Nguyễn Đước
Ông bà ngoại tôi ở thị trấn Thi Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) có tất thảy 4 người con, là các dì, cậu và má tôi. Má tôi là con út, lại đi lấy chồng xa ở tuốt tận ngoài thị xã Quảng Ngãi (bây giờ là TP. Quảng Ngãi), cách quê ông bà ngoại hơn 20 cây số, hồi đó lại nghèo khó, bần hàn nên có thể nói bao nhiêu tình yêu thương các dì và cậu tôi đều dành hết cho má.
Má kể, bà ngoại mất năm má tôi 3 tuổi vì bạo bệnh, ông ngoại mất năm má mới 13 tuổi, có lẽ vì vậy mà tình yêu thương của các dì và cậu dành cho má sâu đậm, nhiều hơn có lẽ vì má sớm thiếu vắng “hơi ấm” của ông bà ngoại từ khi còn nhỏ.
Tôi nhớ, thời “bao cấp” của những năm thập niên 80 thế kỷ trước, hồi đó mấy dì và cậu tôi ở trong quê ai cũng còn nhiều nghèo khó, lam lũ. Nói tiếng là lấy chồng, là ba tôi về thị xã Quảng Ngãi sinh sống nhưng má tôi lại nghèo khó và vất vả nhất trong số mấy dì và cậu. Có lẽ vì cuộc sống nghèo khó, lam lũ và để kiếm tiền nuôi bầy con đông là mấy chị em tôi nên má ít về thăm quê. Mỗi năm má về quê đôi ba lần, nhất là trong những lần làm đám giỗ ông bà ngoại tôi và trong những dịp tết nhứt.
Có nhiều lúc vì nhớ thương má tôi, thương cuộc sống má tôi lam lũ, nghèo khó, mấy dì và cậu tôi thường lọ mọ đón xe lam hay đạp xe đạp từ trong quê nhà ra tận ngoài thị xã để thăm má vì nhớ thương. Hồi đó tôi nhớ mỗi lần ra thăm má tôi mấy dì thường mang theo những túi quà quê, nào là gạo, lúa, bắp, rau củ trồng trong vườn nhà nói là mang ra cho má để dành ăn vì sợ má tôi thiếu thốn.
Có khi nhớ thương má tôi cậu Sáu lại lọ mọ đạp chiếc xe đạp cà tàng, cọc cạch từ trong quê nhà “liêu xiêu” ra ngoài thị xã hơn 20 cây số để thăm má vì “Tao nhớ con An không chịu nổi”, (má tôi tên An) hay “Tao ra ngoài thị xã thăm cuộc sống nó ra sao mà dạo này thấy nó ít về thăm quê…”
Có lần má nói với tôi là má thương cậu Sáu nhất nhà. Má kể, năm má 13 tuổi ông ngoại mất, các dì tôi đều đã có gia đình, ra riêng, cuộc sống còn nhiều nghèo khó, bần hàn, các dì còn phải lo cho chồng cho con. Ngôi nhà ông bà ngoại để lại chỉ còn má và cậu tôi ở. Cũng từ lúc đó má bắt đầu “tự lập”. Năm 13 tuổi má đã gánh gạo ra chợ buôn bán để kiếm tiền về nuôi cậu tôi.
Hồi nhỏ khi còn sinh sống ở quê nhà, tôi nhớ, hễ mỗi lần cậu Sáu tôi lọ mọ, dáng “liêu xiêu” đạp chiếc xe đạp cọc cạch từ trong quê nhà ra thăm má, nhìn thấy cậu là má ứa nước mắt. Thường cậu ra thăm má chiều lại về, ít khi nào ở lại. Mỗi lần cậu về má lại mua mấy con cá, chút thịt heo rồi dấm dúi, nhét vào túi cậu thêm chút tiền bảo cậu để dành mà ăn sáng, giữ gìn sức khỏe, đừng có uống nhiều rượu nữa vì cậu tôi có thói quen hay uống rượu gạo mỗi ngày. Cậu cầm tay má tôi mà ứa nước mắt vì thương má “một đời nắng mưa”, nghèo khó, lam lũ.
