Đặng Hùng (Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nạm)
“Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Giáp Tý, năm Kỷ Mùi, hiệu Thiệu Long thứ 7 (1264), mùa xuân, tháng giêng, Thái sư Trần Thủ Độ chết (71 tuổi), truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương. Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tôn lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhớ cậy, quyền hơn cả vua… Thủ Độ tuy làm Tể tướng mà phàm công việc không việc gì là không để ý. Vì thế mà giúp nên nghiệp vương, giữ được tiếng tốt cho đến khi chết. Thái Tôn có làm bài văn bia ở sinh từ để tỏ lòng quý mến khác người”. Vai trò “rường cột” của Trần Thủ Độ với Vương triều Trần còn được thể hiện rất rõ khi quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ nhất (năm Mậu Ngọ 1258). Trước thế mạnh giặc như chẻ tre, phá vỡ các tuyến phòng thủ của quân dân Đại Việt, “Vua Trần Thái Tông bèn rời thuyền đến hỏi Thái sư Thủ Độ, Thủ Độ trả lời: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất thì bệ hạ không cần lo ngại gì cả”.
Vì sao Trần Thủ Độ “đạo diễn” việc “nhường ngôi” từ “tay” vua Lý Chiêu Hoàng sang cho Trần Cảnh (vua Trần Thái Tôn) một cách “hòa bình” như vậy?
Có nhiều cách lý giải: Người thì cho rằng: Vương triều Lý từ thời Lý Cao Tông đến Lý Huệ Tôn đã quá suy yếu, không thể đảm đương nổi sứ mệnh lịch sử đã giành cho nhà Lý là xây dựng quốc gia Đại Việt vững mạnh cả về kinh tế, chính trị. Thời điểm này, trong nước giặc cướp nổi lên như nấm, đời sống nhân dân cực khổ, vua quan chỉ đua nhau ăn chơi, bòn rút của dân, xây cung điện, chùa chiền tràn lan… Bên ngoài thì giặc Nguyên đang lăm le tràn xuống phương Nam, thế nước như ngàn cân treo sợi tóc. Đến đời vua Lý Chiêu Hoàng thì quyền bính trong nước “lọt” cả về tay Trần Thủ Độ và Trần Thừa.
Lại có giả thuyết: Nhà Trần “được nước” là nhờ Trần Thị Dung lấy Thái tử Sảm (vua Huệ Tôn), vì lẽ đó mà người họ Trần được đưa vào triều Lý, rồi khi thời cơ đến thì nhanh chóng đoạt ngôi bằng việc “vua bà” nhường ngôi cho chồng. Những người theo thuyết Duy tâm thì tin vào lời sấm truyền ở hương Cổ Pháp (Bắc Ninh), cho rằng nhà Lý chỉ tồn tại được tám đời (từ vua Lý Công Uẩn đến Lý Chiêu Hoàng).
Người xưa nói: “Có bột mới gột nên hồ”, “Có thực mới vực được đạo”. Nếu cứ theo “Đại Việt sử ký toàn thư” thì Trần Thủ Độ xuất hiện ở vương triều Lý rất muộn, vào năm Giáp Thân (1224) với chức vụ Điện tiền chỉ huy sứ, lãnh các quân Điện tiền mà hộ vệ cấm đình”.
