Truyện ngắn TRẦN QUỐC CƯỠNG

Truyện ngắn TRẦN QUỐC CƯỠNG

HUYỀN THOẠI XÓM GÒ

1.

Bây giờ chị có anh. Có vĩnh viễn. Chân mày rậm. Đôi mắt u uẩn buồn. Gương mặt đôn hậu lồng vào bia đá.

Em biết, anh buồn em bằng nỗi buồn cả đời anh cộng lại. Em mà bền lòng chặt dạ ư? Bền lòng cái nỗi gì. Phản bội chồng. Theo giặc. Có những sai lầm mà con người ta không còn cơ hội để sửa sai. Mà anh cũng lạ thật. Người chi cao thượng đến ngạo nghễ. Giá như anh đừng rộng lượng. Giá như ngày trở về anh tát vào mặt em. Anh nguyền rủa em…

Tháng nào cũng vậy. Ngày rằm. Buổi chiều. Khi hoàng hôn rũ rượi lê bước vào cõi đêm. Chị đến nghĩa trang thắp nhang cho anh. Thì thầm với anh những vui buồn trong cuộc sống. Chị tin rằng ở cõi vô cùng anh nghe chị nói. Anh hiểu vì sao ngày thống nhất đất nước chị không trở lại với anh để sống với nhau hết quãng đời còn lại.

2.

Xóm Gò

Giữa cánh đồng Hòa Phú tự thuở xa xưa hình thành một gò đất khoảng hơn 5 hécta phóng khoáng bảo bọc gần một trăm hộ gia đình sinh sống bằng nghề nông. Đó là xóm Gò. Người xóm Gò chuyên trồng lúa và trồng cói. Những lúc nông nhàn, người ta thường túc trực bên khung dệt. Chiếu cói xóm Gò mẫu mã đẹp, bền nổi tiếng khắp vùng.

Con gái xóm Gò tay bùn chân lấm. Vậy mà cô nào làn da cũng nõn nà. Tóc dài đen nhanh nhánh. Dáng dấp làm nghiêng ngả đàn ông.

Cô Thi trẻ đẹp nhất xóm Gò có hai người anh lên mật khu tham gia kháng chiến. Người ta hỏi vì sao cô là con gái mà cày bừa, gieo sạ nhoang nhoáng như đàn ông vậy. Thi cười phô hàm răng sáng lóa: “Con gái cũng là người chớ bộ. Chỉ có đàn ông mới biết cày bừa à?”.

Xóm Gò rất ít đàn ông, con trai vì họ âm thầm lần lượt lên đường tòng quân diệt giặc. Ban đầu cánh con trai thoát ly lên căn cứ làm cách mạng. Về sau những đàn ông đã có vợ con cũng tiếp bước lên đường.

Thằng Cang điên tiết cầm đầu nhóm tuyên truyền của Ty Thông tin – Chiêu hồi về xóm Gò triệu tập nhân dân tham gia chống cộng. Hắn bắc loa kêu gọi rã họng từ sáng đến trưa chỉ vài cụ già lèo tèo đến ngồi nhấn nhá ở trụ sở ấp. Hắn chống nạnh xỉa xói: “Các ông cứng đầu chống lại quốc gia, theo cộng sản phải không?”. Cụ hai Bưởi vân vê điếu thuốc lá trên tay, cười khẩy: “Là tự ông nói đó nghe. Chống lại quốc gia mà chúng tôi bỏ công việc làm ăn đến đây à?”. Bà Bốn Kẹo ứng khẩu liền theo: “Ông bảo chúng tôi theo cộng sản sao còn ở cái xóm này hả?”.

Sợ bẽ mặt với dân xóm Gò, hôm sau thằng Cang được sự hỗ trợ của trung đội cảnh sát dã chiến áp sát từng nhà, lôi kéo từng người đến trụ sở ấp. Chi bộ xóm Gò do chị Ba Ràng làm bí thư đã lường trước tình huống này, lãnh đạo đội quân tóc dài kéo nhau giăng biểu ngữ rầm rập biểu tình chống bắt bớ người dân vô tội. Chiến dịch chống cộng của thằng Cang thất bại thảm hại.

