NGUYỄN HỮU NHÀN
Văn hóa làng là bản sắc riêng của mỗi làng với những đặc điểm mang tính truyền thống từ ăn, ở, đi lại, đến cách tổ chức, những quy ước, lối ứng xử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng tâm lý của mọi thành viên trong cộng đồng làng. Văn hóa làng chính là văn hóa Việt Nam xét từ đơn vị làng, là cơ sở của văn hóa nước. Nói đến làng văn hóa là nói đến các tiêu chí, chuẩn mực về văn hóa cho một làng. Vì vậy một làng mới lập, tuy không có văn hóa làng truyền thống cũng vẫn xây dựng được làng văn hóa.
Các làng ở Phú Thọ cũng như ở đồng bằng, trung du Bắc Bộ dù ở liền kề nhau nhưng đất đai nhiều ít khác nhau, nghề phụ cũng khác nhau. Mỗi làng lại thờ những Thành hoàng riêng. Làng này giàu, làng kia nghèo, làng này lắm người học cao, làm quan to, làng kia ít học, lép vế… Do vậy mỗi làng có một bản sắc văn hóa riêng. Nói rộng ra, văn hóa làng ở Thái Bình, Hưng Yên, Tuyên Quang, Yên Bái… ắt phải có nhiều nét khác với văn hóa làng ở Phú Thọ. Phú Thọ là vùng thềm trước núi, nơi mà con người thượng cổ đã cư trú từ hàng vạn năm trước (di chỉ Sơn Vi). Đến hậu kỳ đồ đá mới, đồng thau cho đến tận bây giờ con người vẫn ở đây. Khi xưa một bộ phận dân cư Việt cổ đã tiến xuống vùng đồng bằng sông Hồng để định cư trồng lúa nước. Một bộ phận khác vẫn ở lại vùng đất cổ này. Tuy theo truyền thuyết, Phú Thọ là nơi ra đời Nhà nước Văn Lang nhưng sau đó làng ở Phú Thọ không phát triển mạnh bằng các làng vùng đồng bằng. Tuy là kinh đô Phong Châu nhưng vùng này về sau vẫn là miền sơn cước, đất rộng, người thưa, sản vật lắm. So với nhiều vùng khác, Phú Thọ là vùng đất giàu có, đầm hồ sông ngòi nhiều thủy sản, rừng nguyên sinh lâm sản phong phú. Với hoàn cảnh ấy đã tạo nên cho con người ở đây tính cách an phận thủ thường. Đất rộng người thưa, Phú Thọ là vùng đất “ngụ cư” lý tưởng cho người dân ở các tỉnh miền xuôi đi tha hương cầu thực, hoặc do nạn giặc giã hoặc do sinh nhai… Phú Thọ vì thế là nơi tập trung dân “ngụ cư”. Ở Việt Trì có ngôi đình cổ xây dựng từ thời Tiền Lê nhưng hầu hết các dòng họ ở làng này còn gia phả chứng minh tổ tiên họ đều từ các tỉnh dưới xuôi di cư lên. Phần nhiều là người ở Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Sơn Tây đến, ít có người từ Hòa Bình, Thái Nguyên sang. Ngụ cư lâu thì thành dân chính cư. Người “ngụ cư” đều phải trải qua nạn “ma cũ bắt nạt ma mới” nên tính cách không đơn giản. Do luôn phải che chắn đối phó với hoàn cảnh, với dân bản xứ nên họ buộc phải co vào để thủ thế. Con người một mặt phải dựa vào cộng đồng mới trụ vững với thiên tai giặc giã, một mặt lại đối phó với cộng đồng. Với người nông dân Phú Thọ xưa tư tưởng nặng nề hơn các nơi khác vì họ phần đông đều phải qua cảnh “ngụ cư” để sau nhiều năm, nhiều đời mới trở thành dân chính cư. Tính cách người “ngụ cư” được ăn sâu thành đặc điểm riêng, bản sắc riêng của con người Phú Thọ.
