Thủy Kiều
Ngắm đôi mắt to, sáng, đường mi đậm và sống mũi thẳng tắp trên gương mặt hoàn hảo của Hưng, tôi ngỡ cậu bé này là thiên thần lạc giữa nhân gian, và cũng không thể hình dung cái duyên gặp gỡ ấy đưa tôi đến một hành trình kì diệu khác.
***
“Thức ăn này là tặng phẩm của đất, trời, của muôn loài và công phu lao tác.
Xin nguyện ăn trong chánh niệm và với lòng biết ơn để xứng đáng thọ nhận thức ăn này.
Khi ăn, xin nhớ nhận diện và chuyển hóa những thói quen xấu, nhất là tật ăn uống không có chừng mực.
Xin nguyện ăn như thế nào để giảm thiểu khổ đau của mọi loài, bảo hộ được Trái đất và chuyển ngược lại quá trình hâm nóng địa cầu.
Vì muốn xây dựng tăng thân, nuôi dưỡng tình huynh đệ và độ đời nên chúng con xin thọ nhận thức ăn này.”
Những câu chưa thật sự tròn vành rõ chữ thốt ra từ cậu bé 15 tuổi Nguyễn Khắc Hưng – Kỉ lục gia Guinness Thế giới, nhè nhẹ rót vào tai tôi, khiến bữa ăn trở nên rôm rả, cho dù ở đó có những người tôi chỉ vừa mới quen.
Tôi có duyên gặp Hưng vào một ngày sắt se lạnh cuối năm 2023. Qua lời kể của những người thầy, chuyên gia chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỉ, tôi mới biết Hưng mắc chứng tự kỉ nặng trong hoàn cảnh tột cùng khắc nghiệt – mẹ phải thụ án khi em mới 2 tuổi, bố mất vì tai biến khi em 13 tuổi. Ngắm đôi mắt to, sáng, đường mi đậm và sống mũi thẳng tắp trên gương mặt hoàn hảo của Hưng, tôi ngỡ cậu bé này là thiên thần lạc giữa nhân gian, và cũng không thể hình dung cái duyên gặp gỡ ấy đưa tôi đến một hành trình kì diệu khác.
– Đẹp không?
Tôi nhướn đôi mắt thẫn thờ vì thiếu ngủ ra ngoài cửa xe, theo hướng chỉ của dịch giả Khánh Phương, thấp thoáng thấy những bóng cây co ro trong gió, chực chờ đổ rạp xuống cánh đồng hoang xăm xắp nước. Cơn lạnh ngoài Bắc dịp cận Tết dường như đang cố gắng phô trương cho bằng hết sự ác nghiệt của nó.
Trốn trong chiếc xe 7 chỗ, tôi được sưởi ấm nhờ bản nhạc Sunflower êm dịu phát ra từ những ngón tay quá đỗi bé xinh của Khắc Hưng mỗi khi em chạm vào cây đàn guitar thân thuộc. Chuyến xe này dẫn chúng tôi đến Bắc Giang, nơi có dòng sông Thương nổi tiếng chảy qua, nơi được coi là “thủ phủ” vải thiều. Tầng tầng lớp lớp cây vải bao quanh khắp bản làng, núi đồi. Vải chín đỏ thẫm dưới những tán lá xanh rầm rì. Từng chùm quả chín mọng trĩu nặng cành, trải rợp các ngả đường, sà xuống đất, chạm vào tận má lữ khách. Ấy là nếu chúng tôi đến đây vào độ tháng Năm, tháng Sáu. Còn lúc này, trong suy nghĩ của tôi, Bắc Giang không có gì ngoài rét mướt.
Bản nhạc Sunflower tắt ngấm, Kỉ lục gia Khắc Hưng đã hoàn thành nhiệm vụ trả bài cho các thầy đủ 50 lần. Tôi cựa mình trong lớp quần áo dày cộm, hít một hơi thật sâu rồi thở hắt ra, cố gắng chắt chiu thêm chút năng lượng trước khi ra khỏi xe.
Cơn lạnh ngày hôm ấy là một hiện tượng không thể lí giải. Quấn lên người bao nhiêu lớp áo quần cũng không thể ấm hơn. Cái lạnh không chỉ đâm từ ngoài vào, mà còn xuyên từ trong ra. Cơn lạnh hành hạ, tra tấn cả những người giỏi chịu lạnh nhất. Nếu không bị hút ngay vào hàng chục ánh mắt và nụ cười lấp lánh quanh mình, có lẽ máu tôi đã bị đông đặc. Đó là các em nhỏ mắc chứng tự kỉ đang được chăm sóc và giáo dục đặc biệt tại Trung tâm Hoa Xuyến Chi – cái tên gây ấn tượng mạnh với tôi. Mùa đông, các em nhỏ ở đây được ủ ấm trong những chiếc áo phao màu đỏ.
Các thầy tại Trung tâm giải thích rằng xuyến chi là loài hoa dại, có sức sống bền bỉ, mãnh liệt, dễ dàng mọc ở cả những nơi có điều kiện cằn cỗi nhất. Chính vì thế, đây là một trong những loài hoa tượng trưng cho sự mạnh mẽ, ý chí kiên cường, không chịu khuất phục trước khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được tận mắt thấy những “bông hoa xuyến chi” màu đỏ xinh ngoan và đáng yêu đến mức ngẩn ngơ.
