I –
Bây giờ xa, mọi sự ngỡ là xong
Nhưng em có tin không
rằng sẽ có lần tôi trở lại
tôi sẽ đến căn phòng nhỏ ấy
sẽ ngồi bên chiếc bàn gỗ ấy
chỗ ngày xưa em vẫn thường ngồi…
Không phải để tìm em,
để tìm tôi hay để tìm ai khác
tôi đến đây để tìm
cái thời tôi đã mất
– cái thời mà tất cả những gì trong trẻo nhất
tôi đã dành cho em
Không biết đến bây giờ
em có giấu… trong tim?
II –
Rồi sẽ có một ngày tôi lại đến tìm em
như ngày nào tôi đã đến.
Em có thể vẫn như xưa
cũng có thể…
và câu chuyện bây giờ trở thành câu chuyện cũ
một vầng trăng xanh, một căn phòng nho nhỏ
chiếc gương soi, chồng sách trên bàn…
Lại bỡ ngỡ quay về từ sâu thẳm lãng quên
quãng đời ấy cùng những câu chuyện ấy
nơi chóp núi mờ xa và con suối
mây mơ màng như ngủ giữa rừng thông.
Cái đã qua, dấu tích có còn không
tôi tự hỏi. Và bây giờ tôi ước
giá dấu tích trong veo như giọt nước
để ta soi qua suốt cả đời mình!…
Nguyễn Đình Ảnh
1976 – 1980
Hành trình năm năm để hoàn thiện một bài thơ, có quá dài hay không? Đó là câu hỏi được đặt ra khi khi tôi đọc bài thơ Ngày ấy và bây giờ của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh. Trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng, có khi nhà thơ xuất khẩu thành thơ, ứng khẩu, ứng tác thật nhanh trước một cảnh ngộ, một hình ảnh, một chi tiết, một khoảnh khắc… Nhưng có khi lại là hành trình ấp ủ, nung nấu, viết rồi sửa, sửa rồi viết để hoàn thiện trong khoảng thời gian năm năm, mười năm… Và Ngày ấy và bây giờ của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh là một trường hợp thật sự đáng lưu tâm.

Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh (1942 – 2006) từng tốt nghiệp khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, sau đó vào bộ đội; Năm 1987 được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Cuối năm 1975 ông chuyển ngành về công tác tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú. Các tác phẩm chính đã xuất bản: Chào đất nước (1970), Trăng rừng (1977), Hoa cỏ miền đồi (1982), Trước cổng trời (1989), Giã biệt một ánh sao chiều (1992), Sắc cầu vồng (1996), Vầng sáng và những kỳ tích – thơ – trường ca (2000). Nhà thơ đã được nhận: Giải C Thơ năm 1998 của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật; Giải thưởng Hùng Vương về Văn học Nghệ thuật 5 năm của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ…
Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh từng giữ chức Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú. Tuy nhiên, dù ở cương vị cao nhưng ông vẫn luôn giữ phong cách giản dị, phong thái tự tại, ung dung. Anh em văn nghệ sỹ nhận thấy dù ở cương vị nào, “thường dân” hay lãnh đạo, ông luôn luôn thân thiện, hòa đồng, gắn bó với anh em văn nghệ sỹ và được mọi người quý trọng, tin yêu. Trong rất nhiều thi phẩm thành công của ông, tôi yêu thích bài thơ Ngày ấy và bây giờ. Yêu cái tên giàu sức gợi, giàu sự liên tưởng sâu xa và chính nhan đề ấy còn gợi trí tò mò của độc giả. Ngày ấy và bây giờ là có sự gắn kết của quá khứ và hiện tại. Nếu ai không biết trân trọng quá khứ thì hiện tại cũng chưa phải đã hoàn thiện bởi quá khứ là nền tảng cho hiện tại và tương lai. Bài thơ được chia làm hai phần rõ rệt, phần thứ nhất bắt đầu bằng câu thơ Bây giờ xa, mọi sự ngỡ là xong cũng là một câu thơ ám gợi. Câu thơ như một thông điệp buông lửng, như không có chủ thể nhưng đọc kỹ lại là ít nhất có hai chủ thể. Người nói (viết, nghĩ) và đối tượng được nói đến. Câu thơ ngắn thôi, cũng gợi ra một sự tương phản giữa xa và gần, giữa quên và nhớ, giữa ngỡ là xong và chưa thể xong…. Nó dẫn dụ người đọc vào một trường mê hoặc với cảm xúc quý mến và đầy háo hức:
Nhưng em có tin không
rằng sẽ có lần tôi trở lại
tôi sẽ đến căn phòng nhỏ ấy
sẽ ngồi bên chiếc bàn gỗ ấy
chỗ ngày xưa em vẫn thường ngồi…
Nhân vật em xuất hiện, xuất hiện trong một câu hỏi thân thương vang lên trong hoài nhớ, Nhưng em có tin không/ rằng sẽ có ngày tôi trở lại. Tại sao phải hỏi “Nhưng em có tin không” bởi khoảng cách không gian, địa lý cách trở? Bởi thời gian dài dặc? Hay bởi mặc cảm, e ngại?… Hỏi em nhưng không đợi em trả lời, câu hỏi tu từ nhấn mạnh tâm trạng, khát vọng, ý muốn mãnh liệt, kèm theo đó như một lời thầm hứa sẽ có lần tôi trở lại. Bất cứ ai đặt mình vào tâm trạng nhân vật em hẳn sẽ thấy vui nếu nhận được thông điệp người thân quay trở lại. Và không chỉ là hứa quay lại, nhân vật tôi còn khắc sâu hoài niệm tôi sẽ đến căn phòng nhỏ ấy/ sẽ ngồi bên chiếc bàn gỗ ấy/ chỗ ngày xưa em vẫn thường ngồi…
Tức là trong lòng chủ thể trữ tình, mọi thứ còn nguyên như hiện thực lúc chưa xa, “căn phòng nhỏ ấy, chiếc bàn gỗ ấy…” điệp từ “ấy” hàm chứa bao cảm xúc trìu mến, thân thương. Ở đây là nói sự vật để bộc lộ tâm trạng, nghệ thuật hoán dụ nói sự vật để nói con người, không quên được những gì gắn bó với “em”, thì liệu có thể có lúc nào quên em?