Hơn tháng sau, đầu đường vào xóm Gò xuất hiện tấm panô với 4 dòng chữ nắn nót viết bằng sơn màu vàng trên nền đỏ:

Theo chi giặc cộng mà theo

Bỏ quê, bỏ mái tranh nghèo xác xơ

Bỏ em tháng đợi, năm chờ

Mong anh chưa biết bao giờ gặp anh

Bữa trước thằng Cang còn đang hí hửng với tài “hùng biện” kêu gọi kẻ “lầm đường” trở về với “chính nghĩa quốc gia” thì hôm sau cũng tấm panô đó bị phủ lên lớp sơn trắng với mấy dòng chữ đỏ tươi, khiến cư dân xóm Gò nở mày nở mặt:

Theo chi giặc Mỹ mà theo

Bỏ cha, bỏ mẹ mà đeo súng trường

Trở mặt phản bội quê hương

Nay mai Mỹ cút hết đường dung thân

Bữa sau nữa, tấm panô biến mất ngay trong đêm. Có người xóm Gò phát hiện bọn thằng Cang lặng lẽ tháo dỡ đưa lên xe chở đi cho đỡ xấu với mọi người.

Cô Xuân tóc dài, thắt đáy lưng ong, mắt lá răm, nụ cười làm ngộp tim đàn ông. Dân làm ruộng, trồng cói quanh năm, thế mà đôi bàn tay nuột nà như con gái nhà giàu ở phố thị. Cô Xuân đi đến đâu đám con trai nhìn trật ót đến đó. Bọn lính nghĩa quân thừa biết xóm Gò là cái nôi cách mạng. Nguy hiểm là vậy, sắc đẹp con gái biến họ thành những con thiêu thân. Ngày nào cũng có vài tên lính tạt vào nhà các cô gái đẹp tán tỉnh, gạ gẫm. Chúng bắt gặp nụ cười đẹp mê hồn, giọng nói ngọt xớt như nước dừa xiêm của cô Xuân: “Mấy anh cũng có gia đình như chúng em, cớ sao đang đêm đang hôm mấy anh nã súng vào làng gây thương vong cho những người vô tội?”. Một tên lính gãi đầu đáp bừa cho qua chuyện: “Mấy cha nội “câu” M79 để chặn đường cộng sản về làng đó em”. Tên lính đi cùng giãi bày: “Tụi anh chỉ canh gác thôi. Nã đạn pháo vào xóm Gò là lính địa phương quân”. Cô Xuân mềm mỏng: “Mấy anh nghĩ coi! Đêm hôm bà con đang ngủ chứ có cộng sản nào đâu. Mấy anh vô cớ bắn giết đồng bào vô tội nên chúng em mới kéo nhau lên quận biểu tình”.

Cô Xuân, cô Thi, chị Ba Ràng, bà Bốn Kẹo và nhiều người đẹp xóm Gò, mỗi ngày tuyên truyền một ít. Mưa lâu ngày thấm đất. Đám lính nghĩa quân không còn hung hăng như trước. Sai lầm lớn nhất của thằng Cang và bộ máy thông tin chiêu hồi là xem thường đàn bà, con gái xóm Gò quê mùa, thiếu học. Chúng không thể ngờ chúng được đào tạo, nhồi hét biết bao thủ đoạn tinh vi, giọng lưỡi chiến tranh tâm lý của quan thầy Mỹ lại thua đội quân tóc dài, chân đất của một làng quê nghèo như xóm Gò.

Chị Thảo cũng là người đẹp xóm Gò có chồng tham gia kháng chiến, được chị Ba Ràng giao nhiệm vụ mua thuốc Tây gởi lên căn cứ cách mạng và may cờ giải phóng. Một lần trên đường chuyển cờ cho cơ sở, Thảo bị thằng Soạn, Cục phó cảnh sát xã chặn đường lục soát. Hắn quét mắt cú vọ: “Cô hãy nói thật. Cô chứa truyền đơn hay tài liệu trong những bó chiếu cói kia? Nói mau!”. Thảo chột dạ, nhưng vẫn giữ được vẻ mặt bình thản: “Không có truyền đơn, tài liệu nào cả. Ông không tin thì cứ việc lục soát!”. Thằng Soạn hau háu nhìn làn da mỡ màng thoắt ẩn, thoắt hiện sau lưng áo của Thảo. Hắn mê mẩn, dọa đại một câu. Thấy Thảo không có biểu hiện sợ sệt thì định bỏ đi. Gã cảnh sát đi theo tiếc rẻ: “Chuẩn úy đã chặn cô ta lại, sao không lục soát. Biết đâu…”. Thằng Soạn dụ dự: “Thôi được. Mày cứ lục soát đi, nhưng đừng gây khó dễ cho người đẹp à nghen”. Hắn nhìn Thảo cười đề mi. Thảo không còn lòng dạ nào nghe hắn nói. Cô bấn loạn khi xấp cờ nửa xanh, nửa đỏ, sao vàng ở chính giữa hiện ra cùng lúc tiếng reo đặc quánh sát khí: “Đây rồi! Chuẩn úy thấy chưa? Cô ta là cộng sản nằm vùng”.

