Theo tôi, bản lĩnh của một nhà thơ là điều không thể dễ dàng có ngay được đối với người cầm bút, cái đấy là một phẩm chất đặc biệt phải được mài giũa, được trui rèn, được thử thách qua thời gian. Ở một góc nhìn sâu xa hơn, ta thấy bản lĩnh của người viết còn phụ thuộc vào vốn đời sống, vào chính tài năng và năng lượng sáng tạo nghệ thuật của anh ta, nếu thiếu hai yếu tố này, tôi nghĩ bản lĩnh ấy khó mà thành công trên con đường đầy khó khăn, gian truân, thử thách của thi ca đích thực.
Với tôi, để có được bản lĩnh thơ là cả một chặng đường sống và viết và trải nghiệm khá dài qua hai mươi năm cầm bút. Các bài thơ đầu tiên tôi in trên báo từ những năm 1969-1970 khi tôi còn là học sinh cấp III rồi vào bộ đội. Nhưng thời gian dài sau đó, tôi chỉ lặng lẽ viết, lặng lẽ thể nghiệm thi ca mà không in ấn gì. Đến năm 1989-1990, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, trong cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ, tôi mới lặng lẽ gửi mấy ki-lô-gam thơ (gần 100 bài thơ và trường ca tôi viết từ hồi chiến tranh trong hai chục năm) và sau 2 chùm thơ 6 bài in trên báo Văn Nghệ, tôi đã được trao giải nhì của cuộc thi thơ này.
Trong cuộc thi thơ ấy, nhà thơ Bế Kiến Quốc khi đọc thơ và trường ca của tôi đã từng nhận xét, tôi là một người làm thơ đã rất lâu rồi và đến cuộc thi thơ này mới công bố các vỉa- quặng- thơ còn khuất chìm trong nhiều năm. Anh Quốc nói vui: “Chú mày luyện chưởng, luyện thơ khá công phu đấy!”. Trước đây, thơ tôi khắc họa nỗi đau chiến tranh với cái nhìn của một nhà thơ yêu nước muốn được sẻ chia với những mất mát, đau thương của dân tộc mình. Sau này, thơ tôi nghiêng về phía khắc họa nỗi buồn của con người thời hậu chiến trong đời sống đô thị công nghiệp hóa đang làm tổn hại thiên nhiên và nghiền vụn thời- gian- văn- hóa của con người. Nói tóm lại, số phận con người cùng với những khát khao, dằn vặt, yêu thương, đau đớn và mơ ước, hy vọng của họ chính là mối quan tâm lớn nhất của thơ tôi.
Theo tôi, thơ ca là nền nền nghệ thuật chia sẻ với con người, là cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại của họ để mang lại hy vọng cho những khổ đau và mất mát mà con người đã phải chịu đựng khi đi qua thế gian này. Tôi nghĩ, một nhà thơ đích thực phải biết cách khắc hoạ bằng ngôn ngữ của thơ – nỗi đau của những phận người và phải chạm được vào cõi sâu của tâm hồn con người không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí mà còn bằng cảm xúc của trái tim – những cảm xúc được tái hiện từ cái chất liệu đời thường còn rớm máu và khó nhọc này. Những nỗi khổ đau day dứt của đời thường để lại không ít vết thương trong trái tim nhà thơ. Sự thật khắc nghiệt mà họ phải nếm trải đã dội đập vào thơ họ đến tức ngực- làm thơ họ bừng tỉnh. Và những bài thơ của họ tham dự vào những nỗi khổ đau và hy vọng đã làm nên gương mặt của mỗi số phận con người. Sự dồn nén, bức xúc của tâm trạng bật dậy những câu thơ không chịu bằng phẳng và sự chuyển tải của những nỗi niềm, những ẩn ức đang còn khuất lấp trong tâm hồn thi sĩ đã tự tìm cho mình một hình thể mới, một nhịp vận động riêng trong cách tổ chức câu chữ và những bài thơ đổi mới của họ ra đời. Thơ của họ gần gũi với cuộc đời hơn, gần với thiên nhiên, gần gũi với tâm sự buồn vui của con người hơn, thơ của họ nghiêng về phía những cá thể và là tiếng nói thân phận.
