Trần Quỳnh Hoa
Ngày 15/2/2025, tại NXB Hội Nhà văn đã tổ chức lễ ra mắt trường ca “Lò mổ” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với hai phiên bản Việt – Anh, và trưng bày bộ tranh “Nguyện cầu” được tác giả sử dụng để minh họa cho mỗi chương trong cuốn sách. “Lò mổ” là sự hòa quyện giữa thi ca và hội họa, đầy ắp những thử nghiệm về hình thức thể hiện, đa dạng về thể loại; tất cả nhằm trả lời câu hỏi tác giả tự vấn bản thân mình: “Đời sống tôi đang sống có thực sự là một đời sống?”.


Câu hỏi này nảy ra từ một lò mổ, mà tác giả Nguyễn Quang Thiều, khi đó mới ngoài đôi mươi, đã ghé thăm ở ngoại ô Hà Đông. Cảm nhận được nỗi kinh hoàng, đau đớn rên xiết của bao con vật và cả những người cầm dao kết liễu chúng, nỗi ám ảnh này bám theo ông suốt những năm tháng sau đó, càng tái hiện rõ ràng hơn trong thời khắc tối tăm của cuộc đời, khi “cơn bệnh tật tinh thần” thả ông rơi vào hoảng loạn. Một ngày, ông ngồi xuống bàn và quyết định kể ra câu chuyện này, lên trang giấy, lên toan vẽ. Tất cả bản thảo và tranh đã được ông hoàn thành vào Giáng sinh năm 2016. Từ đó đến nay đã gần 9 năm, Nguyễn Quang Thiều không hề sửa chữa bất cứ đoạn nào trong tác phẩm này, muốn giữ trọn vẹn cơn xúc cảm trào dâng ngày ấy, để tính chân thật và nguyên bản lấn át bàn tay của lý trí.

Nhà thơ Hữu Việt thấy rằng từ được nhắc đến nhiều nhất trong trường ca là “ruồi”, vì sao lại như vậy? Theo tác giả Nguyễn Quang Thiều, ở chương hai, có một nhân vật là người con gái muốn chạy trốn khỏi bầy ruồi, vì chúng săn đuổi con người, mong muốn đẻ trứng vào con người để khát vọng của loài ruồi được sinh sôi mãi. Nguyễn Quang Thiều cho rằng chúng ta đang sống trong thế giới tràn ngập ruồi, chúng ta dễ rơi vào bi quan, nhưng chúng ta phải sống. Hiện thực ngoài kia cũng giống như lò mổ, tàn khốc, khủng khiếp; nhưng trong cảnh dây trói, máu chảy, dao chém, tác giả vẫn mong mỏi lời nguyện cầu cho thế gian bình yên sẽ vang lên, nên đã lấy đó làm tên gọi cho bộ tranh của mình.




Nhà thơ Bruce Weigl, người chuyển ngữ cho cuốn trường ca, nhớ lại lần đầu tiên ông được đọc bản thảo tác phẩm, vào một ngày tháng 12 êm dịu ở Hà Nội. Ông cảm thấy choáng ngợp, bị cuốn hút ngay lập tức vào việc dịch thử vài trang của tác phẩm giàu tính sáng tạo này. Đó là ngày đầu tiên của hành trình 6 năm tìm kiếm phiên bản tiếng Anh cho trường ca, sao cho đủ độ sắc bén, tính mới mẻ và sức thuyết phục như bản gốc. Bruce Weigl đã đến Việt Nam nhiều lần và phối hợp làm việc từ xa với Nguyễn Quang Thiều; cuối cùng, nhờ tình bạn thân thiết giữa hai nhà thơ, việc dịch bản trường ca này đã thành công. Bruce Weigl thấy rằng “Lò mổ” là bản cáo trạng về những sai trái trong thế kỷ XX, cho phép người đọc cảm nhận thế giới qua hình thức gai góc và thô sơ nhất.


Nhà thơ Mai Văn Phấn thấy rằng Nguyễn Quang Thiều luôn bền bỉ và trung thành với cái đích mang đến cho thơ ca Việt Nam giọng điệu mới, cách thức mới. Tác giả đã xây dựng được một không gian hình học đa chiều, và sử dụng sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng để làm nên bản sắc của mình. Mỗi người đọc sẽ tìm ra cách riêng để giải mã thế giới trong “Lò mổ”.

Đồng ý với nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng Nguyễn Quang Thiều đã tạo ra một trường thẩm mỹ mới, bao gồm cả ngôn ngữ, cấu trúc và tư duy thơ. Đọc “Lò mổ”, ông cảm thấy như “phát sốt”, như trong cơn mê sảng, ngập trong máu, không biết ta hóa ruồi hay ruồi hóa ta. Trường ca mang thông điệp cảnh báo về cái ác và cách con người cư xử trước cái ác. Đây là chủ đề rất đáng lưu tâm hiện nay. Mong cuốn sách này sẽ đi vào đời sống và đến với đông đảo công chúng trong thời gian tới.