Tôi ước mình có thể trở thành nhạc sỹ để phổ nhạc cho đoạn thơ trữ tình ngọt ngào, ấm áp này.
Không phải để tìm em,
để tìm tôi hay để tìm ai khác
tôi đến đây để tìm
cái thời tôi đã mất
– cái thời mà tất cả những gì trong trẻo nhất
tôi đã dành cho em
Không biết đến bây giờ
em có giấu… trong tim?
Đoạn thơ kế tiếp xuất hiện bằng câu phủ định, Không phải để tìm em,/ để tìm tôi hay để tìm ai khác. Nếu chỉ dừng ở đây, độc giả có thể thấy sự bất ngờ, thậm chí có gì hơi phũ phàng đối với em. Tôi đã gieo yêu thương, sự phấp phỏng đợi chờ cho em, xong tôi lại nói Không phải để tìm em. Tuy nhiên, lời thơ dẫn dụ, giục giã người đọc đọc tiếp thông điệp ở những câu sau đó, để rồi, lại vỡ òa bởi một chiều sâu ý tứ hiện diện trên bề mặt câu chữ. Không tìm em vì sau ngần ấy năm có lẽ em đã thay đổi. Thay đổi hình thức theo quy luật khắc nghiệt của thời gian là lẽ thường tình, nhưng liệu em có đổi thay trong suy nghĩ, trong cảm xúc dành cho tôi ? Tuy nhiên, ngay sau đó chủ thể trữ tình tiết lộ, tôi trở lại để tìm lại cái thời tôi đã mất. Tại sao, tại sao lại tìm kiếm và cái thời đã mất? liệu có tìm được không? Có sự tương đồng chăng với khát vọng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”? Tìm lại cái thời đó bởi khi đó còn tuổi trẻ, còn tình yêu thuần khiết “– cái thời mà tất cả những gì trong trẻo nhất/ tôi đã dành cho em”. Dành cho em như một lẽ tự nhiên không tính toán và không chờ báo đáp. Chính bởi sự gắn bó không vụ lợi, không toan tính, chỉ thuần tuý vì cảm xúc nên kỷ niệm đẹp và khó phai mờ. Cũng bởi thế chăng, một câu hỏi tiếc nuối vang lên, vang lên từ tâm khảm để dư âm còn đọng mãi Không biết đến bây giờ/ em có giấu… trong tim?
Những ước ao cũng nhẹ nhàng và trong trẻo. Nhưng sự nhẹ nhàng ấy có sức quyến rũ đặc biệt, neo đậu những kỷ niệm khó phai mờ nơi trái tim độc giả.
Bài thơ tiếp tục dẫn dụ người đọc tới khổ thơ thứ hai của bài thơ, sẽ là vào một thời gian sau nữa so với hiện tại, sẽ là quá khứ lùi xa hơn theo dòng chảy miên viễn của thời gian, và nhà thơ hình dung Em có thể vẫn như xưa trong căn phòng nhỏ ấy, bên những kỷ vật thân quen như chiếc bàn gỗ ấy, nơi gắn bó với kỷ vật quen thuộc của em như chiếc gương soi và chồng sách trên bàn; bên không gian của vầng trăng xanh, nơi chóp núi mờ xa và con suối/ mây mơ màng như ngủ giữa rừng thông. Không gian đẹp bởi khung cảnh thiên nhiên đẹp, nhưng hơn hết và trước hết, chắc chắn bởi ánh nhìn đẹp, ấp áp, yêu thương, đầy đặn và đằm sâu. Tình người đẹp nhuốm sắc màu đẹp đẽ cho không gian, cho cả thời gian nữa, nó nối liền quá khứ với hiện tại và bắc nhịp cầu tươi đẹp cho tương lai.
Khổ cuối của bài thơ không còn là câu chuyện của hai người, của đôi trái gái, của hoài niệm về một thời tôi dành hết sự trong trẻo cho em nữa. Ý thơ được nâng tầm thành triết lý nhân sinh Cái đã qua, dấu tích có còn không/ tôi tự hỏi. Và bây giờ tôi ước/ giá dấu tích trong veo như giọt nước/ để ta soi qua suốt cả đời mình!… là câu chuyện của tôn trọng và giữ gìn nét đẹp của quá khứ. Là câu chuyện hãy nhìn cuộc đời qua lăng kính yêu thương, mọi nhẽ sẽ trở nên đẹp đẽ và vô cùng giá trị.
Đọc Ngày ấy và bây giờ có cái nhã thú của việc tiếp nhận văn học hết sức nhẹ nhàng, nhẹ nhàng và hứng thú bởi tính triết luận hiện diện trong thơ mà không khô cứng, giáo điều và nét đẹp trữ tình vẫn là chủ đạo. Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh là thế, “Người thơ phong vận như thơ ấy” như cách nói của Hàn Mặc Tử; nhẹ nhàng, thân thiện, sâu nặng và đằm thắm yêu thương.
Việt Trì, tháng 3 năm 2025
Đỗ Nguyên Thương