Nguyễn Đình Thắng
Bùi Hiển (22/11/1919-2009), Nhà văn, còn có bút danh Anh Bùi, quê xã Phú Nghĩa Hạ (nay là xã Tiến Thủy), huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1957.
Thời thơ ấu, ông theo gia đình vào học ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, sau đó về học ở trường huyện, rồi ra Vinh học tiếp bậc Cao đẳng Tiểu học. Sau khi ra trường về dạy tư ở làng, rồi ra Vinh làm công chức. Từ đây ông bắt đầu viết báo, viết văn và tham gia phong trào truyền bá Quốc ngữ.
Bùi Hiển thuộc thế hệ những nhà văn hiện thực xuất sắc trên văn đàn vào những năm 1940. Đây là thời kỳ xã hội Việt Nam đen tối nhất trước Cách mạng Tháng Tám. Nhân dân ta bị ba tầng áp bức, bóc lột: Thực dân Pháp, Phát xít Nhật và bè lũ phong kiến địa chủ, tay sai. Năm 1941, truyện ngắn Nằm vạ do Đời Nay xuất bản là tác phẩm đầu tay của Bùi Hiển được dư luận hết sức quan tâm. Truyện phản ánh hiện thực đời sống gian nan, vất vả của người dân vùng biển Bãi Ngang quê ông. Truyện cũng phản ánh cuộc sống lay lắt, bế tắc, tẻ nhạt của tầng lớp viên chức nghèo thành thị. Nhà văn Bùi Hiển đã thông cảm một cách sâu sắc đời sống hiện thực xã hội đương thời của người dân quê ông nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung khi đó qua các câu chữ trang văn sinh động trong Nằm vạ. Nhà văn Thạch Lam đã có nhận xét về tác phẩm đầu tay của ông như sau: Nằm vạ “đã phác họa rất đúng một vài nhân vật thôn quê. Đó là bức tranh có giá trị về cảnh sinh hoạt trong làng xóm. Lối viết của ông giản dị và mạnh mẽ, thoáng qua một chút duyên kín đáo và nhiều nhận xét tinh vi“.
Truyện ngắn Ma Đậu phần nào giúp chúng ta hình dung được khung cảnh quê hương Phú Nghĩa của ông với những tập tục lạc hậu, “hữu sinh vô dưỡng”, nạn dịch tễ cướp đi một lúc gần trăm trẻ con. Qua Chiều sương, Trận bão cuối mùa cho ta thấy người dân chài lưới đã hàng ngày vật lộn với thiên nhiên sóng gió để giành giật lấy cuộc sống một cách dũng cảm, kiên cường qua những kinh nghiệm “ra khơi, đi lộng”. Hình ảnh người dân chài vạm vỡ “Chém sóng, chém gió” oang oang, cười như lệnh vỡ, nhưng lại rất thật thà, đôn hậu, chất phác thương yêu vợ con, hòa hợp, tình nghĩa với bà con làng xóm; cũng có người trông thô kệch, nhưng đầy những nét lạc quan, dí dỏm, yêu đời. Họ có mối thân thiện trong ứng xử giữa người thợ với chủ thuyền đầy chân tình, thương nhau khi vật lộn với sóng gió trên biển; cũng có khi cùng “Từ cõi chết trở về” thoát khỏi cuồng phong sóng dữ, nên việc ăn chia sản vật đánh bắt được rất sòng phẳng, công bằng… Về sáng tác trước cách mạng của nhà văn Bùi Hiển được Hoàng Minh Châu (nhà văn cùng thời) cho rằng:
“Khác với các nhà văn trước cách mạng viết về nông thôn dân cày, Bùi Hiển không chú ý dựng cuộc đời nhân vật, hoặc đánh dấu giai đoạn lịch sử, hoặc đề cập vấn đề gì to tát. Anh nghiền ngẫm về thói hư tật xấu, những tập quán lạc hậu trong xã hội, nơi con người bình thường giữa cuộc sống…
Bùi Hiển quan sát rất kỹ về “tính nết hành vi của họ, ví như quen ăn sóng nói gió, tính mê tín dị đoan, thói gây gổ lừa đảo, trò mưu mẹo kiếm sống, v.v… chưa phải bản chất con người thì cũng đáng trách, đáng thương hại. Chẳng phải đến ngày nay – mà thời đó những truyện như Nằm vạ, Ma đầu hoặc Mụ Quán cũng đã gợi nghĩ về các nguyên nhân, những hoàn cảnh oái oăm đáng mỉa mai kia, là do chế độ xã hội, do trình độ văn hóa thấp kém gây ra…
Bùi Hiển đã khắc họa tâm lý, tình tiết cổ động hóa và làm nổi bật lên điều đáng cười, kể cả cười ra nước mắt. Từ đó đem đến cho người đọc một nhận thức xã hội, vùng quê cần tốt đẹp hơn lên…”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Ngọc Phan trong “Nhà văn hiện đại” có nhận xét về Bùi Hiển: “Bùi Hiển là một nhà tiểu thuyết tả chân của xứ Nghệ: hầu hết các truyện ngắn về xứ Nghệ của ông đều là những truyện tả phong tục cùng tình hình của dân chài xứ ấy”.
