Đoàn Đức Phương
Kể từ khi báo chí đăng tin việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, biết bao tình cảm của người dân, trí thức văn nghệ sĩ hướng về bác qua nhiều bài báo, sáng tác thơ, văn, nhạc, họa, như dòng suối tự nhiên tuôn trào không dứt. Sự ra đi của bác là mất mát tinh thần to lớn, nhưng cũng là nguồn động lực biến đau thương thành sức mạnh xây dựng và phát triển đất nước. Tôi đã thấy tình cảm ấy ở việc làm cụ thể của Họa sĩ Trần Giang Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam khi anh là 01 trong 05 họa sĩ toàn quốc được gặp Tổng Bí thư năm 2018 và khắc ghi lời bác dặn: Văn hóa còn thì dân tộc còn.
Được gặp Bác Tổng Bí thư trong mùa Xuân ấy
Qua mạng xã hội, tôi đã thấy và ấn tượng với bức tranh sơn dầu vẽ chân dung Tổng Bí thư với gam màu trầm của Họa sĩ Trần Giang Nam, tỉnh Bắc Kạn. Liên hệ với anh, tôi được biết, anh đang trên đường xuống Hà Nội chuẩn bị cho triển lãm tranh của nhóm họa sĩ người dân tộc thiểu số, dự kiến ban đầu được tổ chức vào ngày 25/7 nhưng đã được Ban tổ chức và các họa sĩ rời xuống sau ngày quốc tang bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Rất nhanh chóng, tôi hẹn và ô tô chở đoàn dừng lại ở trước quán nước cạnh đường tròn Tân Long, TP. Thái Nguyên, ngả đường từ Cao Bằng, Bắc Kạn đi về dẫn lên cao tốc Thái Nguyên – Hà Nội để tôi gặp họa sĩ trò chuyện về kỷ niệm của anh trong lần gặp bác.
Họa sĩ Trần Giang Nam xúc động nhớ lại: Đó là 08 giờ ngày 7/2/2018, anh Nam cùng 150 đại biểu trí thức văn nghệ sĩ hoạt động trên nhiều lĩnh vực, đa số đều ở tuổi trung niên và già, có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực hoạt động sáng tạo, được Tổng Bí thư gặp mặt, nói chuyện trong không khí tươi vui mừng Đảng mừng Xuân tại Văn phòng Trung ương Đảng. Anh Nam là trẻ nhất, dáng người nhỏ nên khi mới bước vào sảnh, anh bảo vệ chặn lại hỏi ngay:
– Anh là lái xe à?
– Không! Tôi là người đến dự theo lời mời của đồng chí Tổng Bí thư – Anh trả lời.
Anh bảo vệ lại hỏi: “Sao toàn người trững trạc mà anh trẻ như vậy?” Trong tình huống đó, anh phải cúi xuống, mở cặp lấy giấy mời ra. Anh bảo vệ cầm giấy mời xem xong mới nói: “Ừ nhỉ! Tôi cũng không nghĩ là có một khách mời còn trẻ như thế này”.
Trần Giang Nam là một họa sĩ vùng cao, có nhiều sáng tác tranh sơn dầu, tranh khắc gỗ về đề tài miền núi được giải của Trung ương nên Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn anh là 01 trong 05 đại biểu tham gia đoàn đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc đến gặp, nghe Tổng Bí thư nói chuyện. Đúng 09 giờ, bác Tổng Bí thư bước vào phòng họp với nét mặt tươi cười, phấn khởi chào hỏi tất cả mọi người. Ai nấy đều rạng rỡ tươi cười chào bác.
Suốt buổi nói chuyện khoảng 2 tiếng đồng hồ, bác Tổng Bí thư nói nhiều nội dung, nhưng trong đó anh nhớ nhất là bác luôn nhắc nhở trong xu thế hội nhập và phát triển đất nước hiện nay, văn hóa Việt Nam có nhiều biến chuyển, chịu nhiều tác động, vì vậy mỗi con người Việt Nam, nhất là anh em văn nghệ sĩ phải tập trung vào công việc sáng tạo, xây dựng văn hóa, phải chú trọng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bác còn nhấn mạnh nhiều lần: “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Với tác phong trang nghiêm chuẩn mực, giọng nói ấm áp, gần gũi, tình cảm, Bác Tổng Bí thư đã cuốn hút sự chăm chú lắng nghe của mọi người trong phòng.