Theo tôi, bản chất của sự cách tân và đổi mới thơ hôm nay không chỉ nằm ở sự tìm tòi về mặt hình thức nghệ thuật cấu trúc của ngôn ngữ thơ mà điều thiết yếu căn cốt là ở sự đổi mới nội dung đời sống được phản ánh trong thơ. Trong rất nhiều thế kỷ qua, các trường phái thơ lớn trên thế giới qua mỗi thời kỳ đều hướng tới sự tìm tòi và cách tân thơ. Điều khác biệt (và khu biệt nhất) để có thể nhận ra được các nhà thơ cách tân của mỗi thời đại có gương- mặt- thơ khác nhau như thế nào chính là ở nội dung đời sống trong thơ họ ở thời đại ấy đã được phản ánh, khắc hoạ trong một trường- thẩm- mỹ nào.
Về bản lĩnh và bản sắc thơ, tôi muốn nhắc đến một bản lĩnh thơ rất đặc biệt, đó là nhà thơ Phạm Tiến Duật, đây là một tài năng thi ca độc đáo, thông minh và rất giầu kiến văn mà tôi đã có một số lần được trò chuyện với ông. Bàn về giá trị của vần trong thơ ca, nhà thơ Phạm Tiến Duật cho rằng: “Đã từ lâu rồi trên phạm vi toàn cầu, người ta chẳng coi vần là gì cả. Những câu định nghĩa theo kiểu: “Thơ là một loại hình văn học sử dụng hình ảnh, vần điệu, nhịp điệu để biểu đạt một tư tưởng, tình cảm nào đó”, xem ra quá lạc hậu rồi. Tuyển tập thơ tình Pháp thế kỷ XX có một bài rất ngắn, chẳng những không có vần mà hình ảnh cũng không: “Cao hơn sự đói là sự rét/Cao hơn sự rét là sự ốm/Cao hơn sự ốm là sự chết/Cao hơn sự chết là sự bị bỏ quên”. Đa số người làm thơ không vần ngày một đông lên nhưng không vì thể mà thơ vần điệu ở ta và ở tây nữa mất đi”.
“Vần là một hiện tượng ngôn ngữ kỳ diệu. Vần là quầng sáng chói lọi của tiếng nói và trong sự cuốn đi của dòng âm thanh, vần đọng lại trong trí nhớ con người một cách mạnh mẽ. Về mặt ý nghĩa, vần không chỉ tham gia vào thơ như một yếu tố hình thức và còn tham gia trực tiếp vào tôn vinh nội dung nữa. Vần tồn tại trong điệu và do vậy vần tạo nên nhạc. Có lẽ, đến một ngày nào đó, nhân loại tuyến bố sẽ tiêu diệt hoàn toàn câu thơ có vần thì người ngồi ngẩn ngơ buồn trước nhất là ông nhạc sĩ viết ca khúc. Có phải thế không?”, Phạm Tiến Duật đặt câu hỏi.
Sau khi tôi được trao giải nhì cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1989-1990, nhà thơ Phạm Tiến Duật (Ban chung khảo) thân mật chia vui với tôi: “Bài thơ Mưa phố vào tranh của chú được chấm điểm rất cao, mấy đoạn thơ có chút màu sắc siêu thực như: “Mưa bay chéo mặt tranh mờ xóa/ Cả vòm trời loang chảy màu sơn/Những ngôi nhà như đang trượt ngã/Gọi dìu nhau ở phía bên đường”. Tôi thú thật: “Dạ, lúc viết bài này, em không nghĩ tới thi pháp siêu thực đâu ạ!”. Phạm Tiến Duật cười, chơi chữ: “Chú không nghĩ tới thì thơ mới thành siêu thực, còn nếu chú mà chủ ý thì nó thành siêu vẹo ngay! Vì Siêu thực tồn tại khách quan bên cạnh Hiện thực như cái Say tồn tại khách quan bên cạnh cái Tỉnh. Về bút pháp Siêu thực thì thời nào cũng có, câu ca dao: “Gió đưa cây cải lên trời/Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” là câu có màu sắc Siêu thực đấy! Phải truy tìm cái mới. Thơ gì cũng được, thơ siêu đẳng, thơ siêu việt, thơ siêu thực…cốt đừng thành thơ siêu vẹo là được”.