Theo thống kê từ năm 1903 thì tỉnh Phú Thọ có 459 làng. Xa xưa làng gọi là Kẻ, mỗi địa danh làng cổ có một âm tiết thuần Việt. Như: Kẻ Mơ, Kẻ Máy, Kẻ Rền, Kẻ Dài, Kẻ Chen, v.v…
Trong tiến trình phát triển làng Việt, khi Trung ương đã với tay xuống xã, thôn thì Kẻ chỉ còn là tên phụ. Trong sổ bộ của Nhà nước đã ghi tên chữ như: Kẻ Máy gọi là Cao Mại, Kẻ Á là Bản Nguyên, Kẻ Rền là Dục Mỹ, Kẻ Cài là Kinh Kệ, Kẻ Chen là Tứ Mỹ, v.v…
Phần lớn mỗi làng (chữ Nôm, đơn vị tụ cư nhỏ nhất, khép kín mọi mặt) cũng là một xã (chữ Hán, là đơn vị hành chính nhỏ nhất – Xã lên tổng, huyện hoặc châu, phủ rồi lên tỉnh và Trung ương). Cũng có khi một xã được tổ chức gồm có hai, ba làng như xã Hy Cương xa xưa gồm có làng Vi và làng Trẹo. Xã Vụ Cầu có làng Vụ Cầu và làng Thổ Khối. Khi vài làng tổ chức thành một xã thì các làng đó gọi là thôn. Thông thường một xã có nhiều thôn hoặc nhiều xóm. Cũng có trường hợp một làng truyền thống lại chia tách ra thành nhiều xã như Kẻ Gáp (tên chữ là Thạch Gáp) được chia thành 4 xã, 4 dân, gồm: Thạch Cáp, Hùng Lãm, Chân Vĩ, Đông Thịnh. Làng Tứ Mỹ hay xã Tứ Mỹ có một thời người ta cũng xin “giải quy” lập thêm một xã mới gọi là xã Thịnh Mỹ. Khi ấy một làng có 2 xã. Vốn cùng một làng, cùng thờ chung một vị thần nên dù có chia tách thì việc thờ cúng vẫn được các dân trong 2 xã hiệp thương với nhau để duy trì tiệc tùng cầu tế. Với người Việt Nam thì làng mới quan trọng, nó đi vào tình cảm, vào cõi thiêng liêng của mỗi con người, dân ta thường gắn mọi cái vào với làng: đường làng, chợ làng, trường làng, già làng, gái làng, trai làng, đình làng, miếu làng v.v… Ta cũng chỉ nói “Làng – Nước” chứ không ai nói “Làng – Huyện”, “Làng – Tỉnh”. Do vậy chỉ có văn hóa làng, văn hóa dân tộc mà không có văn hóa tỉnh, văn hóa huyện…
Hầu hết các làng ở Phú Thọ lúc đầu là điểm tụ cư của những người cùng huyết thống hoặc liên quan huyết thống. Về sau làng đông dần lên, có nhiều họ khác nhau cùng cư trú. Làng nào cũng chia ra các giáp là tổ chức của nam giới ở trong làng từ ẵm ngửa trở lên. Giáp quản lý 3 hạng người: Tỉ ấu là trẻ con đến 18 tuổi; Tráng đinh gồm những người từ 18 tuổi trở lên, là lực lượng chính có trách nhiệm với làng, với nước như đi tuần phiên, phục vụ lễ hội ở làng, phục vụ ma chay… đi phu phen tạp dịch, đi lính, đóng sưu, đóng thuế; Hạng lão gồm những người từ 50 tuổi trở lên. Có làng quy định tuổi lão từ 49 tuổi. Cũng có làng do tuổi thọ cao, phải 60 tuổi mới được lên hàng lão. Người được lên hàng lão được miễn mọi phu phen tạp dịch, lính tráng.