Hơn hai mươi năm về trước, cả gia đình cậu Sáu tôi bất ngờ bán hết nhà cửa, đất đai, vườn tược của ông bà ngoại để lại cho người quen rồi vợ chồng, con cái cậu chuyển hết vào Sài Gòn sinh sống, lập nghiệp. Má tôi và mấy dì hay tin mà “rụng rời” tay chân. Má buồn và giận cậu Sáu tôi nhiều lắm vì ngôi nhà ba gian cùng mảnh vườn rộng có nhiều hoa trái của ông bà ngoại để lại là nơi chắt chiu, lưu giữ nhiều kỷ niệm về ông bà ngoại và cả tuổi thơ đầy gian khó của má và mấy dì, vậy mà cậu nỡ bán mà không hỏi ý kiến má và mấy dì rồi lặng lẽ rời bỏ quê hương, xứ sở.
Cậu Sáu tôi mất đột ngột ở Sài Gòn. Những hờn trách cậu trước đây đều tan biến. Hay tin cậu mất, má và mấy dì lật đật bắt xe vào tận Sài Gòn để tang cho cậu. Đây cũng là lần đầu tiên má tôi đặt chân vào Sài Gòn vì cậu mất. Má tôi khóc rất nhiều khi nghe người thân, con cháu của cậu nói lại câu nhớ thương má đến nhường nào. Những ngày cuối đời sắp mất cậu Sáu hay nhắc tên má tôi mỗi ngày rồi cậu bảo người nhà đưa cậu về quê hương để thăm quê, thăm má tôi vì “Tao nhớ con An”.
Có lần má nói với tôi giận cậu một nhưng thương cậu mười. Giận thì có giận nhưng là tình thâm, máu mủ ruột rà, “máu trên nhỏ máu dưới”, tình thương của má hồi đó dành cho cậu kể sao cho hết. “Gà cùng một mẹ”, bỏ mặt cậu sao cho đành.
Cậu Sáu mất, chỉ còn lại má và hai dì nên bao nhiêu tình thương mấy dì và má đều dành hết cho nhau. Rảnh rỗi, mấy chị em tôi thường chở má về thăm quê nhiều hơn. Mấy dì cũng thường xuyên ra “thị xã” thăm má nhiều hơn.
Má kể, hồi đó cũng vì nhà nghèo khó quá, ông bà ngoại tôi lại mất sớm, dì Năm lại là chị cả trong gia đình, phải quán xuyến chăm lo cho mấy em là cậu và má tôi nên dì không được đi học, không biết chữ nên giờ nghĩ lại má thương gì Năm tôi nhiều lắm. Năm 2021, dì Năm tôi mất do bạo bệnh giữa tâm điểm của đại dịch nên con cháu không thể về chịu tang dì. Trước phút lâm chung, dì lại nhắn gửi bảo với con cháu ra ngoài thị xã nhắn má tôi về quê để dì thăm, để dì nắm tay má vì nhớ thương má. Má tôi hay tin dì nhắn gửi, lật đật chạy về quê nhà, dì nắm chặt tay má, hai dòng nước mắt ứa ra mà không thể nói được điều gì…
Má tôi thường hay tự hào rồi bảo với mấy chị em tôi, hồi đó ông bà ngoại tôi tuy nghèo khó, cuộc sống hồi đó của má và mấy dì cũng còn nghèo khó, vất vả, lam lũ và cho đến tận bây giờ dù cuộc sống đã khấm khá, đủ đầy, thế nhưng tình yêu thương, sự quan tâm của má và mấy dì và cậu dành cho nhau nhau chưa bao giờ cạn vơi. Càng nghèo khó, lam lũ, mấy dì và má lại càng thương yêu nhau hơn bao giờ hết bởi đó là máu mủ, tình thâm. Má cảm thấy hạnh phúc và thật có phước báu vì đều đó.
Mấy chị em tôi thường lấy tấm gương, đức hy sinh vì gia đình, vì chồng con của má, lấy tình cảm yêu thương của má và mấy dì và cậu dành cho nhau để làm bài học đạo hiếu trong cuộc sống gia đình.