KỶ NIỆM VỀ ĐÊM VUI SINH NHẬT VĂN CAO 60 TUỔI

KỶ NIỆM VỀ ĐÊM VUI SINH NHẬT VĂN CAO 60 TUỔI
Kí họa Nguyễn Hà

Cách nay 40 năm tôi rất may mắn được tham dự một cuộc hội ngộ thật tuyệt vời.

Lúc đó đang diễn ra đại hội Hội nhạc sỹ Việt Nam lần thứ III (10-1983) được tổ chức tại Hà Nội. Nhân sắp sinh nhật lần thứ 60 của nhạc sỹ Văn Cao, một nhóm nhạc sỹ nổi tiếng từ miền nam ra như Nhạc sỹ (NS) Trịnh Công Sơn, NS Xuân Hồng, NS Hoàng Hiệp, NS Phạm Trọng Cầu, NS Trần Long Ẩn…đã đến thăm và chúc thọ NS Văn Cao tại 108 Yết kiêu- Hà nội.   

Tối hôm đó rất vui, chỉ có rượu trắng và lạc rang nhưng chuyện trò thật rôm rả khi các NS rất kính trọng và tôn vinh bác NS Văn Cao. Và bác cũng rất vui khi nhắc đến các sáng tác của các NS miền Nam, và đặc biệt bác rất khen những ca khúc trữ tình và dành những lời tốt đẹp cho NS Trịnh Công Sơn. NS Trịnh Công Sơn và các NS miền Nam rất cảm động ôn lại và ca ngợi những sáng tác bất hủ của bác NS Văn Cao. Không khí ấm cúng, cởi mở và tràn ngập tiếng cười.

Trong lúc vui vẻ đầy hứng khởi, bác Văn Cao đề nghị mọi người hát những ca khúc nổi tiếng của mình, nhưng là phải hát lời chế đã lan truyền trong dân gian cho lạ mà vui. Mọi người sôi nổi hưởng ứng.

Đầu tiên là NS Trịnh Công Sơn ôm đàn hát chế bài “ Một cõi đi về” : – Đang ôm em này lại nhớ em kia… NS Xuân Hồng hát chế bài “ Tiếng chày trên sóc Bombo” : – Cắc bùm bùm bum, hết tiền tiêu người yêu anh cũng bán… Nhạc sỹ Hoàng Hiệp với bài “ Cô gái vót chông” : Như hai con dế ở trong hang, con dế đen chọi con dế than, con dế đen bị cắn gãy càng, hai con dế cái nhảy vô can… Được mọi người hoan hô nồng nhiệt. NS Trần Long ẩn với bài “Một rừng cây một đời người” : – Đang trên giường nằm với vợ, bạn kêu nhậu là đi, vợ thì có xá chi, ta cứ đi với bạn… Mọi người cười ồ lên sảng khoái…Rồi lần lượt NS Thanh Trúc, NS Tấu Lận cũng góp vui…

Cuối cùng NS Trịnh Công Sơn đề nghị NS Văn Cao hát, mọi người cùng reo lên thích thú. Bác Văn Cao nhìn quanh, hất hàm hỏi: – Có ai hát chế được nhạc của tôi không?… Các NS miền Nam nói rằng chưa bao giờ được nghe hát chế bài hát nào của  NS Văn Cao. Lặng im… Bỗng có tiếng thỏ thẻ: Con!… Hóa ra là anh Văn Thao, con trưởng của bác Văn Cao đề nghị được hát. Bác Văn Cao quay lại mắng: – Ô hay, thằng này…mày không có phần ở đây…ngồi im. Không khí như trùng xuống… NS Trịnh Công Sơn khẽ khàng nói : Anh Văn ơi, để Thao tham gia cho vui, mà mọi người cũng thích nghe xem dân ngoài này hát chế nhạc của anh ra sao… Và thế là họa sỹ Văn Thao được hát góp vui, bắt đầu là bài “ Chiến sỹ Việt nam”: – Anh bếp đi đâu rồi, lục đục tôm cua với hành… Các NS miền Nam vỗ tay theo nhịp nhạc và tán thưởng nhiệt liệt. Bác Văn Cao cười tủm tỉm, rồi gườm gườm nói với con: – Thôi đủ rồi, ngồi trật tự… Nhưng anh Thao lại đề nghị tiếp: – Còn bài nữa!… Bác Văn trợn mắt: Thôi!… Các NS miền Nam lại phải can thiệp. Bác Văn Cao hỏi: – Thế bài gì..? Văn Thao ấp úng: – Bài…bài “ Tiến quân ca”…bác Văn lắc đầu, nhưng mọi người cùng ồ lên hưởng ứng khuyến khích, thế là Văn Thao hát – … “bà đưa cháu xuống bếp ăn vụng tép, ối dồi ôi xương tép đâm vào môi”… Các NS miền Nam thích thú hoan hô nhiệt liệt.