Nhưng theo sách “Việt sử lược” viết: “Năm Giáp Tuất, hiệu Kiến Gia thứ 4 (1214), tháng giêng, Chương Thành hầu Trần Tự Khánh chia ra hai đường thủy bộ. Trần Thủ Đạt (Độ), Trần Hiếu Sâm đánh bên hữu ngạn sông Lô (sông Hồng)…”
Nếu đúng như vậy thì Trần Thủ Độ xuất hiện trên chính trường vào năm 1214 mà người chỉ huy là Trần Tự Khánh. Thực tế tình hình chính trị của Vương triều Lý thời Lý Huệ Tông: “Vua thì ở tít trong cung, giặc cướp bừa bãi, nhân dân ở ngoài thành lưu li cực khổ lắm”…
Con chim đại bàng bay được là nhờ chín trụ xương, nếu không có những anh hùng vô danh trong dòng tộc họ Trần đi tiên phong trước khi Trần Thủ Độ xuất hiện, liệu sau này có sự kiện Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh hay không? Đấy là chưa kể những tôn thất nhà Lý và họ hàng vây cánh của Đàm Thị (Đàm Thái hậu), Đàm Dĩ Mông, họ đâu dễ chấp nhận việc nhường ngôi từ triều Lý sang triều Trần một cách dễ dàng như lịch sử đã ghi nhận. Vậy người “đặt nền móng” cho dòng tộc họ Trần bước vào chính trường và thâu tóm quyền lực của nhà Lý vào tay nhà Trần là ai?…
Có giả thuyết cho rằng người khởi đầu cho sự kiện này là Trần Lý và Trần Thị Dung; Vì nhờ có Trần Lý đem quân “rước” Thái tử Sảm (vua Lý Huệ Tông sau này) về Lưu Gia (nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) vào năm Kỷ Tỵ (1209). Sau đó Thái tử Sảm gặp Trần Thị Dung (con gái Trần Lý) và lấy làm vợ. “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi rõ: “Thái tử lấy con gái của Trần Lý, trao cho Lý tước Minh Tự, trao cho cậu người con gái ấy là Tô Trung Từ, làm Điện tiền Chỉ huy sứ”. Năm Tân Mùi (1211), Trần Thị Dung được Phạm Bố (theo lệnh của Lý Huệ Tôn) đón vào cung và lập làm Nguyên phi. Nhưng suốt từ năm 1211 cho tới cuối năm 1216 (trước khi được Vương Lê theo lệnh Trần Tự Khánh đem thuyền tới đón vua và Trần Thị Dung về quân doanh của Trần Tự Khánh) thì Trần Thị Dung luôn bị Thái hậu Đàm Thị dèm pha, cô lập và thậm chí “Thái hậu bỏ thuốc độc vào món ăn uống của phu nhân” (tức Trần Thị Dung). Tất nhiên chúng ta không phủ nhận công lao to lớn của Trần Thị Dung đối với nhà Trần. Nhưng thử hỏi liệu lúc đó (1211-1224), bà đã có đủ điều kiện để cảm hóa các tướng lĩnh và khôi phục được nhân tâm quy tụ về với họ Trần được không?
Vậy! Phải chăng người “xây nền đắp móng”, tạo đà cho tộc họ Trần làm nên nghiệp vương sau này là Trần Tự Khánh?
Trần Tự Khánh là con thứ hai của Trần Lý (em ruột của Trần Thừa và là chú của Trần Cảnh – vua Trần Thái Tôn). Trần Lý là người đầu tiên trong tộc họ Trần ở Lưu Xá được nhận tước phong của vua Lý (Minh Tự). Nhưng năm 1210, Trần Lý bị bọn giặc khác giết, con thứ là Trần Tự Khánh thay cha coi chúng đảng. Như vậy, Trần Lý chỉ giữ chức quan của triều đình nhà Lý được một năm, mặc dầu có lực lượng “chúng đảng” dưới quyền thì ông cũng chưa đủ điều kiện về thời gian để thâu tóm quyền lực của vương triều họ Lý.
Sau khi đón Trần Thị Dung về cung, tháng Hai năm Tân Mùi (1211), vua Lý Huệ Tôn “cho Tô Trung Từ làm thái úy phụ chính… Trần Tự Khánh làm Chương thành hầu”.
Trong chính sử (“Đại Việt sử ký toàn thư”) không ghi rõ năm sinh mà chỉ ghi năm mất của Trần Tự Khánh. Theo một số nguồn tư liệu thần tích, thần phả ở những đền miếu thờ ông, thì Trần Tự Khánh sinh khoảng năm 1185-1186 ở làng Lưu Xá (nay là xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình). Ông mất năm Quý Mùi (1223), thọ 37 tuổi.
