• Đọc theo cách của bạn
  • Bàn tròn & Chuyên đề
  • Không Gian Văn Học Số
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt nam
Sign In
  • TRANG CHỦ
  • NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG
    • Chân Dung Cuộc Sống
    • Đối Thoại Với Cuộc Sống
    • Nhà Văn Với Nhà Trường
  • NHÀ VĂN
    • Góc Nhìn Nhà Văn
    • Tác Giả Mới
    • Không Gian Văn Học Số
  • VĂN THƠ TRĂM MIỀN
    VĂN THƠ TRĂM MIỀN
    Show More
    Top News
    HỢP ĐỒNG HÔN NHÂN
    1 Tháng 8, 2024
    Anh về quê mẹ với em không?
    23 Tháng 7, 2024
    Thơ Nguyên Như
    26 Tháng 12, 2024
    Latest News
    Thơ thiếu nhi Huyền Nhung
    28 Tháng 5, 2025
    Thơ Lý Hữu Lương
    28 Tháng 5, 2025
    Thơ Nguyễn Đức Toàn
    28 Tháng 5, 2025
    Truyện ngắn Viên Nguyệt Ái
    12 Tháng 5, 2025
  • TIN VẮN HỘI NHÀ VĂN
    TIN VẮN HỘI NHÀ VĂNShow More
    Nhà văn Khuất Quang Thụy qua đời

    Nhà văn Khuất Quang Thụy qua đời chiều 5/3, sau thời gian…

    3 Min Read
    Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23: “Tổ quốc bay lên” tổ chức ở Hoa Lư – Ninh Bình

    Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 mang chủ đề “Tổ quốc…

    7 Min Read
    Nhìn lại quá trình công tác văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024

    Ngày 12/12/2024, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn…

    12 Min Read
    Khai mạc Kỳ họp thứ IX Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam

    Tagline

    3 Min Read
    Tiểu thuyết Việt Nam
    Toạ đàm thảo luận sách: TIỂU THUYẾT VIỆT NAM HIỆN ĐẠI 1925 – 1945: KHAI SINH VÀ TIẾN TRÌNH

    Viện Pháp tại Hà Nội và Nhà xuất bản Tri thức xin…

    9 Min Read
  • BẠN ĐỌC & LIÊN HỆ
Reading: Truyện ngắn NGUYỄN THAM THIỆN KẾ
Share
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt namTạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt nam
Font ResizerAa
Tìm kiếm
  • TRANG CHỦ
  • NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG
    • Chân Dung Cuộc Sống
    • Đối Thoại Với Cuộc Sống
    • Nhà Văn Với Nhà Trường
  • NHÀ VĂN
    • Góc Nhìn Nhà Văn
    • Tác Giả Mới
    • Không Gian Văn Học Số
  • VĂN THƠ TRĂM MIỀN
  • TIN VẮN HỘI NHÀ VĂN
  • BẠN ĐỌC & LIÊN HỆ
Have an existing account? Sign In
Follow US
© 2024 Hội nhà Văn Việt nam I✦I Hợp tác & phát triển bởi VietNet Ltd
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt nam > Blog > NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG > Truyện ngắn > Truyện ngắn NGUYỄN THAM THIỆN KẾ
BÀI NỔI BẬTTruyện ngắn

Truyện ngắn NGUYỄN THAM THIỆN KẾ

Trần Quỳnh Hoa
Last updated: 1 Tháng 2, 2024 6:00 sáng
Trần Quỳnh Hoa
Share
SHARE

ĐÀO PHAI THEO DẤU KHÓI

1. Khuỳnh khuỳnh thọc tay túi quần jogger (1), gã Thợ cây nhằm cuối chợ bãi sông lấn bước. Không nhớ bao phiên Tết, gã rình lỏm thuật tạo bonsai (2) đào. Đặc biệt là bonsai thi triển giống đào rừng Tam Đảo, do lão Chaly độc giữ thuật thức. Cậu như chó giữ xương, khọm già không thích ai gần mình, bất kể lý do, trừ đến ngắm bonsai đào và mua vật phẩm sinh tạo từ đào rừng. Thợ cây bất lực trong việc cầu thân hoặc lần ra chỗ ở hay thân phận Chaly (3) xanh.

2. Phía gò cao bãi bồi hừng sắc hồng ấm hoa đào chào bán. Tiếng người sôi như châu chấu úp vung. Tấm biểu ngữ nền xanh chữ trắng quấn vòng tàng cây duối độc: “Hãy để đào rừng nguyên vẻ đẹp trên rừng”. Chen sít giá đèo hàng sau con xe chaly lá mạ trưng bonsai đào ký sứ, gốm, đá cát kết, granit, marble vân mây, trắng, đen, vàng, gộc lũa. Ông lão nhỏ thó mũ chóp, ghi lê lông dê núi, mắt kính tròn, vòng tay gỗ hoàng đàn, dây chuyền thép trắng, dép kiểu La Mã vặn sợi cây móc đen, chạng đứng trước quầy hoa khoanh tay hếch thiên không lửng xám.

