Vài nét về tác giả:
Tác giả Đỗ Ánh Tuyết sinh năm 1962 tại Tân Lập, Yên Mỹ, Hưng Yên, là Hội viên ban Văn xuôi Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên. Hiện chị đang sinh sống tại thị trấn Văn Giang, Hưng Yên. Chị đã xuất bản tập truyện ngắn “Những cánh chim trời” –NXB Hội Nhà văn năm 2019, chuẩn bị xuất bản tập tản văn “Quê hương”.
BẠN CŨ
Tình cờ tôi gặp một người bạn cùng học phổ thông trong một chuyến đi công tác miền Trung. Lần ấy, tôi đưa sinh viên của trường đi thực tập. Nửa tháng trời ăn nghỉ và làm việc ở giữa thành phố biển miền Trung đầy nắng và gió đã để lại khá nhiều ấn tượng với tôi. Gặp cậu bạn cùng học trong trường hợp ngẫu nhiên. Vào Đà Nẵng đã hơn một tuần, nhưng tôi vẫn chưa đi được đến đâu để thăm thú cái thành phố vốn được nhiều người ca ngợi. Phải lo thu xếp nơi ăn chốn ở cho đoàn; làm việc với ban điều hành công ty- nơi sinh viên của trường tôi đến thực tập – để họ sắp xếp công việc cho sinh viên; liên hoan giao lưu giữa lãnh đạo đoàn và lãnh đạo công ty… Đến ngày thứ mười, một “chiến hữu” cùng đoàn rủ tôi đi chơi. Hắn khoe: có một người bạn đang làm ăn sinh sống ở trong này, khá lắm, hôm nay hẹn mời đi nhậu. Tôi ậm ừ, lưỡng lự rồi gật đầu đi theo hắn. Đi cho biết, cũng là để giao lưu, ta lại có thêm một người bạn, càng hay…Chiếc taxi chở chúng tôi đến một nhà hàng khá lịch sự, xinh xắn bên bờ sông Hàn. Đón chúng tôi là một người đàn ông cao lớn, khá đẹp trai, cử chỉ thân thiện, cởi mở. Tôi sững lại ngay từ cái nhìn đầu tiên khi gặp người đàn ông này. Có một cái gì đó rất quen, rất mơ hồ, tôi chưa hình dung ra. Hình như anh bạn kia cũng vậy. Lúc anh bạn cùng trường giới thiệu hai chúng tôi với nhau, cả hai đều cùng “ồ ” lên và thật bất ngờ, anh ta ôm chầm lấy tôi:
– Hoàng! Hoàng lớp K phải không? Thành lớp G đây! Nhận ra chưa?
Thành quay sang anh bạn cùng đi với tôi:
– Chúng tớ học cùng khóa, cùng trường với nhau từ hồi cấp 3. Nhanh thật! Đã mấy chục năm rồi. Không biết cơn gió lành nào lại đưa ông đến đây thế? Thôi, vào đây, chuyện trò sau. Bao nhiêu năm, nhiều chuyện lắm ông ạ.
Phải công nhận, Thành thay đổi khá nhiều. Hồi còn học cấp 3, hắn nhút nhát, ít nói. Hắn là cây toán số 1 của lớp G và cũng như tôi, Thành có chân trong đội tuyển “gà nòi” của trường được bồi dưỡng để đi thi học sinh giỏi nên chúng tôi biết khá nhiều về nhau. Thành học đại học Xây dựng. Còn tôi theo học Bách khoa. Ra trường mỗi đứa một nơi, chẳng có điều kiện thăm hỏi, liên lạc với nhau. Thấm thoắt đã mấy chục năm…
– Nào, nâng cốc chúc mừng cho cuộc hội ngộ bất ngờ! – Thành hồ hởi – Bạn bè thì mình gặp gỡ luôn, nhưng để gặp bạn học cũ như ông bao nhiêu năm nay mới có một. Đặc biệt lắm đấy nhé. Hết mình đi các bạn!
– Mình bỏ việc nhà nước lâu rồi ông ạ – Thành tiếp tục. Vất vả trầy trật lắm. Làm nhà nước đồng lương không đủ nuôi vợ con, nhà cửa nhếch nhác, con cái nheo nhóc. Nghĩ lại thấy ớn! Mình bỏ ra làm ngoài. Xoay xở đủ kiểu. Cũng chỉ kiếm ăn bằng chính cái nghề xây dựng mà mình được tu luyện 5 năm trong trường, ông ạ, vì ngoài xây dựng ra, mình có biết nghề quái gì khác đâu. Sau có thằng bạn nó giúp, mình vào trong này lập nghiệp, mở công ty. Thế rồi duyên số gặp may, được bạn bè giúp, lại gặp “thiên thời, địa lợi” mình ăn nên làm ra, trụ được bằng nghề. Còn ông?
Tôi cười buồn, hất hàm sang anh bạn cùng đi:
– Mình với anh chàng này cùng cảnh. Chắc chẳng phải nói, ông cũng biết. Nghề giáo mà ông! Thanh bạch lắm.
Chúng tôi hàn huyên với nhau đủ mọi chuyện. Chợt, Thành quay sang tôi:
– Này, ông có nhớ thằng Hậu lớp ông không? Hậu người cùng làng với mình ấy. Thằng ấy bây giờ oách lắm. Quan cấp tỉnh. Oai vệ, sang trọng. Nó vào đây năm ngoái, dịp thành phố tổ chức thi bắn pháo hoa quốc tế. Mình cũng chỉ tình cờ gặp hắn do hắn đi cùng một người bạn của mình là công an thành phố. Bọn mình trò chuyện xã giao, nhạt thếch. Khác xa với cuộc gặp hôm nay. Thôi, mình với ông trăm phần trăm. Nào, cậu Khoa chứng kiến!
Nghe Thành nói, trong chếnh choáng hơi men, tôi lờ mờ hình dung ra cậu bạn cùng lớp thời phổ thông, tên Hậu. Cặp mắt một mí, nhỏ, dài. Cái nhìn luôn liếc ngang. Khi nói chuyện rất hay bẻ đốt ngón tay kêu khục khục. Tóc lúc nào cũng “đánh luống” nghiêm chỉnh, bóng mượt. Sức học nhàng nhàng, không có môn nào nổi bật, nhưng luôn luôn có điểm tổng kết rất cao so với các bạn cùng lớp. Thành kể: Hậu thi trượt đại học. Không biết làm cách nào nó được gọi đi học Cao đẳng sư phạm. Ra trường, hắn đi dạy ở một trường cấp hai trong huyện. Có ông bố làm cán bộ huyện, và do giỏi xã giao, giỏi quan hệ, một thời gian sau hắn lên làm lãnh đạo ngành giáo dục. Rồi chẳng hiểu do tài năng, hay có công trạng thành tích gì mà hắn tiến vù vù, đổi ghế liên tục. Giờ thì đang làm lãnh đạo tỉnh… Đi đến đâu cũng có kẻ tung người hứng. Oách lắm…
Nghe Thành nói chuyện, tôi ù cả hai tai. Lời của Thành cứ lùng bùng trong tai tôi câu được câu mất. Chẳng hiểu do men rượu hay vì lý do gì. Tôi chỉ thấy mình như không có trọng lượng, lúc lên tít trên cao, lúc lại rơi tụt xuống hố sâu. Lúc muốn cười ha hả. Lúc lại như muốn đập phá, cắn xé một cái gì đó. Có lẽ tôi bị say?
Chia tay, tôi và Thành cho nhau địa chỉ, số điện thoại hẹn gặp. Trước lúc lên xe, Thành móc ví đưa cho tôi tấm danh thiếp và dặn:
– Hậu nó làm sếp tỉnh mình đấy. Nhân vật quan trọng. Đây là địa chỉ và điện thoại của nó. Có vấn đề gì cần, cậu cứ alô cho nó một tiếng.
Thời gian trôi đi. Công việc bận rộn và cuộc sống hàng ngày đã cuốn tôi vào guồng quay của nó, tôi không có điều kiện để gặp và cũng chưa có việc gì cần phải nhờ vả đến Hậu. Vì thế “nhân vật quan trọng” mà cậu bạn tôi ở Đà Nẵng nhắc tới cũng nhạt nhòa theo thời gian. Thế rồi, không hẹn mà gặp. Ngẫu nhiên.
Xã tôi được công nhận đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang và đón nhận bằng anh hùng. Làng quê tràn ngập niềm vui, niềm vinh dự lớn lao. Cả xã tưng bừng rộn rịch đón ngày hội lớn. Cờ hoa rực rỡ, phấp phới, tràn ngập làng trên xóm dưới. Loa phát thanh oang oang truyền đi những bản tin nóng hổi, náo nức lòng người. Tiếng trống ếch rập rình. Tiếng hát tiếng hò rộn ràng của thanh thiếu niên trong đội văn nghệ của xã, của thôn chuẩn bị cho ngày hội. Những lá thư ngỏ đánh thức nghĩa tình nguồn cội, khích lệ lòng hảo tâm của mọi người với quê hương được gửi đi bốn phương. Tất cả những người con của quê hương dù ở nơi đâu, thành đạt hay không cũng hướng về nơi chôn rau cắt rốn của mình với tấm lòng chân thành nhất. Nhà nhà, người người bảo nhau: Gia đình mình đâu có hèn, đừng để thua kém ai…Danh sách ủng hộ mỗi ngày một dài thêm được thông báo thường nhật trên loa trong mục bản tin quan trọng. Người ta nở mặt nở mày khi nghe thấy tên anh em con cháu, gia đình, dòng họ nhà mình được nhắc tới với số tiền là ngần ấy ngần ấy… Niềm vui chứa chan trong sự hãnh diện, tự hào…
Tôi về quê dự lễ với vai trò vừa là con của quê hương, vừa đại diện cho nhà trường mang hoa và quà đến chúc mừng địa phương (vì trường tôi có dự án mở rộng qui mô đào tạo, được cấp đất để xây dựng. Khu đất nhà trường được cấp lại nằm trên địa phận ranh giới xã tôi). Đại biểu, khách mời là các quan khách của các ban ngành trong huyện, trong tỉnh khá đông. Và tôi đã gặp được người bạn cùng học – “nhân vật quan trọng”- trong số các vị quan khách ấy.