Về cuộc đời và sự nghiệp của Trần Tự Khánh, chính sử chép rất ngắn gọn, nhưng cũng giúp chúng ta hiểu được phần nào về ông, một con người tài ba thao lược, có hùng tâm và chí khí hơn người cùng thời. Khi Trần Lý mất (1210), Trần Tự Khánh mới 25 tuổi nhưng ông đã thay cha cai quản trang ấp, củng cố đội hương binh, góp sức trong việc đưa thái tử Sảm lên ngôi vua (Lý Huệ Tôn).
Tìm hiểu về ông qua các tư liệu lịch sử, điền dã, thần phả, thần tích, chúng tôi thấy Trần Tự Khánh đã quy tụ được những nhân sĩ thời đó về với mình. Đó là: Phùng Tá Thang, Phùng Tá Chu, Phạm Đình Ân, Hoàng Đường, Nguyễn Nộn, tướng quân Phan Lân… Chính sử trong nước viết về ông rất ít, nhưng sách “Việt sử lược” lại cung cấp cho chúng ta rất nhiều tư liệu về Trần Tự Khánh và vai trò của ông đối với vua Lý Huệ Tôn và dòng họ Trần.
Sách “Việt sử lược” chép rõ từ năm 1211 đến năm 1223, chỉ với 12 năm làm quan cho triều đình nhà Lý, Trần Tự Khánh đã để lại dấu ấn rõ nét về một con người tài đức và có tính quyết đoán, cương quyết, vượt trội hơn so với những người đương thời.
Không chỉ là chính khách có tài mà Trần Tự Khánh còn là một nhà quân sự cầm quân đầy thao lược. Ngay sau khi được vua Lý Huệ Tôn phong chức thái úy phụ chính, Tự Khánh cùng với thượng tướng Phan Lân xếp đặt quân ngũ, chế binh khí, luyện tập võ nghệ, quân thế dần dần phấn chấn. Biết Nguyễn Nộn là người có tài nhưng đang bị giam cầm, Tự Khánh tâu vua xin tha cho Nguyễn Nộn, bắt đi đánh giặc để chuộc tội.
Theo “Việt sử lược” thì “Tự Khánh cho Nguyễn Nộn làm tướng, gả con gái của dì mình cho Nguyễn Nộn”.
Là người có tầm nhìn xa trông rộng, khi thấy lực lượng của Đoàn Thượng ở Lộ Hồng còn mạnh, Trần Tự Khánh tìm mọi cách lôi kéo các lực lượng cát cứ khác để gây thanh thế cho mình.
Hơn ai hết, Trần Tự Khánh hiểu rõ muốn dẹp được loạn cát cứ thì không gì bằng phải thu phục được lòng người. Ông đã dẹp yên được nạn cát cứ ở các địa phương trong nước, như đem lính đánh Đình Cảm là người của Ma Lôi (Lộ Hồng)… “Mùa đông, tháng 10 (1211), đánh Đội Sơn (Duy Tiên, Hà Nam). Tháng 3 (1211), Tự Khánh đánh châu Quốc Oai bằng được. Mùa hạ, tháng 4, tướng quân Cam Giá Sơn Tây là Phạm Cự làm phản. Tự Khánh bắt về giam. Tháng 3 (1215), Tự Khánh đánh Hương Khoái. Nguyễn Đường (thủ lĩnh) cùng con là Thổ ra hàng. Tháng 5 (1215), gả em gái Trần Tam Nương cho Đường… Tháng Trọng Hạ (1217), người Hồng là Đoàn Thượng cùng binh chúng ra hàng, vua Lý Huệ Tông phong tước vương… Mùa đông, tháng chạp, năm Kỷ Mão, hiệu Kiến Gia năm thứ 9 (1219), Nguyễn Nộn bị bệnh nặng, Thái úy đem quân về bến Triều Đông thì Nộn đã chết. Bắc Giang được bình…” (Sđd).
Năm 1223, tháng Chạp, ngày Kỷ Mão, phụ quốc Thái úy, Trần Tự Khánh mất ở nhà riêng tại Phù Liệt. Vua cùng Thái Hậu đến viếng khóc rất thương xót, đặt tên thụy là “Kiến Quốc Vương”.