Hàng đối diện cũng bandroll nhưng nền đỏ chữ vàng buộc khoen bốn góc níu căng vào hai cây vầu, cắm xuống đất: “Nếu sành điệu, hãy mang cả mùa xuân đào rừng vào nhà bạn”. Minh chứng choáng một góc chợ ngổn ngang rừng đào cổ mốc địa y như da kỳ nhông, rêu tơ thượt rối như cằm chúa rừng, gốc thân vặn vẹo chẳng khác cá sấu, rắn trăn trong cơn giãy chết quằn quại trong đôn chậu xi măng cao ngưởng, khít đôi người dang ôm, khắc rồng phượng tô son.

Ngồi banh trên cục gỗ lũa, gã trọc, bụng phưỡn banh vạt áo đại cán hở hốc cái rốn tattoo (4) bát phở ngút khói, nách kẹp chiếc cưa tay, gườm gườm địch thủ bonsai.

– Mẹ khỉ, lão già trương mấy chữ kia lên khác nào xui bọn tài nguyên môi trường đến làm khó ta.

Hai cậu choai đồ đen, tóc hoe xoay xỏa tưới mát, bó bầu gốc đào, dừng tay. Một đứa lau chau:

– Bảo đảm tối nay sếp chưa dứt ba câu vọng cổ là em đã vứt bẹt cái váy rách kia xuống đất là được chứ gì…

Thợ cây khịt khịt, ngoáy cục mũi khoai tây. Tattoo hất hàm:

– Tầm phôi làm bonsai à? Năm nay khan lắm, trốc lật hết mẹ núi đồi Tây Bắc rồi. Mày xem gì xem đi. Mua gì mua đi. Thích cành nào chỉ đi, cắt liền. Xấu đẹp bảo đảm đúng giá.

Thợ cây phả mùi xịt phòng, lướt Tattoo từ giày dã chiến đến chỏm đầu trọc, lôi ra mẩu cigar hàng Tẫu hút dở, ưỡn nhe hàm răng tụt lợi cáu cặn vôi, diễn thói xa xỉ, lượn quanh.

– Ok, là nghệ nhân thì mình đi ngó nghiêng xuân tí thôi.

Ngoái theo, Tattoo nhổ nước bọt lầm bầm: Khỉ gió, may quần đùi phố huyện học kẻ vẽ áp phích, thất nghiệp đi đánh cây thuê học lỏm nghề mà giờ cũng xưng danh nghệ nhân cây cảnh. Nghệ với gừng .

3. Thợ cây khen đào Tattoo, đốt ngắn, mập, hoa dày cánh, màu hồng phai phai. Sẽ mua đào, nhưng gã chưa thể quyết bonsai hay cành đào rừng vì còn muốn lướt chợ xem hoa cho đã mãn. Trước khi “quyết” hoa Tết, cái khoái thú là lang thang chợ hoa. Mưa. Rét. Ồn. Bẩn. Nhưng gã cứ sướng đày đọa thân xác vài ba phiên tù tì mới thỏa. May, vớ được cái phôi đẹp thì bỡn cũng đỡ vài chục củ.

Nhảo sang bonsai, Thợ cây ngồi thụp, chực ôm choàng những nụ, những bông đào rừng năm cánh đơn chấm son mong manh trên gốc cành cắt giật, bẻ cổ, xoay chi, cấu sẹo, bó rễ (5) tạo u cục, mướu, sần, khù khèo rớt xuống lại ngỏng lên kiêu kỳ, uy nghi như đại thụ ngạo nghễ giữa non ngàn. Nhìn cành nhỏ đã thấy cả thân cây, lùi ngắm một thân cây bỗng lóa mắt trước cả cánh rừng. Tưởng nhịp thời gian đã trăm năm ngấm tụ bonsai. Thợ cây rụt rịt xúc động. Chẳng biết vì vẻ đẹp bonsai hay nghĩ đến giá bonsai đào rừng.

