Đỗ Nguyên Thương
Quả còn
Tan hội rồi anh giữ được quả còn
Đem về nhà đêm đêm không ngủ được
Nhớ em tung còn, nhớ tay em bắt
Quả còn cất được, cất sao nổi nỗi nhớ em đây?
Tập thơ song ngữ Tày – Việt nhan đề “Phác noọng dú tin phạ quây – Gửi em ở Phương trời xa” của nhà thơ Dương Khâu Luông đã đạt giải B (không có giải A) của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2016. Năm nay 2023, tôi mới được tiếp cận, cảm giác hơi thiệt thòi khi chưa được nhà thơ tặng sách sớm hơn nhanh chóng lùi bước để thay vào đó là sự háo hức, say mê khi khám phá vẻ đẹp, sức hấp dẫn của các bài thơ anh viết về tình yêu. Đặc biệt là bài thơ “Ăn còn – Quả còn”.
Vâng, tình yêu vốn là đề tài muôn thuở của thơ, ca, nhạc, họa. Và tôi dám chắc rằng dù bạn là người dân tộc nào thì đề tài này cũng hấp dẫn bạn hơn rất nhiều đề tài khác. Cũng dễ hiểu thôi, khi ai đó nói rằng “Nếu trái đất không có tình yêu thì vầng mặt trời sẽ tắt”. Tình yêu là thứ tình cảm đặc biệt, rất đáng trân quý của con người. Tình yêu đất nước, quê hương, yêu đồng bào, yêu thiên nhiên cảnh vật, một dòng sông, một con đường, một ngõ xóm… đều đáng quý. Nhưng có lẽ tình yêu lứa đôi là đề tài được nhiều cây viết quan tâm hơn cả.
Xuân Diệu từng triết lý “Làm sao sống được mà không yêu”, thậm chí ông quan niệm “Cây nến chỉ thực sự sống khi đang cháy sáng, cây đàn chỉ thực sự sống khi rung lên những giai điệu thanh âm. Và con người chỉ thực sự sống khi đang yêu”. Các nhà thơ dân tộc Kinh đã nói nhiều, nói hay về đề tài này. Và hôm nay, tôi được đọc tập thơ song ngữ Tày-Việt, tập thơ chủ yếu chọn lọc các bài thơ tình yêu với các cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng điểm chung đều hấp dẫn bởi lối nói, lối so sánh ví von, cách dùng từ ngữ giản dị, rất ấn tượng của nhà thơ dân tộc Tày Dương Khâu Luông.
Bài thơ “Ăn còn-Quả còn”, ai đã đọc một lần chắc cũng muốn đọc lại lần 2, 3…
Tan hội rồi anh giữ được quả còn
Đem về nhà đêm đêm không ngủ được
Nhớ em tung còn, nhớ tay em bắt
Quả còn cất được, cất sao nổi nỗi nhớ em đây?
Đâu cứ phải lục bát hay ngũ ngôn mới da diết và đằm sâu nỗi nhớ, đâu cứ phải vòng vo, ẩn dụ hay mượn lời bạn diễn đạt ý mình. Ở đây, thi sỹ nói trực diện vào cái tôi cá nhân cùng nỗi nhớ dành cho em (người đã tham gia lễ hội, đã tung, đã bắt quả còn).
Theo một số tài liệu ghi chép lại, tung còn (hay còn được gọi là ném còn) là trò chơi dân gian đã có từ lâu đời, gắn liền với đời sống, sinh hoạt, lao động của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trò chơi này xuất hiện vào dịp đầu năm mới, ngay sau tết nguyên đán hoặc vào các lễ hội hằng năm. Đây là dịp để đồng bào vui chơi, giao lưu kết bạn, thậm chí giao duyên với sự tham gia của đông đảo của các nam thanh, nữ tú.
Trò chơi ném còn vừa là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa là môn thể thao được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, với lễ hội đầu xuân, khi trai thanh, gái lịch ăn mặc đẹp, nhất là con gái với sắc váy, áo hoa thêu các màu rực rỡ thì đến với hội tung còn là đến với nhịp điệu giao duyên, nhịp cầu giao duyên.
Tác giả Mạnh Cường trên Báo điện tử (Baothanhhoa.vn) có viết “Mục đích tham gia trò chơi này không chỉ là để có cơ thể khỏe mạnh, duyên dáng, mà còn là dịp để các đôi nam nữ lấy quả còn tung qua, tung lại, giao duyên. Chàng trai khi để ý và thích cô gái nào thì tung còn cho người mà mình yêu mến, xem đó như là một lời tỏ tình, giao duyên. Cô gái nào nhận được còn của chàng trai mà mình thầm thương trộm nhớ khi nhận được quả còn không khỏi e thẹn, đỏ mặt vui mừng. Hành động tung còn trả lại chàng trai tức là trả lời đã đồng ý giao đãi làm quen với nhau sau hội tung còn. Vì vậy, quả còn được tượng trưng như vật giao duyên”.
Hiểu đôi nét về việc này, thêm hiểu về thơ Dương Khâu Luông. Mở đầu bài thơ “Quả còn” là câu “Tan hội rồi anh giữ được quả còn” câu thơ này trước hết, như một lời thông báo. Nhưng không chỉ vậy, nó ẩn chứa thông điệp người con trai đã tung còn, người con gái bắt được và tung lại, như một sự đồng ý với lời tỏ tình qua trò chơi tại lễ hội. Nói khác đi, thông điệp ở câu thơ thứ nhất là thông điệp chiến thắng.