Không khí ấm cúng với những giọng ca tinh nghịch của các NS, đã tạo nên buổi tối kỷ niệm thật vui vẻ tràn đầy tiếng cười sảng khoái.

Tôi cũng vinh dự được góp vui, nhưng tôi không hát mà là vẽ. Lúc đó tôi đã là một họa sỹ diễn xuất cứng của Hãng phim hoạt hình Việt nam, và rất thích vẽ chân dung. Sẵn giấy bút vừa đi làm ăn về cùng anh Văn Thao, thế là trong lúc mọi người hát thì tôi vẽ  ký họa chân dung các nhạc sỹ mà tôi hâm mộ. Đầu tiên là NS Trịnh Công Sơn, tiếp theo đến NS Hoàng Hiệp, NS Xuân Hồng, NS Phạm Trọng Cầu, NS Thanh Trúc, và cả họa sỹ Văn Thao… cuối cùng là bác NS Văn Cao…Khi mọi người hát xong, tôi đưa tranh ra, mọi người tán thưởng thật sôi nổi, thích thú. NS Trịnh Công Sơn nói khích lệ cho tôi: Em vẽ nhanh và giỏi quá… anh rất thích vẽ, sau đợt này về anh sẽ vẽ, vì hôm nay hứng khởi quá…

Tôi xin chữ ký từng NS. Đầu tiên là bác NS Văn Cao, bác giơ tranh lên xem rồi cầm dứ sang tôi nói: – Thằng này múa rìu qua mắt thợ… (vì NS Văn Cao là họa sỹ rất tuyệt vời với nét vẽ rất cô đọng và đầy biểu cảm). Và rồi bác cũng ký chữ Văn Cao vào bức họa của tôi. Lần lượt các NS miền Nam đều vui vẻ cùng ký…Cuối cùng là NS Trịnh Công Sơn, vì là anh người được vẽ lúc đầu vào chính giữa tranh, nên không còn chỗ ký. Anh ngắm tranh rồi thốt lên: – Tui ký vào đâu hè…? Rồi anh Sơn vui vẻ ký vào góc dưới của bức tranh chữ: Trịnh Công Sơn 10.83, rồi khoanh tròn lại và đánh mũi tên vòng qua hai chân dung NS Thanh Trúc và NS Phạm Trọng Cầu chỉ vào chân dung của mình, thật độc đáo.

Năm nay kỷ niệm 100 năm ngày sinh của NS thiên tài Văn Cao (15-111923 / 15-11-2023) nhiều nơi đã tưng bừng tổ chức trọng thể nhiều đêm nhạc, và nhiều lễ kỷ niệm ngày sinh nhật của Nhạc sỹ thiên tài Văn Cao. Tôi cũng hân hạnh khoe một kỷ niệm đẹp về đêm nhạc độc đáo và bức tranh của tôi ký họa chân dung các NS mà tên tuổi đã đi vào lịch sử. Đặc biệt, trên cùng một mặt tranh có các chữ ký, trong đó có chữ ký của hai Nhạc sỹ thiên tài hoành tráng của Việt nam trong thế kỷ 20 là Văn Cao và Trịnh Công Sơn. Đối với tôi đây là một diễm phúc và là kỷ niệm quý báu, không bao giờ phai nhòa.

N.H.B

Kí họa của họa sĩ Nguyễn Hà Bắc vẽ các nhạc sĩ trong buổi kỉ niệm này

Leave a Reply

Your email address will not be published.