Từ lâu Thợ cây tập tọng chơi bonsai thì bọn văn nghệ hàn lâm và nhà giàu sành điệu vẫn âm thầm trưng chơi với nhau riêng một chiếu, và che dựng quanh hàng rào khép kín. Xã hội mứa tiền thị hiếu rồi sẽ nhảy múa theo đám này. Chỉ bọn địa ốc, chứng khoán hoạnh phát, quan chức chạy mới a dua hàng khủng. Thộp được thuật chế bonsai đào của lão già có nghĩa là nắm cổ con trâu đẻ nghé vàng. Cay, từng quỳ gối xin làm con nuôi Chaly mà không xong. Lão già đỡ gã dậy, rối rít: Chết chết, ta không có phúc. Thợ cây lại xoay bảo chạy giúp Chaly vào Hội đồng nghệ thuật, Hội sinh vật cảnh:

– Hửm ừm…cái hội múa tay trong bị ấy à?

Giờ nhớ lại vẫn lộn mề, cảm giác vướng bận, hình như có chuyện cần khoe với Chaly, nhưng Thợ cây vẫn chòe miệng:

– Trộm vía, cụ năm nay trông vượng khí, trội sắc quá.

Chaly biêng biêng mặt, ngãng.

Thợ cây chẳng khác chủ hoa. Lúc sắm vai khách, lúc vai chủ. Vai nào cũng để kiếm lợi. Nghề cây được chơi thú tao nhã, lại có tiền đống. Với Chaly xanh thì gã ủ mưu học nghề miễn phí. Với Tattoo thì mua được phôi cây rẻ, bởi hắn có mối kiểm lâm, vả lại chỉ thích cây to, cành lớn, chậu khủng dễ hét giá cho đám lobby dự án dâng quan chức. Nhiều phôi cây nhỏ, Tattoo thường quẳng đi hoặc bán như cho. Nhưng qua “xưởng” luyện dăm năm, Thợ cây đã có câu chuyện bonsai từ khu vườn vương gia xứ Huệ.

Giữ thăng bằng đối thương là thượng sách. Bọn họ chơi xấu nhau, gã cũng đâu hưởng lợi. Giúp ai được gì mà không thiệt quá, thì gã giúp liền.

Thợ cây lại mở lớn giọng:

– Chào cụ! Trời… những thức bonsai này…thật là…thật là đẹp…

– Phải. Ai cũng thấy sự đó chẳng riêng anh.

– Dạ…ạ….

Choáng, như vừa bị cú jab (6) giữa mặt, ngắc ngứ, Thợ cây như mắc nghẹn:

– Bao nhiêu ạ?

Gã cong ngón trỏ chỉ cây đào thế trực, rễ ký vào khúc mộc thạch hoàng thổ. Nụ căng mẩy, hai bông he hé, ba nụ căng đầy phủ tơ tuyết ấp sắc hồng đang rộn tìm lối thoát bung lụa.

Cặp môi sắc nét ẩn dưới hàm râu bạc tỉa mảnh, cựu võ sĩ ruồi rủm rỉm:

– Đừng vờ. Anh không mua nổi và cũng không muốn mua.

– Cụ cứ cho con một cái giá ạ…

Chaly uốn loa tay, thì thào vào tai Thợ cậy. Ôi, uppercut- cú móc ngược, gã đành chết lặng gãi trán. Với giá ấy thì có thể mua được cả mấy chục cái Tết. Cụ thích làm khó thiên hạ ghê.

– Từ giờ, anh muốn xem thì phải trả vé. Tôi miễn phí bao năm nay rồi. Anh vào bảo tàng, triển lãm, thăm rừng nguyên sinh đều mất tiền cả. Với anh thì mỗi lần tính tương đương một két Heineken…

Thợ cây cười nhẹ, bày bộ tử sa và túi gấm nõn trà shan tuyết, xin hầu cụ chủ bonsai. Dẹp gọn mấy thế bonsai, cỗ trà bày lên một góc giá hàng. Nước sôi thì đã sùng sục sẵn cạnh quán ăn. Nâng chén trà vờn khói, Cha-ly ghé góc miệng chẹp nước.

– Anh khéo, nhưng cũng chân tình.

Lựa đà Thợ rừng mạnh bạo bàn cách chọn phôi bonsai. Chaly nhấm nhẳng:

– Trà của anh cũng hậu miệng phết.

Thợ rừng tẽn tò:

– Nhiều thế bonsai con thấy cụ bày mãi…không chịu bán.

– Có những thứ bán cả đời không xong. Vì có phải ai cũng biết đúng giá vưu vật đâu… Bán mà lại không. Không mà lại bán… Đời nó thế.

– Hôm nào cụ cho phép, cháu sẽ sang tận nhà hầu trà ạ.

– Thôi, chẳng bõ. Mất việc anh. Khi nào thích hợp tôi sẽ chủ động mời.

– Vâng, con xin gửi cụ địa chỉ và số điện thoại ạ.