Lúc đầu Giáp được chia theo họ, mỗi họ là một Giáp. Ở làng Chương Xá (Sông Thao) có họ Đỗ đến ở trước nên gọi là Giáp Cả. Họ Trần đến sau gọi là Giáp Hai. Họ Phùng đến cuối gọi là Giáp Ba. Làng Dậu Dương (Yển Khê) cũng được chia giáp theo họ. Khi giáp được chia theo họ thì họ nào cũng có nhà từ đường thờ tổ họ nhưng lại có một đình riêng, gọi là đình giáp để thờ thần hoàng. Ngày tiệc của làng, các giáp rước thần ra đình công đồng (đình làng) để tế lễ. Làng Tứ Mỹ cũng có 5 đình giáp. Làng Thanh Nga có 3 đình giáp, v.v…
Về sau làng đông người lên, người các họ ở xen kẽ, giáp lại thành một thiết chế trong tổ chức của làng xã truyền thống nên có sự trộn lẫn người của các họ. Khi ấy tên giáp không gọi là giáp Nhất, giáp Nhì hay giáp Cả, giáp Hai… mà gọi theo phương hướng: Đông, Đoài, Nam Bắc, Thượng, Hạ, v.v…
Về tổ chức hành chính làng xã cổ truyền, ta thấy khi xưa không có một viên kỳ mục nào được quyền hành động độc đoán ngoài sự kiểm soát của hội đồng kỳ mục. Hội đồng ấy gồm những quan chức của Nhà nước (quan văn, quan võ) về nghỉ hưu và gồm những viên chánh phó Tổng, chánh phó Lý cựu (đã nghỉ) và những kỳ hào, kỳ dịch đương chức như chánh phó Hội, chánh phó Lý. Hội đồng này là cơ quan tối cao ở làng xã. Họ quyết định mọi việc từ sửa chữa đình chùa, xây trường học đến bổ bán sưu, thuế, phu phen, cử người đi lính, v.v… Hội đồng này có quyền bỏ phiếu bầu chánh phó lý, chánh phó tổng và nghị viện hàng tỉnh. Trực tiếp làm việc với dân với quan trên là hội đồng lý dịch gồm Lý trưởng, 1 hoặc 2 phó Lý, giúp việc họ có các thư ký hộ lại, quản bạ, quản xã. Hội đồng Lý dịch làm việc dưới sự kiểm soát của hội đồng kỳ mục. Đứng đầu hội đồng kỳ mục là tiên chỉ và thứ chỉ, những người có phẩm hàm cao nhất ở làng. Sau này các làng còn hội đồng Tộc biểu (đại biểu của các dòng họ). Mỗi họ cử một hoặc một số người được quy định theo tỷ lệ họ to, họ bé, gồm những người có của, có thế lực ở trong dòng họ vào hội đồng Tộc biểu để khởi thảo bàn bạc việc làng, trình lên để hội đồng kỳ mục phê chuẩn thành nghị quyết chung. Hội đồng Tộc biểu bầu ra những người phụ trách là chánh hội và phó hội. Các ông chánh, phó hội đương và cựu đều có chân trong hội đồng kỳ mục, là cơ quan cao nhất của làng xã. Các ông biểu do họ cử ra nên có trách nhiệm cùng với lý dịch đôn đốc sưu thuế, phu phen, tạp dịch và gọi người trong họ của mình đi lính cho Nhà nước. Nhà nước Trung ương thông qua tộc biểu đã nêu cao vai trò tự quản ở các làng xã truyền thống, do vậy tôn ti trật tự, lệ luật của Nhà nước được thực hiện một cách tự nguyện hơn đối với mỗi thành viên cộng đồng làng. Ở đây chứa đựng âm mưu dùng người Việt trị người Việt mà thâm độc hơn dùng họ tộc cai trị lẫn nhau của chế độ thực dân phong kiến. Trong làng còn tổ chức các phường hội cổ truyền. Những người cùng làm một nghề đều vào một phường nghề để tổ chức sản xuất, tổ chức