Bàn tiếp về tính siêu thực trong thơ, Phạm Tiến Duật phân tích hóm hỉnh: “Thơ của nhóm Xuân thu nhã tập thường được bảo rằng đó là thơ siêu thực nhưng lại rất ít chất siêu thực. Câu Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà là câu chuyện kể hết mùa ổi đến mùa táo, có gì mà siêu thực. Câu Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm là câu văn tả thực, đẹp, nõn. Thế thôi. Tuy không phải siêu thực mà nó cũng không sa vào siêu vẹo. Cứ như Chế Lan Viên lại là người có nhiều câu siêu thực kỳ lạ. Mười sáu tuổi ông đã viết Ý của ai trú ẩn ở đầu ta và câu này ở chặng đường sau: Anh nhớ em như đông về nhớ rét. Không thể sâu sắc hơn được mà cũng không thể giản dị hơn được”.
Trao đổi về công cuộc đổi mới thơ ngày hôm nay khi không ít nhà thơ đã cho ra đời một số công trình có tính thử nghiệm nhưng chưa đạt hiệu quả, nhà thơ Phạm Tiến Duật thận trọng khi cho rằng: “Nếu suy ngẫm kỹ, thấy đòi hỏi thơ cần “lột xác” nhanh chóng là đòi hỏi quá đáng. Chỉ vì một lẽ giản dị: văn học là bộ phận trừu tượng nhất trong tất cả các bộ môn văn nghệ. Hội họa còn là vật chất của hình học và hạt Proton của ánh sáng. Âm nhạc còn là vật chất của các bước sóng âm thanh. Tiếng nói và chữ viết là đỉnh cao của khả năng trừu tượng. Vậy nên các nhà thơ cần đổi mới nhưng đừng quá nôn nóng kẻo tự làm hỏng sản phẩm tinh túy của chính mình”.
Theo tôi, với bản lĩnh của người làm thơ, viết về Tổ quốc, về Đất nước là đề tài muôn thủa có tính văn hóa- lịch sử luôn gợi lên cho các nhà thơ rất nhiều nguồn cảm hứng về một bản sắc thơ. Ở mỗi giai đoạn thời gian khác nhau, mỗi thời đại khác nhau, mỗi một thế hệ nhà văn (hoặc mỗi một người sáng tạo) đều tìm đến sự khái quát và tiếng nói bản sắc riêng của mình trong những sáng tác về đề tài lớn lao và thiêng liêng này. Chính vì vậy, tôi cho rằng, thi ca luôn phải đổi mới cách viết, phải luôn cách tân ngay cả với dạng đề tài có tính lịch sử- chính trị này thì mới làm nên bản sắc đa dạng, đa diện và sâu sắc của thi ca Việt Nam qua mấy ngàn năm trường tồn cùng non sông này. Ngay trong 2 bài thơ về đề tài lớn là “ Thời đất nước gian lao” và “ Tổ quốc nhìn từ biển” tôi cũng đã cố gắng đưa ít, nhiều vào trong đó cái nhìn mới có hướng cách tân cho những hình tượng thơ được xây dựng xung quanh trục lịch sử- đất nước- con người. Điều quan trọng là tuy phải đổi mới nhưng thi ca không được phép xa lạ với con người và thi ca phải nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận.
Nguyễn Việt Chiến