– Vẽ. Cần thì tôi sẽ biết anh ở đâu…

Phía bên bán đào rừng rậm rịch rồi im bặt khó hiểu. Trên đầu gã bỗng rợp một cánh chim khủng bổ nhào. Soạt. Xẹt…xẹt…lẹt xẹt. Tấm biểu ngữ xanh trắng giật tung khỏi tàng cây duối, văng cao uốn éo trên đầu đám đông như tấm thảm bay. Mẩu gốc đào cháy đen thui, nặng trịch được ném từ xa theo quán tính quay mình cuốn ngang tấm bạt nhựa loằng ngoằng, sợi dây thòng được ai đó giật mạnh rồi buông tuột, rê rê giữa không trung rồi mất hút trong đám chợ.

Tattoo nhếch mép cười khoái, xoa vuốt cái đầu trọc bóng. Lão già bứng, nhốt bóp nghẹt thiên nhiên vào trong chậu làm trò chơi mà còn cao giọng, phách lối chê bai người khác. Chơi bonsai đào khác nào bọn uống trà cặn vặt, bất lực lông trym bạc phếch, thường hay bàn về lối sống xanh.

Thợ cây áy náy mải ngắm bonsai không kịp mách Chaly cảnh giác thì đối thủ đã ra tay. Chị không thích em trắng đùi. Chị sợ em đắt khách, tranh phần. Quy luật thị trường. Quy luật tự nhiên. Biết làm sao.

Ông lão nhìn ngẩn ngọn duối, nơi dăm phút trước còn hiện diện tấm biểu ngữ. Chấp nhận. Chính ông bỏ sỏi vào giày chúng trước. Ăn muống phải lội hồ. Không ngăn, thì chính rừng đào nuôi sống ông trên núi, sớm muộn chúng cũng lần ra tọa độ. Rập đầu xin, chúng cũng chẳng buông.

– Chúng bay hạ sát hàng trăm rừng đào cổ thụ chưa đủ hay sao. Trăm năm nữa trên dấu chân chúng mày cỏ cũng không thèm mọc.

4. Nhoáng, Chaly đã lao áp sát Tattoo. Thợ cây định ngăn. Nhưng ớn, cắn bút bi không vỡ như gã… Ông lão sức mấy chơi lại với ba thằng đào rừng hổ báo. Toang là chắc. Đỉnh mũ chỏm lông vừa chạm tới cằm Tat-too. Chaly như nài ngựa đua hết thời, còn Tattoo đương sức đồ tể ục uỵch nhoáng nhờn.

– Cậu có 15 phút để để đưa tấm biểu ngữ của ta trở về ngọn duối.

– Ơ hay, gió cuốn đứt băng rôn thì tự ông phải lo lấy, tại sao lại sang bắt vạ tôi?

– Ta thích nhờ cậu…thì sao nào?

– Lão khọm ngáo hoa đào à? – Chưa dứt lời thì hắn xuống tấn phình bụng đẩy bật ông lão ra khỏi thế áp sát. Chiếc mũ chỏm xô lệch, Chaly nhẩn nha sửa mũ ngay ngắn.

– Ta không nhờ vô cớ. Cậu có thực hiện yêu cầu của ta không?

Tattoo nhoáng vung tay về phía đống chăn băng lông màu nền máu đỉa, vàng choét hoa mẫu đơn góc lán, chiếc cưa tỉa chưa tới điểm chạm, hắn đã xô tới khuỳnh chân lên gối nhằm háng Chaly thúc ngược. Vẹo người né tựa lá khô uốn gió. Tattoo phóng đòn hụt, loạng choạng. Ông lão hơi cúi, lấy đà cong người bật lên. Cánh tay trái mở vòng cung ngược. Rắc…ắc. Thợ cây hình dung bốn gồ khớp ngón như dãy núi trên mu tay chẳng khác lũa gỗ của Chaly miết trượt từ yếu hầu lên vùng da tam giác giữa hai xương hàm Tattoo. Cú uppercut hoàn hảo (7). Tattoo rơi phịch mông xuống, tóe bùn, trượt vào đống chăn. Hắn lảo đảo gượng, chụp luôn cái cưa tay khều khều múa, nhằm đỉnh mũ chóp lông bổ xuống. Gót chân trái làm trụ, xoay người, Chaly tung cú đá hậu vào khớp cổ tay Tattoo…

Nhưng ông lão, vã mồi hôi, bỗng ôm ngực, lui lui về bên gốc duối.

5. Chaly nhăn mặt, kéo đòn gỗ sau lưng, đặt bên cạnh, vỗ tay bèn bẹp xuống chiếc ghế dã chiến, vẫy Thợ cây:

– Cậu chắc không vội. Ngồi chơi đi.