Trong Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia Tổng khởi nghĩa ở Vinh, rồi tham gia kháng chiến chống Pháp một cách trung thành, tận tụy. Ông từng trải qua các chức vụ: Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền Nghệ An; Chủ tịch (CT) Hội Văn hóa cứu quốc Nghệ An; Ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ Kháng chiến Liên khu (VNKCLK) IV. Sách “60 năm Ngành Văn hóa Thông tin tỉnh Nghệ An (1945-2005)” có ghi: “26/11/1946, ở Trung ương thành lập Bộ Tuyên truyền và Cổ động, Nha Tổng Giám đốc Thông tin, rồi Nha Thông tin theo Sắc lệnh số 224/SL. Nghệ An thành lập Ty Thông tin Tuyên truyền do ông Bùi Hiển làm Trưởng ty và ông Nguyễn Đăng Lam làm Phó ty. Bộ máy của Ty đã bắt đầu hình thành các bộ phận chuyên môn như: Quản trị hành chính, Thời sự, Văn nghệ và Đài Truyền thanh; số cán bộ bổ sung gần 20 người. Từ tháng 10, Hội VNKC LK IV được thành lập quy tụ nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng của cả nước: Hải Triều, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Nguyễn Văn Thương, Xuân Sanh, Nguyễn Văn Tý, Trần Hoàn… “.
Từ giữa năm 1949 đến hết 1950, Bùi Hiển được cử vào hoạt động ở vùng địch hậu Bình Trị Thiên. Hiện thực cuộc sống và sự ngoan cường trong chiến đấu chống Pháp của quân dân Quảng Bình được ông tái hiện sâu sắc, sinh động trong tác phẩm Ánh mắt.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, ông được Trung ương điều ra làm việc ở Hà Nội, là Ủy viên Biên tập (BT) tuần báo Văn nghệ, Văn học; Phó Tổng BT Nhà XB Văn học; Ủy viên Thường vụ và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiều nhiệm kỳ. CT Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam khóa III (từ 1983). Ông cũng từng được bầu làm CT Hội Văn nghệ Nghệ An.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông vẫn là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, được cử đi thực tế ở tuyến lửa khu IV, vào tận Vĩnh Linh nắm tình hình, quan sát, ghi chép cẩn thận cuộc sống quân dân, để kịp thời động viên tinh thần vượt qua gian khổ, chiến đấu, chiến thắng kẻ thù. Hình ảnh những người tham gia kháng chiến được tái hiện trong các tác phẩm truyện ký của ông. Đó là cuộc chiến đấu hào hùng của các chiến sĩ Bộ đội cao xạ pháo; các o du kích, thanh niên xung phong, rồi những chiến sĩ lái xe gan dạ vượt qua bom đạn địch hàng ngày, hàng đêm, chuyên chở lương thực, vũ khí, đạn dược tiếp tế cho tiền tuyến lớn Miền Nam. Ông cũng đã xây dựng được các hình tượng đẹp là các điển hình cán bộ Y tế, Giáo dục ngày đêm bám trụ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua các cuốn sách: Đường lớn; Những tiếng hát hậu phương; hoa và thép, v.v…
GS Hà Minh Đức nhận xét về truyện ngắn của Bùi Hiển viết trong cách mạng, kháng chiến như sau:
“Mỗi truyện ngắn của Bùi Hiển đều gắn liền với những vấn đề cơ bản của đời sống cách mạng. Nhưng quan trọng hơn là đi sâu vào việc miêu tả những tính cách, những mối quan hệ giữa con người với nhau để từ đó nói lên những vấn đề sâu sắc của hiện thực“.
Những năm sau giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, ông được thỏa chí đi thăm thú, khám phá nhiều miền quê đất nước. Từ Tây Nguyên bát ngát rừng xanh hùng vĩ, qua các tỉnh Nam Trung Bộ, làm việc với giới văn nghệ sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho đến tận đồng bằng sông Cửu Long đồng ruộng bao la, thăm các danh thắng, di tích cách mạng,… Đến đâu, ông cũng ghi chép cẩn thận và tái hiện trong các tác phẩm: Ý nghĩ ban mai; Một cuộc đời… Trong công cuộc bảo vệ và xây dựng CNXH ở Miền Bắc, ông có công đóng góp cho văn học nước nhà qua các truyện ký, tiêu biểu như tác phẩm Trong gió cát.