… Cuộc liên hoan vui vẻ, thân mật diễn ra trong hội trường lớn của xã. Tiếng chào mời. Tiếng chúc tụng. Tiếng ly cụng vào nhau. Tiếng nói, tiếng cười. Ồn ào, náo nhiệt. Hội trường ăm ắp niềm vui. Rạng rỡ, hân hoan. Mọi người nâng cốc. Tôi thoáng nhận ra một nét mặt quen quen ở mâm bên cạnh. Người đàn ông đang cầm ly rượu đứng đối diện với tôi. Mái tóc bồng bềnh, đen nhánh rẽ ngôi sang hai bên. Cặp mắt một mí dài, nhỏ và sắc. Cái nhìn liếc ngang. Miền kí ức sâu thẳm trong tôi bật ra một cái tên: Hậu. Loáng thoáng lời của Thành ở Đà Nẵng. Đúng rồi, Hậu! Hình ảnh người đàn ông đang đứng trước mặt tôi bỗng chốc nhòe đi.Và một hình ảnh khác hiện ra, rõ hơn. Đó là thằng bạn cùng lớp với tôi những năm học cấp 3, ngồi trên tôi một bàn. Dáng thư sinh, cao gầy, trắng trẻo. Tuy chẳng ai nói ra nhưng chúng tôi đều không thích nó. Gần như cả lớp. Lớp K tuy là lớp chọn chuyên toán, lý của cả khối nhưng hầu hết học sinh đều là con nhà nông dân. Có vài đứa là con em thầy cô trong trường. Duy nhất mình nó là con quan. Bố nó làm gì trên huyện, nghe nói chức to lắm, các thầy cô giáo trong trường ai cũng nể. Thỉnh thoảng, trong dịp lễ hay thảng hoặc những dịp tổng kết năm học, bố nó lại đi xe con đến dự, ngồi hàng ghế đầu dành cho đại biểu. Nó luôn hãnh diện với bạn bè về điều ấy. Nói gì cũng khoe: bố tao thế này…, bố tao thế nọ… Rõ ghét!
Trong suốt những năm học cấp 3, chẳng có môn nào nó học cho ra hồn, vậy mà chẳng hiểu sao nó vẫn chễm chệ ngồi ở lớp chọn. Ỷ thế bố, nó không chịu học. Năm thì mười họa nó lên bảng thuộc bài thì bọn con gái dưới lớp lại bưng miệng rúc rích “Hôm nay giời đi vắng, bu nó ạ!”. Để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi mỗi lần nhớ về nó là lần nó quay cóp trong giờ kiểm tra môn Sử. Bị cô giáo bộ môn tóm gọn tài liệu và ghi tên trong sổ đầu bài, nó vẫn tươi tỉnh coi như không có chuyện gì xảy ra, lại còn huýt sáo khe khẽ. Cô giáo chủ nhiệm lớp viết giấy mời phụ huynh đến gặp cô đầu tuần thì cuối tuần cô cũng được mời lên gặp Ban Giám hiệu nhà trường. Không biết cô chủ nhiệm “được” Ban Giám hiệu trao đổi những gì, nhưng kể từ sau lần ấy, nó rất ít khi bị các thầy cô giáo khác “sờ gáy”. Cuối năm, điểm tổng kết của nó cao ngất ngưởng. Khoảng cách vô hình giữa chúng tôi với nó vì thế cứ lớn dần mặc dù chúng tôi với nó vẫn học cùng lớp, cùng trường…
Giật mình bởi tiếng “zô…zô…” đồng thanh bên cạnh. Biết mình chưa say. Tôi cầm ly sang đứng cạnh người đàn ông tên Hậu- chắc chắn là Hậu- tươi cười:
– Xin được nâng cốc chúc sức khỏe của sếp! Sếp còn nhớ tôi không?
Hậu vỗ vỗ trán, hơi nheo mắt. Chưa đầy nửa phút, mặt hắn giãn ra:
– Nhớ rồi! Nhớ rồi! Mình lạ gì cậu. Gặp nhau luôn mà. Xin được chúc sức khỏe! Nào! Hai…ba…!
Hậu cười hơ hơ (hắn học được ở đâu điệu cười lạ thế?), dốc ngược cái ly, một tay vỗ vỗ vai tôi rất thân thiết (Lạ nhỉ, Hậu thân thiết với mình từ bao giờ, sao mình không nhớ? Mà từ ngày rời ghế phổ thông, mình có gặp hắn lần nào đâu. Xạo!). Hậu chìa tay cho tôi bắt nhưng mắt lại nhìn ngang sang những người bên cạnh, cười hơ hơ (tiếng cười rất vang, như tiếng kim khí va chạm nhau). Bàn tay lạnh ngắt (mùa hè mà sao tay hắn lạnh thế không biết!?). Tôi chưa kịp nói lời cảm ơn thì bàn tay ấy đã chuyển sang bắt tay hết người này đến người khác. Hậu đi đến chỗ nào, tôi cũng nghe thấy ở đó vang lên tiếng cười hơ hơ rất sang, nghe lạnh lạnh, gai gai…
Tôi đứng ngây giữa đám tiệc ồn ào. Không rõ mình say hay tỉnh. Lời của Thành kể về Hậu trong cuộc gặp gỡ, chuyện trò ở Đà Nẵng lại lùng bùng bên tai tôi.
____________________________
CHỊ TÔI
“Có một bài ca không bao giờ quên, là lời Tổ quốc tôi chẳng phút bình yên…”
(Bài ca không quên)
Đêm cuối thu.
Màn đêm yên tĩnh bao trùm khắp không gian.
Khoa cấp cứu của bệnh viện đa khoa tỉnh chìm trong màn sương mờ đục và khí lạnh căm căm của cái rét đầu mùa.
Cơn buồn ngủ lại ập đến, kéo đôi mí mắt chị sụp xuống. Đầu chị như đeo thêm đá, ong ong. Miệng lưỡi đắng chát. Đã ba ngày ba đêm chị thức bên giường bệnh trông chừng từng giọt huyết thanh trong cái chai nhựa trắng treo lủng lẳng trên cái cọc sắt kia truyền sự sống cho con. Cũng đã gần tuần nay đứa con trai duy nhất của chị vào nằm cấp cứu tại khoa này.
Đưa tay xoa nhẹ cặp mi cứng đờ vì thiếu ngủ, chị mệt mỏi rời khỏi chỗ ngồi, đứng tựa bên khung cửa sổ đầu giường bệnh của con, uể oải nhìn ra bên ngoài qua ô cửa kính.
Ánh trăng trung tuần bàng bạc trong sương, nhạt nhòa trong ánh điện, mướt mát trên những phiến lá run rẩy hứng những luồng gió lạnh vô tình.
Gió xao xác đuổi nhau trên vòm lá đẫm sương. Thi thoảng có những bóng người co ro vội vã vào ra phía nơi cổng bệnh viện . Bóng những người mặc áo choàng trắng qua lại Tiếng bước chân hối hả. Những tiếng nói lào xào. Mí mắt chị sập xuống tự lúc nào. ..
Chị giật mình mở choàng mắt bởi tiếng gọi của cô y tá trực:
– Cô nhớ trông chừng giúp cháu, sắp truyền hết chai này rồi, còn khoảng vài chục phút nữa thôi. Khi nào gần hết cô gọi cháu nhé.
Chị khẽ gật đầu cảm ơn cô y tá và nhẹ nhàng ngồi xuống bên con. Đứa con thiêm thiếp ngủ trong nhịp thở nặng nhọc, thỉnh thoảng lại lúc lắc cái đầu trọc, ú ớ câu gì. Chị nhìn con, nước mắt lăn dài trên má..
Chị thẫn thờ nhìn ra cửa sổ. Vô tình mắt chị chạm phải một vầng sáng tròn màu bạc lửng lơ trên không trung, bên ngoài khuôn cửa. Vầng trăng 18 rờ rỡ hiện ra, lung linh, mờ ảo, như đang mỉm cười với chị. Một cái gì đó rất quen, quen lắm từ xa xăm thăm thẳm chập chờn trước mắt. Chị từ từ khép nhẹ hàng mi. Thật lạ. Ánh sáng của vầng trăng vằng vặc ngoài kia như chạm tới ký ức sâu thắm, đánh thức tâm hồn của chị.
… Một đêm mùa thu năm 1970.
Hôm ấy, cũng vào một đêm trăng. Dưới lũy tre bên triền sông lộng gió. Chị ngồi bên anh, ngả đầu vào khuôn ngực vạm vỡ, cảm nhận từng hơi thở ấm nồng của anh, rạo rực lâng lâng khi những ngón tay anh luồn nhẹ vào từng lọn tóc vuốt ve mái tóc óng ả mượt mà nồng nàn hương bưởi hương nhu của chị. Hai người cứ lặng lẽ bên nhau như thế, mãi đến khi anh đột ngột báo tin: hai ngày nữa anh lên đường vào chiến trường. Bàng hoàng, thảng thốt, chị ngước nhìn anh. Khuôn mặt chị tràn trề ánh trăng. Đôi môi anh chạm vào làn môi nóng bỏng của chị. Những hơi thở gấp gáp, dồn dập. Họ như hai con trăn quấn chặt lấy nhau. Bàn tay vụng về của anh lần mở từng chiếc cúc áo của chị. Khuôn ngực chị hiện ra mơn mởn dưới ánh trăng. Trăng 18 rờ rỡ, lung linh, mờ ảo như đang mỉm cười với chị. Chị nhắm nghiền mắt, cảm nhận hơi thở nóng hổi của anh đang phả vào ngực mình. Cỏ mềm mại mát rượi dưới tấm lưng trần. Trời đất quay cuồng. Ánh trăng sóng sánh mơn man khắp da thịt chị. Chỉ nghe tiếng nước sông vỗ nhè nhẹ vào bờ cát phía xa. Gió tình tứ vờn giỡn đuổi nhau trên đồng hoa cải…
… Anh học trên chị một lớp. Hai người khác thôn, cách nhau một cây cầu bắc qua con sông nhỏ chảy qua làng. Nhà anh bên kia sông. Nhà chị phía bên này, chỉ cần ra bờ ao cuối vườn là có thể nhìn thấy nhà anh lấp ló sau rặng nhãn. Ra giặt giũ, rửa rau vo gạo ở cầu ao chị cũng có thể nghe tiếng người nói léo xéo bên kia sông. Có buổi, chẳng có viêc gì làm, chị ra bờ ao chỗ có cây sung già thân xoã bóng xuống mặt nước, ngồi dõi sang bên kia sông, mong mỏi được thấy một bóng hình quen thuộc.