Họa sĩ Trần Giang Nam tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ thuật tại Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên năm 2000. Trở về quê hương Bắc Kạn, anh làm giáo viên giảng dạy môn Mỹ thuật tại Trường THCS Bắc Kạn, thành phố Bắc Kạn. Đam mê hội họa, anh vừa giảng dạy, truyền đạt tình yêu, kỹ năng hội họa đến với các em học sinh vùng cao còn nhiều khó khăn và anh học hoàn thiện Đại học sư phạm Mỹ thuật năm 2008. Từ năm 2004 đến nay, anh sáng tác nhiều tranh về đề tài cuộc sống của người dân vùng cao với chất liệu tranh sơn dầu và tranh khắc gỗ, tham gia nhiều Triển lãm tranh và đạt giải của Trung ương và địa phương.
Lời Bác dặn theo suốt con đường sáng tác
Ấn tượng sâu đậm về tình cảm và lời căn dặn của Bác Tổng Bí thư đối với văn nghệ sĩ trong buổi gặp hôm ấy: “Văn hóa còn thì dân tộc còn” đã định hướng, theo anh suốt chặng đường sáng tác sau này. Trở về với công việc thường ngày, ngoài giờ giảng dạy cho các em học sinh, anh đi sâu vào mảng sáng tác tranh khắc gỗ với đề tài bản sắc văn hóa dân tộc của người thiểu số. Chính vì vậy, sáng tác của anh tập trung chủ yếu về nét đẹp của người vùng cao: nào là kiến trúc nhà sàn, trang phục, hoa văn họa tiết, các công cụ, nông cụ tiêu biểu văn hóa, tín ngưỡng, nếp sống, bản sắc của các dân tộc trên quê hương với nét thanh bình, phong cảnh điển hình của vùng cao. Những sáng tác này, được anh gửi tham gia nhiều cuộc triển lãm và đạt nhiều giải thưởng.
Anh Nam cho biết, ngoài dạy học và sáng tác tranh, anh còn thường tổ chức các câu lạc bộ dạy vẽ cho trẻ em, truyền cảm hứng sáng tạo về vẻ đẹp của văn hóa vùng cao cho lớp trẻ đi sau. Mong muốn của anh là “thông qua các cuộc triển lãm Tranh khắc gỗ đề tài vùng cao, tôi muốn lan tỏa tình yêu nghệ thuật qua các tác phẩm đến với mọi người. Những phát hiện, ca ngợi, gìn giữ, phát huy nét văn hóa độc đáo của các tộc người trên quê hương mình.”
Chia sẻ với tôi về bức tranh vẽ chân dung Tổng Bí thư tôi thấy trên không gian mạng anh cho biết: Phong cách cởi mở, gần gũi, thân tình của Tổng Bí thư trong buổi gặp hôm ấy đã chạm vào trái tim những người làm nghệ thuật như anh. Lời căn dặn của Tổng Bí thư đối với trí thức văn nghệ sĩ gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đã giúp anh lao động miệt mài và thu được những kết quả ngoài mong đợi của bản thân anh trong thời gian qua.