Thảo bị đưa lên xe chở thẳng về tống giam tại chi cảnh sát quận. Trong bốn bức tường tối tăm, ngột ngạt, chị đã chuẩn bị tinh thần chịu đựng mọi cực hình của kẻ thù để giữ vững khí tiết của một cơ sở cách mạng. Chị nghĩ đến chồng đã lâu rồi bặt vô âm tín. Con gái nhỏ dại thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Chị xót xa.

Trái với dự đoán của Thảo, chị không hề bị tra tấn. Buổi sáng. Buồng giam xịch mở. Gã cảnh sát đưa tay ngoắt chị ra ngoài cửa, giọng nhát gừng: “Chị đi theo tôi!”. Thảo bước đi, lòng nung nấu ý chí: “Tụi bay đừng hòng khai thác được tao! Tao sẽ không bao giờ làm điều gì có hại cho cách mạng!”. Chi cảnh sát quận xây dựng theo kết cấu liên hoàn. Qua mấy dãy hành lang, gã cảnh sát đột ngột dừng lại trước căn phòng quét vôi màu xám. Hắn đưa tay gõ cửa. Từ bên trong có tiếng nói lạnh lùng vọng ra: “Vào đi!”.

Gã cảnh sát mở cửa đẩy Thảo vào trước. Hắn dậm gót chân, đưa tay ngang mày: “Trình Đại úy! Tôi đưa can phạm vào gặp Đại úy”. Nói xong hắn quay ra cửa. Gã Trưởng chi cảnh sát nhìn Thảo lườm lườm: “Chúng tôi thừa biết cô chuyển cờ cho ai nên không cần điều tra. Tôi nể tình Thiếu úy Long, Cục trưởng bảo lãnh cho cô về. Cô liệu hồn đấy! Lần sau còn tiếp tay cho cộng sản thì tù mọt gông nghe chưa?!”.

Thảo được chính gã Thiếu úy Long đưa về tận nhà trước những ánh mắt dò xét, nghi hoặc của những người xóm Gò. Những ngày được trả tự do là những ngày Thảo cảm thấy ngột ngạt, bối rối vô cùng. Chị ra đường gặp người nào, họ cũng tránh mặt chị. Ngay cả những người thân thiết nhất cũng dè chừng khi gặp nhau. Thảo xin gặp chị Ba Ràng để giãi bày, chị được kẻ địch tha bổng, nhưng chị không khai báo điều gì có hại cho cách mạng và chị cũng không hiểu vì sao chúng lại tha bổng chị. Chị Ba Ràng xa lánh, tổ chức không còn tin tưởng Thảo trong khi gã Thiếu úy Long ngày nào cũng bám lấy chị.

Nếu như trước đây, mỗi lần lực lượng vũ trang xã về đánh địch, gây cho chúng thương vong thì thế nào chúng cũng vây ráp, bắt bớ những người có người thân tham gia kháng chiến, trong đó có Thảo để trả thù. Thì giờ đây Thảo luôn được bình yên vì có gã Thiếu úy Long che chở. Gã mặt dạn mày dày thả giọng trầm: “Thảo không biết đó chớ anh để ý anh thương em từ lâu rồi. Chồng em đâu còn sống mà chờ, mà đợi?”. Thảo độp lại: “Ông Thiếu úy đã có vợ con đề huề. Là một sỹ quan, ông phải sống mẫu mực. Tại sao đi ve vãn một người đã có chồng? Không sợ người ta đàm tiếu hay sao?”. Hắn nghe vậy cười đểu giả: “Ối dời ơi! Em lo xa quá. Trai năm thê bảy thiếp là chuyện thường tình. Anh thương em thật mà Thảo!”.