Thỉnh thoảng, anh bơi tắt qua sông sang với chị, hai người ngồi dưới gốc sung trò chuyện, tâm tình. Cây sung bờ ao chứng kiến bao kỷ niệm êm đẹp của hai người.
… Thấm thoắt anh đi cũng đã mấy mùa trăng. Những lá thư anh gửi về cho chị, thư nào cũng chất chứa thấm đẫm bao nỗi nhớ mong, yêu thương, khát khao cháy bỏng ngày thống nhất, anh trở về bên chị. Cầm những lá thư còn vương khói lửa chiến trường, chị bồi hồi như thấy cả mùi mồ hôi nồng mặn, hơi thở ấm áp và giọng nói trầm ấm yêu thương của anh. Nhưng những lá thư- nhịp cầu yêu thương duy nhất của hai người – từ mặt trận gửi về cứ thưa vắng dần. Chị đợi thư anh trong nỗi nhớ quay quắt mỏi mòn. Trái tim chị quặn thắt mỗi khi chợt có một ý nghĩ chẳng lành thoáng qua. Đọc những tên đất, tên sông, những miền quê anh đã qua dọc đường hành quân ra chiến trường mà anh nhắc đến trong những lá thư hiếm hoi chị nhận được, chị biết anh đang ở rất xa chị, xa lắm. Chiến tranh khốc liệt đã cuốn người đàn ông của cuộc đời chị vào sâu trong chiến trường phía Nam. Từ sau đêm cuối cùng bên anh trên triền sông lộng gió trước ngày anh lên đường, chị cảm nhận được có một mầm sống nhỏ nhoi đang hình thành trong cơ thể. Mầm sống anh gieo cứ ngày một lớn dần. Và chị cũng bắt đầu sợ hãi mỗi khi phải đi ra ngoài trước ánh mắt soi mói, dò xét của người làng, của bạn bè cùng những lời bóng gió xa xôi. Điều chị kinh hoàng nhất đó là hàng ngày phải đối mặt với cha chị, phải lảng tránh ánh mắt như có hàng ngàn mũi gai nhọn của cha với mình. Còn mẹ chị đêm nào bà cũng than khóc, cũng câu nhỏ câu to với chị : “Con ơi! Con thương cha thương mẹ, con lỡ trót dại với thằng nào, con bảo mẹ, mẹ đến cắn rơm cắn cỏ van lạy nhà nó xin nó cưới con. Nhà mình chẳng đến nỗi nào, con ễnh bụng ra thế này, bố mẹ còn dám ngẩng mặt nhìn ai, còn dám vác mặt đi đâu nữa hả con!” hoặc “ Con ơi! Bây giờ cái thai nó vẫn còn bé, chưa mấy người biết, con thương lấy thân mẹ, con uống thuốc cho nó ra đi con! Cái phúc nhà tôi nó đổ đi đâu mà sao tôi khổ thế này hả giời!”. Đến bữa, chị không dám ngồi ăn chung mâm khi có mặt cha vì chị không chịu nổi ánh nhìn như tóe máu của ông.
Một buổi tối, đã khuya, cha chị gọi chị ra nhà ngoài. Ông khép chặt cửa, ngồi như pho tượng trên tràng kỷ. Mẹ chị ngồi đối diện, lặng lẽ, ánh mắt như có khói phủ. Trên bàn là một bát tô đựng thứ nước đen sì, đặc sánh. Ông gằn giọng, buông từng tiếng như dao chém vào đá:
– Đồ mất dạy! Đồ mèo hoang! Con với chả cái! Mày trả nghĩa bố mẹ mày thế này đây!
Ông ngừng lại cầm chén nước chè đưa lên miệng nuốt “ực” như cố tống một cái gì đó chẹn ngang cổ họng. Ông tiếp:
– Cơm không muốn ăn, muốn ăn cứt. Không chịu há miệng khai đứa nào nó làm nhục nên gieo nỗi nhục cho cả gia đình, dòng tộc. Muốn sống phải phá bỏ nỗi nhục kia đi. Mẹ nó đâu, đưa bát thuốc cho nó!
Chị ôm ngực lảo đảo. Nỗi tủi cực, xót xa dâng lên cào xé khiến chị nghẹt thở. Nhắm mắt nhắm mũi uống hết bát thuốc vừa đắng vừa chát mẹ đưa, chị ngã vật xuống nền nhà, không hay biết chuyện gì tiếp theo đến với mình…
Mấy ngày sau, ngày nào mẹ cũng bắt chị phải uống thứ nước giết người ấy. Cái gì đến rồi nó cũng phải đến. Cái thai mới hơn 3 tháng đã xổ ra sau nửa ngày chị đau đớn, quằn quại vật vã. Chị kiệt sức và không còn cả nước mắt để khóc. Đêm nào chị cũng mơ thấy anh về bên chị, nhìn chị như trách móc, như oán hận rồi anh lặng lẽ bỏ đi để mặc chị ôm mặt nức nở…
… Hai tháng sau, chị làm đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong. Chị lên đường vào đúng dịp Tết Thanh minh năm 1971. Hành trang chị mang theo vào chiến trường ngoài mấy bộ quần áo, còn lại tất cả là những bức thư của anh. Những bức thư ấy sau này, suốt những năm tháng bom đạn, máu lửa nơi chiến trường là sự động viên an ủi, là ngọn lửa tiếp cho chị nghị lực và tình yêu giúp chị vượt qua tất cả gian lao. Đơn vị của chị làm nhiệm vụ phá bom, san đường, lấp hố bom trên tuyến đường trọng điểm thuộc vùng núi Quảng Trị . Ngày đêm đối mặt với bom đạn, với cái chết, với máy bay giặc quần đảo gầm rít trên đầu, những lúc thư giãn nghỉ ngơi hiếm hoi trong hang đá dưới chân núi- là nơi ở của tiểu đội của chi, chị lại viết thư, trò chuyện thầm thì cùng anh qua những lá thư. Chị nuôi dưỡng, ấp ủ khát khao một ngày nào đó chị sẽ được gặp anh nơi chiến trường…
Bỗng chị giật mình. Những tiếng ồn ào, tiếng bước chân hối hả đã kéo chị trở về thực tại. Khoa cấp cứu lại tiếp nhận bệnh nhân mới. Một người đàn ông trung niên cõng trên lưng đứa bé trai chừng 14-15 tuổi đang ôm bụng kêu khóc, theo sau là ba bốn người đàn bà tất tả, vẻ mặt lo âu bước vào phòng.
Chị quay nhìn con. Thằng bé vẫn đang yên giấc. Chai huyết thanh vẫn đều đều nhỏ những giọt nước trong suốt qua sợi dây truyền đến cơ thể thằng bé. Đêm nay có vẻ bệnh đỡ hơn, thằng bé dễ chịu hơn nên nó ngủ yên hơn mọi đêm. Nó là đứa con duy nhất của chị. Đã gần chục năm nay thằng bé phát bệnh nằm liệt giường , gánh chịu hậu quả, di chứng quái ác của chiến tranh. Thằng bé bị bệnh teo cơ đúng vào năm nó lên lớp Sáu. Đứa con khôi ngô đang khỏe mạnh chạy nhảy nô đùa, ngoan ngoãn bỗng đùng một cái nó đi không vững, không bước lên nổi cả bậc tam cấp hiên nhà, tay không cầm được đũa gắp thức ăn. Chị hoang mang lo sợ cứ một thân một mình mang con đi chữa chạy hết viện nọ viện kia. Tiền của cứ theo bệnh của con mà tiêu tán. Nhưng rồi bệnh tình của nó không những không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng. Cuối cùng nó nằm liệt một chỗ trên giường bệnh, khiến cho chị một lần nữa chìm sâu trong đau khổ, tuyệt vọng.
Thằng bé là kết quả của một cuộc tình trớ trêu, ngang trái của chị với người đàn ông đã có vợ con. Chiến tranh kết thúc, chị cùng đồng đội trở về hậu phương. Đơn vị thanh niên xung phong của chị người còn người mất, người thì mang trên mình đầy vết thương. Chị may mắn còn lành lặn, nguyên vẹn trở về nhưng tuổi thanh xuân và nhan sắc của một thời thiếu nữ xinh đẹp, trẻ trung, tươi tắn thì đã vĩnh viễn gửi lại nơi chiến trường. Chiến tranh đã cướp đi thời con gái đẹp nhất của chị. Mái tóc dài óng ả mượt mà ngày nào giờ chỉ còn một nhúm ngắn củn xơ xác trên đầu. Làn da mai mái, xanh tái. Chị về quê hương và giờ chị mới biết được tin anh đã hi sinh tại chiến trườngTây Ninh năm 1974. Chị hoàn toàn suy sụp, nằm bệt gần tháng trời bởi cái tin dữ kia. Niềm hi vọng trở về gặp anh sau ngày thống nhất đã sụp đổ. Chiến tranh tàn khốc lại cướp đi nốt người đàn ông yêu thương nhất của cuộc đời chị. Chị quay cuồng trong đau đớn, vật vã, trong nỗi ân hận day dứt âm thầm tự dằn vặt mình vì trước đây đã không giữ được giọt máu cuối cùng, duy nhất của anh. Chị lục dưới đáy ba lô lấy đôi gối trắng tinh có thêu đôi chim bồ câu mớm mồi cho nhau cùng trái tim có hai chữ cái tên chị tên anh lồng vào nhau mà chị đã kỳ công thêu bao ngày tháng ngoài chiến trường. Chị ôm chiếc gối thêu khóc nức nở. Nước mắt chị đầm đìa đôi vỏ gối mà giờ đây chị biết nó chẳng bao giờ được dùng đến trong ngày vui hạnh phúc nhất cuộc đời mình.
Chị xin vào làm công nhân nông trường trồng dứa Ninh Bình. Phần đông công nhân ở nông trường toàn là phụ nữ trung tuổi, là thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từ mặt trận về được chuyển vào làm ở đây. Thế là chị lại bắt đầu cuộc sống cô đơn của người phụ nữ quá lứa, quá tuổi xuân thì, nhan sắc tàn phai.