Chiến thắng là vui, là bâng khuâng, là hạnh phúc trào dâng… đến khó ngủ “Đem về nhà đêm đêm không ngủ được”. Không ngủ được vì “tan hội rồi” chăng? Cũng có thể, vì dư âm sau mỗi dịp hội, hè thường khiến con người ta bâng khuâng, luyến tiếc. Có nhiều khi là quanh năm đầu tắt mặt tối với nương rẫy, ruộng, vườn, đến kỳ hội háo hức bao nhiêu trước đó, thì dư âm tiếc nuối sau hội kéo dài là một lẽ đương nhiên. Nhưng, ở câu thơ này, không ngủ được còn vì vui, vì hạnh phúc như một lẽ thường tình.
Và sâu xa hơn, lý do không ngủ được còn vì “Nhớ em tung còn, nhớ tay em bắt”, nhớ dáng điệu cử chỉ của em gắn với các điệu “tung, bắt” quả còn. Hẳn là dáng em nhỏ xinh, thoăn thoắt, hẳn là tay em da trắng nõn nà. Con gái dân tộc thiểu số, gái Tày, gái Thái nhiều cô da trắng như trứng gà bóc và dáng vóc cũng đẹp dịu dàng khi khoác trang phục dân tốc nhiều sắc màu bắt mắt. Chắc chắn chàng trai xưng anh trong bài thơ này đang tương tư. Trước kia, nhà thơ Nguyễn Bính từng viết:
Nắng mưa là việc của Trời
Tương tư là việc của tôi yêu nàng
Tương tư là tình cảm phổ biến, là nét đẹp của tình yêu, là thứ cảm xúc rất đặc biệt khó diễn tả đầy đủ bằng ngôn từ. Như các cụ xưa từng tổng kết rất hay, rằng:
Gió sao gió mát sau lưng
Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này
Câu kết của bài thơ, chính xác hồn vía bài thơ hiện diện đầy đủ và sắc nét “Quả còn cất được, cất sao nổi nỗi nhớ em đây?”. Không thể có câu nào giản dị hơn khi nói về nỗi nhớ khắc khoải trong trường hợp cụ thể này. Quả còn là hiện vật, cầm nắm, được; giữ được và cất giấu được. Còn nỗi nhớ em, không cụ thể, không là hiện vật nhưng sức hiện hữu trong tâm tưởng thì thực là dai dẳng. Lại nhớ câu ca xưa:
Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên
Cái động tác tưởng như bất bình thường ấy thể hiện đầy đủ nỗi tương tư của tình yêu trai gái. Và câu thơ của Dương Khâu Luông, câu hỏi tu từ “Quả còn cất được, cất sao nổi nỗi nhớ em đây?” vang lên thầm lặng và da diết, đằm sâu một cảm xúc chân thành. Vâng. Chân thành luôn là thứ cần nhất trong cuộc sống, đặc biệt trong tình yêu. Vì không cất nổi nỗi nhớ dành cho em nên anh cứ hằng đêm không ngủ được, và nỗi lòng cất cả vào thơ. Thơ là nơi ẩn nấp, không, thơ là bình chứa nếu nỗi nhớ là rượu; thơ là tình và tình càng da diết, đằm sâu thì thơ càng giá trị.
Không màu mè, hoa mỹ, không nói vòng, nói xa, nhà thơ đã thể hiện được trọn vẹn trạng thái cảm xúc tương tư trong bài thơ “Ăn còn-Quả còn” với 4 câu thơ ngắn gọn. Ba câu trên 8 chữ, câu cuối 11 chữ. Đây không phải là “thất vận” hay ‘thất cú” mà là sự cách điệu, là sáng tạo, là tâm trạng hiển hiện thành lời thơ. Câu thơ kéo dài như nỗi nhớ, như trạng thái cảm xúc của người tương tư không thể bó hẹp trong khuôn khổ. Sự vượt thoát này khắc sâu thêm cung bậc cảm xúc tương tư của nhà thơ.
Thêm lần ta cảm nhận, thơ hay là thơ giản dị, thơ hay là thơ ám ảnh lòng người. Bài thơ này nói riêng và tập “Gửi em ở phương trời xa” nói chung thật sự xứng đáng với giải B (Tương đương giải A vì năm đó không có giải A) mà Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã trao cho thi sỹ.
Hy vọng rằng, mỗi mùa xuân thi sỹ lại có một tập thơ để đời, một bài thơ xuất sắc. Với cương vị Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn, công việc hành chính không ít, nhưng anh đã dành thời gian thỏa đáng, đã thể hiện khát vọng, đam mê và đã thành công với 11 tập thơ, đã được nhận các giải thưởng cao quý của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và nhiều giải thưởng giá trị khác. Tin tưởng rằng, bút lực còn dồi dào, nhà thơ Dương Khâu Luông sẽ không phụ lòng công chúng mến mộ và bạn đọc gần xa qua những vần thơ, tập thơ tiếp nối. Tin rằng, với sức sáng tạo và phong cách riêng ổn định, bền vững, nhà thơ sẽ kết dệt cho đời nhiều mật ngọt từ hương thơm của núi rừng, quê hương, bản quán nơi Bắc Kạn thơ mộng, ấm áp quê anh và những miền đất, những con người anh đã gặp, đã mến.