Có những đêm tên Long đột ngột gõ cửa nhà Thảo. Chị sợ hàng xóm nghe thấy, hoài nghi mối quan hệ của chị với gã cảnh sát nên cho hắn vào nhà, lựa lời cảnh tỉnh. Hắn vẫn lì lợm. Vẫn thường xuyên đến nhà Thảo ngồi hàng giờ và tìm mọi cách giúp đỡ mẹ con Thảo. Mọi hy vọng nối lại đường dây với tổ chức tắt ngấm. Mưa lâu ngày thấm đất. Thảo ngã vào lòng gã cảnh sát trong một đêm trời giá lạnh. Thằng Hổ là kết quả của mối tình già nhân nghĩa, non vợ chồng của hai người.

3.

Sáng sớm. Thảo đánh thức Hòa và Hổ dậy cho quần áo vào vali. Gạo thóc, xoong nồi sắp vào đôi quang gánh chuẩn bị gánh chạy ra đồng. Hôm qua, Thảo nghe tin xóm Gò sẽ có trận đánh lớn. Chị đang khóa cửa, bỗng giật mình vì nghe tiếng thậm thịch trước ngõ. Thảo không tin vào mắt mình, đoàn quân giải phóng quân phục màu xanh lá cây, súng quàng vai hành quân hối hả trên con đường làng. Đoàn quân có những người lính còn trẻ măng, cao to, oai hùng, không giống như giọng lưỡi của mấy ông thông tin chiêu hồi: “Bảy thằng cộng sản đu cành đu đủ không gãy”.

Nghĩ đến chồng và hoàn cảnh thực tại, lòng chị như có dao cứa. Những ngày xóm Gò rùng rùng chuyển động theo đoàn quân giải phóng, Long biến mất. Anh ta nuốt chửng những lời hứa có cánh với Thảo: “Anh sẽ đưa mẹ con em sang định cư ở Hoa Kỳ. Đó là thiên đường của nhân loại”.

Giải phóng xóm Gò, rồi giải phóng miền Nam. Thảo vẫn quanh quẩn trong nhà. Nỗi mặc cảm trong chị lớn dần theo ngày tháng. Hòa, con gái chị lúc này đã mười bảy tuổi. Hổ mười bốn. Hai chị em hồ hởi hòa vào dòng người tràn ra đường reo mừng chiến thắng.

Một hôm, con Hòa đường đột hỏi Thảo: “Này má, ba của con là bộ đội giải phóng phải không má?”. Chị nghẹn ngào: “Ba hy sinh rồi… con đừng hỏi”. Con gái chị mếu máo: “Ba còn sống. Ba ở chiến trường xa chưa về…”. Thằng Hổ dường như đã hiểu được thân phận của mình. Nó lặng lẽ bước ra vườn, mặt buồn rười rượi.

Ấy thế, hơn tháng sau, Bình chồng của Thảo trở về. Anh mang ba lô như đi trên mây. Con đường vào xóm Gò đi ra từ ký ức, tuy có thay đổi đôi chút. Dọc đường về nhà, người quen, người lạ đều vui mừng chào đón anh, xen lẫn những tiếng thở dài, cái nhìn thương hại. Ngôi nhà của vợ chồng Bình vẫn chỗ cũ, nhưng người xưa giờ đã đổi thay. Thảo lánh mặt sang nhà hàng xóm rồi về ở hẳn nhà của cha mẹ ruột. Con gái anh ngơ ngác nhìn cha. Bình thả ba lô, lạc giọng: “Con là Hòa? Là con gái của Ba?”. Hai cha con ôm nhau khóc ngất. Thằng Hổ khép nép tựa vào cột nhà. Nó nhìn hai người bằng ánh mắt bối rối.

Nhiều lần Bình đến thuyết phục vợ không thành, anh như kẻ thất chí, buồn bã, lang thang khắp xóm. Một hôm. Chị Ba Ràng bây giờ là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, cùng đi với Bình đến chỗ Thảo ở. Chị cầm chặt đôi tay của Thảo, nước mắt lưng tròng: “Chị đã sai rồi Thảo ơi! Ngày đó chị thiếu sáng suốt, không chịu tìm hiểu em kỹ càng. Chị mắc mưu thằng Long. Bao ngày qua chị sống trong ray rứt. Em tha tội cho chị nghe Thảo!”. Thảo khóc như mưa bấc. Nỗi oan tích tụ lâu năm và sự sai lầm xót xa vỡ òa trong nước mắt: “Em không còn xứng đáng làm vợ anh Bình… Em có tội với gia đình anh… Em không còn mặt mũi nào sống với anh nữa”. Bình uất nghẹn: “Đâu chỉ có chị Ba trúng kế của thằng Long, mà chính em cũng sa vào bẫy của hắn. Thằng Long bảo lãnh em ra khỏi trại giam là có âm mưu thâm độc. Nó ban ơn để chinh phục em. Xảo quyệt hơn, hắn gây hoài nghi, chia rẽ em với tổ chức, làm hoen ố thanh danh vợ của một cán bộ cách mạng, anh đều biết hết. Em không có lỗi Thảo ơi! Hãy về với cha con anh…”. Thảo lại vật vã: “Em không thể sống với anh trọn đời, trọn kiếp. Anh hãy về đi!”.