Về quân sự thì Trần Tự Khánh xứng đáng được coi là một vị tướng có tài đánh đông, dẹp bắc. Trước sự suy yếu bất lực của vua Lý Huệ Tông, chính sự trong nước đều do Trần Tự Khánh quyết định: “Vua có bệnh trúng phong chữa thuốc không khỏi, chưa có thái tử, trong cung chỉ sinh công chúa mà thôi. Đinh Sửu năm thứ 7 (1217), tháng 3 vua dần phát chứng điên, chính sự không biết đến, giao phó cho Trần Tự Khánh, quyền lớn trong nước dần dần về tay người khác”.
Như vậy đã rõ, ngay từ cuối năm 1216 – 1218, Trần Tự Khánh đã thâu tóm chính sự của triều Lý về tay mình.
Từ những sự kiện dẫn chứng trên đã giúp chúng ta hiểu được thực tế tình hình triều Lý Huệ Tôn, trong khi đất nước loạn ly, vua quan chỉ đua nhau đục khoét của dân, nạn cát cứ trộm cướp tràn lan, khiến cho nhân dân lầm than thì một người có tài năng và tham vọng lớn như Trần Tự Khánh không thể khoanh tay, rũ áo đứng nhìn thời cuộc một cách thờ ơ được. Chắc hẳn cách nhìn về tương lai và dòng tộc của Trần Tự Khánh dần thay đổi theo thời cuộc. Chúng ta có thể hiểu được sự thay đổi đó của Trần Tự Khánh qua nhiều bước, nhiều giai đoạn gắn liền tình hình chính trị trong nước thời kỳ đó.
Ở giai đoạn từ 1211 – 1215, Trần Tự Khánh vẫn bị vua và triều đình nghi ngờ. Biết rõ điều đó, nhưng vì em gái (Trần Thị Dung) còn ở cạnh nhà vua và hiểu rằng thời cơ chưa đến với ông, Trần Tự Khánh luôn tìm mọi cách xoa dịu sự nghi ngờ của triều đình đối với mình. Biết tin vua và thái hậu lại định đi Lạng Châu (lần thứ 2), “Tự Khánh bèn cắt tóc, sai người đem dâng vua và nói rõ ý của mình rằng: “Thần thấy bọn tiểu nhân ở cạnh bệ hạ, lấn át người trung lương, bưng bít mắt bệ hạ, dân tình uất ức không thấu được lên trên cho nên nhân lòng giận dữ của người trong nước, thần khởi binh dẹp lũ đó, cắt trừ gốc họa để yên lòng dân mà thôi… xin bệ hạ nguôi cơn giận dữ, quay xá giá về kinh sư để thỏa lòng mong muốn… Vua không nghe lời”. Vua Lý Huệ Tông đọc thư của Trần Tự Khánh đã muốn quay về kinh nhưng lại bị Tín Dực (quan Thái phó) dèm pha Tự Khánh. Đàm Thái hậu cũng không đồng ý quay về kinh sư vì sẵn lòng nghi ngờ Tự Khánh, nên: “Nhà vua và thái hậu lên thuyền ngự đến núi Tam Chĩ (thuộc Lạng Châu) ở lại nhà Hoàng Ngũ”(3).