Thợ cây rung rinh với lời hào sảng:

– Sao vậy, cụ khó ở hay sao?

– Hơi sang chấn cơ hoành chút thôi.

– Trưởng thượng di chuyển như phượng bay rồng giáng.

– Vừa rồi, ta thi triển công lực không đúng vận trình.

– Cũng chẳng nên gây thêm với bọn ốc bươu vàng cụ ạ.

Thợ cây lúng túng hạ bàn tọa xuống nẩu gỗ tin hin. Lật nắp chiếc rương gỗ chi chít đinh tán, Chaly nhấc hai bình tông tiện từ gốc tre lộc ngộc bọc da nai lên mặt rương.

Tattoo nhăn nhó ngồi nặn cổ tay quấn chiếc khăn phula bọc đá chườm. Hai kẻ làm công cũng vừa tụt xuống khỏi ngọn duối. Tấm biểu ngữ xanh chữ trắng lại vươn mở, như nụ cười trắng lóa, đắc thắng. Nhưng hàng bonsai lạnh ngắt. Lác đác khách chắp tay sau đít, qua lại. Ê chề, đào rừng không muốn chường mặt với địch thủ, dịch chuyển lui phía sau hẳn bề ngang thân đường; vô tình tạo khoảng trống, nhưng vô tình lại càng kéo thêm khách đến xem đào rừng. Ngã giá lên xuống. Hàng đông người xem thì mới có kẻ mua.

Tattoo nhăn nhở:

– Hi hi…Thần tài bảo kê cho ta. Lão già cứ chờ đấy…

Chaly dằn chiếc cốc rễ gỗ xưa tạc con cóc lè lưỡi. Khách ậm ừ. Chủ rót thức gì thì dùng thức ấy. Lựa chọn sao được, khi trong con mắt Chaly gã thuộc về vô số. Chiếc bình tông thứ nhất mở nút, hương café toang ra, sánh như mật mía de. Chặc, muốn dùng thức thì phải bập môi vào miệng cóc. Thợ cây bị co kéo giữa hương café dụ khị vị giác và dinh dính khi hình dung cái miệng cóc gồ ghề động đậy. Ngụm café ấm nóng vừa mon men vòm họng, gã đã bay biến cảm nhờn sần, cơ thể nới rỗng khoảng cách giữa các tế bào ra cho cafein âu yếm. Đã thế ông lão còn dúi vào tay chiếc bánh bột củ mài, trộn hạt sồi nướng khô, rắc đường đỏ…tưởng khẽ búng là vỡ bung. Nể càng thêm nể. Đương nhiên sau nữa là đệm nước nụ hoa trà shan rắc bột gừng tiễn vị. Công thức ẩm thực của không ít tín đồ café nhưng không dứt tình nổi với nước trà của người Việt.

Thợ cây đâu biết nụ trà shan và café arabica đều sinh dưỡng hoang dã trên cao độ tám trăm mét sườn núi Tam Đảo, nơi có rừng đào dại cánh đơn cổ thụ giữa thảm trúc quân tử.

6. Cơn gió sông phào qua tán duối. Lửng trên đầu đám người vá víu xanh nâu xám nhộn quanh bãi sông trên những cánh tay giơ cao, nâng niu sắc hồng của những món đào “mơm”, đào “bu gà”. Lác đác vài ba khách đứng xem bonsai đào, nhấc gốc này, xoay cành kia, vặn vặn, lay lay, dứt dứt. Cán bộ trung niên gọng kính đồi mồi mua cành đào rừng phía bên, với ngoác sang bonsai:

– Kỳ công nhỉ? Có gắn keo da trâu, cắm đinh ghim không đấy?

Chaly vuốt ria, lặng thinh như mặt tấm kính sẫm màu. Cán bộ lắc lư mang cành đào rừng rẽ đôi đám đông. Ông lão lẩm bẩm: “Chấp gì bọn phá núi thật xây núi giả.”. Tattoo liếc xéo đắc thắng, đếm lại xấp tiền, nhác thấy sắc mặt ông lão, liền nín bặt.

Thiếu phụ áo siêu nhẹ màu rêu, tóc mai thoáng sợi bạc, sắc da nai ngoắc tay dẫn con gái đang trổ mã. Hai mẹ con đồng thanh chào ông lão. Đôi bên qua lại những giao đãi chủ đề sức khỏe, thời tiết, độ hoa đào xòe nở, nếp lẫn tẻ, dưa hành, giò chả ngày càng kém vị đặc trưng.

Thợ cây đứng dậy, Chaly níu lại:

– Ngồi yên.