Nhà văn Hoàng Minh Châu Đọc Bùi Hiển (trên Văn nghệ, số 13-31/3/2001) đã viết: “Nếu những tập truyện ký như “Trong gió cát” (1965), “Đường lớn” (1966), “Hoa và thép” (1972)… Người đọc thấy anh lấy dòng chảy ngoài đời nuôi văn, thì đến những tập như “Ý nghĩ ban mai” (1980), “Tâm tưởng” (1985), “Ngơ ngẩn mùa Xuân” (1992), thực sự là nguồn cảm hứng suy nghĩ của chính nhà văn góp cho đời”…
Khi đã 80 tuổi ông vẫn tu chí, miệt mài làm việc, cố gắng hoàn thành cuốn hồi ký văn học: Bạn bè một thuở, ôn lại những ký ức, kỷ niệm không phai mờ với các bạn văn nghệ sĩ cùng thời: Tô Hoài, Chế Lan Viên, Hải Triều, Thanh Tịnh, Xuân Hoàng. Nguyễn Công Hoan, Vũ Ngọc Phan, Nguyên Hồng, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Huy Cận…
Tác phẩm của Bùi Hiển:
– Nằm vạ. Tập truyện.- H., Đời Nay, 1941.- 160 tr.; Tái bản.- H., Hội Nhà văn, 1958.- 90 tr.- Tái bản.- H.,Văn học, 1984.- 168 tr.
– Gặp gỡ. Tập truyện.- H., Văn nghệ, 1954.- 52 tr,.
– Bước đầu viết truyện. Sách hướng dân sáng tác.- H., Phổ thông, 1960.- 60 tr.
– Ánh mắt. Tập truyện.- H., Văn học, 1961.- 212 tr.
– Đường vui xứ bạn. Ký sự.- H., Văn học, 1962.- 84 tr.
– Bên đồn địch. Truyện thiếu nhi., H., Kim Đồng, 1963.- 65 tr.
– Trong gió cát. Truyện ký.- H., Văn học, 1965.- 160 tr.
– Quỳnh xóm cháy. Truyện thiếu nhi.- H., Kim Đồng, 1965.- 60 tr.
– Đường lớn. Truyện và ký.- H., Văn học, 1966.- 128 tr.
– Người mẹ trẻ. Truyện ký.- H., Phụ nữ, 1967.- 76 tr.
– Cao Bá Tuyết và đồng đội. Truyện ký.- H., Thanh niên,1967.- 134 tr.
– Những mẩu chuyện về một bệnh viện Anh hùng. Truyện ký.- H., Y học, 1968.- 56 tr.
– Những tiếng hát hậu phương. Tập truyện.- H., Thanh niên, 1970.- 168 tr.
– Hoa và thép. Tập truyện.- H., Văn học, 1972.- 106 tr.
– Giản dị. Tập truyện.- Hôị Văn nghệ Nghệ An, 1975.- 148 tr.
– Một cuộc đời. Truyện ký.- H., Phụ nữ, 1976.- 150 tr.- Tái bản.- H., Phụ nữ, 1977.- 156 tr.
– Mai đây những buôn làng đẹp. Truyện ký. H., Phụ nữ, 197, 88 tr.
– Ý nghĩ ban mai. Truyện ký.- H., Tác phẩm mới, 1980.- 248 tr.
– Nhớ về một mùa thị chín. Truyện thiếu nhi.- H., Kim Đồng, 1983.- 104 tr.
– Tâm tưởng. Tập truyện.- H., Tác phẩm mới, 1985.- 144 tr.
– Tuyển tập Bùi Hiển. T.1.- H., Văn học, 1987.- 540 tr., T.2.- 1997.
Tác phẩm do Bùi Hiển dịch:
– Antônôp. Viết truyện ngắn. Tiểu luận văn học của (Liên Xô)/H., Văn học, 1956.
– Xuip. Guylive đến nước tý hon. Truyện (Anh)/H., Kim Đồng, 1957.
– Xuip. Guylive đến nước khổng lồ. Truyện (Anh)/H., Kim Đồng, 1957.
– A. Pha đêep. Đội Cận vệ thanh niên. Tiểu thuyết (Liên Xô)/H., Thanh niên, 1960.
– Anna Deegốcx. Những người chết còn trẻ mãi. Tiểu thuyết (CHDC Đức)/H., Văn học, 1963.
Sách và tài liệu tham khảo:
1. Nghệ An lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)/Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy – Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, 1997.
2. 60 năm Ngành Văn hóa Thông tin tỉnh Nghệ An (1945-2005).- NXB Nghệ An, 2005.
3. Hồ sơ tiểu sử Tác gia Nghệ Tĩnh thế kỷ XX. Đặng Thanh Quê – Đào Tam Tỉnh, NXB Nghệ Tĩnh, 1991; 1994.
4. Trần Mạnh Thường. Từ điển tác gia Văn học Việt Nam.- H., Hội Nhà văn, 2003.- 1365 tr.
5. Tuyển văn Quỳnh Lưu (1940-2010).-H., Phụ nữ, 2011.- 467 tr.
6. Từ trang Nghĩa Lộ đến xã Tiến Thủy.- NXB Nghệ An, 2002.- 293 tr.
– Và một số tài liệu khác…
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số 13 – Tháng 6/2024)