Như vậy, dù hết sức tỏ lòng trung với triều đình nhưng Trần Tự Khánh luôn bị thái hậu nghi ngờ, các quan lại xung quanh vua đặt điều cho rằng Tự Khánh là kẻ phản nghịch. Còn Lý Huệ Tôn dù không muốn tin vào những lời tấu trình của quần thần thì cũng phải tin. Chính vì thế, Lý Huệ Tôn nhiều lần hạ chiếu đánh Trần Tự Khánh. Mặt khác, do lực lượng của Trần Tự Khánh lúc đó quá mạnh, ông lại quy tụ được nhiều người tài nên đó cũng là cái cớ để triều đình không tin vào lòng trung của ông. Thực tế, ít nhất cũng ba lần Trần Tự Khánh đem quân chống lại nhà vua. Về vấn đề này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rất sơ sài và chỉ nói tới việc “Trần Tự Khánh thân đem quân tới xin tạ tội lại xin đón xa giá. Vua lại càng nghi ngờ bàn với thái hậu và ngự nữ (Trần Thị Dung) chạy sang Trí Sơn ở Châu Lạng”, nhưng “Việt sử lược” giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Trần Tự Khánh và tham vọng của ông: “Ngày Tân Dậu, tháng giêng, năm Quý Dậu (1213), Tự Khánh dẫn quân về bến Đại Thông… Ngày Nhâm Tuất cùng tháng Giêng năm đó, vua sai Thái úy Đàm Dĩ Mông và Hồng hầu Đoàn Thượng tới hội. Vua sai Thượng và Mông đi đánh Tự Khánh ở Mễ Sở… Mùa hạ, tháng 4, vua sai Dĩ Mông đi Tĩnh Châu lấy các quân Tam Đái Giang để đánh Tự Khánh”. (2)
Thất vọng vì việc vua không tin mình mà bỏ chạy lên Lạng Châu (sau đó Lý Huệ Tông lại về Nam Sách, Hải Dương với Đoàn Thượng), nên “ngày Mậu Thân, tháng 2 (1214), Chương Thành Hầu Tự Khánh triệu tập các vương và bách quan bàn việc cải lập (thay vua)… Sai người đón con vua Anh Tông (1137 – 1175) là Huệ Văn Vương đến Hạc Kiều lập làm vua. Ngày hôm đó bắt bọn Đàm Kinh Bang người nhà Thái hậu đều trói bằng dây thép đem giam. Ngày Quý Hợi, họp người trong nước tế ở sân Long Trì. Tháng 3 năm Giáp Tuất (1214), Huệ Văn Vương lên ngôi ở điện Đại An, cải nguyên là Càn Ninh, hiệu là Nguyễn Vương” (1). Rõ ràng Tự Khánh đã công khai ý đồ chống lại vua Lý Huệ Tông và Đàm Thái hậu. Điều đó khẳng định lực lượng quân đội của ông rất mạnh. “Tự Khánh phát binh cướp lấy vàng bạc, đồ vật của kho rồi đón Nguyễn Vương về hành cung Lý Nhân (nay thuộc tỉnh Hà Nam), sai Lại Ninh đốt các cung thất ở kinh đô đến 19 nơi” (2). Hơn ai hết, Tự Khánh biết rằng thời cơ chưa đến với mình và dòng tộc họ Trần, vì thế, ông không cướp ngôi nhà Lý mà chỉ “dựng lên” một ông vua bù nhìn là Huệ Văn Vương để dễ bề hành động. Phải chăng vì những việc đó mà nội bộ tướng lĩnh của ông đã nảy sinh bất đồng, như: “Mùa hạ, tháng 4 (1214), tướng quân Cam Giá (Tây Sơn) là Phan Cụ làm phản… Tướng của Tự Khánh là Phan Lân định cử binh làm nội ứng với Nguyễn Nộn, mưu mô bị tiết lộ, Tự Khánh đem chém ở Đại Thông”.
Nắm lấy cơ hội đó, vua Lý Huệ Tông và Thái hậu Đàm Thị đã liên kết với Nguyễn Nộn để chống lại Trần Tự Khánh: “Ngày Bính Ngọ, tháng 6 (1214), vua cùng thái hậu từ Nam Sách về Thái Thất. Ngày hôm đó cho tướng quân đạo Bắc Giang là Nguyễn Nộn tước hầu. Mùa thu, tháng 7, ngày Mậu Thìn, vua xuống chiếu đắp lũy từ cửa thành Vạn Xuân đến chợ Cái để phòng ngự Tự Khánh”(1).