Người mẹ níu tay con gái. Ông lao nghiêng người lục trong chiếc rương bí hiểm. Rồi cũng lôi ra vật cần thiết. Dứ hộp gỗ thông như chiếc bánh chưng vuông xọc xạch về phía thiếu phụ. Ông lão dặn:

– Mỹ dược dưỡng dung cho mẹ là lọ nắp xanh gồm hạt bí đao, hoa đào nghiền mịn trộn mật ong rừng, buổi tối xoa mặt, sáng dậy xoa rửa nhẹ nhàng, vết nhăn sẽ dần bay hết. Lọ nắp đỏ cho con gái trị mụn thì là hoa đào, nhân hạt bí đao phơi khô, tán bột luyện mật ong. Dùng nõn búp tre chấm vào những nốt mụn nhé…

Thiếu phụ mở túi. Chaly xua tay:

– Lần trước nhà chị đưa ta còn dư dả. Tín nhiệm mỹ dược dân gian của lão, đấy là phần thưởng rồi.

Hai mẹ con tần ngần nhìn nhau. Bỗng con gái sà xuống cầm gốc bon- sai thế gia đình sum họp. Thiếu phụ ái ngại:

– Nhẹ tay chút, con gái.

– Con đặt cây này trong phòng riêng.

– Cháu cứ mang về trưng! – Ông lão bình thản. Người mẹ nhất nhất trả tiền. Ông lão kiên trì chối. Dọa, nếu trả tiền bonsai thì lão đòi lại mỹ dung. Thiếu phụ thở dài, thuận. Ông lão dặn với:

– Qua Giêng mang lại cho ông. Nhớ là tưới nhỏ giọt, hai ngày bón một hạt dưỡng hoa bằng hạt đỗ xanh, ông giấu dưới kệ bonsai ấy nhé.

Đàn ông dại gái thì sắp xuống lỗ vẫn dại. Bonsai nửa năm lương mà biếu không. Hẳn là mẹ con thiếu phụ phải là gì đặc biệt với ông lão. Dõi theo hai mẹ con lẫn vào đám đông, Thợ cây hỏi buông:

– VIP ạ?

– Làm sao tôi biết là VIP hay không.

– Cụ phóng tay thế?

– Họ xứng đãi vậy. Mấy chục năm ta bày bonsai ở bãi sông này, chưa có một người phụ nữ nào biết thưởng lãm bonsai…

Vỗ phạch đùi, ông lão với cái hộp tre tiện kiểu hộp trà ô long. Rỏn theo hai mẹ con, vẫy vẫy.

– Này, còn hộp lệ đào (8) để quên đây này!

7. Xế trưa Chaly thu hàng, quây lưới dưới gốc duối. Tattoo khểnh trong lán, tay đau buộc treo lên khung đỡ, đỏ tía, ngáy ngủ hức hức như còn oan tức.

Thõng túi vải trước ngực, vung vẩy kéo cắt, ông lão nhằm đến bãi rác, trệ góc chợ sát sông, rộng nửa sân bóng chuyền, gạch không nung xây ngang thắt lưng, chừa lối vừa khít xe ba gác ra vào. Lồng phồng chất đống những râu ria của đào mà dân chuyên doanh gọi là đào vụn. Thứ không thể bán cho ai. Đào cành nhánh nguyên địa y, rêu tơ lẫn đào da nâu bóng hay lăm nhăm chấm rệp trắng như phấn vôi phơi xác trên vỏ dưa, lá bánh rau ôi. Bàn tay như túm rễ khô, nhoăn nhoắt lựa những bông, những nụ đào rừng, hái thả nhẹ nhàng vào chiếc túi vải đũi há miệng như con ếch háu ăn.

Chaly soi quét không bỏ sót một bông đào rừng, dù nở kẹ. Túi vải đũi căng phồng những hoa đào rừng thì mới đến lượt ông để mắt đến đám xác vụn đào trồng. Hai bàn tay với những ngón như xúc xích mini sở hữu ma thuật, cắt sơ, tỉa bớt, ghép buộc vài lần ông lại có những bó hoa đào cành cắm bình, tươi mới như vừa bứng vườn ra. Lén sau, Thợ rừng thốt lên:

– Đặt dưới đất là rác, trưởng thượng cầm lên lại là hoa.

– Hoa rơi xuống đất vẫn là hoa, cậu ạ.

Những bó hoa đào mót bày lên trên giá hàng bỗng lấn sắc cả những bonsai tiền tính bằng những chỉ vàng. Tíu tít khách, một loáng đã hết veo cả chục bó. Cụ già chậm rãi đếm tiền.

