Tác giả Nguyễn Trí vừa đoạt giải Nhất thể loại tiểu thuyết Cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn” 2023 do Tổng Liên đoàn LĐ VN phối hợp với HNV VN và báo Lao động tổ chức với tác phẩm “Hoa xương rồng”. Cách đây 13 năm, ông từng là nhân vật tâm điểm ở một phiên tòa đẫm nước mắt.
Tháng 10.2009, con gái của ông Nguyễn Trí là Nguyễn Thanh Tuyền khi ấy 18 tuổi đã bị giết hại trong một vụ xô xát ở khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Kẻ giết người là Nguyễn Thị Thùy Trang (17 tuổi). Bị thương sau vụ xô xát, khi được chuyển đến bệnh viện, Nguyễn Thị Thùy Trang mới biết mình đã mang thai 2 tháng.
Ở cả phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, những người dự tòa đã chứng kiến cảnh xưa nay hiếm. Trong suốt phiên phúc thẩm diễn ra vào tháng 11.2010, con gái của Nguyễn Thị Thùy Trang lúc này được 4 tháng tuổi, đã được một người phụ nữ phúc hậu ẵm bồng trong lúc Trang đứng trước vành móng ngựa. Người phụ nữ bế con của bị cáo chính là… mẹ của nạn nhân Nguyễn Thanh Tuyền, vợ ông Nguyễn Trí.
Cũng ở cả phiên sơ thẩm, phúc thẩm, đôi vợ chồng già (cha mẹ của nạn nhân) đã dậy sớm từ 3h sáng lặn lội hơn 80 km đến dự tòa để xin giảm án cho bị cáo.
Ông Nguyễn Trí – bố của nạn nhân đã khiến cả phiên tòa đẫm nước mắt, khi đứng lên xin giảm án cho bị cáo. Lời phát biểu của ông Nguyễn Trí được đăng tải trên khắp các mặt báo, ngay sau phiên tòa.
“Xin tòa xem xét cho Trang ở một khía cạnh khác mà giảm án cho cháu nó. Nó sinh ra trong một gia đình nghèo, cha đã có vợ nhỏ nên cũng bỏ bê chuyện giáo dục con cái. Chỉ được học đến lớp 8 nó đã phải nghỉ để đi làm thì sự giáo dục từ nhà trường cũng đã trôi tuột hết rồi. Còn mẹ nó phải thức từ 1h sáng để làm gà mang bỏ mối cho người ta, em trai chỉ học lớp ba cũng phải dậy từ 5h sáng để làm việc… Đáng thương hơn, con gái của nó phải nhìn đời sau song sắt như thế thì làm sao có thể phát triển như bao đứa trẻ khác?”, trích lời ông Nguyễn Trí trong phiên tòa.
Lời xin giảm án của người cha nghèo vất vả dành cho kẻ đã giết con gái mình khiến những người dự tòa không cầm được nước mắt.
Kết thúc phiên tòa, Nguyễn Thị Thùy Trang đã níu chặt tay đôi vợ chồng già khóc ngất, nói lời cảm tạ. Hình ảnh và câu chuyện về phiên tòa năm 2010 đã gây xúc động mạnh với dư luận về tấm lòng bao dung của ông Nguyễn Trí và vợ.
13 năm sau, ông Nguyễn Trí – giờ đây đã trở thành một nhà văn. Tối 26.11, có mặt ở Nhà hát Lớn nhận giải nhất cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn do Báo Lao Động tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, ông Nguyễn Trí không giấu được sự xúc động và tự hào.
Chia sẻ với phóng viên, tác giả Nguyễn Trí cho biết, tác phẩm “Hoa xương rồng” được trao giải nhất mang đầy ý nghĩa đối với ông.
“Tôi viết tác phẩm này dựa trên chính cuộc đời mình. Mọi diễn biến, biến cố, những đau khổ, thăng trầm trong tác phẩm chính là cuộc đời tôi, gia đình tôi. Nhân vật chính Năm Thao là tôi – người đã bị tai nạn nằm viện, người đã làm đủ nghề để mưu sinh, cực khổ. Vợ tôi – là bà Năm Thao, người đã phải đi vay tiền xã hội đen để lo cho chồng. Con gái tôi – nhân vật Hương, phải bỏ học sớm để phụ giúp kinh tế cho bố mẹ… Tác phẩm này, tôi viết rất nhanh, tất cả chữ nghĩa cứ thế chảy tràn ra, chỉ mất 35 ngày để hoàn tất. Vốn sống đã có sẵn, tôi chỉ cần sắp xếp lại và viết ra. Mỗi tình tiết, mỗi con chữ đều đánh đổi bằng máu, bằng nước mắt của cả cuộc đời” – ông Nguyễn Trí nói.
Ông Nguyễn Trí sinh năm 1956, năm nay 67 tuổi, đã đi qua những nỗi đau tưởng như không thể vượt qua.
“Nhìn lại cuộc đời mình, tôi cảm thấy cần phải viết. Tôi viết ra, cũng cảm thấy được an ủi phần nào. Viết văn có lẽ là mối duyên trời định, văn học giúp tôi nhìn lại, xoa dịu đi nỗi đau ẩn sâu. Tôi dựa vào văn chương, dựa vào tình cảm gia đình, dựa vào vợ tôi để đứng dậy, bước tiếp” – tác giả “Hoa xương rồng” chia sẻ.
Với giải thưởng đạt được tại cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn, tác giả Nguyễn Trí thấy có thêm động lực để sáng tác, có thêm niềm tin vào văn chương và con đường ông đang đi.
“Giải thưởng này có ý nghĩa rất lớn với tôi. Đó là giải thưởng có độ lan tỏa, có sức ảnh hưởng, đề tài thấm đẫm chất liệu sống. Năm nay, gia đình tôi cũng gặp nhiều chuyện, các con khó khăn về công việc, nên tiền thưởng cũng giúp chúng tôi rất nhiều… Tôi xin cảm ơn. Và sẽ tiếp tục viết, tiếp tục cống hiến” – ông Nguyễn Trí xúc động khi nhắc về vợ con, gia đình sau khi nhận thưởng.
(Theo báo Lao động)