Trong những năm tháng buồn tẻ của cuộc sống nông trường quanh năm bốn bề chỉ nhìn thấy núi non, cây cỏ, chỉ nghe tiếng vượn hót chim kêu ấy, chị đã ngã lòng trước tình cảm của một người đàn ông đã có vợ con, là công nhân lái máy kéo của nông trường. Không cưới xin, không giấy giá thú, hai người ăn ở với nhau như vợ chồng. Chị có đứa con trai với người đàn ông đó. Nhưng số phận trớ trêu không tha chị, không để chị sống yên ổn với thứ hạnh phúc chắp vá, vay mượn kia. Chị bị vợ con người đàn ông tìm đến tận nông trường đánh ghen, làm nhục chị trước bao con người. Chị phải gồng mình cắn răng không một lời kêu khóc, van xin hứng chịu đòn roi và những lời miệt thị, thóa mạ của mấy người đàn bà đánh ghen tàn nhẫn, thiếu văn hóa. Đêm đó, không chịu nổi nỗi nhục nhã, ê chề, bẽ bàng, uất hận cùng đau đớn trên khắp cơ thể bị bầm dập, chị lặng lẽ bế con ra sông định kết thúc sự sống của hai mẹ con. Đúng lúc chị nhón chân định nhảy xuống sông thì bỗng đứa con mới hơn một tuổi khóc ré lên đòi bú. Chị choàng tỉnh. Nhìn gương mặt ngây thơ bé bỏng tội nghiệp của đứa con, tình mẫu tử trỗi dậy. Chị ôm ghì sinh linh bé nhỏ vào lòng, thổn thức, thất thểu quay bước.
Chị bỏ nông trường, trở về làng. Bố mẹ đã mất. Anh trai thương em, cắt cho chị một khoảnh đất nhỏ góc vườn gần bờ ao dựng tạm ngôi nhà tranh 3 gian cho mẹ con chị sinh sống.
Đứa con trai của chị lớn lên kháu khỉnh, ngoan ngoãn đáng yêu là nguồn động lực sống duy nhất của chị. Chị cự tuyệt dứt bỏ hoàn toàn tình cảm với người đàn ông – cha của đứa trẻ. Chị đã có những năm tháng sống yên ổn, hạnh phúc bên con. Vậy mà mảnh hạnh phúc mong manh, nhỏ nhoi ấy với chị cũng chẳng được bao lâu. Những năm tháng sống, chiến đấu ngoài chiến trường, chị đã bị nhiếm chất độc da cam, đã để lại hậu quả di chứng trên cơ thể đứa con vô tội khiến gần chục năm trời nay cuộc sống của con chị gắn chặt trên giường bệnh bởi căn bệnh hiểm nghèo. Cuộc sống của chị càng đau khổ khó khăn hơn bao giờ hết…
-Cô ơi! Bây giờ truyền xong rồi, em nó cũng đang ngủ, cô chợp mắt đi một lúc. Cháu thấy cô mỏi mệt quá. Cô thức mấy đêm rồi còn gì.
– Ừ, cảm ơn cháu. Đêm nay lạnh quá. Mong ngày mai trời ấm lên.
Cô y tá nhẹ nhàng chuyển sang kiểm tra giường bênh nhân bên cạnh, và cô không quên nở nụ cười tươi tắn chào chị.
Chị kéo chăn đắp lại cho con. Đứa con thiêm thiếp ngủ. Chị khe khẽ dặt mình nằm ghé phía cuối giường, cạnh con. Giấc ngủ nhẹ nhàng đến với chị trong tiếng thở đều đều của mọi người trong phòng.
Trời sắp sáng.
____________________________
LỜI XIN LỖI MUỘN MÀNG.
Đã thành lệ, 20- 11 năm nào tôi cũng về thăm thầy. Dù bận công việc đến mấy, tôi cũng thu xếp để về, có thể trước đó ít ngày.Vừa là tấm lòng của một học trò với người đã dạy dỗ mình, và cũng để thầm tạ lỗi với thầy một lỗi lầm đã day dứt tôi suốt 25 năm qua.
Nắng thu trải vàng khắp làng quê. Cánh đồng làng lúa đang vào mẩy. Gió heo may ngan ngát hương lúa. Tôi căng lồng ngực hít thở mùi hương quen thuộc. Bâng khuâng nhớ mùi thơm của nồi cơm gạo mới đầu mùa. Nhớ mẻ cốm rang thơm lựng trong túi áo học trò. Nhớ những mùa gặt của bọn trẻ chăn trâu rong ruổi đuổi cào cào châu chấu, hun khói bắt chuột trên đồng… Kí ức miên man trôi về một miền tuổi thơ xa lắc…
Nhà tôi rất nghèo. Tôi thứ năm và cũng là út, cách chị thứ tư của tôi những 15 tuổi. Nhà toàn con gái, mẹ đẻ rốn thêm tôi với hi vọng sẽ có cậu quý tử nối dõi tông đường. Tôi ra đời đã làm tắt ngấm tia hi vọng của cả nhà, cả họ (vì bố tôi là con một, lại là trưởng tộc). Tôi được 2 tuổi thì mẹ qua đời, để lại gánh nặng gia đình lên vai bố tôi. Cảnh gà trống nuôi con cơ cực. Số tiền cóp nhặt được hàng ngày từ cái máy khâu cọc cạch, cổ lỗ của ông phó may ở một vùng quê nghèo như bố không đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Các chị tôi lần lượt đi lấy chồng và làm ăn xa, chỉ còn hai bố con tôi còm cõi bên nhau, dựa vào nhau để sống. Tôi lớn lên trong những năm tháng gian lao của đất nước, trong bom đạn dữ dội của chiến tranh. Tuổi thơ cắp sách tới trường của tôi cũng là những những tháng ngày chúng tôi đội mũ rơm đi học, túi cứu thương lủng lẳng bên hông.Trường lớp học là những căn nhà kho cũ kĩ của hợp tác xã, là mái đình, ngôi chùa cổ kính, trang nghiêm. Tiếng thầy cô giáo giảng bài lẫn trong tiếng máy bay ầm ì xa gần. Thỉnh thoảng cắt ngang những tiết học là hồi còi báo động chói tai, tiếng bom nổ uỳnh uỳnh rung cả vách hầm. Chúng tôi chen chúc nhau trong căn hầm chữ A chật chội. Vẫn hát. Vẫn cười.Vẫn chí choé trêu chọc nhau, thập thò ngó nghiêng nơi cửa hầm để thi nhau đếm máy bay, tranh nhau xem tên lửa của ta săn máy bay của Mĩ thích thú như được đi xem xiếc , chẳng để ý gì bên cạnh mình các cô giáo, thầy giáo khản tiếng nhắc nhở, doạ nạt, rầy la.
… Chiến tranh khốc liệt qua đi. Tiếng súng, tiếng bom lùi vào quá khứ. Chúng tôi trở về trường cũ học hành trong những lớp học đầy mùi bùn, mùi đất, mùi tranh tre mới. Ngày ngày, chúng tôi hớn hở, tung tăng đến trường, đi về trên con đường làng quen thuộc rợp bóng cây xanh. Nhưng niềm vui ấy với tôi chẳng được bao lâu. Tôi phải nghỉ học. Nhà tôi bị hoả hoạn do bọn trẻ trong xóm đốt pháo vứt lửa vào cây rơm ở đầu hồi nhà. Hôm ấy là một ngày cuối đông năm 1976. Nắng hanh. Mọi vật như cong lên, giòn tan, nứt toác trong làn gió bấc hun hút thổi. Tôi đang chăm chú nghe thầy giảng tiết toán cuối cùng của buổi học thì bỗng thấy thằng Thứ con chú Tư tôi hớt hải chạy đến cửa lớp, mặt xám ngoét, gọi:
– Tít ơi… Nhà …chị ….cháy!
Tôi bật lên như cái lò xo, lạc giọng:
– Mày nói gì?
– Nhà chị…. cháy. Cháy hết rồi….!
Tai tôi như có hàng ngàn con ong đang bay. Chẳng xin phép thầy, cũng chẳng kịp thu dọn sách vở, tôi cứ thế lao như tên bắn ra khỏi lớp, chạy như bị ma đuổi, để mặc thằng em hổn hển, lạch bạch phía sau. Mới đến đầu xóm, đã thấy mùi khét lẹt xông vào mũi. Ngõ vào nhà tôi người đông như kiến, người nào người nấy ướt sũng, mặt đen nhẻm. Tôi không tin vào mắt mình, bàng hoàng trước cảnh tượng tan hoang. Ngôi nhà tranh ba gian bé nhỏ của bố con tôi đã bị thiêu rụi, trơ ra bức vách bám đen tro bụi, sũng nước, mấy cái đòn tay cháy dở nham nhở, chỏng trơ . Góc vườn, ngổn ngang, bừa bộn đồ đạc linh tinh, cái nào cũng đầy tro đen sì. Không kìm được, tôi bật gào lên : “Bố ơi!… Bố đâu rồi? Mẹ ơi!…”. Tôi nhào vào đám tro ướt vẫn còn nghi ngút khói. Mọi thứ nhoè nhoẹt trong nước mắt. Tôi bới tung đống đồ đạc lăn lóc góc vườn để tìm sách vở. Tôi khóc như mưa khi biết việc tìm kiếm của mình là vô ích vì tất cả đã bị ngọn lửa quái ác thiêu cháy thành tro. Chiều, bố tôi về. Ông sang quê ngoại ăn giỗ. Thấy cảnh nhà, ông rũ xuống trước đống tro tàn. Lần đầu tiên, tôi thấy bố khóc. Sẽ chẳng bao giờ tôi quên được gương mặt đau đớn của bố khi ấy. Tiếng bố nghẹn trong tiếng nấc: “Thế là… hết …tất cả rồi…con ơi!”. Hai bố con như chết lặng giữa buổi chiều đông u ám, giá buốt…
Tôi nghỉ học. Bố tôi bỏ nghề may vì không còn vốn làm ăn. Quần áo, vải vóc của khách bị cháy, bố đi làm thuê để trả nợ.Tôi lang thang hết đồng trên bãi dưới mót khoai, bắt ốc, mò cua. Tôi tuốt những bông lúa chau (sau vụ gặt chiêm, những mầm lúa mọc lên từ gốc rạ, trổ đòng, ra hạt, bông bé xíu) lấy thóc về hai bố con ăn. Người tôi vốn đã còi cọc, nay quắt lại, đen nhẻm. Chỉ đôi mắt to, đen tròn là vẫn sáng lấp lánh. Thương em, xót cháu, bác Cả cấp vốn cho một đàn ngỗng giống về nuôi. Ngày ngày, tôi mang ngỗng ra bãi chăn thả. Ngày mùa, tôi vừa thả ngỗng, vừa mót lúa, hoặc gặt thuê. Những ngày nông nhàn, ít việc, tôi cắt cỏ gánh xuống phố Yên Mĩ bán cho những gia đình nuôi bò, nuôi ngựa kéo xe. Nhưng tôi vẫn không nguôi nỗi khát khao được học. Thấy đám bạn cùng trang lứa ngày ngày đến lớp, ríu rít nói cười, tôi lảng nhìn đi chỗ khác để giấu những giọt nước mắt thèm muốn, tủi thân. Tôi nhớ quay quắt tiếng giảng bài của thầy cô. Nhớ nao lòng những giờ ra chơi chạy nhảy nô đùa cùng các bạn. Tối tối tôi sang nhà mấy đứa bạn cùng xóm mượn sách vở về để đọc, tự học, tự làm bài cho đỡ nhớ, đỡ thèm. Thấy con như vậy, bố tôi chỉ lặng lẽ thở dài. Ông khóc.