Chợ vãn, Chaly dềnh dàng về. Thợ cây, mũ trùm, kính đen tà tà xe ôm bám sau. Bến sông cuối năm dốc đá nghiêng ứ người chật xe tận mép nước, bổ sung thêm phà. Phấn khích lẫn âu lo ngự mặt người. Hai chuyến nối nhau sít sịt. Gã ngơ ngác không biết ông lão đã lên chuyến nào. Thì, bộp, một cái vỗ vai:

– Cậu sang sông làm gì. Chiều nay người ta cúng tiễn Táo, ai bán hoa mà mua.

8. Lại thêm lần Táo quân chầu Giời, Thợ cây đáo bãi chợ hoa ven đô dăm lượt mà không thấy Chaly bày bonsai. Giữa ồn người náo hoa, thì khoảng nền đất tôn cao như cái nong quây đá cuội dưới tán cây duối cổ lão xùm xòa vẫn trống phếch mặt đất lồi lõm. Chaly mất dạng. Sông Lô chảy phân vân.

Tattoo béo hơn năm trước. Vạt áo đại cán toang hở bát phở nghi ngút khói giữa rốn. Hàng đào rừng thêm sản phẩm mới là hơn chục đơn vị đào cổ thụ, bứng cả gốc rễ lẫn đá hoa cương tảng. Xe cẩu thuê nhoay nhoáy bày hàng.

Đang ngẩn ngơ thì Thợ cây đụng thiếu phụ áo siêu nhẹ. Chị trao Thợ cây bì thư màu rơm. Thư của Chaly. Thiếu phụ là con gái viên quản giáo, nơi Chaly từng thụ án cải tạo dưới chân núi Tam Đảo. Viên quản giáo bảo trợ Chaly thành võ sĩ quyền Anh, chuyên đi thi giao lưu thi đấu giữa các trại cải tạo.

Mấy chục năm trước cậu học trò lớp 10 xin tấm phông sân khấu do mình vẽ có hình Ngô Đình Diệm, tiết mục châm biếm trong đêm liên hoan tốt nghiệp, mang về nhà treo chơi. Bố cậu tranh cãi đóng thuế nông nghiệp đến trước hàng rào cúc tần nhà đội trưởng sản xuất tè và chửi tục. Và kết cục cậu thì lên trường giáo dưỡng hơn mười năm…

Sẵn năng khiếu hội họa, cậu học được bạn tù nghề tạo bonsai từ những chiếc rễ cây đào rừng, không mất công gieo hạt phải chờ nhiều năm mới có phôi, và không phải chặt hạ cành nhánh đào rừng. Hoa của rừng vẫn giữ nguyên cho rừng. Hoa trên rừng thì còn là hoa của mọi người.

9. Hai ngày bám đường mòn Thợ cây gặp dấu Chaly lưng núi mây. Trại hoa đào rừng, nơi Chaly duy dưỡng bonsai. Căn lều vương hương củi thông, mái thân trúc óng lợp thêm cỏ gianh, lủng lẳng bồ hóng bám đầu lạt buộc như ngọn rong đuôi chó. Món chè Đào lệ hoa còn ấm trong nồi treo lửng trên bếp lửa tàn. Thứ lệ đào hổ phách, vỏ cứng, ruột quánh, vừa mới gỡ ra từ khuyết nhựa. Tinh huyết đào ôm ấp hạt sồi rang nâu sồng. Lù xù quanh trại hàng café arabica lẫn thân chè shan cao ngẳng, đeo bám loăn xoăn từng chùm quả củ mài ba cánh như chong chóng, quay quay.

Mũ chỏm lông ngoắc chày giã góc lều, áo ghi-lê treo liếp ván. Rương đinh tán khóa im. Lần theo sơ đồ định vị những cây đào cổ đang dưỡng những phôi rễ bonsai, Thợ cây chỉ thấy trồi mặt đá rải dày lá trúc quân tử sáng bạc lắc thắc cánh đào quăn như máu chưa kịp khô. Lẽ nào cả rừng đào phai được các thiền sư Trúc Lâm gieo hạt cùng ông lão tay chơi quyền anh hạng ruồi đã thành sương theo dấu khói….

Tháng 2 năm 2020.

NTTK

Chú thích:

(1) Jogger: loại quần thiết kế lấy ý tưởng từ quần thể thao. Gấu quần có thun túm.

(2) Bonsai: loại cây cảnh nhỏ trồng trong chậu cảnh.

(3) Chaly: Thương hiệu xe máy của hãng Honda, dùng trong đô thị dung tích 50cc

(4) Tattoo: Nghệ thuật xăm hình trên cơ thể.

(5) Các thủ pháp tạo tác bonsai.

(6,7) Jab: Cú đấm thẳng mặt. Uppercut : Cú đấm móc ngược. (Thuật ngữ môn quyền Anh)

(8) Lệ đào: Nhựa cây hoa đào.

