêu”.
Đọc trường ca Những người trên cửa biển, nhà thơ Lê Anh Hoài viết, dù chưa từng làm thợ, nhưng những dòng thơ dưới đây có thể thấy Văn Cao rất hiểu và rất yêu những người thợ – những người đồng chí của mình đến mức nào: “Những bàn tay sần sùi của đồng chí thợ rèn/ Những bàn tay run run của đồng chí thợ điện/ Những bàn tay rắn chắc của côm ben/ Những bàn tay mịn màng của máy chỉ/ Ngày mai dù thiếu một hai người/ Thiếu một mùi hôi quen thuộc/…/Tay chúng tôi/ Làm thành những ngày động biển”. Nhà thơ đã hòa vào cuộc sống của nhân dân. Ông đã xem Hải Phòng nơi ông từng sinh ra, lớn lên là hình ảnh thu hẹp của đất nước Việt Nam.
Dù sau giai đoạn 1956, cái tôi nghệ sĩ, cái tôi công dân khiến ông gặp nhiều trắc trở, ngừng viết thơ, nhạc và cả hội họa một thời gian dài, nhưng rồi lịch sử công bằng, năm 1996, sau khi qua đời một năm, Văn Cao được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng và giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I.
Đặc biệt nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng, Phó Trưởng Ban Thời Nay, báo Nhân Dân, viết khá chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà thơ Văn Cao. Trong bài “Văn Cao ở giữa hôm nay”, Nguyễn Quang Hưng viết: “Văn Cao viết, trong Những người trên cửa biển từ nửa thế kỷ trước, ông nhận diện những kẻ thù của chế độ mới: Trong những ngày khó khăn chồng chất/ Kẻ thù của chúng ta xuất hiện/ Những con rồng đất khi đỏ khi xanh/ Lẩn trong hàng ngũ/ Những con bói cá/ Đậu trên những chiếc dây buồm/ Đang đo mực nước/ Những con bạch tuộc/ Bao nhiêu tay dìm chết một con người”. Ngày nay nhìn lại những vụ tham nhũng xuất hiện trong xã hội mới thấy ông tiên đoán thật là tài tình.
Trong những ngày đầu của cách mạng ông từng làm đội trưởng Đội danh dự Việt Minh, cùng đồng đội khống chế, cảm hóa được nhiều người làm chỉ điểm cho hiến binh Nhật trở về với nhân dân. Ông đã chỉ huy vụ ám sát Võ Văn Cầm, tên cầm đầu tổ chức phản động Thanh niên Đại Việt. Ông trực tiếp trừ khử Đỗ Đức Phin, một tên chỉ điểm cực kì nguy hiểm, tay sai của Nhật. Ông có nhiều công lao cống hiến cho lực lượng công an. Đặc biệt năm 1947, ông được giao nhiệm vụ kết nghĩa với vua Mèo để chống quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng tràn sang biên giới nước ta.
Năm 1956, ông bị tai nạn trong vụ Nhân Văn- Giai Phẩm. Xuân Diệu là người được phân công “đánh” Văn Cao, nhưng chính Xuân Diệu lại bênh vực bài thơ Những giọt mưa đồng hành khi ngồi cùng ban chung khảo. Bài thơ được dịch ra tiếng Nga và đăng trên tạp chí Thế giới mới. Năm 1985, khi Xuân Diệu mất, Văn Cao đã yêu cầu Nguyễn Quang Hưng “đèo” trên chiếc xe đạp cà tàng, đưa ông đến thắp hương trước linh cữu Xuân Diệu.
Đặc biệt bài “Văn Cao hôm qua và hôm nay” của nhà văn, nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng đã phổ quát vị thế của nhà thơ Văn Cao trên văn đàn Việt Nam hiện đại. Thiên tài Văn Cao có tên trong nhiều công trình nghiên cứu của nhiều nhà phê bình văn học. Ông đã “phải lòng đất nước, con người Việt Nam” khi mới mười sáu tuổi. Ông trình làng văn qua những bài thơ đượm buồn. Ông đã “đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ, đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim”. Ông là một người yêu tiếng mẹ đẻ – văn hóa nhà văn.
Nhà lý luận phê bình văn học Phạm Xuân Thách thì khẳng định Văn Cao là “Người tiên tri cách mạng”. Cách mạng còn trong trứng nước ông đã viết bộ ba Chiến sĩ Việt Nam, Không quân Việt Nam và Hải quân Việt Nam. Một ước mơ mà phải gần hai chục năm sau mới thành hiện thực. Trường ca sông Lô, sáng tác năm 1948, mùa thu xuất hiện ngay đầu từ bản nhạc với âm hưởng khoáng đạt bay bổng, nhịp điệu nhanh dần càng ngày càng tươi vui. Sau khoảng im lặng kéo dài hơn hai mươi năm, năm 1976, Văn Cao viết tuyệt tác cuối cùng của cuộc đời mình: Mùa xuân đầu tiên. Văn Cao đã tìm cho mình một góc thăng hoa sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mừng đất nước thống nhất. Một mong muốn khép lại chiến tranh mà ông mô tả trong Tiến quân ca. Ông là người tiên tri cách mạng với những đường nét đi trước thời đại hàng chục năm.
Trong bài “Nghệ sĩ thiên tài Văn Cao ‘Vì nhân dân chiến đấu không ngừng’”, nhà lí luận phê bình Nguyễn Văn Sơn đã trích dẫn di cảo của Giáo sư Phạm Đức Dương có đề cập đến sự kiện Giáo sư Trần Văn Giàu nói với Phạm Đức Dương: “500 năm sau, khi nói về thế kỷ hai mươi, người ta sẽ chỉ nhắc nhiều nhất đến ba nhân vật vĩ đại, đó là: Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Văn Cao”. Ngày 13/8/1945, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác trực tiếp chữa vài ca từ cho phù hợp với tinh thần văn hiến, nhân văn của tâm hồn văn hóa Việt Nam. Cả cuộc đời Văn Cao đã cống hiến cho một lý tưởng nhân văn cao đẹp “Vì nhân dân chiến đấu không ngừng”.
Trong tập Văn Cao mùa chữ, mùa người, chúng ta còn bắt gặp nhiều bài viết như “Dòng sông Lô…trôi” của nhà thơ Nguyễn Thành Phong; “Thơ ‘chấn thương’ của Văn Cao” của nhà lý luận phê bình văn học Văn Giá; “Những bước ngoặt trong tư duy thơ Văn Cao” của Thiên Sơn; “Văn Cao – đốt nghìn kinh chưa thắp sáng cuộc đời” của Nguyễn Thanh Tâm; “Văn Cao hôm qua và hôm nay” của Bùi Việt Thắng; “Văn Cao, một đường thơ” của Phùng Gia Thế… cùng nhiều tác giả khác.
Trong phần phụ bản, tập hợp các bài thơ của những nhà thơ mến mộ ông như Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy, Nguyễn Thụy Khoa, Hoàng Hưng…. Đó là những bài gan ruột chân thành và nhớ tiếc một tài năng có một không hai trong lịch sử văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Trong phần phụ bản Bìa và minh họa sách của Văn Cao có in 23 bức tranh chọn lọc. Trong đó có bìa cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng và tuyển tập thơ Victor Hugo.
Với những đóng góp của Nhạc sĩ Văn Cao cho sự nghiệp cách mạng, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc Lập và nhiều Huân chương cao quý khác. Tên ông đã được đặt cho nhiều con đường trong nước.