Một buổi sớm, vừa ngủ dậy, tôi nghe tiếng léo xéo ngoài sân. Tiếng bố đang nói với một bà nào đó. Rồi tiếng ngỗng quang quác kêu. Tôi vùng chạy ra. Quá bất ngờ khi thấy đàn ngỗng yêu quý của tôi, nguồn thu nhập chính của cả gia đình đang bị nhốt gọn trong mấy chiếc lồng sắt to đùng giữa sân. Tôi hét toáng lên:
– Bố! Bố mang ngỗng của con đi đâu vậy? Thả ra trả con!
Giọng bố buồn buồn:
– Bố bán cho bà đây về nuôi con ạ. Nhà ta không nuôi nữa.
– Sao vậy bố? Con không cho bán! Thả ra trả con!
– Bình tĩnh đi con. Bố bán ngỗng để từ mai cho con đi học. Bố nghĩ nát óc rồi. Bố không thể để con thất học.
Tôi sững sờ, nhìn bố trân trân. Bố ôm chặt tôi, vuốt nhẹ lên mái tóc cháy nắng vàng hoe, cứng quèo của tôi, thì thầm: “Con gái bố từ mai đi học nhé. Nghe không con?”. Có cái gì nghèn nghẹn nơi cổ. Thương bố quá, bố ơi!
Tôi lại được đến trường. Bạn bè cùng lớp ngày xưa đã lên học cấp 3 trường huyện. Tôi vào học cùng lớp với bọn trẻ con lau nhau kém tôi 3 tuổi. Tuy nhỏ con nhưng lại già dặn nhất lớp, nghiễm nhiên tôi trở thành chị cả, “đại ca” của một lũ đàn em trong lớp. Mọi trò nghịch ranh, nghịch quái đều do tôi bày đặt, đầu têu trong các giờ ra chơi. Tất cả kinh nghiệm, vốn sống tôi “tích luỹ” học hỏi được trong suốt 3 năm làm bạn với lũ trẻ chăn trâu cắt cỏ, tôi đều thể hiện “trổ tài” trước đám “đàn em” khiến chúng phải phục sát đất. Nghịch, nhưng tôi học vào loại sừng sỏ của lớp, thậm chí của cả khối nên các thầy cô giáo mặc dù nhiều lần bực mình vì những trò tinh quái do tôi gây ra nhưng vẫn rất quý tôi. Nhất là thầy giáo chủ nhiệm dạy văn. Giờ trả bài nào, thầy cũng mang bài của tôi ra đọc mẫu cho cả lớp nghe. Những bài văn của tôi được các bạn chuyền tay nhau đọc. Những lúc ấy, mũi tôi nở to hết cỡ. Tôi biết, thầy đang rất hài lòng về tôi.
Con đường lát gạch nghiêng quen thuộc dẫn tôi vào ngõ nhà thầy. Bao nhiêu năm đã trôi qua, vậy mà con ngõ nhỏ này chưa hề đổi khác. Vẫn hai hàng ô rô được cắt xén bằng chằn chặn. Khóm trúc xanh um toả bóng cạnh bờ ao. Những hàng gạch lát nghiêng mòn dấu chân người. Cổng nhà thầy có hai cây duối to đứng hai bên cành lá giao nhau được uốn tỉa công phu thành vòm như một cái cổng chào khá đẹp. Tôi dừng lại trước cái vòm xanh mát ấy, hình dung thầy đang cặm cụi tỉa tót cho mấy chậu cây cảnh, hoặc đang chăm chút cho lũ chim sáo – những chú chim năm trước tôi mang về tặng thầy, thầy rất thích. Tôi bước vào trong sân. Lặng lẽ quá. Không có bóng dáng của thầy như tôi tưởng tượng. Chỉ thấy trên thân mỗi cây cảnh, cây thế trong vườn, một vòng vôi trắng bao quanh. Sao thế này? Tôi chột dạ. Thấy có khách, vợ thầy ra đón, dải khăn trắng chít trên mái đầu đã bạc. Tôi nghẹn ngào. Thầy ơi!…
Tôi xin phép cô được thắp nén nhang trên bàn thờ thầy, rưng rưng nhìn di ảnh của thầy lồng trong khung kính, sau làn khói hương mờ ảo. Thầy tôi kia, đôi mắt sâu, nghiêm nghị, khoé miệng lúc nào cũng như sắp cười. Văng vẳng đâu đây tôi vẫn nghe tiếng thầy: “Con đã về với thầy đó à?” như bao lần tôi về thăm. Tôi không kìm được thổn thức. Những giọt nước mắt lăn dài. Con về thăm thầy, nhưng muộn quá, thầy ơi! Thầy tha lỗi cho con!..
Hôm ấy, cũng như bao buổi trưa khác. Mới cuối tháng 3 mà đã nắng như đổ lửa. Không gian oi nồng. Làng quê yên ắng, tĩnh mịch. Cánh đồng làng lúa đang chuyển sắc hoe hoe. Lác đác có một vài chân ruộng cấy giống lúa ngắn ngày đã được thu hoạch trơ ra những khoảng trống chỉ toàn gốc rạ giữa mênh mông sắc vàng. Dưới gốc gạo cuối thôn, mấy chú trâu mộng nằm lim dim nhai lại, nhàn nhã. Bọn trẻ xóm tôi không ngủ, rủ nhau đi bắt châu chấu,cào cào. Châu chấu bắt về, giội nước sôi, sau đó vặt sạch cánh, chân, cho vào rang với nước cà muối, giòn tan, ăn với cơm chan nước rau muống luộc dầm sấu, ngon tuyệt. Mùa này, đồng làng tôi châu chấu đến là lắm, con nào con nấy bụng căng mọng trứng. Người đi trên bờ, châu chấu thấy động bay rào rào như mưa trên ruộng lúa. Chỉ cần mỗi đứa một cái vợt đơn giản làm bằng túi ni lông to hoặc cái bao tải dứa căng trên vành nón cũ, đi khua khoắng một lúc, đứa nào đứa nấy đã có lưng giỏ châu chấu, muồm muỗm, cào cào… Bọn tôi ngồi nghỉ dưới bóng cây phi lao trên bờ mương dẫn nước, nhìn sang con đường đất chạy ngang qua cánh đồng cách chỗ chúng tôi ngồi vài thửa ruộng. Đây là đường tắt gần nhất từ làng Thượng qua làng tôi để đến chợ huyện và để bọn trẻ con làng Thượng đến trường nên hàng ngày có khá nhiều người qua lại. Chẳng hiểu sao, trưa nay đường vắng hoe. Tôi bỗng nảy ra “sáng kiến”, bèn gọi:
– Này, chúng mày có muốn xem xiếc không?
Bọn chúng nhao nhao:
– Xiếc gì? Xem ở đâu?
– Bọn mày có nhìn thấy con đường kia không?
– Thấy. Nhưng sao?
– Thế này nhé. Bây giờ bọn mình đào một cái hố, lấp cỏ lên làm bẫy. Mọi người đi qua, thụt bẫy như xiếc, chúng mình tha hồ mà cười . Đồng ý không?
Cái Chúc “tồ” lưỡng lự:
– Làm bẫy thế, nhỡ có ai ngã gẫy chân thì sao?
– Gẫy chân thế quái nào được. Mình đào hố nông thôi mà.
– Nhưng tao thấy trò này hơi ác. Nhỡ có ai bị làm sao, bố tao mà biết thì tao chỉ có ăn no “lươn”. Chơi trò khác đi!
Thằng Thường “bột ” trề môi:
– Mày sợ chứ gì? Nhát thế! Sợ thì để bọn tao làm, mày đứng ngoài mà xem nhé. Mày không mách lẻo là được. Thằng Quang, nhà mày gần, về lấy xẻng ra đây, mau lên!
Thế là cả bọn chúng tôi hì hục đào, bới. Nắng trưa rát bỏng. Bầu trời trong veo như thuỷ tinh. Được một lúc, mặt mũi đứa nào đứa nấy đỏ như gấc chín, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Cuối cùng, cái hố cũng hoàn thành, sâu đến ngang bắp chân, rộng bằng cái nón toang ngoác miệng chềnh ềnh ngay giữa lòng đường. Tôi bẻ cành phi lao gác qua loa lên miệng hố. Thằng Thường “bột” và cái Lực “kều” nhanh nhảu đi vơ rạ phủ lên hố và xung quanh để “nghi binh”. Xong xuôi, bọn tôi kéo nhau vào ngồi dưới bóng phi lao, chờ.
Đường vắng tanh vắng ngắt. Quái lạ, trưa nay mọi người biến đi đằng nào thế không biết? Đợi lâu, nghe chừng đứa nào cũng sốt ruột, nhấp nha nhấp nhổm ngóng ra phía đường. Cái Chúc đã bỏ về từ lúc nào, chỉ còn lại 4 đứa. Thôi kệ, mặc xác nó, cho nó về. Mặt trời hơi chênh chếch ngả về Tây. Bóng chúng tôi dài ra, in loang lổ lên vạt cỏ trên bờ mương. Tiếng cá quẫy tũng toẵng trong đám cỏ nước. Đã mấy lần bọn tôi phải dịch chuyển chỗ theo bóng cây cho khỏi nắng. Thỉnh thoảng cũng có vài người từ trong làng đi ra nhưng họ lại rẽ theo lối khác để xuống đồng khiến chúng tôi mừng hụt. Hình như họ đi thăm lúa thì phải? Đợi lâu, tôi bắt đầu thấy nản. Bỗng thằng Thường hét toáng lên:
– Có người!… Bọn bay ơi, có người kìa!
