Trần Ngọc Ánh
Mấy ngày qua trên mạng xã hội rộ lên nhiều ý kiến về bộ phim “404 CHẠY NGAY ĐI”. Nội dung phim về phòng 404 khách sạn Ma (khách sạn Hằng Phúc). Thế là tối thứ tư ngày 1-1-2025 chúng tôi cũng tò mò đến phòng chiếu phim của TTTM Vincom Times City để xem bộ phim này.
Đây là bộ phim thuộc loại hình giải trí mang đậm chất Liêu Trai kinh dị, pha chút hài hước gây cười. Thật ra đề tài này không có gì mới, bởi nhà văn Bồ Tùng Linh đã viết “LIÊU TRAI CHÍ DỊ” cách đây vài trăm năm. Chúng tôi sẽ không bàn gì về nội dung phim, ngoài một chi tiết không thể không quan tâm.
Giá như bộ phim dừng lại khi con số 404 trúng giải thưởng sổ xố độc đắc là vừa đủ. Giá trị bộ phim sẽ cao hơn bởi không gian mở cho trí tưởng tượng của những người thưởng thức. Chẳng hiểu sao những người làm phim lại cố thêm đoạn cuối nói về hình ảnh những con Ma đến xin nghỉ ở cái gọi là “khách sạn Hằng Phúc”?
Vâng! Những bóng ma đó là Ma của nhiều nước, nhiều thành phần như “Ma pháp sư, Ma Indonexia, Ma kinh doanh…” lại có cả “Ma Việt Nam”. Từ đó, chúng tôi có cảm nhận rõ ý đồ của người làm phim.
Hình ảnh “Ma Việt Nam” với danh xưng chỉ có 3 từ là một cô gái trẻ đẹp người Việt Nam, mặc trang phục đặc trưng của bộ LỄ PHỤC trong nghi lễ hầu đồng, đã được tổ chức văn hoá thế giới UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. “Ma Việt Nam” chỉ xuất hiện trên phim khoảng gần một phút, nhưng lại tạo ra một hiệu ứng tâm lý trái chiều giữa 2 thế giới THẦN – TIÊN – PHẬT – THÁNH và MA QUỶ.
Khái niệm về THẦN TIÊN PHẬT THÁNH là thế giới của Thần Linh cao cả, rực sáng và uy linh trong tiềm thức của loài người. Ngược lại, thế giới của MA QUỶ là thế giới của bóng tối hắc ám. Sự phản chiếu của 2 thế giới này là ÂM – DƯƠNG, là đối trọng, đối kháng, giữa 2 phạm trù trắng đen, thiện ác. Điều này thì ai cũng biết.
Vậy, tại sao hình tượng của vị THÁNH (Chầu Bà) trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt lại bị gọi là “Ma Việt Nam”, bị đánh đồng với thể loại Ma của nhiều nước (như thể hiện trong đoạn kết của bộ phim)?
Chúng tôi vụng nghĩ không thể nói ý đồ của ê kíp làm phim không hề biết gì về lễ phục của một tín ngưỡng tôn giáo. Bởi lễ phục, sắc phục trong “nghi lễ tôn giáo” là điều tối kỵ không cho phép người trần gian có ý thức được tuỳ tiện sử dụng bừa bãi. Nghi lễ tôn giáo luôn mang tính thiêng của bất kỳ tín ngưỡng tôn giáo nào. Nó chỉ được thể hiện, thực hiện trong không gian linh thiêng của tôn giáo tín ngưỡng đó mà thôi! Chẳng lẽ đó không phải là thâm ý của nhà làm phim đã lợi dụng nghệ thuật nhằm ám chỉ, đánh đồng thần linh nước Việt với đám ma quỷ của các nước khác.
Bỗng dưng chúng tôi tự hỏi: “Nếu không phải là hình tượng của một vị THÁNH VIỆT NAM, mà là hình ảnh của một vị sư Thái hoặc vị Phật Thái hoặc một vị Linh Mục nào đó… cũng bị xưng là Ma Thái, Ma Mỹ thì công dân và các tín đồ ở nước đó họ sẽ nghĩ như thế nào nhỉ?”
Nên nhớ Đảng và Nhà Nước Việt Nam đã giao trọng trách “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” cho ngành văn hoá, ban tôn giáo và các ban ngành liên quan tổ chức thực hiện, nhằm hoằng dương văn hoá Đạo Thánh Mẫu. Thế mà bộ phim Ma phản cảm lại công chiếu vào dịp tết Dương lịch!? Tự nhiên chúng tôi thấy buồn và nghĩ vụng về thế giới Ma. Chẳng lẽ nó đang lộng hành?