Năm Bính Tý, hiệu Kiến Gia năm thứ 6 (1216), biết rằng không thể tiêu diệt được Trần Tự Khánh và cũng vì Thái hậu Đàm Thị nhiều lần định giết Trần Thị Dung nên Lý Huệ Tôn đã cùng Trần Thị Dung theo về với Trần Tự Khánh. “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Thái hậu Đàm Thị cho Trần Tự Khánh là phản trắc, thường trỏ phu nhân là bè đảng của giặc, bảo vua đuổi bỏ đi, lại sai người nói phu nhân bảo tự giải quyết lấy.Vua mới ngăn lại…. đến đêm cùng với phu nhân lẻn đi đến quân của Tự Khánh… Gặp tướng của Tự Khánh là Vương Lê đem binh thuyền đến đón. Vua mới đỗ lại ở bãi Cửu Liên truyền cho Tự Khánh đến chầu. Mùa đông, tháng Chạp (1216), sách phong phu nhân (Trần Thị Dung) làm Hoàng hậu, phong cho Tự Khánh làm Thái úy phụ chính, anh trai Trần Tự Khánh là Trần Thừa làm Nội thị phán thủ… Năm Đinh Sửu, 1217, mùa xuân, tháng 3, vua dần phát chứng điên, chính sự không biết đến, giao phó cho Trần Tự Khánh, quyền lớn dần về tay khác”.
Vua Lý Huệ Tôn về với Tự Khánh là một thuận lợi lớn cho Trần Tự Khánh trong mưu đồ thâu tóm quyền lực của triều đình về tay ông và dòng họ Trần.
Như vậy, thời gian này (1216-1217), tất cả quyền hành của triều đình nhà Lý đã “lọt” hết vào tay họ Trần và những tướng thân cận của Trần Tự Khánh. Có thể nói, Trần Tự Khánh là vị thủ lĩnh cao nhất trong tộc họ Trần ở vào giai đoạn này khi đã nắm mọi quyền hành trong tay mình, thì không có lý nào Trần Tự Khánh lại không chủ động củng cố quyền lực của dòng tộc và thế lực của mình, để tạo điều kiện cho những bước đi tiếp theo trong việc vươn tới ngai vàng của dòng họ Trần sau này.
Ngay từ khi còn sống, Trần Tự Khánh chưa dám đoạt ngôi của vua Lý, có thể thời cơ chưa đến hoặc còn có Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng và tôn thất nhà Lý cùng vây cánh của Đàm Thái hậu. Vì thế ông chỉ lo củng cố quyền lực và đưa người thân của mình vào nắm các vị trí then chốt trong triều đình nhà Lý để chờ thời cơ. Chắc hẳn Trần Thủ Độ cũng nhận ra được vấn đề này, vì thế khó có thể xảy ra hành động đoạt ngôi nhà Lý (1225). Nếu như lúc đó Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn còn sống, lại có thêm sự trợ giúp của các tôn thất nhà Lý và Thái hậu Đàm Thị thì chắc họ không thể khoanh tay đứng nhìn Trần Thủ Độ làm việc “nhường ngôi” từ nhà Lý sang nhà Trần một cách “hòa bình” như sử sách đã ghi. Do đó, ta có thể tin rằng “Việt sử lược” viết đúng: “Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn chết trước năm 1225”.
