Trần Quỳnh Hoa
Chiều 15/6/2024, tại ĐH Quốc Gia Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục (CLEF) đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Hợp tác văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục Việt – Nga: Thách thức và triển vọng”. Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ và bàn luận về các vấn đề thiết thực trong lĩnh vực hợp tác Việt – Nga, đặc biệt là về mặt giáo dục và dịch thuật.
PGS. TS Ngô Minh Thủy cho biết, về tình hình học tập và giảng dạy tiếng Nga hiện nay, tiếng Nga được dạy tại 25 cơ sở giáo dục đại học và 11 trường phổ thông ở Việt Nam (theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2021). Năm 2021, theo thống kê có 5000 học sinh và sinh viên học tiếng Nga, và khoảng 200 giáo viên và giảng viên dạy tiếng Nga. Con số này khá khiêm tốn so với số lượng người theo học các ngôn ngữ khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, tiếng Pháp… Số liệu thống kê cùng năm 2021 cho thấy có 169582 học sinh sinh viên học tiếng Nhật, hơn 50000 học sinh sinh viên học tiếng Hàn, 38000 học sinh sinh viên học tiếng Pháp… Việc giao lưu văn hóa giáo dục phụ thuộc rất nhiều vào số lượng người sử dụng được ngoại ngữ. Vì vậy, có thể nói rằng việc giao lưu văn hóa giáo dục nói chung giữa Việt – Nga đang gặp nhiều khó khăn so với các nước khác.
Đồng ý với ý kiến của PGS. TS Ngô Minh Thủy, nhà giáo – dịch giả Lê Đức Mẫn cho rằng hiện nay hoạt động dịch thuật Việt – Nga đang gặp khó vì nước Nga rơi vào chiến tranh từ năm 2022. Nền dịch thuật tiếng Nga – Việt bắt đầu từ những năm 1960 khi lớp sinh viên đầu tiên du học ở Nga trở về và hợp tác cùng những sinh viên tốt nghiệp các khóa tiếng Nga đầu tiên ở trong nước để bắt tay vào dịch tác phẩm tiếng Nga. Nước Liên Xô khi ấy đã hỗ trợ chúng ta rất nhiều về công việc dịch thuật, thông qua việc thành lập nhà xuất bản Cầu Vồng giúp in ấn hàng nghìn bản sau khi nhận được bản thảo từ các tác giả Việt Nam. Việc này gián đoạn vào năm 1990 khi Liên Xô sụp đổ rồi lại được khôi phục vào năm 2012 khi chính phủ Nga quyết định để một nhà xuất bản khác hỗ trợ hoạt động dịch thuật Nga – Việt. Đáng tiếc là từ năm 2022, nước Nga rơi vào chiến tranh nên các hoạt động này đã bị ngừng lại cho đến thời điểm hiện tại.
Các diễn giả tiếp theo đã chia sẻ nhiều kỷ niệm và tình cảm với nước Nga. PGS. TSKH. Trịnh Thị Kim Ngọc, từng được học ở Nga, thấy rằng hai nền văn hóa Nga – Việt tuy khác nhau về mặt hàn lâm, nhưng trên thực tế lại rất gần gũi với nhau về mặt nhân sinh quan. Bà đã học được rất nhiều từ người Nga, đặc biệt là tính kỷ luật, trách nhiệm trong công việc và tinh thần lao động không mệt mỏi. PGS. GVCC. NGUT Nguyễn Hải Thanh bày tỏ tình yêu tha thiết với các bài hát tiếng Nga và niềm say mê dịch các bài hát tiếng Nga sang tiếng Việt. Ông thấy rằng phần lớn các bài hát Nga ông dịch có phần lời là những bài thơ được viết bởi các nhà thơ Nga, đây là điều rất đặc biệt. Ngoài ra, ông cảm thấy có một sự đồng cảm lớn giữa tâm hồn Nga và tâm hồn Việt qua các bài hát tiếng Nga.
Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, mong rằng Viện Nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục (CLEF), các nhà giáo dục, nghiên cứu, dịch giả… và những người yêu văn hóa Nga sẽ tiếp tục tìm kiếm những cách thức mới để gìn giữ và phát triển những thành quả hợp tác cùng dấu ấn giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và đất nước quê hương của đại thi hào Pushkin.