“Bông hoa” đầu tiên bắt chuyện với tôi là Phúc. Em dẫn tôi đi ngó nghiêng nơi tập luyện, ăn uống, sinh hoạt của các bạn tự kỉ. Phúc giới thiệu và ứng biến nhanh, nhạy những câu hỏi của tôi. Những ai lần đầu gặp, mà nếu không biết, có lẽ không tin em là trẻ tự kỉ. Tôi nghe lỏm được rằng các thầy ở Trung tâm gọi vui Phúc là “Giám đốc Kĩ thuật”. Em có khả năng thu xếp và thông thạo mọi việc. Nhờ sự quán xuyến của Phúc, các em nhỏ tự kỉ ở đây ai nấy đều răm rắp nhớ phần việc của mình.
Bất chấp mùa đông lạnh giá, cây mít tố nữ ngự giữa sân vẫn chìa ra những tán lá điệu đàng, thả xuống vài trái bé bé xinh xinh, lủng liểng như những món đồ trang sức. Dưới gốc cây là 2 “bông hoa” màu đỏ đang tụm lại với nhau.
– An và Lộc Béo đang làm gì thế?
– Rau cần.
Câu trả lời không thể súc tích hơn làm tôi bật cười. Với trẻ tự kỉ nặng, khả năng tương tác như vậy là một sự dịch chuyển đáng kinh ngạc; và kĩ năng làm việc nhóm, tinh thần đồng đội, chung sống thuận hòa, hỗ trợ nhau như anh em một nhà, trong cộng đồng trẻ tự kỉ, theo tôi, đó là phép màu.
Nhìn những ngón tay cần mẫn, nhẫn nại bứt từng cọng rễ ra khỏi mớ rau, tôi không làm thế nào khép miệng lại được. Tôi cảm nhận rõ nguồn năng lượng hân hoan kì lạ đang dần xâm lấn khắp cơ thể. Đến đây chưa đầy một tiếng mà tôi đã kịp hòa nhập với nhịp sống của các em tự kỉ. Các em say sưa làm việc, chẳng bận tâm thời tiết ra sao, tâm trạng thế nào.
Giờ ăn trưa có nhóm sửa soạn bát đũa, ăn xong sẽ lại có một nhóm do Lộc Gầy dẫn dắt, vừa dọn dẹp vừa rửa bát. Tôi ngỡ ngàng trước khả năng tổ chức và kỉ luật tuyệt vời của các em. Đan xen những lúc làm việc nhà để tiếp đón khách, các em vẫn luyện các bài tập đặc biệt giúp cân bằng tâm trí.
Những đứa trẻ mắc chứng khuyết tật trí tuệ thường bị xem là gánh nặng của gia đình, khi được đặt vào môi trường giáo dục phù hợp và được yêu thương, chăm sóc đúng cách, các em trở nên thuần lành, tinh khiết như những bông hoa. Tiến sĩ Phan Quốc Việt, người đã dành hàng chục năm nghiên cứu về trẻ tự kỉ, từng nói, mỗi đứa trẻ tự kỉ đều có một số phận và đều bị “dính mắc” một điều gì đó, cần tạo lập cho các em môi trường sinh hoạt riêng. Ở đó, các em có cộng đồng, có tình yêu thương, được hướng dẫn luyện tập và dạy bảo lẫn nhau.
“Yêu thương” và “Biết ơn” là 2 từ khóa mà tôi tìm thấy khi được tiếp xúc với những đứa trẻ tự kỉ. Trẻ tự kỉ trao cho tôi cơ hội thực hành tình yêu vô điều kiện và chấp nhận sự khác biệt. Tôi cũng học được rằng, bất kì hành động nào của mình đều có thể truyền tín hiệu đến trẻ tự kỉ: cho dù các em nói gì hay làm gì, các em vẫn luôn được đón nhận.
Trung tâm Hoa Xuyến Chi từng là ngôi nhà yêu thương của Nguyễn Khắc Hưng, trước khi em trở thành Kỉ lục gia Guinness Thế giới. Chuẩn bị rời Trung tâm Hoa Xuyến Chi, chúng tôi hỏi Hưng có muốn ở lại đây không, cậu bé dứt khoát nói “Không”.
Dễ hiểu vì sao Hưng có phản ứng như vậy. Em lúc này đang bận rộn với vai trò của một Kỉ lục gia. Đôi chân nhỏ bé lon ton khắp các vùng miền để tiếp tục sứ mệnh truyền động lực và cảm hứng cho đời. Tôi vụng nghĩ, những bông hoa xuyến chi màu đỏ đặc sắc ở Bắc Giang có lẽ cũng sẽ dần trưởng thành và bung tỏa hương sắc, giống như Hưng.
Chúng tôi lên xe, tiếp tục hành trình đến Thái Nguyên để tham dự buổi tọa đàm về chủ đề “Giải pháp chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỉ”. Vài tiếng ngắn ngủi ở Bắc Giang đã kịp cho tôi ngấm cái lạnh và thấm cả sự hữu tình ở nơi đất thơm người hiền. Tôi còn “lãi” thêm món quà do các em tự kỉ tặng. Đó là sen đá – loài cây kiên gan, sống được trong môi trường khắc nghiệt, và đôi khi chỉ cần một chiếc lá cũng có thể nảy chồi. Năng lực này khiến sen đá trở thành biểu tượng của tình yêu vững bền.
Cơn lạnh ban chiều ở Thái Nguyên hay là lúc khuya khi đã về tới Hà Nội chẳng thể làm phiền tôi được nữa, vì tôi đã thấm đủ hỗn hợp năng lượng chiết xuất từ hoa xuyến chi và sen đá, để ủ ấm bản thân hết mùa đông năm nay và cả những năm sau này.