Mặc dù “Đại Việt sử ký toàn thư” viết rất vắn tắt về việc Thái hậu định giết Trần Thị Dung và tỏ rõ sự căm giận Trần Tự Khánh, nhưng như thế cũng đủ để chúng ta hiểu rõ mâu thuẫn cao độ giữa anh em họ Trần với Đàm Thái hậu. Hơn nữa, việc Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng chết hoặc hàng như “Việt sử lược” ghi có lẽ là hợp lý hơn cả vì lúc đó Trần Tự Khánh còn sống và đất nước phải thống nhất hết loạn cát cứ thì triều đình nhà Lý mới có thể cắt đất phong ấp cho các công chúa và định lại các lộ phủ trong nước. Chính “Đại Việt sử ký toàn thư” đã ghi: “Nhâm Ngọ năm thứ 12 (1222), mùa xuân, tháng 2, chia trong nước làm 24 lộ, lộ chia cho công chúa ở, lấy các hoành lộ thuộc lệ và quân nhân bản lộ chia nhau làm giúp”.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Việt sử lược” chép khá giống nhau về cái chết của Trần Tự Khánh: “Tháng Chạp, ngày Kỷ Mão, năm Quý Mùi, hiệu Kiến Gia năm thứ 13 (1223) Phụ quốc Thái úy Trần Tự Khánh mất ở nhà tại Phù Liệt. Vua cùng Thái hậu đến viếng khóc lóc rất thương xót, đặt tên thụy là Kiến Quốc Vương” (tr.211). “Đại Việt sử ký toàn thư” thì viết: “(1223), Trần Tự Khánh chết, truy phong Kiến Quốc đại Vương, lấy Trần Thừa làm Phụ quốc thái úy thay Trần Tự Khánh” (tr.428).
Rõ ràng có quyền lực, binh lực trong tay, đã tạo điều kiện cho Trần Tự Khánh tiến dần từng bước trong việc đưa người của họ Trần vào chính quyền nhà Lý, cấu kết, lôi kéo các quan lại trong triều đình về với mình, tạo điều kiện “đặt nền móng” vững chắc cho Trần Thủ Độ đoạt ngôi nhà Lý về tay nhà Trần vào năm 1225.
Công lớn đối với Vương triều Trần ngoài Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Trần Thừa, Trần Cảnh…, không thể không nhắc tới Trần Tự Khánh – người đầu tiên nêu cao hào khí Đông A trong những năm đầu của thế kỷ XIII.
Không phải ngẫu nhiên mà vua Lý ban cho Trần Tự Khánh tên thụy là “Kiến Quốc Đại Vương”. Rõ ràng, triều đình nhà Lý dù có căm tức ông đến mức nào thì cũng không thể phủ nhận công lao đánh đông dẹp bắc, củng cố, xây dựng chính quyền đang suy yếu của Lý Huệ Tông vào thời kỳ 1210 – 1223. Chẳng thế mà khi nhận xét về Trần Tự Khánh, sử thần Ngô Sĩ Liên đã phải hạ bút viết: “Năm đầu Kiến Gia (niên hiệu của Lý Huệ Tông), giặc cướp đua nhau nổi dậy, Huệ Tôn nhu nhược không thể dẹp được. Trần Tự Khánh vì có Huệ hậu (Trần Thị Dung) bị Thái hậu (Đàm Thị) làm khổ, đem quân đến Cửa Khuyết xin đón xa giá”. Đương lúc bấy giờ lòng người không khỏi ngờ vực, cho nên Huệ Tôn có lệnh bắt Tự Khánh mà không bắt được. Tự Khánh muốn làm việc cho kỳ được mới nhiều lần làm kinh động đến vua, xa giá rời chỗ mấy lần, tội rõ ràng rồi. Nhưng mà Huệ Tôn và Huệ hậu rốt cuộc vẫn phải nhờ Tự Khánh mới được yên, thì tội ấy lại bỏ thế là việc tuy trái nhưng tình thì thuận, sử chép không khen nhưng thực là khen, nếu không thì chỉ là kẻ đầu sỏ giặc cướp mà thôi”.
Rõ ràng, Trần Tự Khánh có quân đội riêng của mình, thế lực của ông lúc đó rất mạnh nên quan quân triều đình không thể chống nổi. Ông chính là người đặt nền móng vững chắc cho dòng họ Trần, tạo điều kiện để Trần Thủ Độ sau này đoạt ngôi nhà Lý về tay nhà Trần thông qua việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông), mở đầu thời kỳ kiến lập Vương triều Trần trong suốt 175 năm ở Đại Việt.
Hiện ở đình làng Lộ Vị, huyện Thần Khê (nay là thôn Lộ Vị, xã Thăng Long, huyện Đông Hưng) vẫn thờ ông. Các triều đại phong kiến đều cấp sắc phong, tôn là Thượng đẳng thần.