Biết tin Tổng Bí thư từ trần, anh vô cùng xúc động, muốn ghi lại cảm xúc của mình trong niềm kính trọng bác, anh đã quyết định vẽ bức chân dung Tổng Bí thư. Trong rất nhiều bức ảnh chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, anh thích nhất bức tranh Tổng Bí thư đeo kính với mái đầu bạc trắng, chiếc com lê màu trầm đang cười vui vỗ tay giống với hình ảnh bác trong thời khắc chào đón, động viên trí thức văn nghệ sĩ mà anh chứng kiến năm 2018. Chính vì thế, học sĩ Giang Nam sử dụng chất liệu acrylic với tông màu trầm trong hai ngày 20 và 21 tháng 7, anh ngồi miệt mài vẽ ngày đêm, khắc họa từng chi tiết chân dung Tổng Bí thư với ánh mắt sáng tươi vui, vỗ tay động viên khích lệ trí thức văn nghệ sĩ đoàn kết gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Nhắc đến kỷ niệm lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, anh dưng dưng: “Điều đáng tiếc nhất với cá nhân tôi là trong thời khắc hiếm hoi trong đời được gặp vị lãnh đạo đáng kính, tôi không có được bức ảnh chụp chung với bác. Hôm đó có tới 150 người trong phòng họp, đa số là các bậc cao niên mà tôi lại trẻ nhất nên khiêm tốn đứng nép vào góc sau cùng. Nhưng dù vậy, hình ảnh bác giản dị, hiền từ, lời căn dặn đầy sâu sắc trí tuệ và thấm đẫm nhân văn của bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã in đậm trong trái tim tôi và công việc lao động, sáng tạo của mình.”
Định hướng sáng tác của Tổng Bí thư năm 2018 đã giúp anh lao động, sáng tạo miệt mài, đạt các Giải thưởng như:
- 1. Giải A Hội MT Việt Nam tại triển lãm khu vực III, Tây Bắc – Việt Bắc, năm 2018 và giải 3 của Hội Mỹ thuật Việt Nam. TP: Trăng Kim Hỷ – Chất liệu: Khắc gỗ màu, KT: 72cm x 160cm. Tác phẩm được sưu tập bản số 1 Hội mỹ thuật Việt Nam. Bản số 2 Bảo tàng Mỹ thuật mua lưu giữ trưng bày
- 2. Giải C Hội VHNT các dân tộc Thiểu số Việt Nam 2012
- 3. Giải khuyến khích triển lãm khu vực III, Tây bắc – Việt Bắc năm 2019. TP. Tổng Dai – Khắc gỗ màu, KT: 105cm x 174cm
- 4. Giải B giải thưởng hội VHNT Các Dân Tộc Thiểu Số Việt Nam – năm 2019. TP: Đêm Trăng Ba Bể – Khắc gỗ màu
- 5. Giải khuyến khích triển lãm khu vực III, Tây Bắc – Việt Bắc năm 2020. TP. Giã gạo đêm trăng – Khắc gỗ màu, KT: 73cm x 105cm
- 6. Giải khuyến khích triển lãm khu vực III, Tây Bắc – Việt Bắc năm 2021. TP. Nắng Mai – Khắc gỗ màu, KT: 75cm x 210cm
- 7. Giải KK giải thưởng hội VHNT Các Dân Tộc Thiểu Số Việt Nam – năm 2020. TP: Sắc vùng cao – Khắc gỗ màu
- 8. Giải KK giải thưởng hội VHNT Các Dân Tộc Thiểu Số Việt Nam – năm 2021. TP: Bản sắc vùng cao – Khắc gỗ màu.
- 9. Giải KK giải thưởng hội VHNT Các dân tộc Thiểu số Việt Nam – Năm 2022. TP: Nắng mai – Khắc gỗ màu – KT: 75cm x 210cm.
- 10. Giải nhất cuộc thi sáng tác logo vùng cách mạng ATK Chợ Đồn 2021. TP: Sắc chàm – Khắc gỗ màu 75cm x 105cm
- 11. Giải C triển lãm mỹ thuật khu vực III, Tây Bắc – Việt Bắc – Năm 2022. TP: Khâu Đấng (Chuyện tình Ngô, Khoai, Sắn) – Khắc gỗ màu – KT: 106cm x 182cm.
- 12. Giải C giải thưởng hội VHNT Các Dân Tộc Thiểu Số Việt Nam – Năm 2022. TP: Ký ức về những chiếc khăn (Tranh bộ) – Khắc gỗ màu