Bốn cặp mắt cùng đổ dồn về cuối con đường, theo hướng tay thằng Thường. Xa xa, phía giáp làng Thượng, một người đang đạp xe tới. Tôi nghe rõ tiếng đập thình thịch như trống trường trong lồng ngực. Hồi hộp. Mấy đứa tranh nhau chọn chỗ ngồi để quan sát. Bóng người đạp xe mỗi lúc một gần, nhận rõ một người đàn ông mặc bộ quần áo bộ đội, đầu đội mũ cối đã bạc, lệch hẳn người trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng nam màu xanh cánh chả. Ủa! ai sao quen quen? Tôi dụi mắt, tưởng mình quáng nắng. Tim tôi giật thon thót. Tôi hốt hoảng:
– Chết bỏ mẹ rồi, chúng mày ơi! Thầy Trường, chủ nhiệm lớp tao!
Cái Lực cuống lên:
– Ừ nhỉ, đúng rồi. Làm thế nào bây giờ?
– Chạy ngay ra bảo thầy tránh cái bẫy chứ còn làm thế nào nữa? Nhanh lên! thầy sắp tới rồi kia kìa!
Thằng Quang buông một câu xanh rờn:
– Ai ra? Cái Tít ra nhé! Lạy ông tôi ở bụi này để đến mai thầy lôi bọn mình ra “bêu gương” trước toàn trường, rồi mời phụ huynh đến làm bản kiểm điểm à?Thôi, chả dại!
– Nhưng…
– Chẳng nhưng nhị gì hết. Ai bảo mày đầu têu ra trò này? Có gan chơi đến cùng đi!
Lời nói của thằng Quang quả là có hiệu lực. Tôi nín thít, mắt vẫn không rời dõi theo thầy giáo. Khoảng cách giữa thầy và cái bẫy rút ngắn dần, ngắn dần… Tôi nín thở, răng cắn chặt vào môi. Tôi muốn lao ra đường chặn xe thầy lại, hét thật to ” Thầy ơi, dừng lại, có bẫy đấy!” . Nhưng chân tôi như bị chôn chặt dưới đất, hàm cứng lại không thể cất nên lời, đứng ngây người như bị ai cướp mất hồn. Và rồi cái điều tôi không mong đợi kia cũng đã xảy ra. Chiếc xe đang bon bon trên đường bỗng khựng lại và “huỵch”, thầy giáo tôi chới với nhào người về phía trước, ngã sấp xuống lòng đường, chiếc xe đổ nghiêng một bên. Thấy thế, bọn thằng Thường, thằng Quang, con Lực ù té bỏ chạy, mặt cắt không được giọt máu. Giời xui đất khiến thế nào, tôi cũng nhón chân chạy theo chúng nó, không dám ngoái cổ lại xem thầy tôi ngã ra sao. Về đến nhà, tôi chui tọt ngay vào buồng, giả vờ lấy sách ra học bài, nhưng tim vẫn không ngừng nhảy loạn xạ trong lồng ngực. Những con chữ như nhảy múa trước mắt. Hành động vô ý thức ấy, bao nhiêu năm sau, tôi vẫn không thể cắt nghĩa nổi tại sao lúc ấy mình lại hèn như vậy, tại sao không đến đỡ thầy dậy, xem thầy ngã có đau không. Sự dại dột và hèn nhát không thể tha thứ âý đã trở thành một nỗi ân hận giày vò, day dứt tôi trong suốt mấy chục năm, mỗi khi tôi nhớ đến thầy, nhớ đến kỉ niệm dại dột của thời niên thiếu.
Hôm sau… rồi hôm sau nữa… Không thấy thầy lên lớp. Giờ văn lớp tôi có các thầy cô giáo khác dạy thay. Thiếu vắng tiếng giảng bài trầm trầm, ấm áp. Thiếu vắng tràng cười thích thú của chúng tôi trước những câu nói hài hước, dí dỏm giờ văn của thầy. Thiếu vắng dáng đi khó nhọc lệch người về bên trái mỗi khi thầy bước lên bục giảng. Không khí lớp trầm hẳn xuống khi lớp trưởng báo tin thầy chủ nhiệm bị tai nạn, đang điều trị tại bệnh viện huyện. Tôi cúi gầm, tai nóng bừng, muốn tìm một lỗ nẻ dưới chân để chui xuống. Có cảm giác mọi ánh mắt của các bạn đang nhìn về phía mình, giận dữ, trách móc. Cả buổi học, tôi chẳng được chữ nào vào đầu. Đầu tôi ong ong. Chân tay nặng trĩu. Hình ảnh con đường chang chang nắng, cái hố giữa lòng đường, người đàn ông ngã nhào văng khỏi chiếc xe đạp… cứ chập chờn, chập chờn ám ảnh khiến tôi không thể tập trung nghe bất cứ lời giảng nào của thầy cô những môn học tiếp theo.
Chiều thứ ba kể từ sau hôm thầy ngã, lớp tôi tổ chức đi thăm. Cả lớp góp tiền mua được cân cam mang đến bệnh viện. Bọn con gái vây quanh thầy, ríu rít kể cho thầy nghe đủ mọi chuyện trong lớp. Tôi cũng đi cùng các bạn nhưng không đủ can đảm đến bên giường bệnh của thầy mà chỉ đứng thập thò ngoài cửa nhìn vào. Trên tấm ga trải giường trắng tinh, thầy nằm nghiêng, mặt hướng ra ngoài. Mới có mấy ngày mà thầy gầy hẳn, mắt trũng sâu. Tôi ngạc nhiên, không tin vào mắt mình. Sao thế này? Chân phải của thầy cụt đến tận đầu gối, cái ống quần màu xanh của bệnh viện thầy đang mặc bên chân phải xẹp lép. Cuối giường là cái nạng gỗ. Trời ơi! Chẳng lẽ cú ngã do trò nghịch dại dột của tôi gây ra lại làm thầy đến nông nỗi này hay sao? Chỉ ngã như thế làm sao lại gãy chân đến mức phải cưa thế kia? Nhưng cái ống chân cụt của thầy đang hiện sờ sờ trước mắt, chẳng lẽ lại là giả? Không dám nghĩ tiếp, tôi lặng lẽ bỏ về trước, suốt dọc đường gần chục cây số, tôi miên man suy nghĩ trong ân hận. Mãi sau, tôi mới được biết, thầy là thương binh. Một mảnh đạn pháo của giặc đã tiện đứt ống chân phải của thầy trong chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột năm 1975. Thầy phải lắp chân giả để đi lại. Thảo nào mà dáng đi của thầy cứ lệch về một bên như thế. Hiểu ra, tôi càng thấy thương và quý trọng thầy nhiều hơn, càng ân hận không nguôi về lỗi lầm của mình. Tôi ước ao mong có một cơ hội nào đó được thành thật nhận lỗi trước thầy, được thầy tha thứ.
Thế rồi mọi chuyện cũng qua đi. Thấm thoắt cũng sắp hết năm học. Năm ấy là năm cuối cấp 2 của tôi. Chúng tôi lao vào học hành, bận rộn tất bật với chuyện ôn tập, thi cử. Thầy Trường cũng đã khoẻ, trở lại lớp dạy bình thường. Chẳng ai có thời gian ôn lại chuyện cũ. Bởi thế, lời xin lỗi của tôi vẫn cứ chôn chặt trong lòng, chưa một lần được thổ lộ. Mà hình như thầy cũng không hề biết thủ phạm gây ra cú ngã của thầy lại chính là tôi, cô học sinh “cưng” nhất của thầy.
Giữa tháng tư, tỉnh tổ chức thi chọn học sinh giỏi 2 môn Văn, Toán cuối cấp 2. Tôi đứng đầu trong danh sách 4 học sinh trong đội tuyển Văn của huyện tham dự kì thi. Địa điểm tổ chức thi cách trường tôi gần hai chục cây số. Những đứa kia có bố mẹ anh chị đèo xe đạp đưa đi. Chỉ còn mình tôi, xe không có, cũng chẳng có ai đưa vì bố tôi không biết đi xe. Biết hoàn cảnh của tôi, thầy Trường nhận đưa tôi đi thi. Hai thầy trò lai nhau đi từ rất sớm. Buổi sáng, lúc đi, trời khá đẹp và mát mẻ. Hai thầy trò vừa đi vừa nói chuyện rất vui. Thầy tranh thủ dặn dò tôi những điều cần thiết khi làm bài thi, tôi vâng vâng dạ dạ nghe thầy dặn, lòng phơi phới ngắm cảnh hai bên đường. Chưa bao giờ tôi hân hoan như lúc ấy. Đi được khoảng chừng năm sáu cây số, bỗng nhiên trời nổi gió, cơn giông ở đâu ào ào kéo đến. Gió bốc bụi và lá cây tung mù mịt. Thật trớ trêu, hai thầy trò lại đi ngược gió. Thầy gò lưng để đạp, người thầy vẹo bên nọ, nghiêng bên kia lấy hết sức điều khiển vậy mà chiếc xe chỉ nhích từng tí một. Tôi vẫn cứ hồn nhiên ngỗi chễm chệ, vắt vẻo đằng sau xe, nhìn tấm lưng gầy của thầy cong lên trong tấm áo bộ đội bạc màu, lòng trào lên một cảm xúc khó tả. Tôi lí nhí đề nghị thầy nghỉ một lúc cho bớt mệt. Thầy động viên tôi qua hơi thở đứt quãng:
– Thầy trò mình… cố gắng… một chút nữa thôi. Sắp đến nơi rồi… Tít ạ. Phải nhanh… không thì… muộn giờ mất!
Tôi chỉ còn biết nín lặng ngồi im sau xe của thầy, lòng se lại khi nhìn tấm lưng gầy của thầy đang gồng lên, cố hết sức đạp xe cho kịp giờ thi của tôi.
Đợt thi ấy, tôi đạt điểm khá cao, được chọn tiếp để bồi dưỡng đi thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Nhìn gương mặt rạng rỡ của thầy khi báo tin vui cho gia đình tôi, tôi muốn nói với thầy:” Thầy ơi, kết quả của con hôm nay có biết bao mồ hôi, công sức của thầy. Con biết ơn thầy nhiều lắm!”