4.

Trước ngày giải phóng xóm Gò, Long đưa vợ con vào Sài Gòn để trốn ra nước ngoài không thành. Hắn trở về trình diện với chính quyền cách mạng và đi cải tạo hơn 3 năm. Khi có Chương trình H.O (di dân sang Mỹ một cách có tổ chức), Long vui mừng như vớ được vàng ròng. Hắn không quên lôi kéo đứa con của hắn với Thảo. Hắn xăng xái đến nhà, đặt thẳng vấn đề với ông Bình: “Thằng Hổ là con tôi. Nay tôi xuất cảnh sang Hoa Kỳ đưa nó cùng đi. Anh nghĩ sao?”. Bình thản nhiên: “Anh cứ hỏi thằng Hổ, nếu nó đồng ý theo anh sang Hoa Kỳ, tôi không cản”. Long cười nhăn nhở: “Tốt! Anh nói vậy là tốt! Thằng Hổ đâu rồi? Con sang Hoa Kỳ với ba để hưởng giàu sang, sung sướng!”. Chàng thanh niên nãy giờ nghe rõ mọi chuyện, từ nhà dưới bước lên nói như tạt nước lạnh: “Tôi chỉ có ba Bình và má Thảo. Ông về đi mà hưởng giàu sang. Tôi không cần!”. Thái độ dứt khoát của con trai làm cho Long còn bất ngờ hơn thái độ của dượng nuôi nó.

Gần đây, ông Long trở về Việt Nam. Ngoài việc thăm bà con, xóm làng, còn có nguyện vọng hàn gắn tình cảm với người con trai nhiều năm qua không thừa nhận ông là cha. Lần này, ông Long đến nhà ông Bình không còn khí thế như cái ngày ông sắp xuất cảnh sang Hoa Kỳ. Nhà ông Bình vắng người. Hàng xóm cho biết ông Bình đang điều trị ở trong bệnh viện. Ông Long gật gù, toan tính đây là cơ hội tốt.

Ông Bình xúng xính trong bộ pyjama màu xanh dương, bước xuống giường rót nước. Ngay khi ấy, ông Long xuất hiện: “Dạ, cho hỏi thăm… có phải anh Bình đó không?”. Bệnh nhân còn đang ngơ ngác thì khách mừng quýnh, vồn vã: “Đúng là anh Bình rồi! Tôi là Long cha của Hổ đây anh. Anh khỏe chưa ạ?”. Ông Bình nở nụ cười héo hắt: “Chào anh! Mời anh ngồi uống nước. Anh về hồi nào?”. Hai người đàn ông một thời từng là đối địch nhau, giờ tóc họ đã bạc. Họ siết chặt tay nhau. Cái nhìn bỗng thân thiện đến lạ: “Anh Bình ơi! Tôi lại thua anh một lần nữa!”. Bệnh nhân nở nụ cười mệt mỏi: “Tôi và anh làm gì có chuyện ai thắng, ai thua ở đây. Chiến tranh đã lùi xa rồi. Đừng nhắc lại chuyện cũ anh à! Chúng ta hãy nghĩ đến tương lai của bọn trẻ…”.

Thằng Hổ đến thăm cha nuôi không ngờ gặp cha ruột. Giọng nói của nó lạnh băng: “Chào chú!”. Niềm vui bỗng hiện lên trong ánh mắt của ông Bình: “Cái thằng lạ chưa! Gọi ba bằng chú mang tội bất hiếu đó con. Hãy nghe lời ba. Ba ruột của con đã biết lỗi. Con đừng cố chấp”.

Thằng Hổ chưa cất nổi tiếng gọi ba với ông Long. Nhưng qua cái nhìn của nó đối với người cha ruột đã có phần dịu đi rất nhiều so với cái nhìn trước đây ông Long xuất cảnh sang Hoa Kỳ sinh sống.

Leave a Reply

Your email address will not be published.