cầu tế tổ nghề. Những người theo văn học thì vào hội Tư Văn để cầu tế Khổng Tử và Tiên Hiền. Những người theo nghề võ thì vào hội tư võ hoặc hội Bản Binh. Người cùng học một thầy thì vào một hội đồng môn. Những người cùng tuổi vào hội đồng tuế với nhau. Người xưa rất chú trọng đến các tổ chức phường, hội. Nhờ có phường hội mà các thành viên càng gắn bó với quê hương làng xã của mình. Ngày xưa khi cần tiền xây đình, làm trường học… các làng có lệ bán ngôi lấy tiền. Các ngôi có vị trí cao trong các chiếu lễ, chiếu cỗ ở chốn đình trung, ở hàng giáp và mọi cuộc ăn uống trong dân trong làng. Người có tuổi, có chức sắc và người mua ngôi cao mới có thể được tham gia tế lễ, có vai vế trong làng, vì vậy mới có câu “một miếng ngoài làng bằng một sàng xó bếp”. Lệ tổ chức các làng quy định rất rõ vị trí ngôi thứ chỗ ngồi cho mọi hạng người, hạng tuổi ở trong làng. Làng nào cũng trọng tuổi, trọng tước và trọng bằng. Lý trưởng cựu (hưu) được ngồi trên lý trưởng đương. Lão 80 tuổi ngồi chiếu nhất cùng Tiên chỉ và người đỗ Tiến sĩ hoặc cống, cử nhân. Ngay thời Nguyễn, Vua Tự Đức đã có chỉ dụ về việc ngồi họp, ăn uống ở đình, lý trưởng chỉ được ngồi ở gian phải với dân đinh. Gian giữa, gian trái dành cho lão hạng, người đỗ đạt và đàn anh trong làng. Thời phong kiến rất chú ý kế thừa truyền thống tôn ti của dân tộc. Tôn ti trật tự là sản phẩm của văn hóa nông nghiệp lúa nước, một thời ta tưởng là tàn dư của chế độ phong kiến nên bài trừ tràn lan làm suy giảm đi truyền thống kỷ cương lệ làng phép nước của toàn xã hội.
Tổ chức làng xã theo xóm, dòng họ, phe, giáp, phường hội ngôi thứ và chức sắc, chức dịch gắn với các lệ khao vọng tuy lãng phí tốn kém nhưng lại nêu cao lòng tự trọng và nêu cao tôn ti trật tự, đảm bảo sự bình đẳng, bình yên của các thành viên trong làng xã cổ truyền. Nhờ có các thiết chế tổ chức làng xã tự quản, tự nguyện mà làng Việt Nam đã bảo vệ che chở cho từng thành viên trong cộng đồng của mình khỏi bị trở thành nô lệ cho bất kỳ một tay chủ nô nào. Nhờ có tổ chức cộng đồng làng xã tự quản ấy mà lịch sử Việt Nam đã không phát triển qua giai đoạn chiếm hữu nô lệ như ở các quốc gia phương Bắc khác. Nhờ có văn hóa làng được giữ vững mà văn hóa dân tộc được bảo tồn. Lịch sử đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng làng vẫn luôn bền chặt. Vì còn làng (văn hóa làng) cho nên đến một lúc nào đó dân ta lại giành được nền độc lập cho quốc gia. Bằng chứng là khi xưa Mã Viện từng đưa người Tàu sang ở chen vào các làng Việt với động cơ đồng hóa dân ta, nhưng kết quả, đám dân Mã Lưu ấy ở lẫn dân Việt lâu lại bị thuần phong mỹ tục của các làng Việt thuần hóa. Ở Phú Thọ cách đây không lâu vẫn còn có khá nhiều gia đình người nước ngoài ở len lỏi trong các làng của ta. Họ không hề mảy may thay đổi được phong tục tập quán của làng Việt. Ngược lại còn bị văn hóa làng Việt thuần hóa.
N.H.N