Tôi không biết mình sẽ đứng lặng như thế bao lâu trước chân dung của thầy, trước bàn thờ thầy nghi ngút khói hương nếu không có lời nhắc của cô Hoa:
– Thắp hương cho thầy rồi, ra uống nước đi con!
Cô Hoa- vợ thầy – cho biết, thầy mới mất được 2 tuần. Sáng ấy, như mọi ngày, thầy dậy tập thể dục. Hồi lâu không thấy thầy vào nhà, gọi mãi không trả lời, cô ngạc nhiên ra xem thế nào thì thấy thầy nằm gục trên sân, người lạnh toát. Cô hốt hoảng gọi người đưa thầy đi cấp cứu nhưng thầy đã mãi mãi ra đi. Thầy ra đi bình thản, nhẹ nhàng, lặng lẽ như chính cuộc sống của thầy bao năm qua đã cống hiến hết mình cho các thế hệ học sinh.
Thầy ơi! Vậy là con không bao giờ có cơ hội được đứng trước thầy xin thầy tha thứ. Tha thứ cho một trò nghịch dại của tuổi thơ.
_______________________
MÁI TÓC CỦA MẸ
“Con gái lấy chồng dù chẳng cách núi xa sông
Nhìn quê mẹ ôi mênh mang nước trắng
Sao xa cách như một hòn đảo vắng
Biết gửi ai cho mẹ bát canh cần?”
-A..i…ai…bán tóc khô…ông…?
Tiếng rao lảnh lót ngân dài đầu ngõ.
– Cô ơi, cô mua tóc làm gì hả cô?
– Để bán cho các tiệm làm đầu ngoài Hà Nội.
– Người ta mua làm gì cô nhỉ?
– Để làm đẹp cho những cô những bà nhiều tiền. à, mà này, cháu có bán tóc không? Tóc của cháu dài và đẹp thế này, nhiều tiền đấy.
– Thật thế hả cô? Nhưng… mẹ cháu không cho bán đâu.
– Bán lấy tiền mà tiêu, tội gì? Lại đây xem nào. Được đấy. Cô trả cháu năm trăm. Cắt nhé!
– Không. Về mẹ cháu mắng chết. Mẹ cháu bảo con gái phải để tóc dài mới đẹp. Như mẹ cháu ấy, tóc dài đến đầu gối cô ạ.
– Mẹ mày dở hơi. Cắt đi rồi mấy tháng nữa tóc lại dài. Cắt đi bán,vừa nhẹ đầu, vừa có tiền tiêu có hơn không. Đúng là đồ lạc hậu!
– A…i…ai…bán t…óc.. .? Tiếng rao nhỏ và xa dần, chìm vào buổi trưa oi ả, chìm trong tiếng ve râm ran rát bỏng nắng hè.
****
– A..i…ai… lông ngan, lông vịt, mảnh chai, tóc rối…đổi kẹo… kh…ông…?
Âm thanh trầm đục, đều đều, chậm rãi như thả từng tiếng rơi vào trong không gian, phá vỡ bầu không khí yên tĩnh của làng quê. Dường như đã quá quen với tiếng rao trầm buồn của bà cụ mua lông gà lông vịt, và như chỉ đợi âm thanh quen thuộc ấy cất lên trong cái ngõ nhỏ này là tất cả bọn trẻ con lau nhau trong xóm tôi ùa ra. Thôi thì đủ thứ. Đứa xách cái xô hỏng đựng mảnh chai thuỷ tinh vỡ mà nó đã mất bao buổi trưa đi nhặt nhạnh ở các xó vườn, bụi tre. Đứa thì bê rổ lông vịt vẫn còn chưa kịp ráo nước. Có đứa trên tay là một nắm tóc rối. Nhiều đứa chẳng có gì mang theo cũng ùa ra như một phản xạ tự nhiên. Tất cả quây quanh bà cụ, quanh cái thúng đựng lọ kẹo mầm mạch nha của bà. Tất nhiên, chị em tôi chưa bao giờ vắng mặt trong đám trẻ ấy. Chúng tôi tranh nhau mặc cả với bà cụ để vòi kẹo. Bảy que….Năm que… Không, phải đủ sáu que cơ! Miệng vẫn bỏm bẻm nhai trầu, mặc cho lũ trẻ nhao nhao quanh mình, tay bà lão thoăn thoắt quấn kẹo mạch nha vào cái tăm tre dài. Mạch nha vàng óng kéo thành sợi được cuộn lồng bồng chỉ to bằng đầu ngón tay trên đầu que tăm mà thật hấp dẫn. Những cặp mắt hau háu của bọn trẻ nhìn như hút theo tay bà. Chỉ lát sau, trên tay đứa nào cũng có vài que kẹo. Vẻ thích thú hiện rõ trên nét mặt từng đứa. Được ngậm trong miệng que kẹo mạch nha làm từ mầm lúa, thưởng thức vị ngọt thơm từ từ tan trong đầu lưỡi, đó là niềm sung sướng của tất cả bọn trẻ con nhà quê chúng tôi thời ấy. Đó cũng là thức quà quê ngon nhất của tuổi thơ chúng tôi. Không thể tả được nó ngon đến cỡ nào. Que kẹo ngọt ngào chứa niềm mong ước hàng mấy ngày mới có được một lần (mà đâu phải lần nào cũng có một thứ gì đó để đổi lấy kẹo?) cho vào miệng ngậm cũng chỉ được có mấy phút là hết. Niềm sung sướng, hạnh phúc trẻ thơ cũng nhanh chóng tan biến trong tiếc nuối ngẩn ngơ, để rồi những ngày sau đó lại nhặt nhạnh tích cóp, lại háo hức mong chờ niềm vui nho nhỏ mang đến từ một tiếng rao….
Lần nào cũng vậy, chỉ cần thoáng nghe tiếng rao quen thuộc, tôi đã tót ra đầu hiên, kiễng chân với lên mái tranh, lấy ra từ trong ống tre một nắm tóc rối, hí hửng kéo em gái chạy ra ngõ. Mẹ tôi hay chải tóc ngoài hiên. Tóc mẹ đen óng ả. Mái tóc ấy được mẹ quấn gọn gàng thành một búi to tướng sau gáy. Mỗi lần chải, mẹ xổ cái búi ấy ra, một suối tóc óng mượt chảy tràn qua lưng, chảy xuống tận gót chân. Mẹ thong thả luồn chiếc lược sừng đen bóng gỡ từng lọn tóc. Tôi đứng bên mẹ, giúp mẹ bện mớ tóc đen mượt ấy thành một cái đuôi sam to tướng. Hai bàn tay nhỏ nhắn, xương xương của mẹ thoăn thoắt, mềm mại như múa khéo léo quấn cái đuôi sam to đùng ấy thành một búi tròn như quả bưởi lủng lẳng sau gáy. Sau mỗi lần chải đầu, mẹ gom những sợi tóc rụng lại và giắt nó lên ống tre chỗ mái hiên. Có lần tôi buột miệng: “Sao dạo này tóc mẹ rụng ít thế?”. Mẹ cầm lược cốc khẽ vào đầu tôi, mắng: “Cha đẻ chị! Mong tóc rụng nhiều để cho mẹ trọc đầu à?” Tôi rụt cổ, lè lưỡi nhìn mẹ, cố cãi: “Con mong đâu! Tại con thấy tóc mẹ dài thế kia, mẹ chải khổ lắm. Sao mẹ không cắt ngắn bớt đi cho đỡ vướng?” . “Là đàn bà con gái phải để tóc dài mới đẹp, con ạ. Cái răng cái tóc cũng là cái duyên của con gái…” Mẹ trả lời tôi mà mắt mẹ thăm thẳm, xa xăm. Tôi ân hận vì trót lỡ lời với mẹ. Mỗi lần mang tóc rối đi đổi cho bà cụ mua đồng nát để lấy kẹo, tôi lại như thấy hiện lên đôi mắt buồn buồn mênh mang của mẹ. Tôi chưa đủ lớn để hiểu được những gì xảy ra trong cuộc đời mẹ, chỉ biết rằng những sợi tóc rụng của mẹ đã đem đến cho tôi hương vị ngọt ngào của kẹo mầm lúa mạch nha, đã mang lại niềm vui háo hức mong chờ và hãnh diện của tuổi thơ mỗi khi nghe tiếng rao “Ai… mảnh chai… tóc rối…” quen thuộc cất lên vời vợi giữa không gian yên ả của làng quê. Tôi có ngờ đâu rằng niềm hạnh phúc ngọt ngào ấy quá đỗi ngắn ngủi với chị em tôi.
Mãi sau này, khi mẹ đã mất, đến ngày giỗ đầu của mẹ, bố mới kể cho tôi nghe chuyện tình cảm động của hai người. Tôi phần nào hiểu được ánh nhìn khắc khoải, thăm thẳm đến nao lòng của mẹ khi người còn sống, mỗi khi có ai đó chạm tới miền ký ức sâu thẳm của mẹ có liên quan đến mái tóc óng ả mượt mà duyên dáng kia…
…Bố với mẹ và Thái (người đàn ông mà tôi chưa bao giờ được biết mặt, cũng chưa bao giờ nghe mẹ kể ) cùng học chung một lớp trong trường huyện. Cả huyện mới có một trường cấp 3. Mỗi làng cũng chỉ có ít người theo đuổi được việc học. Ba người khác thôn nhưng cùng xã lại cùng học trong ngôi trường toàn kẻ lạ hoắc nên họ rất thân nhau. Bạn bè thường gọi ba người là Xe – Pháo – Mã trong bộ quân bài tam cúc. Ngày ấy, Hương – mẹ tôi- là hoa khôi của trường. Ấn tượng sâu đậm nhất trong ký ức của bạn bè về hình ảnh Hương là mái tóc dài, dầy và đen óng thả xuống tới gần gót chân, tràn qua bờ vai tròn lẳn và tấm lưng ong của cô gái đang “tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu”. Bao chàng trai đã từng yêu vụng thương thầm cô gái có mái tóc dài đen mướt. Tất nhiên trong số đó có hai chàng của bộ ba xe- pháo- mã.
