Sao Khuê
Trong khi số đông đắm đuối gieo nhạc, thả thơ cho những cảm xúc yêu đương, hoặc chọn viết những đề tài “nóng” và hấp dẫn, ngòi bút của Văn Diên lại hướng đến bạn đọc trẻ – học sinh lứa tuổi thiếu niên, vị thành niên.
Đề tài này, thoạt nghe thì tưởng khó và khổ, nhưng bằng tình yêu thương và niềm tin đặt vào thế hệ trẻ, Văn Diên đã làm cho những lời động viên, khuyên nhủ trở nên tinh tế, nhẹ nhàng và tràn đầy cảm hứng qua thơ.
Từ góc nhìn khách quan, tập thơ “ƯỚC VỌNG XANH” song ngữ Việt – Anh của Văn Diên (NXB Giáo dục Việt Nam, tháng 1/2025) không chỉ hướng đến độc giả trẻ, mà bất cứ ai, nếu có duyên chạm tới, có lẽ đều đồng ý rằng thơ dành cho thanh thiếu niên mang lại nhiều lợi ích vì nó giúp các em tư duy, ngẫm ngợi, quản lý cảm xúc và hiểu rõ hơn về cuộc sống. Bất cứ ai, ngay từ khi còn nhỏ, đều cần hiểu giá trị của thơ ca, bởi tính thẩm mỹ của nó đánh thức sự sáng tạo và tình yêu dành cho sách vở. Nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng biết cách cho con tiếp cận thơ. Thậm chí đôi khi thể loại văn học này thường bị bỏ quên vì cha mẹ và các nhà giáo dục không biết lựa chọn những bài thơ phù hợp để giới trẻ quan tâm.

Nói Văn Diên tự chọn con đường khó và khổ cho thơ của mình, là vì lẽ đó. Nhưng thử thách và cam go cũng là một cuộc phiêu lưu thú vị của nghề viết. Hơn nữa, tập thơ “ƯỚC VỌNG XANH” còn là cách tác giả hưởng ứng chương trình cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra năm 2018, giáo dục thực hành trải nghiệm bản thân, trải nghiệm xã hội, trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh các cấp học phổ thông. Còn là cách tác giả nhạy bén với các trường quốc tế, các trung tâm giáo dục tư nhân có yếu tố nước ngoài có phương pháp giáo dục tiên tiến, thường có nhiều bài học và tổ chức cho học sinh các loại hình trải nghiệm, tiếp cận sớm theo lứa tuổi học sinh; hưởng ứng phát động của Hội Nhà văn viết về đề tài văn học thiếu nhi, văn học nhà trường. Thực tế, văn học thiếu nhi là một trong những hoạt động quan trọng và được ưu tiên của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X. Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi kéo dài trong 5 năm (từ cuối năm 2021 đến tháng 5/2025).
Hơn 40 bài viết trong tập thơ “ƯỚC VỌNG XANH” hướng đến lứa tuổi học sinh, Văn Diên đã chọn đề tài toàn diện và đa dạng góc cạnh của cuộc sống, hướng tới mục đích: thông qua sáng tác văn học, ca ngợi, cổ vũ, tôn vinh những đức tính, hành động, suy nghĩ tốt đẹp, những cạm bẫy cần cảnh giác phòng tránh, từ đó khơi gợi, bồi đắp, làm giàu cho tâm hồn bạn trẻ, hướng thanh thiếu niên trở thành những con người có nhân cách, có ích trong tương lai; truyền tải ý nghĩa thế giới quan, nhân sinh quan, đánh thức nhiều trải nghiệm, trong đó có cả yếu tố tâm linh lành mạnh.

Trên hết, với tập thơ “ƯỚC VỌNG XANH”, Văn Diên dẫn dắt độc giả trẻ vào một thế giới đầy màu sắc. Ở đây không chỉ có những lời khích lệ và truyền cảm thức động lực học tập mà còn có cả một bầu trời tuổi thơ mà biết bao thế hệ đã khôn lớn vẫn luôn đau đáu nhớ về.
Độc giả cũng sẽ thấy sự khác biệt thú vị giữa học trò trong thời chiến và học trò thời hội nhập. Nhưng, dù sinh ra ở thời đại nào, lứa tuổi thanh xuân luôn là tương lai của đất nước.
“… Thanh xuân thời đại Bác Hồ/ Thanh xuân Tổ quốc mong chờ… thanh xuân”
“Thời đại công nghệ mới/ Bệnh thành tích xưa rồi/ Truyền thống vàng giáo dục/ Học và hành đi đôi…”
Tuổi học trò còn là lứa tuổi “ẩm ương” – giai đoạn nhạy cảm nhất cuộc đời vì mỗi cá nhân cần phải rèn giũa bản sắc riêng của mình. Trong khi loay hoay, xoay xở để hiểu bản thân và khẳng định năng lực với gia đình, với nhà trường, với xã hội… nhiều em không biết tìm kiếm sự đồng cảm ở đâu. Lúc này, thơ ca đóng vai trò là chiếc cầu nối cảm xúc của các em với cuộc sống.
Với tập thơ “ƯỚC VỌNG XANH”, Văn Diên hoá thân thành “người không tuổi”. Anh dùng những con chữ tình cảm và ấm áp để ngồi cạnh bên độc giả, lắng nghe họ, thủ thỉ với họ về tuổi thơ êm đềm với tiếng ve kêu, với ông bà, với bố mẹ và với bạn bè.
Câu chuyện “học nhóm”, trải nghiệm chỉ có ở tuổi học trò cũng được Văn Diên đưa vào thơ một cách vừa thi vị vừa rộn ràng:
“Nhìn đàn cò trắng ngang trời/ Tôm mơ về nhóm những người bạn chung/ Ngày ngày nhóm tổ học cùng/ Những giờ tương tác tập trung học bài…”
Và có lẽ giá trị nhất trong những vần thơ của Văn Diên chính là thông điệp về lòng biết ơn. Càng biết ơn càng được nhiều hơn. Được ở đây là được mở tầm mắt, mở ra nguồn sức mạnh trí tuệ không giới hạn,… Sinh ra trong thời bình là may mắn, được đến trường là hạnh phúc, được học tập là một đặc ân, được yêu thương là món quà vô giá. Khi những đứa trẻ lớn lên với lòng biết ơn, chúng sẽ hiểu rõ hơn về nhu cầu và cảm xúc của người khác.
Thơ dành cho lứa tuổi thiếu niên vô cùng quan trọng. Khi đọc một bài thơ, độc giả sẽ cảm nhận nó qua lăng kính suy nghĩ, kinh nghiệm sống và cảm xúc của chính mình. Từ trải nghiệm đó, bài thơ cũng trở thành của riêng mình. Vậy nên thơ ca gắn liền với cuộc sống một cách vừa tự nhiên vừa kỳ diệu.
Thưởng thức “ƯỚC VỌNG XANH”, độc giả trẻ đam mê viết còn được truyền cảm hứng để sáng tác về những đề tài gần gũi quanh mình. Với thơ ca, một cọng cỏ, một mầm cây, một tiếng gió hay mỗi bước chân cũng có thể trở thành tác phẩm.
“… Nương đồi xanh thắm xanh/ Ô cửa thành bức tranh/ Cao nguyên âm vang gọi/ Em gắng theo con chữ/ Dựng xây bản tiến nhanh…”.