TAGGED:Nguyễn Tham Thiện KếTruyện ngắn
Share This Article
Twitter Email Copy Link Print
Previous Article Ngành Đông y hiện nay có còn cần thiết và quan trọng không?
Next Article Thấy gì lạ trong “Những khoảnh khắc sống” của Lê Kiên Thành?
Leave a comment

Để lại một bình luận Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài nổi bật

Thơ Lý Hữu Lương

Lý Hữu Lương sinh năm 1988 tại Kiên Thành – Trấn Yên – Yên Bái, dân tộc Dao. Hiện anh…

By Đường Uyên 6 Min Read
Tác phẩm của Maria Filipova-Hadzhi, Bulgaria

Nữ tác giả Maria Filipova-Hadzhi sinh năm 1954 tại làng Sitovo…

17 Min Read
Thơ tác giả Siyoung Doung (Hàn Quốc)

Nhà thơ, Tiến sĩ Siyoung Doung tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ và…

16 Min Read

Tác giả

Võ Thị Xuân Hà 1 Article
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà sinh tại Hà Nội.…
Sao Khuê 3 Articles
Chia sẻ một chút thông tin về bạn. Những thông…

Ý kiến

Thơ thiếu nhi Huyền Nhung

Tác giả Huyền Nhung tên thật là Trần thị nhung…

28 Tháng 5, 2025

Thơ Lý Hữu Lương

Lý Hữu Lương sinh năm 1988…

28 Tháng 5, 2025

Thơ Nguyễn Đức Toàn

Nguyễn Đức Toàn sinh năm 1978…

28 Tháng 5, 2025

Thơ Lại Văn Phong

Em đã giấu/ điều gì trong…

27 Tháng 5, 2025

Vịn thơ để sống và truyền cảm hứng

Chỉ trong quý I năm 2025,…

25 Tháng 5, 2025

You Might Also Like

VĂN HỌCTruyện ngắnVănVĂN THƠ TRĂM MIỀN

Truyện ngắn Viên Nguyệt Ái

Viên Nguyệt Ái tên thật là Nguyễn Phương Thúy sinh năm 1985 tại phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì,…

35 Min Read
Tác Giả MớiTruyện ngắnVănVĂN HỌCVĂN THƠ TRĂM MIỀN

Truyện ngắn Song Dương

Song Dương tên thật Lê Tuấn Anh sinh năm 2004, quê quán Hải Phòng. Anh hiện đang là sinh viên…

24 Min Read
Truyện ngắn

NGƯỜI GIÀ SỢ LẮM CÔ ĐƠN

Ông và bà yêu nhau từ thời trẻ, lập gia đình chung sống bên nhau…

12 Min Read
Truyện ngắn

Mãi mãi là Vua

Ven cống thoát bốc mùi thum thủm, vượt qua những bụi cỏ cụt xanh mởn…

28 Min Read
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt nam

TỔNG BIÊN TẬP: TRẦN ĐĂNG KHOA

Phó tổng biên tập: Nhà văn VŨ ĐẢM
Đặc trách website: Nhà văn KIỀU BÍCH HẬU

Ban biên tập: NGUYỄN CHU NHẠC, NGUYỄN HỮU HÀ, BÙI HOÀNG TÁM, HOÀNG ANH SƯỚNG, LÊ VĂN VỴ
Giấy phép xuất bản: 232/GP-BTTT ngày 27/4/2021

Tòa soạn: Số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội
✦Email: [email protected]
✦Tel: 094 735 8999

Văn phòng đại diện tại Bắc miền Trung: LÊ VĂN VỴ
Địa chỉ: Đông Tiến – Thạch Trung – Tp. Hà Tĩnh – Tỉnh Hà Tĩnh   Tel: 0964981345 

Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh: PHẠM HÙNG PHONG
Địa chỉ: Golden King Tower, 15 Nguyễn Lương Bằng – PMH – Q. 7 – Tp. Hồ Chí Minh Tel: 028 710 88879

Văn phòng đại diện tại Tiền Giang: TRẦN ĐỖ LIÊM
Địa chỉ: Số 744 Lý Thường Kiệt – Phường 5 – Tp. Mỹ Tho – Tiền Giang  Tel: 0913962863

Văn phòng đại diện tại Bạc Liêu: LÊ THANH QUANG
Địa chỉ: 44 Phạm Ngọc Thạch- P.1 – Tp. Bạc Liêu  Tel: 0939269779

News

  • BÀI NỔI BẬT
  • NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG
  • TIN VẮN HỘI NHÀ VĂN
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt nam © 2024 I✦I Hợp tác & phát triển bởi VietNet Ltd
Welcome Back!

Sign in to your account

Lost your password?