Đang học dở chừng năm lớp 9 phổ thông (hệ mười năm), đùng một cái, Thái có giấy gọi nhập ngũ. Hương mất ăn mất ngủ bao đêm, mắt mọng lên vì khóc. Hôm tiễn bạn lên đường, mãi lúc chàng trai trẻ giơ mũ vẫy chào tạm biệt, ánh mắt mênh mang như đợi chờ tìm kiếm bóng hình ai, mọi người mới thấy Hương hớt hải chạy tới, lặng lẽ dúi vào tay chàng trai cùng lớp một gói giấy nhỏ, mắt cô đỏ hoe. Mọi người sững sờ nhận thấy mái tóc của Hương đã bị cắt ngắn đi một đoạn. Về đơn vị, Thái mở gói giấy bạn gái tặng lúc chia tay, anh thẫn thờ như mất hồn khi thấy túm tóc đen mượt thoang thoảng mùi hương bồ kết, hương lá bưởi, lá sả thân thuộc mọi khi…
Còn lại hai người ngày ngày bên nhau tới lớp. Thanh bên Hương như một cái bóng. Cô bạn lặng lẽ đi bên Thanh trên suốt quãng đường dài hơn ba cây số đi bộ đến trường. Tim anh đau nhói mỗi khi nhìn sang mái tóc lửng lơ ngang lưng của cô bạn thân. Anh biết mình là kẻ đến muộn. Những lần nhận được thư từ chiến trường xa gửi về, cô gái rạng ngời hạnh phúc, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Còn chàng trai lặng lẽ ngồi một mình trên vệ cỏ, bứt nát những nhánh cỏ trên tay như bứt nỗi đau đang cào xé trái tim trai trẻ. Trong nỗi buồn của anh có cả niềm ước ao, khao khát với hạnh phúc của người bạn đang chiến đấu ở nơi xa.
Một chiều cuối đông, vừa thi hết kỳ một, trên đường về, Thanh đột ngột báo tin 3 ngày nữa anh lên đường ra trận. Anh chìa ra trước mặt Hương tờ giấy gọi nhập ngũ. Mắt cô nhòe đi, trời đất quay cuồng. Thế là một người bạn thân thiết nữa của Hương lại rời xa cô để ra chiến trường, để lại hậu phương sự học còn dang dở. Hương âm thầm trong nỗi nhớ thương, mong đợi mỏi mòn những lá thư hiếm hoi của những người bạn đang cầm súng nơi chiến trường, trong suốt những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Thi đại học không đỗ và do hoàn cảnh gia đình, Hương ở nhà tham gia lao động sản xuất, làm nghĩa vụ của người ở hậu phương. Trái tim cô không nguôi nỗi nhớ mong khắc khoải. Vẫn ngày ngày ngóng đợi tin tức của người đi xa, hi vọng cháy bỏng một ngày đoàn tụ. Ngày thống nhất đất nước năm 1975, ngày vui hân hoan ngập tràn của cả nước cũng là ngày Hương nhận được một tin đau đớn nhất đời cô. Thái- người bạn trai cùng lớp năm xưa đã ngã xuống trong trận tấn công vào cửa ngõ Sài Gòn sáng 30/4/1975. Chiếc xe tăng của anh đã bị trúng đạn khi anh đang chỉ huy cho xe vượt cầu Sài Gòn tiến vào sào huyệt cuối cùng của kẻ thù để giải phóng thành phố thân yêu. Hương hoàn toàn suy sụp trước tin dữ. Mãi cho đến một ngày Thanh từ chiến trường trở về, trên mình anh mang đầy thương tích của chiến tranh….
***
Tôi thích nhất việc giúp mẹ gội đầu. Mẹ ngồi xổm trên bậc tam cấp, bên cạnh là nồi nước bồ kết thơm ngát mùi hương lá bưởi, lá hương nhu, mái tóc dài xổ xõa xuống cái thau đồng để dưới sân. Tôi lấy cái gáo dừa múc từng gáo nước bồ kết vàng sánh, ngan ngát hương thơm nhẹ nhàng dội lên tóc cho mẹ. Một cảm giác lâng lâng, ngây ngất nhẹ nhàng lan tỏa trong tôi khi tôi cảm nhận được mùi hương dìu dịu từ mái tóc của mẹ truyền sang.
Đến hết cuộc đời, tôi không thể quên lần cuối cùng tôi được gội đầu cho mẹ. Ngày ấy cũng đã cách đây gần hai chục năm. Mẹ bị ốm nên không thể ngồi dậy để gội đầu như mọi khi. Em gái tôi đun một nồi nước lá thật thơm, để bên giường nơi mẹ nằm. Tôi ngồi bên mép giường, đặt đầu mẹ lên đùi mình, nhẹ nhàng gỡ tóc cho mẹ. Mái tóc dài óng ả, đen mượt ngày nào giờ chỉ còn một nhúm trong tay tôi, ngắn củn. Mẹ phải cắt cho khỏi vướng. Hôm cắt tóc cho mẹ, mấy chị em ôm mẹ khóc. Mỗi nhát kéo đưa, những lọn tóc ngã rơi xuống nền nhà, tôi giật mình thon thót như bị ai cắt ruột. Em tôi vừa thổn thức vừa nhặt những lọn tóc của mẹ, lấy dây chun buộc lại thành một túm. Nó chải chuốt vuốt ve mớ tóc ấy cho thật óng rồi mới chịu cất vào tủ như giữ báu vật. Hai chị em gội đầu, tắm rửa cho mẹ. Mẹ mấp máy đôi môi nhợt nhạt như muốn nói điều gì, mắt mẹ ánh lên tia nhìn kỳ lạ khiến tôi run rẩy, tim như có ai bóp nghẹt. Có lẽ nào đây lại là lần cuối con được chăm chút mái tóc yêu thương, quý giá của mẹ? Mẹ ơi!!!…
… Mẹ ốm nặng. Một chiều tháng năm nắng như đổ lửa. Cả làng đổ ra đồng gặt lúa. Chị em tôi ở nhà phơi thóc, phơi rơm. Nhìn đâu cũng thấy lóa mắt vì một màu vàng của rơm, của thóc, và của nắng. Trời đất ong ong, ngột ngạt. Mẹ gánh lúa từ đồng về, mặt đỏ như gấc chín, tóc dính bết hai bên thái dương. Mồ hôi ướt đầm lưng áo. Uống vội vàng cốc nước, mẹ lại quày quả ra đồng. Cái dáng cao gầy tất tả của mẹ khuất dần sau hàng rào râm bụt ngoài ngõ. Những bông hoa râm bụt như đỏ gắt lên vì nắng.
Nửa buổi chiều, trời bất ngờ đổ mưa. Mưa như trút nước. Chị em tôi chỉ kịp thu vội được thóc vào trong nhà, còn rơm đành chịu để ướt, phí toi công hai chị em thay nhau phơi trở rơm suốt cả ngày dưới nắng. Ngồi trong nhà nhìn ra ngoài sân nước lênh láng cuồn cuộn cuốn rơm, cuốn thóc trôi xuống cống, tôi xót xa. Tôi lo cho mẹ. Không biết giờ này mẹ đang trú mưa ở đâu? Mẹ có bị ướt không? Lòng tôi như có lửa. Tôi dặn đứa em trông nhà, lấy áo mưa định đi đón mẹ thì em tôi reo lên:
– Mẹ về! Mẹ về rồi!
Tôi nhìn ra. Mẹ ướt sũng. Môi tái nhợt. Tôi vội vàng lấy quần áo cho mẹ thay. Người mẹ run bần bật. Mẹ bị cảm lạnh vì ở ngoài nắng quá lâu, và lại bị ngấm nước mưa. Cả đêm hôm ấy mẹ sốt rất cao. Mặt mẹ đỏ nhừ như vừa uống rượu say, đôi môi khô như bị nẻ. Thấy mẹ ốm, em tôi ôm mẹ khóc tức tưởi. Còn tôi, cả đêm ngồi bên cạnh trông chừng mẹ, không dám chợp mắt vì nghĩ đủ thứ dại dột sợ mẹ chết. Mãi chiều hôm sau bố tôi mới về. Ông làm thợ xây, phải theo công trình nên nhiều khi đi cả tháng mới về nhà một bữa. Ông bảo đang làm, tự nhiên thấy nóng ruột, không hiểu có chuyện gì nên thử đảo về qua nhà xem thế nào. Chị em tôi thấy bố về, òa khóc. Bố đến bên giường, lặng lẽ nắm chặt bàn tay khô gầy của mẹ, vẻ mặt bố buồn rười rượi như người có lỗi.
Chẳng ai có thể ngờ được rằng, trận ốm ấy đã cướp đi người mẹ thân yêu của chị em tôi. Thuốc mãi mà mẹ vẫn không dứt cơn sốt, bố tôi đưa mẹ đi bệnh viện tuyến trên. Sau khi làm hàng loạt các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán mẹ bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Bố tôi bàng hoàng, chết lặng khi nghe các bác sĩ thông báo cái kết luận chết người kia. Chị em tôi như mất hồn, lúc nào cũng thảng thốt, ngây dại từ khi biết bệnh của mẹ không thể cứu chữa. Cả gia đình quyết định giấu kín không cho mẹ tôi biết bệnh tình của mình, để bà sống thanh thản những ngày tháng ngắn ngủi cuối cùng của cuộc đời. Mẹ không nói được nữa. Nhưng mỗi lần nhìn bố tôi và các con, cái nhìn của mẹ rất lạ, như dò hỏi, như trách móc, như giận hờn khiến tôi luôn luôn bị day dứt, ám ảnh bởi cái nhìn khắc khoải, bồn chồn lo âu của mẹ.
Mẹ đã mãi mãi đi xa. Mái tóc dài của mẹ vẫn còn để lại trong cuộc đời của chị em tôi. Mỗi năm, đến ngày giỗ mẹ, chúng tôi lại nâng niu đặt mớ tóc của mẹ lên bàn thờ, trước di ảnh của Người. Cảm giác thấy trong không gian thoang thoảng, phảng phất một mùi hương quen thuộc, mùi hương bưởi, hương nhu…Nghe văng vẳng đâu đây tiếng rao trầm buồn “Ai …tóc… rối… ơ…”. Vẫn hiện rõ trên mái tranh ngoài đầu hiên nhà có ống tre đựng những nắm tóc rối đen nhánh. Vẫn ấm áp hơi thở thân thương và tình yêu của mẹ. Ôi! Mái tóc đã mang đến cho chúng con bao niềm vui, hạnh phúc ngọt ngào của một thời thơ dại.
Ký ức tôi miên man trôi về miền xa thẳm một thủa ấu thơ…